Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
VỀ XỨ "NHIỀU VUA"


Bút ký của Hoàng Ngọc Điệp

(Nguồn: Sách Đất lành - Nxb. Đồng Nai 2016)

 

Sáng 24/1/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới cho Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Sau 4 năm xây dựng nông thôn mới, vinh dự này là sự ghi nhận và tưởng thưởng của chính phủ cho những cố gắng không mệt mỏi của Đảng bộ và nhân dân hai địa phương nói trên. Chỉ sau 3 ngày về Xuân Lộc, tôi đã hiểu vì sao nơi đây là 1 trong 2 địa phương đạt chuẩn nông thôn mới sớm nhất cả nước.

 

 

Thị trấn Xuân Lộc. 20 giờ.

Bầu trời lợn cợn mây nhưng không mưa. Không khí mát mẻ dễ chịu. Nhiếp ảnh gia Kiều Tân và Thành Viên rủ tôi cùng Dương Đức Khánh dạo ra phố để ngắm thị trấn về đêm. Từ trưa, khi mới tới trung tâm thị trấn Xuân Lộc, tôi đã thấy cảnh quan ở đây nổi bật bởi những dãy panô cổ động nền đỏ chữ vàng mang lại không khí hội hè cho phố núi. Bởi vậy dù là ban đêm, hai ông “phó nháy” không chịu bỏ lỡ cơ hội, vác máy ảnh đi tác nghiệp. Chờ cho hai anh chụp hình xong, bốn chúng tôi thong thả tản bộ trên những con đường trải nhựa, qua những cửa hàng, cửa hiệu, quán ăn… Hẳn nhiên, Xuân Lộc không nhộn nhịp như Biên Hòa. Nhưng vẻ bình yên, dịu dàng của phố núi trong mờ ảo ánh đèn đêm mang nét lãng mạn rất riêng.

Nhìn trên bản đồ tỉnh Đồng Nai, huyện Xuân Lộc cách thành phố Biên Hòa 70 km, phía bắc giáp huyện Định Quán (Đồng Nai) và huyện Đức Linh (Bình Thuận), phía nam giáp huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) và thị xã Bà Rịa (Vũng Tàu), phía tây giáp thị xã Long Khánh. Trong kháng chiến chống Mỹ, Xuân Lộc nổi danh là “cánh cửa thép” của chính quyền ngụy, có nhiệm vụ án ngữ cửa ngõ vào trung tâm đầu não Sài Gòn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cả ta và địch đều đã đổ không ít máu xương cho trận chiến cuối cùng, trước khi quân giải phóng đập tan “cánh cửa thép”, tiến về giải phóng Sài Gòn. 40 năm sau, nơi đây gần như đã sạch làu vết tích chiến tranh. Đâu đâu cũng hiện hữu màu xanh rời rợi của cây cối, vườn tược, nhà cửa, trường học, trạm xá, tất thảy cho thấy vùng đất này đã, đang hồi sinh mạnh mẽ. Mấy năm nay, đã có hàng chục đoàn khách trung ương và các tỉnh bạn về Xuân Lộc tham quan, chiêm ngưỡng thành quả xây dựng nông thôn mới. Người dân ở đây đã quen với việc tiếp khách các tỉnh. Bởi vậy, khi liên hệ cho nhóm văn nghệ sĩ đi Xuân Lộc tác nghiệp, tôi thật sự thấy an tâm.

Về Xuân Lộc, người đầu tiên tiếp chúng tôi là chị Nguyễn Thị Cát Tiên - Phó Chủ tịch huyện. Chị mới chừng ngoài 40, da trắng, nét mặt thanh tú, có cách nói chuyện thật tự nhiên, cởi mở. Trước khi giữ cương vị phó chủ tịch huyện, Cát Tiên từng công tác ở phòng nông nghiệp huyện. Trả lời câu hỏi nguyên nhân thành công của Xuân Lộc, chị chỉ cười, trả lời ngắn gọn: Có chủ trương, đường lối đúng, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền, sự hỗ trợ đắc lực của khoa học kỹ thuật và sự đồng thuận của nhân dân, đó là “chìa khóa vàng” mở cánh cửa thành công không chỉ của riêng Xuân Lộc mà của toàn tỉnh Đồng Nai. Xuân Lộc là huyện miền núi nghèo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trước nay vẫn là địa phương có đời sống kinh tế, trình độ dân trí vào loại thấp nhất tỉnh. Năm 2009 huyện tiếp nhận kế hoạch 97 của tỉnh về xây dựng nông thôn mới như đón luồng gió mát giữa trưa hè. Ngay sau đó, huyện ủy triển khai đến 38 tổ chức cơ sở đảng với 4.018/4.064 đảng viên, 676 quần chúng cốt cán; 7.934 đoàn viên, hội viên và 154.327 lượt hộ dân. Giai đoạn 2009 - 2014, bằng nhiều cách, huyện huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới được 12.758,7 tỷ đồng. Riêng đầu tư cho giao thông đạt 831.523 triệu đồng, trong đó đáng chú ý là nhân dân đóng góp 228.430 triệu, người dân còn hiến đất, cây trồng trị giá 52.997 triệu, công lao động 3.387 triệu đồng. Sau 4 năm phát động xây dựng nông thôn mới toàn huyện đã có 14/14 xã đạt chuẩn. Năm 2015 huyện xây dựng Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao và đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện. Nói thì ngắn gọn vậy, nhưng tôi hiểu, để có được thành quả xây dựng nông thôn mới ở một huyện có xuất phát điểm thấp như Xuân Lộc thì chính quyền và người dân ở đây đã thật sự “dời non lấp biển".

Buổi chiều, để chúng tôi “mắt thấy tai nghe” hành trình xây dựng nông thôn mới của Xuân Lộc, chị Cát Tiên cho một bạn trẻ tên Dũng ở phòng nông nghiệp huyện đưa chúng tôi xuống các xã. Chúng tôi lên xe bảy chỗ đi theo anh bạn hướng dẫn viên trẻ, nói đặc giọng xứ Nghệ. Dũng bảo Xuân Lộc nổi tiếng có “nhiều vua”, những ông vua không ngai vàng, vua tiêu là ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Xuân Thọ, vua bắp là ông Lý Phát Sinh ở xã Lang Minh, vua gà là ông Lâm Thanh Đức xã Xuân Phú và còn nhiều vua khác. Dũng sẽ đưa chúng tôi đi thăm cơ sở của vài vị vua không ngai của Xuân Lộc.

Đường về Xuân Tâm, xã vùng sâu của Xuân Lộc trải nhựa đen mun, láng bóng. Hai bên đường, vườn tược trải dài, xanh tốt mơn mởn, những mái nhà xinh xắn, khang trang. Hội trường xã Xuân Tâm rộng rãi sáng sủa, bàn ghế, quạt điện… thứ gì cũng mới cáu. Chủ tịch xã Vũ Văn Quý vì mới về nhận nhiệm sở nên đã mời ông Trương Công Lý, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã đến cùng tiếp chúng tôi. Ông Lý chừng ngoài 50, vóc nhỏ bé, giọng xứ Nghệ oang oang. Ông có 31 năm làm trong ngành công an, về hưu, ông “kinh qua” nhiều hoạt động cộng đồng, được bà con tín nhiệm, bầu làm Chủ tịch mặt trận tổ quốc xã. Nghe ông sôi nổi kể về địa bàn xã Xuân Tâm, thấy ông thuộc mảnh đất này như thuộc lòng bàn tay. Xuân Tâm có 28.000 dân, hai tôn giáo là Ki-tô giáo và Phật giáo, bà con lâu nay vẫn canh tác lúa, bắp, củ mì, tiêu, điều, nhưng đất sỏi đá bạc màu, hạt lúa, củ khoai làm ra phải đổi bằng bao nhiêu mồ hôi, công sức. Đã vậy, giá nông sản trồi sụt làm đời sống của người dân cũng trồi sụt theo. Chủ trương xây dựng nông thôn mới thật sự là cú hích mạnh đối với vùng đất khó nghèo này.

Năm 2010, Xuân Tâm hạ quyết tâm xây dựng nông thôn mới, dù xã có nhiều khó khăn nhất huyện. Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Nhật là người chỉ đạo trực tiếp phong trào. Ông Nhật cho họp lãnh đạo, ban hành 2 nghị quyết chuyên đề: Xây dựng nông thôn mới và học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nông dân làm ra nông sản xuất khẩu, mang GDP về, đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia. Xây dựng nông thôn mới là đem lại ấm no, hạnh phúc cho bà con nông dân, chủ trương đầy tính nhân văn. Nhưng muốn xây dựng được nông thôn mới thì phải có con người mới đủ đức, đủ tài. Vậy là ra đời nghị quyết chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm rèn giũa, nâng cao năng lực cán bộ đáp ứng yêu cầu của địa phương. Ông Lý cho rằng, cán bộ Xuân Tâm làm việc với cường độ cao… nhất tỉnh, giờ hành chính, các văn phòng đều trống trơn vì cán bộ phải xuống cơ sở. Hiện tại, Xuân Tâm đang “chuẩn hóa” cán bộ, hầu hết đã có bằng đại học, trung cấp chính trị, có người đang học cao học. 9 ấp của xã được giao cho 9 thành viên Ban chấp hành Đảng ủy trực tiếp chỉ đạo, theo dõi. Lãnh đạo xã chọn ấp 6 là ấp nghèo nhất để thí điểm.

Khi con đường đầu tiên dài 300 mét được đổ bê tông dày 12 cm, nhà nước tỉnh chịu 50% kinh phí, nhà nước huyện chịu 30%, còn lại 20% dân đóng góp. Ban đầu bà con nghe cán bộ nói rồi… bỏ ngoài tai vì còn hoài nghi, nhưng khi nhìn thấy xe ủi tới san lấp đất, ai nấy bắt đầu tin lãnh đạo nói thật. Các nhà vui vẻ bảo nhau đóng góp. Con đường thứ hai dài tới 700 mét chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành. Trong vòng 3 năm, Xuân Tâm tổ chức 5 đợt dân vận, đều thành công. Tất cả các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đều chung tay xây nhà tình thương, hỗ trợ trẻ em nghèo, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ… Không khí xây dựng cuộc sống mới tràn ngập khắp nơi. Xã Xuân Tâm được cả tỉnh biết đến vì phong trào xã hội hóa các công trình dân sinh, nhiều hộ dân tình nguyện hiến đất làm đường.

Rời UBNND xã Xuân Tâm, chúng tôi ghé nhà thờ giáo xứ Hiệp Lực. Giáo xứ có 8.000 giáo dân trên tổng số 28.000 dân. Chánh xứ Đaminh Hà Thế Tâm vóc dáng cao lớn, trắng trẻo, cách nói chuyện rất “đời”. Nghe chúng tôi hỏi những đóng góp của bà con giáo dân cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, cha thành thật kể, hồi mới được bề trên điều về Xuân Tâm, nhìn cảnh quan ở đây, cha rất… nản. Mỗi lần đi làm lễ xức dầu cho con chiên, cha bì bõm lội sình đứt cả quai dép. Đám tang giáo dân đi từ nhà thờ ra nghĩa trang phải lội ruộng hàng cây số. Tối đến điện không có, cả vùng le lói ánh đèn dầu. Khi Xuân Tâm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, có nguồn lực nhà nước hỗ trợ, cha Tâm thấy cơ hội đã đến, bèn vận động giáo dân chung sức làm đường. Con đường từ nhà thờ ra nghĩa trang được làm đầu tiên, rồi đến đường nội địa. Giao thông thông thoáng, ai cũng hởi lòng hởi dạ, cha lại vận động bà con kéo đường điện. Bây giờ thì xóm ấp sáng trưng, đường sá sạch sẽ, có người quản lý hẳn hoi, bà con giáo dân rất phấn khởi. Chánh xứ Hà Thế Tâm hàng năm đều vận động giáo dân góp công, góp của để hỗ trợ chính quyền chăm lo cho hộ nghèo, ông đã vận động tới 10 tỷ đồng quà tết cho bà con trong vùng.

Ở Xuân Tâm, có trên 1.500 hộ dân theo đạo Phật. Khi chúng tôi tới thăm chùa Quảng Long, thầy Thích Phước Khánh trụ trì ở đây rất vui mừng. Ông chừng ngoài 60 có “lý lịch trích ngang” khá đặc biệt: xuất gia năm 12 tuổi, vào sống trong chùa Từ Hiếu (Huế) để giúp đỡ cán bộ cách mạng, lớn lên đi bộ đội, tham gia kháng chiến chống Mỹ, năm 1979 ông lên phía Bắc chống quân bành trướng. Sau 16 năm phục vụ trong quân đội, ông giải ngũ, trở lại đường tu hành. Về trụ trì chùa Quảng Long 18 năm, thầy Phước Khánh tham gia Hội đồng nhân dân xã khóa 5. Khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới ông vận động phật tử đóng góp hơn 3 tỷ đồng, trung bình mỗi người 500 ngàn đồng xây lại chùa để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nhựa hóa hơn nửa cây số đường giao thông và những công trình công cộng khác. Ngôi chùa sập xệ mái tranh vách đất được xây lại rộng rãi khang trang, sân, vườn chỗ nào cũng trồng cây xanh. Nhà chùa có cả xe hơi. Bây giờ thầy Thích Phước Khánh thong dong lo việc nhà chùa, chăm sóc phần hồn cho tăng ni phật tử, lâu lâu lên xe hơi đi làm… công tác xã hội. Tôi chợt nhớ ông Trương Công Lý bảo đưa chúng tôi đi gặp hai vị chức sắc tôn giáo để minh chứng rằng chủ trương xây dựng nông thôn mới rất hợp lòng dân, và một khi các tôn giáo cũng ủng hộ nhiệt tình thì thành công là chuyện trong tầm tay.

Có đường giao thông, Xuân Tâm tích cực chuyển đổi từ cây trồng cho thu nhập thấp sang trồng cao su, tiêu, phát triển chăn nuôi heo, gà theo mô hình trang trại. Bình quân 1 ha đất nông nghiệp đạt từ 135-140.000.000 đ/ năm. Đời sống kinh tế của xã được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân năm 2010 là 10.250.200đ/ người, tới năm 2015 đạt xấp xỉ 35.000.000đ/ người, Xuân Tâm đã chính thức xóa hết hộ nghèo A theo chuẩn hiện tại.

Rời Xuân Tâm, chúng tôi về Suối Cát, cũng là xã vùng sâu của Xuân Lộc. Những năm mới giải phóng, Suốt Cát còn nhiều rừng, đời sống người dân rất cơ cực vì giao thông trắc trở, địa hình phức tạp. Nhưng mấy năm nay tiếng tăm Suối Cát nổi như cồn nhờ các “đại gia” làm vườn. Một trong những “đại gia” ấy là ông Phan Chinh, một nông dân gốc Quảng Nam. Ông Phan Chinh có ba anh trai là liệt sĩ chống Mỹ, má ông là bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhị. Ngôi nhà xây của ông có cái sân rất rộng để phơi nông sản, trong nhà những bao tải căng tròn chất cao tới sát trần, ông giải thích, đó là bắp dùng cho chăn nuôi. Nhìn người đàn ông ăn vận xuềnh xoàng, quần áo, tay chân dính đầy nhựa cây, khó ngờ ông hiện đang là một trong những “vua điều”, vì sở hữu 4 ha vườn điều, mỗi năm thu hoạch 12 tấn. Trung bình mỗi tấn điều giá hai trăm triệu. Tôi nhẩm tính và thấy… chóng mặt với khoản tiền người nông dân xứ Quảng này thu về sau mỗi mùa điều. Nhưng không chỉ có điều. Ông Chinh còn “kinh doanh đa ngành”, nuôi khơi khơi mỗi năm ông cũng bán trên 300 con gà, hiện trong chuồng có 50 cặp bồ câu đang đẻ. Giống bồ câu Pháp dễ tính, chỉ cần nuôi chúng bằng gạo lứt. Riêng 5 sào lúa mỗi năm ông Chinh cũng thu hoạch được 3 tấn, thoải mái vừa ăn, vừa bán lúa tươi. Tôi đùa bảo ông Phan Chinh đúng là nông dân thời @, vì trong nhà ông máy móc phục vụ cho nhà nông thứ gì cũng có, từ máy xới, máy kéo, máy cưa… Thu nhập cao, hai con về Sài Gòn học nhưng hiện tại vợ chồng ông vẫn ở Suối Cát, vẫn sống bình dị như mọi nông dân trong vùng. Phan Chinh đang là chủ nhiệm câu lạc bộ điều năng suất cao thành lập năm 2004, gồm 49 hộ gia đình thành viên. Hồi câu lạc bộ mới thành lập, vốn liếng không có, ông mang máy móc vật tư của gia đình ra thế chấp, lấy tiền cho bà con vay mua phân bón, giống… Việc áp dụng khoa học kỹ thuật đã giúp câu lạc bộ của ông đẩy năng suất hạt điều từ 1,8 tấn/ha lên 3,5 tấn/ha. Thành tích ấn tượng ấy được Hiệp hội điều Việt Nam công nhận danh hiệu “Quả điều vàng” năm 2010. Hiện giờ hợp tác xã của ông Phan Chinh nhà nào kinh tế cũng ổn định. Nỗi lo của ông Chinh và cũng là của các hộ gia đình bây giờ là thiếu nước tưới. Nhà nào cũng phải khoan giếng, trong rẫy của các gia đình có hàng trăm giếng khoan. Rồi thiếu nhân công. Vì thanh niên lớn lên là rủ nhau vào làm trong các nhà máy, xí nghiệp. Tới mùa thu hoạch nông sản, nông dân chạy đôn đáo tìm thợ. Thế mới biết, dù có khoa học kỹ thuật trợ giúp nhưng lao động nông nghiệp vẫn là thứ lao động nhọc nhằn một nắng hai sương, nên những người trẻ luôn có xu hướng “ly nông”.

Cách vườn điều của ông Phan Chinh chừng vài trăm mét là vườn ca cao của “vua ca cao” Trương Văn Mỹ. Thời điểm này, ca cao đang kỳ rộ hoa, những bông hoa lấm tấm trắng chi chít trên cành, từng chùm lá non màu đỏ tía, to bản, trông ngùn ngụt sức sống. Khi chúng tôi tới, ông Mỹ chui ra từ vườn cây, áo sơ mi rộng thùng thình, đầu đội chiếc mũ vải rộng vành. Gương mặt ông nhìn phúc hậu và dễ mến nhờ nụ cười tươi và đôi mắt sáng. Chúng tôi vây quanh chiếc bàn gỗ kê dưới bóng mát của vườn ca cao. Ông Mỹ bảo, ông đang tỉa cành, tạo tán cho ca cao, nếu để lá rợp thiếu ánh nắng trời cây sẽ không ra trái. Ca cao cho thu hoạch mỗi năm hai vụ chính vào tháng 4 - 5 và tháng 10 - 11. Vườn ca cao của ông thuộc giống TĐ1-TĐ14 do trường Đại học Nông lâm nghiên cứu tạo ra. Ông đưa cho chúng tôi xem vài trái ca cao màu vàng tươi, hình thon dài, vỏ sần sùi tỏa hương thơm lạ lẫm. Có trái nặng tới nửa ký, chín đỏ như trái gấc, bửa ra thấy nhiều hạt được bao trong lớp cơm sền sệt màu sữa, nếm thấy vị chua ngọt. Ông Mỹ bảo, thứ trái cây ngoại nhập này có tác dụng hạ huyết áp rất hữu hiệu. Ca cao không khó tính, tương đối dễ trồng nhưng muốn có năng suất cao lại không dễ. Kẻ thù của loại cây này là nấm phytopthora. Trái ca cao bị nấm sẽ sần sượng, thối rữa. Làm ca cao phải đủ “chiêu” để trị thứ nấm độc hại này. Câu lạc bộ trồng ca cao ở Suối Cát có cả chục hộ, diện tích trồng ca cao của ông Mỹ lớn nhất, 4000 gốc trên 4 ha, mỗi năm thu từ 8-10 tấn. Công nghệ sản xuất bột ca cao khá phức tạp nên người dân Suối Cát chỉ trồng lấy trái cung cấp cho công ty chứ không chế biến bột. Từ vườn ca cao, mỗi năm ông Mỹ thu khoảng nửa tỷ đồng, đó là chưa kể thu nhập từ 600 gốc tiêu và 4 ha điều.

 Nghe ông Mỹ cũng giọng Quảng Nam rặt, tôi tỏ ý hơi ngạc nhiên. Ông cười bảo, vùng này ngày trước có đủ dân Bắc Trung Nam, bây giờ thì toàn dân xứ Nẫu. Người Trung quen cực khổ, lại có khát vọng vươn lên mãnh liệt nên mới bám trụ được vùng đất này. Hàng ngày ông sống trong căn chòi tuềnh toàng trên rẫy, ăn, ngủ, nghỉ với cây ca cao, đến giấc mơ cũng thấp thoáng bóng ca cao. Ngoài tình yêu đặc biệt với cây ca cao, ông rất thông thạo công nghệ hiện đại. Hiện giờ đã ở tuổi 50 ông vẫn đang miệt mài theo học năm thứ 4 đại học nông lâm, sắp tốt nghiệp. Hai đứa con ông đều học trường chuyên, con trai lớn là học sinh giỏi nhiều năm liền, vừa thi đậu đại học bách khoa, con gái út cũng 4 năm liền đạt giải Lê Qúy Đôn của Xuân Lộc. Để dạy con tính tự lập, dù ngôi trường cách nhà 10 km ông vẫn yêu cầu các con đi học bằng xe đạp. Bài học dạy con của người đàn ông “trí thức cầm cày” này xem chẳng phải ai cũng làm được.

Chủ trang trại chăn nuôi gà vịt Trần Kiên Cường cũng dân Quảng Nam, từng theo cha tập kết ra Bắc. Trang trại của ông có nhiều chuồng nuôi gà liên hoàn, từ lúc gà mới chui khỏi vỏ trứng tới khi thành gà thương phẩm. Ông Cường cho biết, ông lập trang trại năm 2011, qua 4 năm, nay trang trại của ông đã có hơn 10.000 con cả gà lẫn vịt. Cứ 5 ngày ông lại cho ấp một lượt 6.000 quả trứng. Chúng tôi vào thăm lò ấp trứng gà, vịt của ông Cường, không khí khá nóng, tiếng máy chạy ào ào, những quả trứng gà kích thước lớn như trứng vịt xếp trong những ngăn riêng đặt chéo trong lò. Ông Cường cho biết, mỗi ngày ông cung cấp hàng ngàn quả trứng gà, vịt cho thị trường. Lũ vịt đủ lứa tuổi, kích cỡ vừa nhác thấy bóng người liền nhớn nhác chạy dồn vào một góc, cạc cạc ầm ĩ, làm náo động cả một vùng. Nhìn ông Cường lội vào giữa bầy vịt như một vị tướng giữa đoàn quân, tự nhiên thấy nể người nông dân cần cù, chịu khó, vượt qua bao khó khăn để làm giàu cho mình và cho cộng đồng.

 Sáng hôm sau, theo sự sắp xếp của Dũng, chúng tôi về xã Xuân Phú. Xe đang chạy êm ru thì mây đen ùn ùn kéo đến, sấm chớp nhì nhằng. Rồi mưa ào ào trút xuống, gió mạnh như bão. Vừa may xe kịp tới nhà “vua sau sạch” Vũ Văn Rựa. Thoạt bước vào sân, thấy một người đàn ông cao, gầy từ trong nhà bước ra, tôi tưởng ông là chủ nhà. Nhưng hóa ra, ông tên Trương Quang Xếp, cựu chiến binh, bạn chiến đấu của ông Rựa, vừa từ quê Bắc Giang vào thăm bạn. Ông Rựa và vợ đang lui cui hái rau cải trong nhà kính vội bỏ rau chạy vào. Trong sân, từng bao đậu bắp tươi non đã sắp sẵn. Ông Rựa giải thích, đó là nông sản của bà con quanh vùng, mang sang nhờ ô tô tải của gia đình ông chở đến nơi tiêu thụ. Bàn trà được bày ra. Trong đoàn chúng tôi có nhà văn Đào Sỹ Quang vốn là thương binh, nghe nói ông Xếp và ông Rựa đều là lính thành cổ Quảng Trị, anh mừng rỡ hỏi han, rồi ba người thi nhau ôn lại những kỷ niệm chiến trường. Họ cùng nhau đọc làu làu bài thơ “Bãi hà” làm tôi rất ngạc nhiên, không ngờ họ yêu thơ đến vậy. Ở tuổi 65, trông ông Rựa gầy gò khắc khổ nhưng rất cởi mở, vui tính. Trước khi được mệnh danh “vua rau sạch” ông từng trải qua một giai đoạn khó khăn ở quê nhà. Rời quân ngũ chỉ biết làm nông lại không có đất, ông đưa vợ con vào Đồng Nai lập nghiệp. “Nói cho văn học nghệ thuật là vào để giải quyết cái dạ dày” - ông nói một cách khôi hài. Ban đầu ông trồng lúa, bắp, 6 tháng đã cho thu hoạch. Sau hai năm cần cù, thắt lưng buộc bụng, vợ chồng ông đã có tích lũy. Nghiên cứu nhu cầu của người tiêu dùng, ông quyết định theo mô hình trồng rau sạch trong nhà kính. Có người biết ý định của ông đã can không nên liều, vì Đồng Nai nắng nóng, không phù hợp với nhà kính. Nhưng với ý chí của người cựu chiến binh từng vào sinh ra tử, ông vẫn quyết định thuê thợ từ Đà Lạt xuống làm. Hiện giờ Vũ Văn Rựa có 1400 m2 nhà kính, đầu tư công nghệ với giá 170 triệu/ sào, hệ thống tưới nước giá 10 triệu/ sào. Nhà kính của ông được phủ ba lớp, có thể dùng nhiều năm. Ông lại bỏ ra 240 triệu để làm nhà lưới. Giống rau nhập từ Thái Lan. Chu kỳ rau từ lúc gieo hạn đến khi thu hái là 30 ngày. Ông Rựa thành lập hợp tác xã sau sạch Trường An, hàm ý là an toàn lâu dài, tiêu thụ chủ yếu trong hệ thống Metro. Hợp tác xã rau sạch Trường An sản xuất theo mô hình IPM (sử dụng biện pháp tổng hợp để quản lý dịch hại cây trồng nhằm làm tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường) nên không phụ thuộc vào thời tiết, dù mưa hay nắng rau sạch vẫn được “xuất xưởng”, 1 ha canh tác thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Ông Rựa giao cho con trai thứ 4 Vũ Đức Sinh phụ trách khâu bán hàng qua mạng internet, mỗi tuần bán hai lần. Theo ông Rựa, rau công nghệ phải bán rẻ hơn rau thường vì không tốn nhiều công lao động. Do rau sạch và rau thường trông không khác gì nhau nên người trồng rau sạch phải trung thực, có tâm, tuân thủ đúng quy trình, không chạy theo lợi nhuận.

Lao động giỏi, cựu chiến binh Vũ Văn Rựa còn là người sống rất nghĩa tình. Không riêng ông Xếp, rất nhiều đồng đội cũ được ông đón vào chơi thăm miền Nam nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ông mua rau khổ qua tươi đem phơi khô, đóng gói gửi ra Bắc cho đồng đội chữa bệnh tiểu đường. Ai gặp khó khăn ông cũng gửi tiền cứu giúp. Từ khi ông thành lập hợp tác xã Trường An, tỉnh cho làm con đường dài 2 km và kéo lưới điện, đời sống người dân ở đây đã thay đổi hẳn.

 Trong lúc chúng tôi nói chuyện với ông Vũ Văn Rựa, trời vẫn mưa rất to, nhưng ngồi dưới nhà lưới rất an toàn. Một “phó nháy” đang loay hoay chụp hình cô thợ hái rau, chiếc áo đỏ của cô nổi bật trên nền xanh mơn mởn của những vạt rau đã đến kỳ thu hoạch trông thật gợi cảm.

 Về xã Xuân Phú không thể không ghé thăm “đại gia” đình đám Lâm Thanh Đức, người sáng lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Chăn nuôi Thanh Đức nổi tiếng với “Trứng gà sạch” theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi chúng tôi tới, vợ chồng ông Thanh Đức không có nhà, chỉ có cô con gái 22 tuổi Lâm Thanh Xuân đang điều hành dây chuyền sản xuất tự động. Cả một hệ thống liên hoàn về chăn nuôi gà công nghiệp mở ra sừng sững trước mắt chúng tôi. Mấy chục ngàn quả trứng gà di chuyển liên tục trên máng, qua hệ thống kiểm tra, soi trứng, đánh số… tất thảy đều tự động, chỉ có 10 nhân công đang làm việc. Ít ai biết rằng ông Lâm Thanh Đức và vợ là bà Phạm Lý Thủy Tiên vốn xuất thân là thợ may và thợ chăm sóc sắc đẹp. Công việc làm ăn khó khăn, họ chuyển qua nuôi gà và khởi nghiệp bằng… 10 con gà giống. Để đứng vững ở một địa hạt hoàn toàn mới mẻ, họ đã đi nước ngoài học tập mô hình chăn nuôi gà của châu Âu và Nhật Bản, cuối cùng chọn mô hình… kết hợp cả Á lẫn Âu cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hiện giờ không chỉ cung cấp trứng sạch cho thị trường Công ty Lâm Thanh Đức còn cung cấp thức ăn, con giống, tư vấn chăn nuôi, thiết kế chuồng trại… cho người có nhu cầu. Mỗi năm, doanh thu của công ty khoảng 40 tỉ đồng, sản phẩm xuất sang cả thị trường khó tính như Nhật Bản. Tên tuổi công ty vang xa với hàng loạt giải thưởng: “Cúp vàng Sản phẩm” của Hội Nông dân Việt Nam; “Sao vàng Đồng Nai 2008”; “Cúp vàng chất lượng” của Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại Nông dân, Nông thôn Việt Nam; điển hình cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác… Cô Lâm Thanh Xuân cho biết, công ty Thanh Đức sắp khai trương cơ sở chăn nuôi mới với công suất gấp 4 lần, theo công nghệ dây chuyền khép kín tự động của Tây Ban Nha, giá thành chi phí ước tính giảm được 40%! Nhìn cô gái trẻ trung, năng động trong chiếc áo blu trắng, nói thao thao về quy trình chăn nuôi gà sạch, không hiểu sao tôi cứ nghĩông chủ Lâm Thanh Đức chưa dừng ở con số hai cơ sở chăn nuôi gà như hiện nay.

 Ngày cuối ở Xuân Lộc, chúng tôi đi tham quan Nhà thi đấu đa năng của huyện. Tòa nhà kiến trúc tuyệt đẹp, bề thế. Anh Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện dẫn chúng tôi đi thăm các khán đài, không giấu vẻ tự hào. Tôi chợt nhớ chị Cát Tiên có lần khoe, đi công tác bên Nhật, chị thích thú học ngay mô hình thùng rác ba ngăn, đem về áp dụng cho địa phương. Huyện Xuân Lộc quản lý 68 trường học, cả 68 ngôi trường đều được triển khai sử dụng thùng rác ba ngăn. Mỗi trường được giao quản lý một con đường. Xe khách nào đi qua huyện cũng buộc phải có thùng rác trên xe, lái xe không được để khách vứt rác xuống đường, nếu bị phát hiện sẽ phải nộp phạt. Hiện tại bà con chưa bỏ được tục rải vàng mã, nhưng để khỏi ô nhiễm môi trường, vàng mã được cuốn lại thành từng cuộn nhỏ, xe tang chạy trước rải xuống, tang chủ chạy honda phía sau thu gom lại. Nhờ ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường của người dân mà thị trấn Xuân Lộc rất sạch, đẹp. Trên ban công, hàng rào, cổng nhà của các gia đình trồng đầy hoa nhìn thật xinh xắn, thơ mộng. Tất cả cho thấy lãnh đạo huyện Xuân Lộc quan tâm phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao đời sống văn hóa cho người dân.

Lại nhớ hai năm trước, chúng tôi về thăm xã Xuân Định, một trong những xã đi đầu trong xậy dựng nông thôn mới của Xuân Lộc. Khi đến thăm ngôi trường mẫu giáo Xuân Định, nhìn cơ ngơi bề thế với những phòng học sáng sủa, xinh xắn trang trí bằng hoa, tranh vẽ, đồ chơi… hết sức tinh tế, tôi cứ bồi hồi nghĩ, trẻ em nông thôn vùng sâu vùng xa bây giờ thật sướng, được học hành, vui chơi trong những ngôi trường mà ngày xưa, thế hệ chúng tôi chỉ thấy trong… mơ. Công việc “trồng người” được ưu ái cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng đáng nể của lãnh đạo huyện Xuân Lộc và chính quyền cơ sở.

Về Xuân Lộc vài ngày thật sự chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng tôi tin, với sự nỗ lực của chính quyền và với những nông dân ưu tú, dám nghĩ dám làm, lại hết lòng vì cộng đồng như ông Vũ Văn Rựa, Trương Thanh Mỹ, Lâm Thanh Đức, Phan Chín… thì hành trình xây dựng nông thôn theo chuẩn mới của Xuân Lộc lại sẽ sớm về đích.

 

H.N.Đ​

Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​