Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
DƯƠNG THU HƯỜNG – “BÔNG HỒNG ĐEN” ĐÁNG TRỌNG

 

Bia Bong hong den.jpg

(Đọc "Bông hồng đen" - Nhà xuất bản Thanh niên​ - 2018)

     
    Dương Thu Hường là một trong những “ca đặc biệt” của Hội VHNT Đồng Nai. Đặc biệt vì chị là người hiếm hoi trong đội ngũ công nhân lao động, trực tiếp làm ra sản phẩm vật chất có tình yêu đối với văn học và có thể sáng tác được cả thơ, truyện ngắn, bút ký. Vài năm trước, Dương Thu Hường xuất bản tập bút ký Tuyệt đỉnh Phnômpênh “khiến mọi người bất ngờ vì sự dũng cảm của chị: một mình “thân gái dặm trường”, đi và phản ánh hiện thực đời sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất của tổ quốc, thậm chí sang cả Campuchia. Những bút ký tràn đầy hình ảnh và cảm xúc của Dương Thu Hường tạo nên nét riêng “không đụng hàng”, khiến cây bút nữ công nhân này được bạn đọc và đồng nghiệp văn chương nể vì. 

Bông hồng đen là tập truyện ngắn đầu tiên của Dương Thu Hường, gồm 18 truyện, do Nhà Xuất bản Thanh niên ấn hành. Hầu hết các truyện viết về hoạt động sản xuất công nghiệp và đời sống công nhân tại các khu nhà trọ. Có thể nói, đây là một trong những cuốn sách “hiếm” về đề tài công nhân, và nó chân thực đến mức có cảm giác như truyện nào Dương Thu Hường cũng kể về… chính mình. Có vẻ  như tác giả không để ý đến kỹ thuật viết truyện ngắn, thậm chí dấu chấm câu nhiều chỗ chưa chuẩn, nhưng Bông hồng đen lôi cuốn người đọc bởi hiện thực đời sống hết sức phong phú và cái nhìn vừa độc đáo, vừa nhân văn của tác giả. Không mô tả giờ tan tầm công nhân tuôn ra cổng các nhà máy, xí nghiệp, đổ về các khu nhà trọ. Không  đưa thông tin về GDP, về xuất khẩu hàng hóa, những thuận lợi và thách thức của doanh nghiệp Việt thời hội nhập…Nhưng hiển hiện trong từng câu chuyện của Dương Thu Hường là cuộc sống, sinh hoạt, niềm vui, nỗi buồn của những công nhân trực tiếp làm ra sản phẩm vật chất, tạo nên kỳ tích xuất khẩu, mang lại vị thế cho đất nước. Thu nhập thấp, điều kiện sống thắt ngặt, cô công nhân tên Hạnh ngày nào đi chợ cũng chỉ mua đúng hai con cá nhỏ, bữa ăn thông thường là muối vừng (mè) và canh suông. Cô tiết kiệm không chỉ vì điều kiện tài chính không cho phép mà còn vì một lý do tế nhị: “Hạnh bảo nếu giờ mà ăn đủ chất như xương hầm, thịt bò, rau bông cải thì người Hạnh cứ dậm dựt kiểu gì không biết nữa” (Ăn chơi sợ gì mưa rơi- tr23). Thì ra, nữ công nhân “ép xác” để… sống an nhiên tự tại, tránh xa sự cám dỗ thể xác (!). Đời sống tinh thần của công nhân, nhất là công nhân nữ nghèo đến xót xa, lúc rảnh họ chỉ biết hát karaoke, tâm sự với robot, chơi với thú cưng…Tình yêu nam nữ của các cô cũng nhuốm màu u buồn. Hãy nghe nhân vật Uyên bộc bạch với mẹ ruột: “Mẹ ơi. Chúng con đã chôn vùi tuổi thanh xuân trong nhà máy rồi. Vĩnh viễn không được nếm trải yêu thương, không biết yêu thương… không hề có những phút giây huyền diệu của lứa đôi. Tình yêu, một tiếng vọng như từ nơi xa thẳm mịt mờ…” (Tiếng vọng nơi xa thẳm- tr7-8). Sống và lao động trong cảnh “cả tập đoàn bao la nữ thì biết đếm sao xuể cả tỉ nỗi niềm”, người nữ công nhân khát khao một nụ cười sẻ chia, một ánh nhìn âu lo của vị bác sĩ, để biết mình còn được quan tâm, có khi đi khám bệnh chỉ vì “thèm nhõng nhẽo quá” (Tủm tỉm tình cờ-tr127). 

Nghèo cả vật chất lẫn tinh thần, tình yêu đôi lúc như trò chơi xa xỉ, hạnh phúc gia đình mong manh, cuộc sống của người công nhân ngỡ chỉ ngụp lặn trong những vụn vặt, tủn mủn nỗi lo cơm áo. Nhưng trong truyện của Dương Thu Hường, nhìn từ góc độ khác, hình ảnh người công nhân hiện lên đẹp đẽ, cao cả và đáng trân trọng với khát khao cống hiến cho xã hội, làm giàu cho tổ quốc. Cô công nhân Trúc Quỳnh từ chối sự sắp đặt của ông bố thẩm phán, đi làm thợ giày vì muốn tự lập, trong lòng luôn đau đáu câu hỏi lớn: “Mình ở đây làm gì nhỉ? Mình có làm gì cho tổ quốc chưa?” (Trúc Quỳnh- tr13). Dương Thu Hường nhận ra “công nhân là lớp người rất đáng yêu. Họ luôn lăn xả vào công việc, hăng say và trách nhiệm nhưng không phải bao giờ xã hội cũng ưu ái họ” (Trúc Quỳnh- tr13). Cũng chính vì ý thức được phẩm giá của mình, muốn làm việc để cống hiến cho tổ quốc, Trúc Quỳnh đã dám “chỉ thẳng mặt chuyên gia nói, tất cả công nhân không phải bị chết đói mà vào nhà máy làm việc. Nên ông không thể muốn đối xử thế nào cũng được” (Trúc Quỳnh- tr 14). 

Ngoài chuyện về công nhân các khu nhà trọ, Dương Thu Hường cũng viết về những người lao động bình dân khác với cái nhìn nhân bản. Đó là hai tiểu thương Lành và Nết buôn bán lời lãi chẳng được bao nhưng sống thành thật và tự trọng, là bà bán cá hôm nào cũng dúi cho cô công nhân nghèo thêm hai con cá để cô đỡ kham khổ, là chị Út chủ trọ luôn chèo kéo công nhân chia sẻ “bữa ăn ngon không chịu nổi”, là cậu Thái tật nguyền nhưng tâm hồn quảng đại, giàu lòng trắc ẩn, luôn mua thức ăn ngon bồi bổ sức khỏe cho nữ công nhân nhà trọ. Chính “Tình cảm đầm ấm như gia đình làm Hạnh có lần không kìm được xúc động khóc tại chỗ” (Ăn chơi sợ gì mưa rơi”- tr 24). Những truyện Đứa con không hôn thú, Mơ gió, Chiếc hộp bí mật, Đồi hoa cỏ may…)mỗi truyện có vẻ đẹp, sức hấp dẫn riêng và gần như truyện nào của Dương Thu Hường cũng để lại dư vị ngọt đắng cho bạn đọc. Dương Thu Hường là cây bút cá tính, chị luôn có những ý tưởng độc đáo khi tìm tòi cốt truyện, xây dựng tính cách nhân vật. Cô Trúc Quỳnh tâm hồn trong sáng, ngay thẳng đến cực đoan, dám phán xét những góc khuất ngay cả ở bố đẻ của mình, không cúi đầu trước những kẻ công thần sau chiến tranh “cứ vác mặt với đời đòi quyền lợi. Lúc nào cũng vênh váo như muốn nói không có chúng ông thì làm gì có lịch sử”, làm gì có ngày nay” (Trúc Quỳnh- tr15); Chàng thanh niên trẻ tên Thanh mỗi ngày làm công việc sản xuất thần tượng “mổ đầu người ta ra không bằng dao kéo mà bằng tư tưởng, rồi thay thế vào đó là tư tưởng mới” (Chiếc hộp bí mật-tr118) đầy ước mơ tốt đẹp nhưng nghèo rớt, không thể đến với người mình yêu chỉ vì “Anh chẳng có đồng nào”( Chiếc hộp bí mật- tr 113); Cô công nhân Hảo vì yêu cầu thủ bóng đá lừng danh Cr 7 tận bên kia bán cầu mà  “dồn kết vào đôi tay chăm chút cho những chiếc giày tuyệt hảo” (Hội chứng cung cầu- tr 135).…Bà ngoại của cô My đào hầm cất giấu huân huy chương kháng chiến như giấu vàng bạc, lúc nào cũng canh cánh bên lòng sợ bọn bất lương phát hiện ra, lấy trộm: “Ngoại dặn, những tấm huy chương ở đấy, chỉ mày biétt thôi, về nhanh mà giữ kẻo chúng đào mất” (Đồi hoa cỏ may-tr 75).  Những nhân vật độc đáo của Dương Thu Hường khiến người đọc phải khóc, cười, bị cuốn theo sự hấp dẫn của câu chuyện và gấp sách lại với một tiếng thở dài thông cảm.

Nữ tác giả có tâm hồn hướng thượng, giàu trắc ẩn và đôi khi muốn nổi loạn viết về vật nuôi như chó, mèo, lợn… cũng sinh động, ấm áp như viết về con người. Chị miêu tả chú ỉn ốm “Nó mệt và nằm thở một cách khó nhọc ở bếp, sờ nó thấy da vẫn hồng và rất ấm” (Tất cả là đối tác-tr98).  Đến cả con bò trong quan sát của Dương Thu Hường cũng vô cùng đáng yêu: “mắt bò quả là đẹp mê hồn, tròng mắt nó yo và đen láy, lại chân thành ngô nghê làm sao” (Đồi hoa cỏ may- tr 70). Văn của Dương Thu Hường giản dị, có cảm giác như nghĩ gì viết nấy, không trau chuốt. Nhưng vẫn có những đoạn, những trang viết nên thơ, trữ tình: “Nhưng tiếng gió đuổi nhau trên vòm lá, ông ve vãn mùa xuân, búp lá cong mình trong nắng” (Đồi hoa cỏ may- tr 67).

Dương Thu Hường đặt tên cho tập truyện ngắn là “Bông hồng đen”, một cái tựa đẹp và gợi. Có lẽ khi đặt tựa sách, chị không nghĩ rằng chính tác giả cũng là một “bông hồng đen” quý giá.  


Hoàng Ngọc Điệp


 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​