Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
TỐ HỮU VÀ NHỮNG BÀI THƠ VIẾT VỀ BÁC HỒ

 

Quang Hưng

(Nguồn: VNĐN số 39 – tháng 09 & 10 năm 2020)

1. Tố hữu.jpg 

Khi nhắc đến Tố Hữu, mọi người sẽ nghĩ đến nhà thơ lớn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, là “nhà thơ nhân dân”. Con đường cách mạng và sự nghiệp thi ca của Tố Hữu luôn đồng hành cùng nhau, hành trang mà ông đến với thơ ca chính là tình cảm sâu nặng của người chiến sĩ cách mạng chân chính đối với quê hương, đất nước, với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay từ những tập thơ đầu tay của mình cho đến tập thơ cuối cùng, Tố Hữu luôn đi rất sát và thể hiện một cách sâu sắc những chủ đề lớn của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là hình tượng Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của cách mạng Việt Nam, vị cha già của dân tộc. Cảm phục trước nhân cách lớn, tấm gương đạo đức tỏa sáng của Bác, có sức lay động lớn đến tâm can mọi người và Tố Hữu cũng không là ngoại lệ. Bác Hồ chính là nguồn thi hứng bất tận, là “mặt trời chân lý” để làm “bừng nắng hạ” sưởi ấm trái tim của bao người nói chung và nhà thơ Tố Hữu nói riêng, vì thế, việc Tố Hữu làm thơ về Bác là một điều rất đỗi tự nhiên. Dù ở nhiều góc độ, bằng nhiều thể thơ, với những cảm hứng chân thành, qua những giai đoạn khác nhau, thơ Tố Hữu đều làm lay động lạ thường khi viết về Bác. 

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Tố Hữu (04/10/1920 - 04/10/2020), chúng ta cùng nhau cảm nhận những tình cảm sâu sắc mà nhà thơ Tố Hữu dành cho Bác Hồ qua những bài thơ đi cùng năm tháng của ông.

Bài thơ “Hồ Chí Minh” (1945) là bài thơ đầu tiên mà ông viết về Bác trong hoàn cảnh thời kì đầu cách mạng thành công. Bài thơ ghi nhận công lao của Người đối với cuộc cách mạng lịch sử đã “đổi đời” cho nhân dân Việt Nam. Do nhu cầu của cách mạng lúc bấy giờ, cần phải tuyên truyền, làm cho mọi người biết, đặc biệt là nhân dân ở Trung kỳ biết về Bác, về cách mạng nên trong bài thơ khi viết về Bác còn có một khoảng cách ngưỡng mộ và chiêm ngưỡng từ xa nên còn chung chung, khái quát với hình tượng lớn: “Người lính già/ Đã quyết chiến hy sinh/ Cho Việt Nam độc lập/ Cho thế giới hòa bình!”.

Tố Hữu đã từng tâm sự về hoàn cảnh lúc ông viết bài thơ “Hồ Chí Minh”: “Thậm chí cũng chưa thấy ảnh Bác nữa kia... Bài đó viết trong tình hình là hồi đó nghĩ về Bác như thế. Một không khí hiệp sĩ, chevalier, có cả gươm dao, bừng bừng”: “Hồ Chí Minh/ Người đã quyết chiến/ Mặc phong ba giá tuyết/ Mặc gươm súng xiềng gông/ Làm tên quân cảm tử đi tiên phong”.

Đó là những tình cảm, những ấn tượng đầu tiên của người chiến sĩ cách mạng trẻ Tố Hữu dành cho Bác, mặc dù chưa được gặp Bác nhưng nhà thơ đã khắc họa hình tượng Bác là một hiệp sĩ, một người lính cảm tử tiên phong, người anh hùng có sức mạnh to lớn, dẫn dắt cả dân tộc đứng lên giành độc lập, tự do. Từ hình ảnh Bác qua bài thơ “Hồ Chí Minh” chúng ta cảm nhận được tình cảm yêu quý, sự kính trọng của nhà thơ đối với Bác, tuy chưa được gặp Bác nhưng Tố Hữu đã trao trọn niềm tin, ý chí, quyết tâm của người cách mạng yêu nước chân chính cho Người, tin tưởng vào một ngày cách mạng toàn thắng, và hình ảnh Bác Hồ chính là ngọn cờ soi sáng cho dân tộc Việt Nam. Càng về sau này được gần và hiểu Bác hơn thì thơ Tố Hữu khắc họa hình ảnh Bác thật đời thường và giản dị, là hiện thân của tâm hồn và trí tuệ dân tộc hôm qua và hôm nay: “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già”. (Bài “Bác ơi”- 1969).

Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu đã có may mắn được làm việc bên cạnh Bác Hồ tại ATK Việt Bắc, được trò chuyện với Người từ việc công đến chuyện riêng tư. Cho nên, những vần thơ về Bác có những hình ảnh cụ thể, chi tiết hơn. Tập thơ “Việt Bắc” ghi lại cuộc trường chinh suốt “ba ngàn ngày không nghỉ” gian khổ của nhân dân ta, trong đó, hình ảnh Tổ quốc, nhân dân lúc này gắn liền với hình ảnh Bác Hồ. Vào một buổi sáng tháng 5 năm 1951, nhà thơ Tố Hữu được Bác Hồ gọi đến để báo cáo công tác tuyên truyền cách mạng, được nghe Bác đọc thơ và tâm sự, giữa thiên nhiên núi, rừng Việt Bắc tuyệt đẹp, với cái nhìn gần gũi, thân thương, nhà thơ đã không thể kìm nén được cảm xúc khi gặp Bác: “Bác Hồ, cha của chúng con/ Hồn của muôn hồn/ Cho con được ôm hôn má Bác/ Cho con hôn mái đầu tóc bạc/ Hôn chòm râu mát rượi hòa bình!”.

Bài thơ “Sáng tháng Năm” (1951) ra đời trong hoàn cảnh như vậy đó, là tiếng lòng, là cảm xúc của một con người khi được gặp chân lý sống của mình. Từ bài thơ đầu tiên Tố Hữu viết về Bác đến bài thơ thứ hai là một chặng đường khá dài để nhà thơ có điều kiện được gặp Bác, để có được cái nhìn gần gũi mà thân thương hơn về Bác, để nhà thơ thấy “Ông Cụ” có cốt cách thật đẹp, thật giản dị và gần gũi. Và tác giả vui sướng bất ngờ, là cảm giác: “Ta bên người, người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn bên Người một chút…”.

“Sáng tháng Năm” có nhiều câu thơ mang tính chất là những phát hiện đầu tiên xây dựng một chân dung tinh thần của Bác Hồ, mà đem lại cho tác giả cảm giác được viết bài thơ thật thích về Bác và cũng là cơ sở càng về sau này để nhà thơ sáng tác những bài thơ rất thành công về Bác. Qua bài thơ “Sáng tháng Năm”, Tố Hữu đã có góc nhìn mới để khắc họa nên hình tượng Bác, nhìn Bác từ bên trong, từ chiều sâu tâm tưởng, từ cảm nhận của nhà thơ, cho ta thấy Bác không chỉ vĩ đại như một vị lãnh tụ tối cao mà còn bình thản, giản dị trước những sự việc trọng đại của đất nước cũng như trong đời sống hằng ngày. Phải là người có tình cảm thành kính và sâu sắc thì Tố Hữu mới nói được những lời gan ruột, cách xưng hô ân cần quen thân gần gũi: “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”.

Sự đồng cảm ấy có sức hút, sức truyền cảm lớn lao, sức mạnh tinh thần, sức mạnh nhân nghĩa của lòng bác ái cao cả nơi Bác. Dường như không còn khoảng cách giữa lãnh tụ và người dân. Chính sức mạnh của sự đồng cảm ấy đã hóa thành tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn giúp toàn dân tộc ta đứng lên, dưới ánh sáng soi đường của Đảng đã đưa nhân dân ta “chín năm làm một Điện Biên”, với chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, đưa đất nước ta bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập.

Miền Bắc độc lập sau 9 năm kháng chiến, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong niềm hân hoan, vui sướng, bài thơ “Ta đi tới” (1954) ra đời, bài thơ vừa ngợi ca niềm vui chiến thắng, vừa nêu lên khát vọng thống nhất non sông, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Và hình tượng Bác được nhà thơ khắc họa dào dạt hình ảnh mái tóc bạc của Bác Hồ: “Trên đường ta về lại Thủ đô/ Cờ đỏ bay quanh tóc Bác Hồ…”.

Câu thơ khéo léo lồng ghép hai hình ảnh hiện hữu trong nhau:  Lá cờ đỏ sao vàng bay và mái tóc bạc Bác Hồ của niềm vui chiến thắng, lòng tự hào dân tộc. Nhưng thiêng liêng hơn đó là biểu tượng của hồn nước, hồn dân tộc. Đây là cách nói hàm súc bằng thơ nhằm tôn vinh sự vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh về công lao to lớn của người đối với dân tộc. Trong niềm hân hoan vui sướng đó, Tố Hữu vẫn luôn nhớ tới Bác, hình ảnh “Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ” khiến cả bài thơ, từng câu chữ như in hình bóng của Bác, ngợi ca công lao to lớn của Người. Đó là tiếng lòng sâu nặng của nhà thơ với Bác, thể hiện tình cảm dạt dào mà sâu lắng, luôn luôn có Bác trong tim. Trong những thời khắc lịch sử của dân tộc, Tố Hữu vẫn nghĩ về Bác bằng lòng kính yêu sâu sắc, như tấm lòng của người con đối với người cha vĩ đại.

Tố Hữu cũng là người đầu tiên trong thơ nhắc đến Sài Gòn với tên Thành phố Hồ Chí Minh trong bài “Ta đi tới”. Nhà thơ đã từng tâm sự lúc viết như vậy, Bác đọc, Bác tủm tỉm cười: “Ai cho phép chú đặt tên như thế?”, Tố Hữu hốt hoảng: “Dạ, thưa Bác, có ai cho phép đâu. Nhưng nguyện vọng của đồng bào ưng rứa, xin phép Bác cho gọi rứa, trong thơ mà, để đồng bào thỏa mãn”.

Đó là nguyện vọng không chỉ của nhà thơ mà là nguyện vọng của cả dân tộc, là ước mong của dân tộc, ước mong thống nhất mà Người luôn ấp ủ. Và cũng từ ước mong đó của Người, đã thôi thúc cả dân tộc ta quyết tâm thực hiện cho bằng được và lịch sử đã chứng minh Sài Gòn đã được giải phóng, non sông thu về một mối, và tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh thân thương được vang lên, thỏa lòng mong ước của biết bao thế hệ người Việt.

Năm 1960, Bác đi dự Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân thế giới. Bác hoạt động rất tích cực, với tinh thần một người vô sản chân chính. Bác dành tình cảm cho cả năm châu bốn biển. Bác kêu gọi tinh thần đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế. Nhà thơ đã dành những từ ngữ tươi sáng nhất, sung sướng đến vui tận hai lần để lột tả nỗi niềm khi Người trở về: “Bác về, vui đó, con ơi!/ Bác hôn các cháu, Bác cười với dân/ Ngày vui vui những hai lần:/ Bác về, mang cả mùa xuân lại nhà”. (Bài “Cánh chim không mỏi”, 1960)

Hay trong bài thơ “30 năm đời ta có Đảng” tình cảm của Tố Hữu dành cho Bác qua những câu thơ hết sức giản dị mà đầy ắp tình biết ơn, lòng yêu thương đến người cha của dân tộc, đã hy sinh cả một đời vì nước non, cũng như những trái ngọt mà những người con dâng lên cho Người: “Bác Hồ đưa ta tới trời xa/ Ba mươi năm bước đường qua/ Đời ta có Bác xông pha dẫn đường/ Người đi trước, nghìn sương muôn tuyết/ Dắt dìu dân, nước Việt Nam ta/ Bạc phơ mái tóc người Cha/ Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người”.

Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước với hai bài thơ xuất sắc là “Theo chân Bác” và “Bác ơi”, được coi là những sáng tác đỉnh cao về Bác. Ra đời trong hoàn cảnh Bác đã đi xa, hai bài thơ đã ngợi ca công đức, tấm lòng nhân ái của Người, đồng thời cũng là những lời ca tiễn biệt đau đớn trước sự ra đi của vị cha già dân tộc: “Bác đã đi rồi sao Bác ơi!/ Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời/ Miền Nam đang thắng mơ ngày hội/ Rước Bác vào thăm thấy Bác cười”.

Lời thơ không chỉ dừng lại là lời của cá nhân mà còn là tiếng lòng cảm xúc cả dân tộc Việt Nam. Tác giả khẳng định nỗi nhớ Bác thường trực trong trái tim triệu người con Việt Nam, nỗi nhớ ấy nghìn thu, muôn thuở như cuộc đời Bác, sự nghiệp của Bác. Nhà thơ khẳng định sự bất diệt, sức sống vĩnh hằng của Người trong trái tim nhân dân Việt Nam. Nỗi nhớ Bác không hề bi lụy, trái lại đó lại trở thành động lực thúc đẩy dân tộc tiếp tục con đường mà Người đã chọn. Lời thơ chính là lòng thành kính, niềm biết ơn vô hạn đối với Người. Sức mạnh tinh thần Bác tạo ra, nhân cách của Bác là tấm gương sáng để mọi người soi chiếu bản thân trở nên trong sáng hơn. Tình cảm con dân Việt Nam dành co Bác luôn đong đầy, thiết tha ân tình mà hàng triệu trái tim Việt Nam cùng dâng lên Người: “Bác ơi!/ Tết đến. Giao thừa đó/ Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/ Ríu rít đàn em vui pháo nổ/ Tưởng nghìn tay Bác vỗ xuân sang...”.

Trong bài thơ “Thăm cõi Bác xưa”, Tố Hữu lại đưa chúng ta về với khung cảnh quen thuộc, nơi mà Bác Hồ sinh sống lúc làm việc với những hình ảnh rất đỗi thân quen, mà giờ đây không còn bóng Bác: “Anh dắt em vào cõi Bác xưa/ Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa/ Có hồ nước lặng sôi tăm cá/ Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa.” Những hình ảnh rất gần gũi và thân quen không chỉ với nhà thơ mà còn thân quen với tất cả người con đất Việt, những người dân tiến bộ trên thế giới yêu quý Bác.

Bài thơ được viết vào tháng 1, năm 1970 là một phần của bài “Theo chân Bác”, bài thơ là đoạn điệp khúc của cả giai điệu nhớ thương Bác, cảnh vật nơi nhà sàn Bác Hồ vẫn vẹn nguyên, vẫn yên bình hòa hợp với thiên nhiên, chỉ có Bác không còn nữa. Nhưng trong từng lời thơ của Tố Hữu hình bóng Bác vẫn luôn tồn tại, Bác vẫn làm việc, vẫn đọc thư các cháu thiếu nhi, Bác vẫn chăm sóc cây vườn, vẫn thăm đàn cá, Bác vẫn lo việc dân, việc nước… Ô vẫn còn đây, của các em/ Chồng thư mới mở, Bác đang xem/ Chắc Người thương lắm lòng con trẻ/ Nên để bâng khuâng gió động rèm...”.

Những vần thơ mang nặng tâm tình của nhà thơ, như tiếng lòng của hàng chục triệu người dân Việt Nam, luôn khắc sâu công ơn của Người và trong trái tim của mỗi người con Bác vẫn sống mãi, tâm hồn Bác vẫn tỏa sáng, nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn, Bác là như vậy, tấm lòng bao la như biển cả: “Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình, cho hết thảy/ Như dòng sông chảy, nặng phù sa”.

Ngay sau những ngày chiến thắng lịch sử 30/4/1975, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong thơ của Tố Hữu vẫn đau đáu hình ảnh Bác Hồ trong niềm vui chiến thắng, hình ảnh Bác tươi cười vẫy chào những đoàn quân anh dũng, những chiến sĩ đã làm nên một dân tộc vĩ đại: “Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”. (Bài “Toàn thắng về ta”, 1975).

Hình ảnh của Bác hiện diện ngay trong tâm trí người con đất Việt khi đó, trong niềm vui xúc động vỡ òa của chiến thắng, như tiếp thêm sức mạnh cho cả dân tộc tiếp bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh/ Đứng gác biển trời tươi mát màu lam/ Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm Đường kách mệnh/ Cho chúng con nay được trở về, vĩnh viễn Việt Nam!”. 

Đến mãi sau này, khi chiến tranh đã lùi xa mãi mãi, chỉ còn trong kí ức của dân tộc, đất nước bước sang thời kì mới, thì trong thơ Tố Hữu vẫn luôn luôn có hình bóng Bác Hồ kính yêu, như Người vẫn đang dõi theo từng chặng đường cách mạng của đất nước: “Nước độc lập, tự do, dân no ấm học hành/ Một đời Bác, chỉ lòng ham muốn ấy/ Có lẽ hôm nay, giữa giấc yên lành/ Người vẫn nghĩ... Như Người hằng sống vậy”. (Bài “Một khúc ca”, 1977). “Lòng thanh thản, vui trong lòng Đảng/ Bên Bác Hồ, đẹp dáng Bác Tôn.”. (Bài “Trưa tháng Tư, Sài Gòn”, 1992).

Và trong những năm cuối cuộc đời, bài thơ “Chào năm 2000” của Tố Hữu vẫn thể hiện được nỗi lòng nhớ Bác, đó là lời dặn dò thanh niên, những con người sẽ tiếp bước thế hệ cha ông, làm chủ tương lai của nước nhà: “Năm 2000 ơi! Người là ai đó ?/ Tôi vẫn nghe lời/ Bác gọi thanh niên:/ Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

Cuộc đời thơ ca của Nhà thơ Tố Hữu luôn gắn liền với chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam và trong những vần thơ của ông vẫn luôn mang bóng hình vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Tố Hữu chưa chắc đã là người làm thơ nhiều nhất về Bác Hồ nhưng tin chắc ông là nhà thơ có nhiều bài thơ hay nhất về Bác Hồ, có sức sống lâu dài đến tận ngày nay. Ở chiều ngược lại, chính hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã làm nên thành công cho sự nghiệp thi ca của Tố Hữu. Và chính hình tượng nhân cách lớn, tư tưởng, phong cách đạo đức tỏa sáng của người đã khiến Tố Hữu phải thán phục, ngưỡng mộ, và chính tình cảm đặc biệt của Tố Hữu dành cho Người đã thôi thúc người chiến sĩ cách mạng Tố Hữu cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc trở thành người cộng sản trung kiên, nhà văn hóa tài năng.

Tình yêu đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh trong hàng triệu trái tim người con đất Việt được nuôi dưỡng, ngày càng sâu đậm từ những bài thơ, ca từ của nhà thơ Tố Hữu không chỉ là sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần cổ vũ cho dân tộc Việt Nam giành chiến thắng trong kháng chiến gian khổ, và hiện nay những câu thơ viết về Bác của Tố Hữu lại ngân vang thường xuyên trong các hội thi, trong các buổi tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó, cho thấy hình ảnh Bác Hồ vẫn luôn sát cánh, kề bên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Q.H

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​