Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
LẶNG LẼ BÙI HIỂN

Bùi Việt Thắng

(Nguồn: VNĐN số 34 – tháng 11 & 12 năm 2019)

 

1. bui hien.jpg 

Chân dung nhà văn Bùi Hiển

 

Nhà văn Bùi Hiển sinh ngày 22-11-1919 tại Vinh, chính quê ở xã Quỳnh Tiên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông từng giữ chức Chủ tịch Hội Văn hóa Cứu quốc Nghệ An, Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ An, Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Thừng vụ BCH Hội Nhà văn Việt Nam... Nhà văn Bùi Hiển có tên trong các công trình: Nhà văn hiện đại (1942) của Vũ Ngọc Phan, Văn học Việt Nam 1900-1945 (NXB Giáo dục, 1999), Từ điển văn học (Bộ mới, NXB Thế giới, 2004), Từ điển tác giả - tác phẩm văn học Việt Nam (NXB ĐHSP, 2004), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam [từ cuối thế kỷ X I X đến 1945], (NXB Văn học, 2001), Truyện ngắn Việt Nam: Lịch sử - Thi pháp - Chân dung (NXB Giáo dục, 2007), Nhà văn Việt Nam hiện đại (NXB Hội Nhà văn, 2010), Tuyển tập truyện ngắn hiện thực 190-1945 (NXB Văn học, 2013),... Một số truyện ngắn đặc sắc của nhà văn đã được dịch sang các thứ tiếng Nga, Đức, Bungari, Cu Ba, Ba Lan, Pháp, Trung Quốc. Nhà văn vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT, năm 2001.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Nằm vạ (truyện ngắn, 1941), Ánh mắt (truyện ngắn 1961), Trong gió cát (truyện và ký, 1965), Đường lớn (truyện, 1966), Những tiếng hát hậu phương (truyện, 1970), Hoa và thép (truyện, 1972), Giản dị (truyện ngắn, 1975), Một cuộc đời (truyện, 1976), Ý nghĩ ban mai (truyện và ký, 1980), Tâm tưởng (truyện, 1985), Tuyển tập Bùi Hiển (1987), 25 truyện ngắn 1940-1995 (1996), Hướng về đâu văn học? (tiểu luận, 1996).

Thung thổ - căn cốt văn hóa của nhà văn

Khi viết về nhà văn Bùi Hiển, chúng tôi dựa theo chủ thuyết “Địa - Văn hóa” (Géo- Culture). Theo hướng/phương pháp này thì rõ ràng cần thiết trước tiên “đặt” đối tượng nghiên cứu trong phạm trù “Văn hóa xứ Nghệ” (bao gồm cả không gian địa lý Nghệ An - Hà Tĩnh). Theo nhà nghiên cứu Văn hóa Trần Quốc Vượng thì, bản sắc văn hóa Việt Nam nhìn từ “địa - văn hóa”, phải có sự cố kết giữa “núi” và “biển”. Quê hương nhà văn hội đủ hai yếu tố căn cốt này. Làng Phú Nghĩa hạ, nơi nhà văn sinh ra, là một làng chài ven biển Quỳnh Lưu. Cái hơi hướng mặn mòi của khí hậu, thời tiết vùng biển đã “phả” vào tâm hồn nhà văn tương lai: "Thời niên thiếu tôi có dịp sống gần gũi với những người dân chài quê tôi, vài ba bận theo họ ra ngoài khơi đánh cá. Mục kích hình ảnh họ kề vai sát cánh, vật lộn giữa sóng to gió cả, với một tinh thần dũng cảm ngoan cường, nhất là trong bão tố. Cảm thấy trong tâm cảm họ ngoài sự bức thúc của sinh kế, còn thấy phảng phất một ý niệm siêu hình (không thật tự giác) về cuộc đời con người, về nhân sinh, vũ trụ” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB HNV, 2010). Quỳnh Lưu trong không gian văn hóa xứ Nghệ là một vùng “địa linh nhân kiệt”, đất của văn nhân từ Hồ Xuân Hương thời trung đại đến tận thời hiện đại với tên tuổi sáng chói của Nguyễn Minh Châu - “người mở đường tinh anh” trong phong trào đổi mới văn chương sau 1975. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhà văn có mặt nơi gian khổ ác liệt - chiến khu Bình Trị Thiên (Liên khu 4). Tất nhiên là nhà văn gắn bó với núi rừng (“rừng che bộ đội rừng vây quân thù” như câu thơ của Tố Hữu). Con đường đời và đường văn của ông là từ biển lên núi, rồi từ núi về chốn kinh kỳ. Sau hòa bình (1954) nhà văn sống và viết ở Hà Nội - trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước. Thủ đô (trước sau vẫn là “nhất kinh kỳ nhì Phố Hiến”), bao giờ cũng là nơi hội tụ, kết tinh, phát tỏa các giá trị văn hóa, tinh thần. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhà văn đã có mặt ở tuyến lửa (Hà Tĩnh, Quảng Bình), không phải để chứng kiến mà thực sự trải nghiệm. Cuộc đời cầm bút của nhà văn Bùi Hiển đúc rút cho chúng ta bài học về đặc thù của thung thổ văn hóa, căn cốt văn hóa cần thiết hàng đầu đối với nghệ sỹ sáng tạo ngôn từ. Một nền văn chương lớn, một nhà văn lớn phải tựa trên một nền tảng văn hóa lớn. Những năm học Quốc học ở Vinh đã tích lũy và hun đúc phẩm chất văn hóa cho nhà văn tương lại.

Một “cây” truyện ngắn

Chúng tôi lạm dùng câu chữ của nhà văn Tô Hoài khi nói về nhà văn Nguyễn Thành Long như là “một cây truyện ngắn”. Bùi Hiển khởi đầu nghiệp văn bằng truyện ngắn Nằm vạ, đăng trên báo Ngày nay (cuối 1940), kèm lời giới thiệu trang trọng của Thạch Lam, bậc đàn anh trong làng văn. Năm 1941, nhà xuất bản Đời nay (một thương hiệu bấy giờ) đã in tập truyện ngắn đầu tay của Bùi Hiển với tựa Nằm vạ. Trong công trình đồ sộ Nhà văn hiện đại (quyển Thượng, quyển Hạ, xuất bản năm 1942), Vũ Ngọc Phan không hề ngẫu nhiên khi xếp sáng tác của Bùi Hiển vào mục “Tiểu thuyết phong tục”. Nằm vạ là một truyện ngắn mới đọc lần đầu có cảm giác nhà văn viết chơi chơi: người vợ giận chồng rồi nằm vạ, nhưng mãi rồi đói, cũng chẳng thấy ai giải cứu nên cuối cùng cũng chào thua. Giọng văn dí dỏm, hài hước khi tả cảnh người vợ tranh nhau với lũ chuột đói mấy lát khoai sống. Nhà văn không đả kích, chế diễu nhân vật nằm vạ, trái lại dường như cúi xuống cảm thông những con người dưới đáy, tưởng như tầm thường với lòng cảm thương chân phác. Vũ Ngọc Phan nhận xét chính xác và tinh tế: “Riêng những truyện về phong tục dân quê vùng Nghệ Tĩnh là những truyện hay. Những nhân vật của Bùi Hiển đều dùng tiếng thổ âm làm cho những truyện của ông không giống truyện của một nhà văn nào khác. Ngôn ngữ và cử chỉ của họ tạo nên một dấu ấn riêng, không ai nhầm lẫn được (...). Hầu hết các truyện ngắn về xứ Nghệ của ông đều là những truyện tả phong tục tính tình của dân chài xứ ấy” (Nhà văn hiện đại...). Nhân vật của Bùi Hiển thường ẩn mình giữa tự nhiên, họ sống thầm lặng. Cũng có những nhân vật ra đi (chết) bất chợt nhưng với nhà văn thì: “Âm dương không phân ranh giới rõ ràng, cõi sống và cõi chết nương nhau vấn vít”. Đúng là có khi cách trở âm /dương, nhưng lại cũng có khi không cách trở, trái lại “nương nhau vấn vít”. Tôi cho rằng đó là cách nhà văn đi vào cõi bản thể, tâm linh của đời sống con người.

 Do khuôn khổ bài viết nên chúng tôi không bình luận sâu và đủ về truyện ngắn Bùi Hiển trong khoảng thời gian sau 1945 đến 1975. Bùi Hiển, nếu có thể nói, trở lại phát sáng nhờ truyện ngắn ở giai đoạn sáng tác cuối. Sau 1975, nhà văn quay trở lại lối viết “tìm vào nội tâm” (như cách Vũ Ngọc Phan đánh giá Thạch Lam trong công trình Nhà văn hiện đại). Hai tập truyện ngắn giai đoạn này: Ý nghĩ ban mai (1980) và Tâm tưởng (1985) bộc lộ cái “tạng văn” của Bùi Hiển - giàu chất chiêm nghiệm, suy nghiệm sự sống, hướng tới đời sống thường nhật. Vẫn giữ được sự giàu có chất đời mềm và chín, nhưng mỗi truyện bây giờ lại cứng cáp, vâm váp hơn nhờ vào tính luận đề như một giàn giáo, giá đỡ tác phẩm. Chỉ riêng đọc các nhan đề truyện ngắn thời kỳ này đã thấy cái ý vị, cái rường cột khác hẳn các giai đoạn trước: Ý nghĩ ban mai, Tâm tưởng, Cái bóng cọc, Những con số một, Người từng điều khiển được chiêm bao,... Với những sáng tác truyện ngắn sau 1975, Bùi Hiển đi sâu khám phá “hiện thực tâm trạng” (thay vì là “hiện thực sự kiện”). Cấu trúc/cốt truyện truyện ngắn giảm thiểu sự kiện, biến cố chuyển sang hướng khám phá thế giới bên trong/ nội tâm/ tâm hồn/ tâm linh của con người thời hiện đại. Lẽ tự nhiên truyện của ông đậm chất chiêm nghiệm, suy nghiệm, nghiền ngẫm hiện thực. Tuy nhiên do đôi khi lộ liễu luận đề nên truyện mang dáng dấp truyện giáo huấn (đặc tính này rất rõ trong truyện Nguyễn Khải, kiểu như Một người Hà Nội).

Lặng lẽ Bùi Hiển hay là một cá tính sáng tạo

Nên ghi nhớ, tiếp xúc ban đầu của Bùi Hiển với văn chương thế giới, không ai khác, chính là nhà truyện ngắn kỳ tài của nước Pháp A. Đô-đê (A. Ddaudet). Đây là một nhà văn với phong cách trữ tình - tâm lý sâu sắc, tinh tế và huyền diệu. Đọc tiếp sau đó là các văn hào khác như A. Gid, Mêrimê, S. Maugham; các nhà văn Việt Nam thì ông riêng thích đọc Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Huy cận,... Trong xã hội học nghệ thuật cũng như tâm lý học sáng tác, người ta chú ý vào “cái thuở ban đầu” của sự viết (anh thích đọc ai, anh thích viết về cái gì, anh chọn lối viết nào). Cá tính sáng tạo (hay phong cách nghệ thuật) không phải là cái gì nhất thành bất biến. Nó chu chuyển, tất nhiên. Nhưng dẫu sao vẫn bảo lưu cái nét chính, căn bản, cái cốt lõi trường tồn để giúp phân biệt nhà văn này với nhà văn khác. Chính nhà văn bộc bạch, muốn thành công trong sáng tác thì: “Khi miêu tả, người viết phải bằng con mắt bên trong” (Vương Trí Nhàn [sưu tập, biên soạn, dịch]: Sổ tay truyện ngắn, NXB Tác phẩm mới, 1980, trang 20). Riêng tôi, rất chú ý đến cách diễn đạt của Bùi Hiển về sự viết của nhà văn phải bằng “con mắt bên trong”. Ở đây có thể hiểu theo nhiều cách. Một là, viết theo phương pháp “tìm vào nội tâm” như đã nói ở trên. Hai là, rất có thể “ướm mình vào nhân vật mà viết” (tức giả định đặt mình vào vị trí nhân vật mà ứng xử trong các tình huống không bình thường, không như ý muốn). Có lẽ, theo tôi, Bùi Hiển thực hành viết bằng con đường trực diện/ trực tiếp/ ngắn nhất “từ trái tim đến trái tim”; ba là, chỉ có thể viết thành công khi nhà văn “thấu thị” đời sống và con người (bỏ qua cái hiện tượng, bề ngoài, nhất thời).

Nói đến Bùi Hiển là nói đến nhà văn chuyên tâm viết về cái bình thường, về không chỉ tình người mà còn là tính người (“văn học là nhân học” theo đúng nghĩa rộng của từ này). Tuy nhiên, có một khoảng thời gian trong chiến tranh, Bùi Hiển cũng giống như nhiều nhà văn khác chú ý đến cái gọi là “dĩ công vi thượng”, và mục đích chiến thắng của tất cả mọi hoạt động của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Đó cũng là thời kỳ, nếu có thể nói, văn chương và nhà văn đã tự nguyện “hy sinh” chính mình.

Nói đến cá tính/ phong cách Bùi Hiển, tôi chú ý đến hai nhân tố quan trọng là: giọng điệu và ngôn từ (chữ) của nhà văn. Buổi đầu trội lên ngay giọng cảm thương (vì chủ yếu viết về những người lao đồng vạn chài quê hương hay những viên chức bé nhỏ tội nghiệp làm công ăn lương chốn thị thành), từ đó nó đặc trưng cho chất giọng Bùi Hiển dẫu sau này viết về hiện thực và con người trong cách mạng và chiến tranh. Viết gì thì cũng ngân lên cái giọng cảm thương, chia sẻ, an ủi. Đây là chất giọng của một “người hiền”, khác hẳn Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao,... những nhà văn hiện thực phê phán tài danh. Bùi Hiển chỉ nhận mình là nhà văn hiện thực/ không phê phán (!?). Ngôn từ nghệ thuật của Bùi Hiển giản dị đôi khi tưởng như đơn giản và mộc mạc. Nhưng có thể nhà văn tuân thủ nguyên lý tối thượng “cái đẹp là sự giản dị”. Sau này tôi nhận ra ở Nguyễn Minh Châu, người đồng hương với Bùi Hiển, cũng có cái chất giọng cảm thương, lặng lẽ với đời, với người trong những sáng tác truyện ngắn đặc sắc như Bến quê, Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Chiếc thuyền ngoài xa, Khách ở quê ra...

Đọc Bùi Hiển, không thấy những tiếng vọng xã hội rộng lớn, vang rền; không thấy những quyết đấu giai cấp quyết liệt và tàn khốc; không nhìn thấy cái xấu trắng trợn đến độ khủng khiếp... như trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan... Có vẻ như Bùi Hiển cứ nhẩn nha, thủ thỉ kể những câu chuyện thường ngày, ít ai để ý nhưng khi được nhà văn “chạm bút” vào thì tự nhiên lóe sáng, hiển hiện như dưới thanh thiên bạch nhật, thì lập tức phơi mở bản chất.

Nếu nói “văn là người” thì đọc văn biết người Bùi Hiển - đó là người sống an nhiên, khoan thai, tự tại, lạc quan, biết buông bỏ tham/ sân/ si, tiết chế ái/ ố/ hỷ/ nộ. Đã từng tiếp xúc với nhà văn Bùi Hiển, tôi thấy an tâm, yên bình, thư thái, tin tưởng và có thể bộc bạch khi đứng trước ông. Đôi lần tôi cứ trở lại thưởng thức cái nhã thú văn chương của Bùi Hiển, kiểu như Nắng mới, một truyện thanh thoát, nhẹ nhõm, trong sáng tưởng như không thể hơn: “Sinh tới vén riềm mở tung cửa sổ. Ánh sáng ùa tràn vào thành luồng lớn, khiến chàng ngợp trong sóng vàng chói lói. Màu nắng vàng tươi, không nồng lắm và trong hư như lọc; da trời xanh lơ lơ, thứ màu xanh e lệ của một thời tiết muốn đẹp nhưng còn ngập ngừng. Những mái tranh, những khóm lá cho đến những nếp núi biếc lượn ngoài xa tít, đều hiện ra với những hình sắc rõ rệt. Những thanh âm rộn rã bay lên thinh không, tiếng người nói, tiếng trẻ con nô đùa đâu ở phía chùa làng. Sinh nghe lạ tai. Có tiếng động khô khan của thân cây nào nứt nở, không biết vì căng nhựa xuân hay vì phơi nắng mới. Thỉnh thoảng, tiếng guốc dập lộp cộp, giòn giã trong ngõ hẻm khô ráo hay tiếng răng cào lê trên sân thóc rào rạo” (Tuyển tập truyện ngắn hiện thực 1930-1945, NXB Văn học, 2003, trang 215-216). Truyện này được viết năm 1939, đến nay đã tròn 80 năm, nhưng vẫn thấy rành rẽ tiếng Việt trong tay các nhà văn tài năng trở nên đẹp đẽ, trong sáng, lộng lẫy, đa nghĩa trong thế động và mở.

Kết luận

Một nền văn chương thực sự giàu có phải đa dạng về phong cách/ giọng điệu/ cá tính sáng tạo. Nếu nổi bật lên ở phía trước là những cây bút tài hoa với tinh thần và dũng khí “bất cộng đới thiên” với cái xấu, cái ác như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng... họ đứng ở hàng đầu cuộc đấu tranh vì cái đẹp bằng ngôn từ thì cũng cần có những người thuộc “bè trầm”/ đứng ở hàng sau như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Bùi Hiển, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh... Nhưng dẫu thuộc bè nào, dẫu đứng ở hàng nào trong đội hình nghệ sỹ ngôn từ thì điểm chung của họ cuối cùng vẫn là thờ phụng “chân - thiện - mỹ”, vẫn là biến tác phẩm văn chương thành một vũ khí tinh thần vừa thanh cao vừa lợi hại trong cuộc chiến đấu vì hai chữ CON NGƯỜI viết hoa.

B.V.T

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Truyện ngắn Việt Nam - Lịch sử, thi pháp, chân dung (Phan Cự Đệ chủ biên), NXB Giáo dục, 2007

2. Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam [cuối thế kỷ XIX đến 1945], (Vũ Tuấn Anh - Bích Thu chủ biên), NXB Văn học, 2001

3. Từ điển tác gia - tác phẩm văn học Việt Nam dùng trong nhà trường (Nguyễn Đăng Mạnh - Bùi Duy Tân - Nguyễn Như Ý chủ biên), NXB Đại học Sư phạm, 2004

4. Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ sau 1975) [ Mai Hương chủ biên], NXB Giáo dục Việt Nam, 2010

5. Sổ tay truyện ngắn (Vương Trí Nhàn biên soạn), NXB Tác phẩm mới, 1980

6. Bùi Việt Thắng: Bình luận truyện ngắn (phê bình - tiểu luận), NXB Văn học, 1999

7. Bùi Việt Thắng: Truyện ngắn - Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại (chuyên luận), NXB ĐHQG Hà Nội, 2000.

8. Đinh Trí Dũng - Bùi Việt Thắng: Truyện ngắn Việt Nam hiện đại (giáo trình cao học), NXB Đại học Vinh, 2018.

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​