Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TRIỂN LÃM MỸ THUẬT MIỀN ĐÔNG LẦN THỨ 23 - CUỘC TRÒ CHUYỆN MÙA THU

Buổi chiều cuối tháng 8/2018, một góc thành phố biển Phan Thiết - tỉnh Bình Thuận rộn ràng hẳn lên bởi sự có mặt của các nghệ sĩ tạo hình thuộc 9 tỉnh, thành gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Ninh Thận, Bình Thuận, Đắk Nông, Tây Ninh về dự Triển lãm Mỹ thuật Khu vực miền Đông Nam bộ lần thứ 23 (28/8 - 3/9/2018). Năm nay, triển lãm trưng bày 145 tác phẩm của 52 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và 78 tác giả là hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, ngoài ra còn có một số cộng tác viên.

Nhà điêu khắc Phan Gia Hương, một trong số những vị giám khảo của Triển lãm nhận định, tác phẩm tham dự triển lãm có nhiều xu hướng nghệ thuật nhưng nhìn chung đều bám sát đời sống xã hội, chất liệu đa dạng, mặt bằng mỹ thuật khá đồng đều, không có sự chênh lệch nhiều. Bà tỏ ra hơi tiếc vì không có sự hiện diện của mỹ thuật ứng dụng, mảng tranh cổ động, tranh đả kích, châm biếm, mỹ thuật bìa sách… cũng vắng bóng. Mảng điêu khắc luôn nổi trội, tiếp đó là đồ họa, tranh lụa, yếu nhất là mảng tranh sơn dầu. Chất lượng tác phẩm của cả 9 tỉnh thành chưa thật cao, đề tài chưa thoát ra khỏi lối mòn quanh quẩn, chưa có tác phẩm mang tính đột phá, ngôn ngữ điêu khắc còn thể hiện sự chắp vá. Không nhiều những tác phẩm lắng đọng cảm xúc của tác giả, dường như các họa sĩ quá chú ý đến bố cục, màu sắc mà quên đi bút pháp. Cũng theo bà Phan Gia Hương, nét đặc trưng của đất và người miền Đông Nam bộ chưa thật sự nổi bật, còn ít những tác phẩm phản ánh về xây dựng nông thôn mới hay cuộc sống của bộ đội, chiến sĩ, công nhân, nông dân… Tỉnh Lâm Đồng có mảng tượng gỗ cách tạo hình toát lên vẻ ngây thơ, hồn nhiên nhưng ngôn ngữ cần hiện đại hơn. Tranh sơn mài của Bình Dương bố cục tốt nhưng thiếu độ trầm vì mảng màu vàng quá sáng. Bà Phan Gia Hương cũng cho rằng công đoạn xử lý kỹ thuật sơn dầu của nhiều tác giả chưa hoàn hảo do trong sơn có hóa chất, dễ bị chồng màu, dẫn tới hầu hết tranh sơn dầu chưa đạt đến độ trong cần thiết. Một vài bức tranh lụa kỹ thuật còn non, thiếu chiều sâu. Một số tác phẩm hình họa chưa chuẩn, nhân vật đầu to, chân ngắn… Họa sĩ Xuân Chiểu cho rằng Đồng Nai, Bình Dương vẫn giữ được thế mạnh đồ họa, điêu khắc, có những tác phẩm khá đẹp nhưng do cơ cấu giải hạn chế nên Ban giám khảo đành bỏ qua.

Tỉnh Đồng Nai là một trong số ít đơn vị có nhiều tác phẩm được Hội Mỹ thuật Việt Nam tuyển chọn tham gia triển lãm với 21 tác giả, 24 tác phẩm, bao gồm cả hội họa, đồ họa, điêu khắc… Đáng mừng là hầu hết tác giả Đồng Nai có tranh, tượng được chọn trưng bày đều thuộc lớp họa sĩ trẻ 7x, 8x, trong đó nhiều người đang công tác tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, số còn lại đến từ trường Đại học Đồng Nai và một vài cộng tác viên. Anh chị em khai thác đề tài khá quen thuộc: vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, một số tác phẩm trừu tượng. Chất liệu cũng khá phong phú: khắc gỗ, lụa, gốm men, gốm gỗ, sắt hàn, gò nhôm, sơn mài, sơn dầu, tổng hợp, Gum print, Digital…Tuy mỗi người một cách thể hiện, nhưng tinh thần chung trong các tác phẩm mỹ thuật của Đồng Nai là sự rung động trước vẻ đẹp dung dị, trong sáng của đời sống (Nắng trong vườn - khắc gỗ của Lâm Văn Cảng, Tình bạn - sơn mài của Trần Anh Vân, Nhịp quê - sơn dầu của Nguyễn Thị Thúy, Cà phê Sài Gòn - khắc gỗ của Đoàn Minh Ngọc, Chợ quê - sơn mài của Trần Thanh Tùng, Mùa chung đôi - tổng hợp của Phạm Công Hoàng, Tắm trăng - sơn dầu của Bùi Đức Lộc…). Nếu những tranh sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ… mô tả cảnh đồng quê yên ả, cảnh sinh hoạt ở nông thôn… mang đến cho người xem cảm giác bình an, thư thái thì một số tác phẩm lại thể hiện góc nhìn hiện thực khác của người nghệ sĩ. Có cái gì đó ưu tư, khắc khoải trước nhịp sống gấp gáp của thời hội nhập, sự bất ổn, vô định của thế giới tự nhiên (Mẹ và biển cả - sơn dầu của Mai Văn Nhơn, Phổi công nghiệp - sắt hàn của Trần Đình Thắng, Nhân bản 4.0 - Digital của Đức Sơn, Cầu - gốm, gỗ của Trần Chí Lý, Thoi thóp -gò nhôm của Thoòng Cọc Thành, Palette và tôi - sơn dầu của Trần Đình Sử, Khoảng trắng - gốm của Nguyễn Quang Hoàng…).

Triển lãm Mỹ thuật miền Đông có truyền thống là… ít giải và giải thấp. Lần thứ 23 này cũng chỉ có 3 giải C và 6 giải khuyến khích, không có giải A và B. Tác phẩm Cầu (gốm, gỗ -Trần Chí Lý) là 1 trong 3 giải C, ngoài ra, tác phẩm  Quê tôi (khắc gỗ - Lê Vân) và tác phẩm Phổi công nghiệp - (sắt hàn - Trần Đình Thắng) được chọn gửi dự giải hàng năm của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Đáng tiếc là tác phẩm Phổi công nghiệp của Trần Đình Thắng có thể được trao giải A nhưng vì tác giả chưa phải là hội viên chuyên ngành TW nên Ban giảm khảo không thể xếp giải.

Hồng Ngọc


MỘT SỐ HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG:

 Ban tổ chức và đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm.JPG
Ban tổ chức và đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Đại diện các đơn vị lên nhận cờ lưu niệm.JPG
Đại diện các đơn vị lên nhận cờ lưu niệm

Đoàn VNS Đồng Nai trước không gian trưng bày tác phẩm .JPG
Đoàn VNS Đồng Nai trước không gian trưng bày tác phẩm 


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​