Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
MÙA NỞ HOA

Bút ký của Ngọc Khánh

(Nguồn: VNĐN số 33 – tháng 9 & 10 năm 2019)

 

  

Với một người Công giáo như tôi, mỗi lần đọc báo, nghe đài, xem ti-vi, biết được những đóng góp của giới Công giáo cho xứ sở, cộng đồng, tôi đều cảm thấy rất đỗi phấn khởi tự hào.

Không tự hào sao được, khi các Ki-tô hữu ngày càng bày tỏ tình yêu quê hương đất nước của mình qua nhiều hành động cụ thể. Và không vui sao được khi những nghi ngại, hiểu lầm của một thuở xa xưa ngày càng mất dần đi, thay vào đó là sự tôn trọng, mến phục.

Một lần, cách nay hơn hai chục năm, tôi tham dự hội giảng giáo viên giỏi cấp tỉnh ở trường Ngô Quyền, Biên Hòa. Tổ trưởng giám khảo môn Văn hồi ấy là thầy Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, một trường ở Hố Nai, trong khu vực của toàn người Công giáo. Khi biết tôi là một giáo dân, thầy nói:

- Có người hỏi tôi: “Thầy có khó khó khăn gì khi làm hiệu trưởng ở một vùng Công giáo toàn tòng không?”. Cô giáo biết tôi trả lời sao không? Tôi nói ngay: “Tôi chẳng thấy khó khăn gì. Học trò chăm ngoan. Về mặt đạo đức thì đã có các cha xứ nhắc nhở nên mọi thứ đều thuận lợi.

Tôi nghe thầy nói mà ấm lòng. Các tu sĩ, tín hữu của bất kỳ tôn giáo chân chính nào cũng đều là những công dân của một đất nước. Lòng yêu nước, muốn góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp cũng là một tình cảm rất đỗi tự nhiên của con người. Điều quan trọng là khơi gợi ở họ một niềm tin, tin vào chính quyền, tin vào “sự công chính và nền hòa bình viên mãn” (như chúng tôi thường đọc ở nhà thờ), tin vào những bước tiến đáng tự hào của đất nước mình.

***

 

Ngày 24 và 25-4-2019, tôi được đi thực tế sáng tác về Nông thôn mới cùng với đoàn Văn nghệ sĩ Đồng Nai. Sáng 25, chúng tôi đến huyện Thống Nhất - một huyện nhiều xứ đạo, đông giáo dân - để tham quan một số mô hình kinh tế tiêu biểu. Qua những điều mắt thấy tai nghe, tôi càng khẳng định khi dân có niềm tin, họ sẽ tích cực hưởng ứng mọi chủ trương của chính quyền.

 Anh Ngô Thanh Tùng, cán bộ phụ trách Nông nghiệp huyện Thống Nhất, người hướng dẫn đoàn văn nghệ sĩ đi tham quan đã hào hứng nói kể về việc vận động nhân dân mở rộng những con đường:

- Dân chỉ cần biết con đường ấy dài bao nhiêu mét, ngang bao nhiêu mét, hai bên có lề hay không, hai bên có mương hay không, hai bên trồng cây như thế nào, làm bằng bê tông hay đổ nhựa. Còn độ nén thế nào, kết cấu thế nào thì dân đâu cần biết. Chính quyền phải công bố rõ ràng mọi thứ cho dân, và người tư vấn, người thiết kế bản vẽ, phải trực tiếp đứng ra nói với dân, để cho dân biết. Vật tư sử dụng cũng vậy, phải công bố rõ từng loại. Đá một hai hay đá bốn sáu là phải đúng chất lượng, đúng độ nén… Phải thuyết phục dân tin từng bước. Riêng Tùng thì đã tiến hành mười bước để vận động dân. Sau đó dân sẽ tự quản, tự kiểm tra mọi việc, con cháu họ sẽ tham mưu cho họ, lại có thêm mạng xã hội hỗ trợ, chuyện gì cũng có thể bị đưa lên mạng Internet, Facebook nên anh em làm gì cũng phải kỹ, phải cẩn thận.  

 Đúng là “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Điều gì được lòng dân, được dân tin tưởng, sẽ được dân ủng hộ, và sẽ thành công mỹ mãn.

Để giáo dân tin tưởng thì không gì bằng nhờ các cha xứ thuyết phục. Nói như anh Tùng thì đó là “Quyền lực của niềm tin”. Như công cuộc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở xã Quang Trung, huyện Thống Nhất.

Đoàn Văn nghệ sĩ Đồng Nai được đưa đến thăm giáo xứ Hưng Bình, tọa lạc tại xã Quang Trung, được gặp gỡ Cha chánh xứ Lê Vinh Hiến. Ngài hiện đang là thành viên Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban đoàn kết Công giáo huyện Thống Nhất. Chúng tôi đến đây để được nghe Cha Hiến kể về việc vận động giáo dân chung tay góp sức nâng cấp, mở rộng đường sá trong khu vực.

Cả đoàn Văn nghệ sĩ đã đặt ra nhiều câu hỏi để “phỏng vấn” Cha Hiến. Ngài cũng rất vui vẻ trò chuyện cùng chúng tôi. Bằng một giọng ôn tồn, Ngài bắt đầu với chuyện té xe của Ngài vì đường xấu, rồi đến chuyện vận động giáo dân hiến đất mở rộng đường, đến những ưu tư hiện thời của một cha chánh xứ.

Nghe Ngài kể chuyện, tôi hình dung nhiều điều. Trước ngày đất nước thống nhất, Ngài từng tu học ở Giáo hoàng học viện Đà Lạt, một học viện đẹp nổi tiếng nằm bên Đồi Cù thơ mộng chuyên đào tạo các linh mục. Năm 1977, học viện giải thể, Cha Hiến trở về Đồng Nai. Năm 1983, Ngài trở thành linh mục, làm chánh xứ giáo xứ Thanh Sơn, đồng thời quản nhiệm giáo họ biệt lập Lạc Sơn. Trong một lần đi dâng lễ cho giáo dân Lạc Sơn, qua những đoạn đường hẹp, nắng bụi mưa lầy, ông chánh trương chở Cha đi đã bị trượt xe, lạng quạng tay lái khiến cả hai đều ngã, quần áo lấm lem đầy đất đỏ. Từ cú trượt té “nhớ đời” đó, Cha đã mong ước giáo dân có những con đường đi lại tốt hơn, thuận lợi hơn.

Chính vì vậy nên khi chính quyền huyện, xã xây dựng nông thôn mới, Cha đã sẵn sàng hợp tác bằng cách mời gọi giáo dân hiến đất mở rộng đường. Những hộ nào còn chần chừ, ngần ngại, Cha mời đến nhà xứ để thuyết phục. Lời Cha kêu gọi đã được giáo dân đồng thuận, hưởng ứng. Lúc đầu dự định mở rộng đường bốn mét, một tháng sau, những nhà bên đường đã sẵn lòng nhường thêm hai mét, đường thành tám mét. Có nhà muốn nhường cả ao trồng khoai rộng bên đường. Có nhà đối diện ao khoai sẵn sàng hiến luôn tám mét. Tấc đất tấc vàng, có những khu đất còn “kín cổng cao tường” nữa, nhưng giáo dân bao giờ cũng tin tưởng Cha, sẵn sàng hy sinh vì công ích.

Đường rộng không chỉ thuận lợi cho việc đi lễ sớm tối mà còn dễ dàng cho việc chuyên chở các nông phẩm. Đường Kim Thượng, đường Suối Đá, đường từ nơi Cha bị té xe năm nào giờ đều sạch đẹp, khang trang. Cha chưa nghĩ đến việc vận động giáo dân trồng hoa hai bên đường để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, mà chỉ mong các con đường đều được mở rộng thêm một hai mét mỗi bên.

Cha Hiến quê gốc ở Kim Sơn - Ninh Bình.  Theo như Ngài kể, từ năm 1990 đến nay, Ngài đã vài lần về thăm quê. Vùng đất quê hương và là nơi an nghỉ của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh Tràng An, Hoa Lư, Tam Cốc, Bích Động, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm… mà còn là một tỉnh mà nơi nơi đều đang xây dựng nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu. Chắc hẳn, Ngài đã cảm nhận được một sự chuyển mình đẹp đẽ trên đất quê hương. Và chắc hẳn Ngài cũng mong muốn nơi giáo xứ Hưng Bình của Ngài, con chiên cũng được hưởng một sự thăng tiến tốt đẹp như vậy, không chỉ về đời sống đạo đức tinh thần, mà cả về đời sống vật chất, văn hóa nữa.

Điều ưu tư của Cha là sự phát triển nông nghiệp ở những vùng nông thôn mới. Giá cả nông sản, dịch bệnh gia súc luôn là nỗi ám ảnh với người nông dân. Như cà phê chẳng hạn. Năm 1980, khi Cha còn giúp xứ Thanh Sơn, mỗi tạ cà phê có giá quy đổi ra vàng là một cây hai, năm 1983, mỗi tạ chỉ còn tám chỉ, đến nay 2019, mỗi tạ còn trên dưới một chỉ vàng. Những hộ vùng Gia Kiệm trồng nhiều tiêu điều, trước đây thu nhập khá, bây giờ cũng “tiêu điều” dần!

Một số gia đình có “của ăn của để” thì lại nghĩ đến việc cho con đi du học nước ngoài dù học phí mỗi năm cả mấy chục ngàn đô-la tùy theo cấp học, tùy theo tiểu bang. Bên cạnh đó, cơn lốc công nghiệp hóa cũng cuốn bay mất nhiều “hương đồng gió nội”. Ngày xưa dân chỉ chí thú làm ruộng làm rẫy. Nay thì mỗi sớm, tầm 5 giờ đến 6 giờ sáng, hàng ngàn công nhân đứng chờ xe để đi làm công nhân ở các khu công nghiệp Bàu Cá, Long Thành. Số ở nhà làm ruộng làm rẫy không còn nhiều như trước nữa.  

Nỗi ưu tư của Cha Hiến cũng chính là mối quan tâm của các cấp chính quyền trong việc xây dựng nông thôn mới. Một số huyện thị đạt chuẩn nông thôn mới giờ có sự thay đổi. Long Khánh đã lên thành phố. Nhà văn Nguyễn Một tự hào về thành phố mới quê anh: “Có lẽ đó là thành phố đáng yêu nhất không phải bởi sự hào nhoáng của những tòa nhà cao tầng, mà là thành phố luôn ngào ngạt hương cây trái, dậy mùi nấm mối mỗi độ mưa về”. Nhưng dù sao chất nông thôn chắc chắn không thể được như xưa. Nhơn Trạch quê tôi cũng vậy! Những cơn sốt đất đã khiến vườn tược ruộng rẫy nhanh chóng biến thành đất nền rối rít vẫy gọi các nhà đầu tư. Thanh niên ngày càng ít mặn mà với việc làm nông mà năng nổ đi vào các khu công nghiệp, thậm chí một số đổ xô đi làm “cò đất”.  

Cha Hiến còn kể cho đoàn Văn nghệ sĩ chúng tôi một câu chuyện vui. Năm 1994, Ngài được sang Canada du lịch. Một du khách người Trung Quốc, thấy Ngài biết tiếng Hoa (vì Cha Hiến đã được học đọc học viết “Tam thiên tự” từ khi học Đệ thất (lớp 6 bây giờ), khi học ở Giáo Hoàng học viện còn được học tiếng Quảng Đông, Quan Thoại từ một Cha giáo) nên hỏi Ngài có phải là người Tàu không. Ngài trả lời ngay: “Không, tôi là người Việt”.

Câu chuyện vui, nhưng qua đó bộc lộ tinh thần yêu nước, tự hào về quê hương dân tộc của Ngài. Tôi nhớ đã từng đọc trên Internet bức Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 gửi toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước, với những lời nhắn nhủ chí tình: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm”,  “Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc”

Vị linh mục dáng vẻ ôn hòa, từ tốn, điềm đạm kia đã từng đi nước ngoài, đến với những tiểu bang văn minh ở Mỹ, hẳn là Ngài cũng mong muốn không chỉ giáo dân của Ngài, mà tất cả mọi người, đều được hưởng những ích chung của một nền văn minh tình thương.

***

 

Với người Công giáo, lễ quan trọng nhất không phải là lễ Noel tưng bừng rực rỡ đèn sao hang đá, mà là lễ Phục sinh kỷ niệm việc Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, sau ba ngày chịu đóng đinh trên Thập Giá. Tiếp sau lễ này là bảy tuần của mùa Phục Sinh, mùa của niềm vui, của sự phục sinh tâm hồn.

Buổi sáng chúng tôi đến thăm Cha chánh xứ Lê Vinh Hiến là sáng thứ Năm trong tuần đầu mùa Phục Sinh (còn gọi là tuần Bát nhật phục sinh). Không khí vui tươi vẫn còn chan hòa khắp các xứ đạo với những băng rôn ở cổng “Mừng Chúa phục sinh”, “Chúa đã sống lại, Alleluia!”…

Tôi rất thích một lời ca trong một ca khúc của linh mục nhạc sĩ Nguyễn Văn Trinh: “Hát lên đi muôn dân hoàn cầu, Cùng hát lên đi vang trào thế giới. Tình yêu tươi thắm mãi, niềm tin vươn sức sống cùng nhau đi tạo thế giới. Hát lên đi muôn dân địa cầu, Cùng hát lên đi rung chuyển thế giới. Tình yêu sẽ chiến thắng, từ đây và mãi mãi, phục sinh đang độ nở hoa”.

Tâm hồn tôi tràn ngập cảm xúc tự hào. Trong không khí chung của công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Đồng Nai, huyện Thống Nhất đã có những đóng góp đáng kể. Những con đường phẳng thênh thang xanh mát bóng cây. Trang trại rau cần nước cả mấy chục héc-ta tươi tốt. Trại gà hàng chục ngàn con đủ mọi lứa khỏe mạnh. Những vườn chuối rộng xum xuê ở khu đá nổi… Thành tựu là do sức người. Bao công lao của cư dân nơi đây. Bao tâm huyết sáng tạo của lớp người trẻ nhiệt huyết, từ những cán bộ công chức tận tụy như anh Ngô Thanh Tùng, chị Nguyễn Thị Kim Duyên, đến những người chủ trang trại hiếu khách, năng động, khoa học.  

Và còn thêm bao nỗ lực đóng góp của giới Công giáo, từ mục tử đến đoàn chiên. Tất cả đều mong muốn có một mùa “Phục sinh” đích thực, từ tư tưởng đến hành động, từ tâm hồn đến những mối quan hệ xã hội riêng chung. Để mùa Phục sinh thực sự là mùa nở hoa.

Những người Công giáo sẽ tích cực góp phần vào sự phát triển của quê hương đất nước với tinh thần “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc”, “Người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

 

N.K

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​