Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
LÀNG GỐM TÂN VẠN


Nguyễn Xuân Khuê

(Nguồn: VNĐN số 13 – tháng 05 & 06 năm 2016)

 

1. Làng nghề truyền thống độc đáo ở Biên Hoà

Tân Vạn vốn là làng cổ bên sông Đồng Nai. Những năm đầu thế kỷ XIX, nơi đây được người Hoa, người Việt chọn cư trú và sinh sống bằng nghề làm gốm, bên cạnh nghề nông và đánh bắt thủy sản ở sông Đồng Nai. Làng Tân Vạn thu hút thêm nhiều người sinh sống và làm nghề gốm khi Cù lao Phố bị tàn phá bởi xung đột giữa phong trào Tây Sơn và nhà Nguyễn. Làng gốm Tân Vạn hình thành khá sớm và có những giai đoạn chuyển mình phát triển mạnh. Trong hai thế kỷ XVII, XVIII, các lò gốm chuyên làm các mặt hàng gốm gia dụng để phục vụ người dân khu vực miền Nam, đặc biệt là khu vực Đông và Tây Nam Bộ.

Đỉnh cao của nghề gốm bắt đầu từ đầu thế kỷ XX với sự ra đời của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa. Từ đó tạo nên bước ngoặt cho gốm Biên Hòa, Đồng Nai nổi tiếng trong nước và quốc tế. Năm 1903, Trường Dạy nghề Biên Hoà (École professionnelle de Bienhoa) được thành lập. Người dân quen gọi là trường Bá Nghệ Biên Hoà. Năm 1913, trường đổi tên thành trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa (École d’Art indigene de Bienhoa). Từ năm 1923, ông bà Balik - Hiệu trưởng đã thành lập Hợp tác xã thủ công thợ đúc và thợ gốm. Mô hình Hợp tác xã này quy tụ được những nghệ nhân, làm nhiều sản phẩm gốm nổi tiếng, được tặng thưởng nhiu huy chương, bằng khen trong các triển lãm trong nước và quốc tế. Từ năm 1950, Hợp tác xã Mỹ nghệ tách ra khỏi Trường, trở thành đơn vị sản xuất tự lập ở làng gốm Tân Vạn. Sản phẩm gốm của làng Tân Vạn ngày càng đa dạng với những cải tiến trong quy trình sản xuất, nguyên liệu, thiết kế,kỹ thuật pha chế men gốm và các loại sản phẩm từ gia dụng đến nghệ thuật, đồ thờ trong tín ngưỡng… Làng gốm Tân Vạn có hai cụm sản xuất chính: Một cụm ở khu tả ngạn kéo dài từ cầu Hoá An đến cầu Đồng Nai, cụm gốm của trường Mỹ thuật thực hành Biên Hòa.

Sau năm 1975, làng nghề gốm cũng khá phát triển và cung cấp nguồn sản phẩm về vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt thường ngày. Một số Hợp tác xã gốm được hình thành theo hướng sản xuất và quản lý của nhà nước. Một thời kỳ khi đẩy mạnh hàng xuất khẩu, các Hợp tác xã do nhà nước quản lý có điều kiện phát triển mạnh, thu hút nhiều lao động, lượng sản phẩm nhiều và góp phần trong kinh tế của địa phương. Về sau, khi có chủ trương được phát triển kinh tế tư nhân, nhiều hộ làm gốm của làng nghề đã đầu tư, đẩy mạnh phát triển nghề. Bên cạnh đó, các công ty quốc doanh và Hợp tác xã sản xuất gốm đã đầu tư vốn tập trung đẩy mạnh sản xuất theo hướng công nghiệp với trang thiết bị hiện đại, quản lý và vận hành, sản xuất theo hướng chuyên nghiệp đưa nghề gốm phát triển theo xu thế mới. Hợp tác xã gốm Thái Dương và Công ty gốm Việt Thành đã có dây chuyền công nghệ sản xuất chuyên biệt.

Trải qua 300 năm hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hoà - Đồng Nai, những lò gốm ở Tân Vạn vẫn duy trì theo hình thức truyền nghề “cha truyền con nối”, hoạt động chủ yếu theo gia đình, dòng họ. Thời kỳ mở cửa và chuyển qua nền kinh tế thị trường, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư phát triển cơ sở, thành lập tổ hợp, hợp tác xã, để từ đó khơi dậy nghề gốm truyền thống, các cơ sở mở rộng qui mô, tăng cường các loại mẫu mã đáp ứng nhu cầu sản xuất, trao đổi trên thị trường. Hiện nay, làng gốm Tân Vạn có trên 100 cơ sở sản xuất với quy mô khác nhau, trong đó, chiếm 70% là cơ sở gốm manh tính gia đình.

2. Bảo tồn và phát huy làng gốm Tân Vạn

Làng gốm Tân Vạn với các cơ sở doanh nghiệp, hộ gia đình hành nghề là một quần thể di tích được hình thành khá sớm trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Mang tính chất cả hoạt động kinh tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật gắn liền với quá trình phát triển nghề là những dấu tích quan trọng trong sự hình thành của nghề thủ công truyền thống qua từng giai đoạn cụ thể. Những lò gốm truyền thống được xây bằng gạch nung gốm lấy củi làm chất đốt phản ảnh một thời đoạn về trình độ kỹ thuật của làng nghề. Đó là những dấu tích quan trọng và có giá trị lịch sử.

Sản phẩm gốm Tân Vạn với nhiều chủng loại, đa dạng về phong cách và công dụng, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng vừa đáp ứng nghệ thuật trang trí đã trở thành những vật thể hữu ích trong đời sống của cư dân Đồng Nai nói riêng và Nam bộ nói chung. Sau này, với sự tác động của quá trình hội nhập, sản phẩm gốm Tân Vạn đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, đến với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới qua hoạt động xuất khẩu. Từ những sản phẩm dân dụng đơn sơ lúc đầu như cái lu, hũ, khạp, nồi đất...sản phẩm làng gốm Tân Vạn đã vươn xa ra thế giới với những sản phẩm gốm mỹ nghệ, độc đáo theo phong cách riêng mang đậm dấu ấn gốm Biên Hoà. Đó là những sản phẩm gốm mỹ thuật dùng trang trí đĩa gốm, bình gốm, các con vật trang trí, tranh gốm được chạm khắc tinh tế, sắc sảo hay phủ những màu men độc đáo. Một số sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đời sống tín ngưỡng như tượng các nhân thần, thần linh, con vật…được bài trí trong các cơ sở tín ngưỡng.

Những nghệ nhân, thợ gốm lành nghề có thể gọi là “báu vật nhân văn sống” của nghề thủ công truyền thống xứ Biên Hòa. Với kinh nghiệm trải qua thời gian gắn bó với nghề, làng nghề, những người thợ gốm là tài sản vô giá năm giữ những tri thức quan trọng của nghề, những sản phẩm gốm qua bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và kỹ năng đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, làm vang danh cho nghề, cho làng nghề.

Cùng với những giá trị khác của làng nghề: ứng xử trong cộng đồng, tín ngưỡng thờ Tổ nghề, tri thức trong sáng tạo kỹ thuật, nghệ thuật của các nghệ nhân, người thợ…làng gốm Tân Vạn cần được nghiên cứu để làm sao phát huy những giá trị vốn là một thực thể, một hoạt động kinh tế gắn liền với môi trường, cảnh qua của lịch sử hình thành và phát triển. Hiện nay, trên cơ sở nhằm bảo vệ môi trường và tôn tạo cảnh quan ven sông Đồng Nai, làng gốm Tân Vạn đã và đang thực hiện những bước của dự án tập trung vào khu tập trung ở Tân Hạnh. Thế nhưng, bên cạnh những tích cực của công việc này vẫn còn đó những băn khoăn để làm sao phát huy làng nghề một cách hiệu quả nhất.

Trong thời gian qua, công tác bảo tồn di sản văn hoá nói chung, của nghề gốm nói riêng ở Đồng Nai có những bước đi căn cơ. Tuy nhiên, nếu thành lập một Bảo tàng gốm gắn với làng nghề với sự chung tay của nhiều nguồn lực xã hội sẽ là một thuận lợi hơn cho công tác bảo tồn. Thiết nghĩ, Hiệp hội gốm Đồng Nai và các cơ quan hữu trách cần nghiên cứu để phát huy giá trị văn hoá của làng nghề trong hoạt động du lịch của địa phương. Đó là một hướng đi đem lại hiệu quả cho nghề và làng nghề thủ công truyền thống, vừa tôn vinh giá trị văn hoá của loại hình di sản này đồng thời quảng bá được văn hoá của cộng đồng, địa phương., Từ cơ sở thực hiện gắn liền với bước đi căn cơ, đảm bảo chủ thể làng nghề (chủ cơ sở, chủ hộ, thợ gốm, nghệ nhân…) hưởng lợi ích thiết thực, hợp lý trong khai thác du lịch sẽ đem đến những thuận lợi trong công tác bảo tồn và phát huy làng nghề gốm Tân Vạn - một loại hình di sản văn hoá, hoạt động kinh tế và đồng thời cũng là tài nguyên quan trọng, góp phần chung cho kinh tế - xã hội của địa phương.

 

N.X.K

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​