Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
MỘT THOÁNG HUNGARI

Hoàng Đình Nguyễn

(Nguồn: VNĐN số 33 – tháng 9 & 10 năm 2019)

  

Lần đầu tiên đến Hungary, nhưng đất nước này tôi đã được biết từ hơn 50 năm trước qua sách vở. Những năm tháng đó tôi được sống và học tập ở miền Bắc, vì thế 12 nước Xã hội Chủ nghĩa là những bài học đã đưa vào trong chương trình đào tạo các môn: Lịch sử, địa lý, văn hóa trong nhà trường ngày ấy. Trong số đó có Hungary, đất nước mà tôi đã từng mơ sẽ có một ngày được đặt chân đến…

Hungary là một quốc gia thuộc khu vực Trung Âu không giáp biển. Nước này tiếp giáp với Slovakia phía bắc, Áo về phía tây, Slovenia về phía tây nam, Croatia và Serbia về phía nam, Rumania về phía đông và Ukraina về phía đông bắc. Thành phố Budapest là thủ đô của Hungary. 

Hungary là một trong những quốc gia có lịch sử lâu đời nhất tại châu Âu. Đất nước này được thành lập năm 996, trước khi những tiểu vương quốc ở Pháp hay Đức đ??c th?nh l?p v? s?m h?n c? s? th?ng nh?t c?c v??ng qu?c Anglo-Saxon t?i?ược thành lập và sớm hơn cả sự thống nhất các vương quốc Anglo-Saxon tại đảo Anh. Nước Hungary trung cổ có diện tích lớn hơn nước Pháp và dân số đứng hàng thứ ba tại châu Âu lúc bấy giờ. Vào thế kỷ IX, Arpad, một thủ lĩnh người Magyar đã thống nhất các bộ lạc Magyar lại rồi đưa họ vào vùng đồng bằng Pannonia sinh sống. Với một lực lượng quân đội hùng mạnh, người Hungary đã mở nhiều cuộc chiến tranh chinh phục và thậm chí đã từng tấn công sang tận Tây Ban Nha. Đến thời hoàng tử Geza, ông đã quyết định đưa đất nước Hungary tiến theo mô hình chính trị và xã hội của các nước Tây Âu và trở thành một quốc gia Công giáo. Ngôn ngữ chính thức tại Hungary là tiếng Hungary, hay còn gọi là tiếng Magyar. Tiếng Hungary là một trong bốn ngôn ngữ chính thức của Liên minh châu Âu không thuộc hệ ngôn ngữ Ấn - Âu.

Vào 23 tháng 10 năm 1989, Mátyás Szűrös tuyên bố Cộng hòa Hungary thứ III và trở thành tổng thống lâm thời. Bầu cử tự do ở Hungary diễn ra lần đầu tiên vào năm 1990. Sau sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991, Hungary phát triển một mối quan hệ gần hơn với Tây Âu cũng như các nước Trung Âu. Nước này trở thành một thành viên của nhóm Visegrad vào năm 1991, gia nhập NATO năm 1999, và trở thành một nước thành viên của Liên minh châu Âu vào 1 tháng 5 năm 2004. 

Các ngành kinh tế chủ chốt của Hungary: Chế tạo máy, thiết bị đo lường chính xác, ô tô, nhôm, lọc hóa dầu, hóa chất, dược phẩm, thiết bị y tế... Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu gồm: lúa mì, ngô, hạt hướng dương, củ cải ngọt, thịt gia súc, gia cầm, sữa...

Sau hơn 2 giờ đồng hồ xe đưa chúng tôi vào điểm dừng chân đầu tiên trên đất nước Hungary. Trạm dừng chân này nhìn bề ngoài chỉ là một cây xăng, bên trong là một bến đỗ cho các phương tiện đường bộ ngang qua đây. Nhiều loại xe containers, xe tải lớn nhỏ, xe bus đường dài đều tấp vào trạm để đổ xăng. Hành khách đi vệ sinh và và nghỉ ngơi uống cà phê, điểm tâm, giải khát …

Trạm dừng chân đầu tiên trên đất Hungary được bày bán rất nhiều hàng hóa được sản xuất từ các nước Thụy Sĩ, Áo, Đức và nhiều mặt hàng bánh kẹo rượu bia, nước ngọt của Hungary. Nhưng có một điều rất khác về giá cả, nói chung là hàng hóa dịch vụ ở đây quá đắt đỏ. 

Hungary tuy đã gia nhập vào Liên minh châu Âu nhưng vẫn sử dụng đồng tiền riêng là đồng Forint. Ở trạm dừng chân, người ta vẫn nhận đồng Eur khi ta mua hàng nhưng giá quy đổi quá cao, vì thế khi suy ra tiền Việt ta thấy chóng mặt. Đó là chưa kể khi chúng tôi trả bằng tiền lẻ, đôi khi người bán hàng cũng lấy vô tội vạ và không có biên nhận, vì ở đây không trang bị máy đổi tiền lẻ. Ví dụ ở Áo, Đức phí vào nhà vệ sinh là 0,5 đến 1Eur (tùy cửa hàng), khi trả tiền, máy sẽ tự động thối lại đầy đủ tiền lẻ và cho ta thêm một tờ giấy biên nhận nhỏ ghi rõ số tiền máy thu. Sau khi đi vệ sinh ra ngoài, bạn đến quầy mua hàng hay uống cà phê, khi tính tiền bạn đưa tờ giấy biên nhận sẽ được trừ lại theo số tiền đó. Nhưng ở trạm dừng chân này người ta thu tiền vào nhà vệ sinh là 200 Forint, theo tỷ giá 1 Eur bằng 300 Forint nhưng giá quy đổi thực tế không như vậy. Tốt hơn hết là đưa cả nắm tiền xu Eur cho người thu tiền chọn để nhận giá trị tương đương. Tuy nhiên tôi và nhiều người khác trong đoàn đều bị thu từ 1Eur và có người còn bị “thu nhầm” đến 3Eur. Đã thế lại không có biên nhận nên khi ra uống cà phê đều không được trừ vào tiền đi vệ sinh. Đồng tiền không phải là tất cả, nhưng bạn thử nhẩm xem, đi vệ sinh mà phải tốn từ 27.000 đến 81.000 VND thì cũng hơi quá đáng. Từ cảm nhận đầu tiên ấy, trong tôi và những du khách Việt Nam bắt đầu có một sự so sánh các nước mà mình đi qua.

Đường vào thành phố Budapest gần cả trăm dặm nữa, trước mắt chúng tôi là những cánh đồng rộng lớn nối tiếp nhau. Đang vào mùa thu hoạch bông cải, nên những cánh đồng vàng rực trải dài trong nắng sớm đẹp đến mê hồn. Lâu lâu lại chuyển tiếp sang màu xanh của những cánh đồng củ cải đường.

Lần đầu tiên sang châu Âu, khi đi từ Pháp sang Bỉ, được nhìn thấy những cánh đồng mẫu lớn như thế này tôi chợt nghĩ không biết người nông dân sẽ thu hoạch bao lâu mới hết được những nông sản, nhưng cậu hướng dẫn viên trẻ rất thông thạo về nông nghiệp đã giải thích cho tôi: Ở các nước Châu Âu, Mỹ, Canada và Úc, người thuê đất làm nông nghiệp sẽ được tư vấn đầy đủ vùng đất đó mỗi năm sẽ trồng được bao nhiêu vụ rau quả hay nông sản ngắn ngày. Vụ đầu có thể trồng rau chỉ sau 2 hoặc 3 tháng sẽ thu hoạch. Vụ tiếp theo có thể trồng trồng hoa, hay cà rốt, vụ sau nữa có thể là cà chua, cỏ cho gia súc… Nói chung là nông sản phụ thuộc vào thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu mỗi vùng đất. Mùa đông, phải trồng trong nhà kính. 

Sau khi được tư vấn về đất đai và cây trồng, cơ quan tư vấn sẽ làm dự toán toàn bộ các chi phí phải bỏ ra trong năm từ việc mua giống phân bón và thuê máy móc cày xới, máy thu hoạch đóng gói thành phẩm… Sau khi ký hợp đồng, người thuê đất canh tác sẽ được ngân hàng cho vay tiền vốn sản xuất và sẽ được trả dần trong những năm thuê đất canh tác. Nói là thuê đất canh tác, nhưng hầu như người thuê chẳng phải làm việc gì lớn ngoài việc theo dõi đồng ruộng của mình. Vào vụ chỉ ngồi nhà xem các công nhân đem máy móc đến cày xới trồng trọt, bón phân tưới nước. Ngày thu hoạch lại kéo máy đến gặt hái thu lượm, sơ chế đưa vào kho rồi các công ty thu mua lại đến nhận hàng thanh toán. Vậy là xong. Người thuê đất lại chuẩn bị đón một mùa vụ mới. 

Ngạc nhiên hơn, khi tôi được nghe nói việc thu hoạch nông sản chỉ cần trả hai công máy trên một hecta trồng bắp hay củ cải, đậu phộng… Không những thế, khi thu hoạch máy còn làm cả những công việc phân loại và sơ chế. Ví dụ thu hoạch bắp: máy sẽ tách riêng quả và thân, trái bắp sẽ được lẩy hạt đóng bao, thân bắp, cùi bắp, lá bắp đều được xay nghiền đóng bao tại chỗ để bán làm nguyên liệu trộn thức ăn gia súc, gia cầm… Đối với những loại trái như cherry, cà chua, và các loại trái cây… máy thu hoạch được cài đặt chế độ nhận biết màu của trái chín để hái, trái xanh để lại… Vì thế, khi ngang qua những cánh đồng bạt ngàn của châu Âu nhưng không thấy một bóng người là chuyện bình thường. Do vậy, lực lượng lao động nông nghiệp châu Âu ngày một giảm dần. Bây giờ ngang qua những miền quê Hungry, nhìn cảnh nông thôn, đồng ruộng ngày mùa là tôi biết sản xuất nông nghiệp trên đất nước này đã cơ giới hóa và một phần tự động hóa giống như ở Pháp, Bỉ… Thật không hổ danh là đất nước đầu tiên tách ra khỏi sự bao cấp để phát triển nền kinh tế thị trường sớm nhất khối Xã hội Chủ nghĩa. 

Tiến gần vào thành phố Budapest thủ đô của Hungary, nhìn cảnh vật hai bên đường trong tôi có những cảm giác xôn xao đến lạ.

Theo dòng lịch sử: Năm 1541, người Ottoman chinh phục được thành phố Buda và khiến Hungary vỡ thành ba mảnh: một phần ba đất nước nằm dưới sự cai trị của triều đình Habsburg. Một phần ba ở miền trung (thuộc lãnh thổ Hungary ngày nay) bị Ottoman cai trị. Một phần ba ở phía đông trở thành Công quốc Transilvania, một nước lớn bán độc lập, chư hầu của Ottoman. 

Khoảng 150 năm sau, triều đình Habsburg đã giành lại toàn bộ quyền kiểm soát Hungary.

 Năm 1848, những cuộc biểu tình lớn nổ ra trên các đường phố Pest và Buda trong cao trào Cách mạng Tư sản đang lan khắp Hungary và châu Âu. Những cuộc nổi dậy liên tiếp ngay tại chính kinh đô Vienna, triều đình Habsburg đã phải tạm thời chấp nhận những yêu cầu của người Hungary. Nhưng sau khi cuộc cách mạng tại Áo bị đàn áp, triều đình Habsburg đã kích động những nước láng giềng chống lại Chính phủ Hungary. Habsburg cầu viện nước Nga. Nga hoàng đã đưa quân đội tràn vào và dập tắt cuộc khởi nghĩa ở Hungary. Ngày 6 tháng 10 năm 1849, 13 vị tướng lĩnh trong quân đội cách mạng Hungary và thủ tướng Lajos Batthyany bị xử tử.

Sau khi nước Áo bị quân Phổ đánh bại năm 1866, để củng cố quyền lực của mình tại châu Âu, đế quốc Áo đã liên kết với Vương quốc Hungary để thành lập Đế quốc Áo - Hung (năm 1867). Đế quốc Áo - Hung gồm 2 phần là Áo và Hungary. Mỗi nước có chính phủ và các chính sách quân sự, đối ngoại riêng biệt với nhau. Thời kỳ này, Vương quốc Hungary đã có những bước tiến ấn tượng về mặt kinh tế, bước đầu được công nghiệp hóa mặc dù cơ cấu kinh tế vẫn chủ yếu dựa trên nông nghiệp, còn khá lạc hậu so với các nước tư bản Tây Âu.

Cũng cần phải nói thêm: Hungary bước vào Thời kỳ Cộng sản từ năm 1946 với một số sự kiện lịch sử quan trọng: Cuộc chính biến Hungary 1956 và sự kiện Hungary mở cửa đường biên giới với Áo năm 1989. Ngày nay Hungary là một quốc gia dân chủ theo thể chế cộng hòa nghị viện và có mức thu nhập cao. Đất nước này đang trong quá trình phát triển mạnh để trở thành một nước phát triển. 

Vào thành phố Budapest, những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những tòa lâu đài cổ kính, những nhà thờ với mái vòm nhọn giống như một số phong cảnh ở Nga mà tôi từng qua, tạo cho tôi một cảm nhận ban đầu là cổ kính nhưng không ảm đạm. Khi những tiếng chuông nhà thờ ngân lên trong trẻo giữa tiết xuân trên thành phố này, sẽ đem lại cho ta bao sự bình yên, an lành…

Hiện dần ra trước mắt tôi là con sông Danube chảy qua trung tâm thành phố Budapest thủ đô Hungary và chia thành phố thành hai phần: Buda bên bờ trái được xây dựng trên một ngọn đồi với nhiều tòa lâu đài tuyệt đẹp. Bờ phải là thành phố Pest mới hơn, chiếm 2/3 diện tích và được xây dựng trên một đồng bằng gồm những tòa nhà cổ kính thời trung cổ. Buda và Pest nối với nhau bằng chín cây cầu qua sông Danube. Mỗi cây cầu mang một vẻ đẹp riêng và giữ vai trò huyết mạch giữa hai thành phố. 

Được mệnh danh là một tiểu Paris, không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt cho Budapest cái tên ấy, bởi cảnh quan xen lẫn nét cổ kính và hiện đại. Thành phố như một kinh đô ánh sáng khi màn đêm buông xuống. Những chiếc du thuyền đưa khách vào những lễ hội, ăn tối, dạo mát, ngắm cảnh trên sông Danube. Đặc biệt là tắm suối nước nóng, niềm tự hào của người dân Budapest.

Hungary lần đầu tôi đến trong một cảm giác bình yên và thân thương đến lạ. Chắc chắn những ngày sống ở Hungary sẽ mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhiều hình ảnh đẹp trong album lưu niệm của cuộc đời.

H.Đ.N

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​