Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
LÊ THỊ XUÂN TRANG - Học Bác từ những điều giản dị

Phạm Văn Đảng

(Nguồn: VNĐN số 39 – tháng 09 & 10 năm 2020)


 

2. lê Thị Trang.jpg
Lê Thị Xuân Trang 

 “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.  Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, Lê Thị Xuân Trang trên cương vị Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc - tỉnh Đồng Nai đã đạt được những thành tích xuất sắc trên con đường đồng hành cùng bà con nông dân phát triển các mô hình kinh tế nông thôn ở địa phương. Với quan điểm học ở Bác từ những điều giản dị nhất, Lê Thị Xuân Trang đã thực sự là một công bộc xuất sắc của nhân dân và là điển hình trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chúng tôi gặp Xuân Trang vào một ngày đầu thu nắng vàng, trong vời vợi. Tiết trời dịu nhẹ gió mơn man, phơi phới trên những miệt vườn phảng phất hương thơm mùi trái chín. Chuyến điền dã của mấy anh chị em văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác vô tình hội ngộ một nhân vật, mà theo cách nói của giới văn chương thì có thể khởi nguồn cho thiên truyện ngắn hay đặc sắc. Cũng chỉ là tình cờ thôi, trong trang trại của Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ cây ăn trái đồi Sa Bi, cô gái trẻ Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện đang hướng dẫn anh giám đốc làm thủ tục về nhận diện thương hiệu. Nếu như không được giới thiệu chức danh, có lẽ chúng tôi đã nghĩ rằng Xuân Trang là một kỹ sư trồng trọt. Trong khuôn viên gần chục hecta cây ăn trái, Trang chụm đầu bên vợ chồng anh chủ trang trại, phân tích từng đặc điểm sinh trưởng, màu sắc, chất lượng của những trái bưởi, trái cam sai lúc luỷu. Khoác bộ đồ lao động giản dị, mái tóc búi cao gọn ghẽ, tôi không nghĩ mình đang gặp một công chức văn phòng nơi thôn dã. Chia sẻ về công việc chuyên môn, Trang tâm sự: Xác định quyết tâm “nâng chất” nông thôn mới ở Xuân Lộc, lãnh đạo huyện đã triển khai nhân rộng các mô hình kinh tế cây con hiệu quả, tập trung nâng cao đời sống cho bà con bằng nhiều cách làm mới. Tiêu biểu đó là mô hình liên minh HTX kinh tế nông thôn, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Anh Trần Văn Dương, giám đốc HTX đồi Sa Bi cho biết thêm, hiện tại HTX của các anh đang bước đầu thâm nhập thị trường bằng trái cây sạch, chất lượng cao như xoài cát Hòa Lộc, quýt đường, bưởi da xanh… Ngoài việc giữ vững chất lượng sản phẩm, điều nan giải nhất của các anh là định vị thương hiệu, tạo uy tín lâu dài với khách hàng. Theo đó, Phòng nông nghiệp huyện hướng dẫn anh và cộng sự phối hợp các gia đình có cùng năng lực, đất đai để thành lập HTX. Từ người nông dân thuần túy, chưa một ngày được học qua về quản trị kinh doanh, quy trình thủ tục giấy tờ, anh như một đứa trẻ lẫm chẫm đi trên con đường đầy sỏi đá. Và Xuân Trang như một người tham mưu đắc lực cho HTX của anh hoàn thiện tất cả. Không chỉ hướng dẫn, Xuân Trang còn thường xuyên xuống kiểm tra tận nơi, ân cần như một người thân trong gia đình. Nghe cô cán bộ giảng giải từng chi tiết, vợ chồng anh cùng cộng sự ghi chép thành một kế hoạch công tác, tháo gỡ từng bước trong quá trình chuyển đổi đột phá từ kinh tế nhỏ lẻ sang cơ cấu quản lý tập trung do chính các anh làm chủ. Giải thích công việc hôm nay với chúng tôi, Trang đưa ra một số mẫu mã tự tìm hiểu trên mạng để anh Dương lựa chọn logo thương hiệu cho HTX đồi Sa Bi. Vợ chồng anh giám đốc cười tươi như hoa, ngượng nghịu giãi bày: “Đời tôi lên rừng xuống biển bao năm, có khi nào nghĩ mình thành giám đốc. Từ khi cô Trang trên huyện xuống hướng dẫn, chúng tôi mới ngộ ra nhiều điều…”. Thói quen ngề nghiệp khiến tôi linh cảm về một nhân vật có chiều sâu và quay sang phỏng vấn nhanh. Song Trang luôn lảng tránh nói về mình, em bảo đó là công việc thường ngày của cán bộ cơ sở thôi mà. Em nghĩ đơn giản rằng, việc gì có lợi cho bà con mà mình biết thì phải giúp đỡ nhiệt tình. Vâng, đơn giản thế thôi nhưng tôi nghĩ rằng không phải ai cũng có suy nghĩ như Trang. Có lẽ ngoài sự đam mê với công việc của cô gái nhỏ, động lực chính giúp cô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là niềm vui được mùa của những bà con nông dân hai sương một nắng. Câu chuyện về cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” vẫn nóng rẫy trên diễn đàn nghị sự, thì ở đâu đó như vùng quê Xuân Lộc nơi đây vẫn có những con người như Xuân Trang. Câu chuyện đang dang dở thì Xuân Trang có một cuộc gọi tới. Khẽ vén mái tóc lấm tấm giọt mồ hôi trên trán, cô cán bộ phòng Nông nghiệp chào mọi người rồi bước vội ra ngõ. Chúng tôi ngỏ ý muốn được tham quan những mô hình nông thôn mới ở Xuân Lộc. Trang đồng ý với một điều kiện: Đừng viết gì về em, các anh chị hãy tuyên truyền giúp địa phương về những tấm gương sản xuất giỏi. Họ mới là những người đáng được quan tâm, khích lệ. Nói rồi cô nhanh nhẹn dắt xe đi trước dẫn đường. Bóng người phụ nữ bé nhỏ nghiêng nghiêng trong ánh nắng chiều dịu nhẹ. Chúng tôi đi giữa hàng cây xanh mát, dọc hai bên đường cơ man nào là cam, xoài, bưởi, hồ tiêu rung rinh trước gió. Trang tươi cười bảo, chúng ta sẽ đến trang trại nuôi chim trĩ của thầy giáo Đính. Hôm nay em rất vui, vì trang trại này đã chính thức đầy đủ giấy phép kinh doanh, hoàn thiện quy trình về thú y, vệ sinh an toàn và được cung cấp mã vạch định danh sản phẩm. Chủ trang trại vừa gọi cho cô để báo tin mừng và cũng để tham khảo thêm về phương án mở rộng quy mô chăn nuôi. Rồi Trang tự hào “khoe”: Toàn huyện Xuân Lộc có hàng chục mô hình HTX kinh tế nông thôn hiệu quả, nếu các anh chị muốn đi hết phải ở lại đây ít nhất một tuần. Xung quanh ngọn núi Chứa Chan, hồ Núi Le… còn rất nhiều nơi thú vị để khám phá. Tôi có cảm giác như Trang là một hướng dẫn viên du lịch. Rành rẽ về địa giới hành chính - đương nhiên rồi, rành rẽ về tất cả mọi khó khăn và thuận lợi của bà con nông dân, ấy mới là chuyện đáng nể. Thầy giáo Đính hồ hởi đón chúng tôi từ ngoài ngõ. Sau cái bắt tay nồng ấm giữa chủ và khách, chúng tôi cùng bước ra phía chuồng nuôi tham quan hàng ngàn cá thể chim trĩ đang chuyền cành bay lượn. Trang cho biết, từ trước tới nay người ta chỉ biết tới chim trĩ qua phong trào nuôi chim cảnh. Thầy giáo Đính sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu đã xin được giấy phép nuôi chim trĩ thương phẩm số lượng lớn. Sau khi được các cơ quan chức năng của huyện nhất trí, Trang là người được giao trực tiếp hướng dẫn về thủ tục. Theo ông chủ trại thì để được hoàn thiện thủ tục như ngày hôm nay, ông và cô Trang đã phải bàn bạc, tháo gỡ từng công đoạn rất khó khăn. Khó bởi vì lần đầu tiên cả cán bộ và nông dân chung tay một mô hình chưa có trong tiền lệ. Chim trĩ vốn được xếp vào nhóm quý hiếm cần được bảo tồn. Hơn nữa để cung cấp ra hệ thống siêu thị cần đáp ứng yêu cầu rất khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm định về quy trình chăn nuôi, quy trình giết mổ, tiêu chuẩn môi trường… Mặc dù những năm gần đây, chính phủ đã cho phép kinh doanh loại gia cầm này, nhưng thủ tục cấp phép vẫn là vấn đề mới mẻ. Trang trại chim trĩ thầy giáo Đính đã chứng minh được rằng loài chim trời quý hiếm hoàn toàn có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhân tạo. Và cũng từ đây, mô hình nuôi chim trĩ của thầy giáo Đính đã mở ra một cơ hội phát triển kinh tế hiệu quả cao. Ông chủ trang trại còn chia sẻ, trước khi có bộ hồ sơ hoàn chỉnh, nhiều công đoạn ông được cô Trang tư vấn hết sức cặn kẽ. Sự tin tưởng của ông với Trang đến mức ông phó thác toàn bộ công đoạn, quy trình chăm sóc vật nuôi và đầu ra sản phẩm giao cho cô để giúp ông hoàn thiện hồ sơ. Và đương nhiên mọi việc diễn ra thuận lợi, cho dù hai người cũng phải ngược xuôi một thời gian dài. Ông chia sẻ thêm, bây giờ chính bản thân ông cũng đã vỡ ra nhiều điều, và ông luôn tự nhủ sẽ tiếp sức cùng cô Phó Trưởng phòng nông nghiệp huyện tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm của mình với các hộ gia đình khác có nhu cầu mở rộng sản xuất, chăn nuôi.

Với quan điểm hỗ trợ giúp đỡ bà con nông dân là trách nhiệm chung của những người làm cán bộ nông nghiệp, nên khi tôi hỏi thêm về những kết quả trong năm vừa qua, Trang có vẻ ngần ngại. Tôi có cảm giác như công việc của Trang gắn liền với trồng trọt chăn nuôi như là một cơ duyên, hay là duyên nghiệp thì đúng hơn. Trước đây, trong quá trình đi công tác dưới cơ sở, tôi thường thấy một thực tế là xưa nay nông dân ta thường phát triển cây, con theo tâm lý số đông. Mỗi khi loại hình nông sản nào được giá là bà con xuống giống ồ ạt, sẵn sàng phá cũ, trồng mới. Rồi được mùa rớt giá là bài học kinh điển mà địa phương nào cũng mắc phải. Đấy là chưa kể chính người nông dân chạy theo lợi nhuận, bất chấp chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không biết giữ uy tín sản phẩm trên thị trường. Tất cả những điều ấy cán bộ nào cũng biết. Nhưng khắc phục như thế nào lại là chuyện khác. Người nông dân không thể tự bơi trên thương trường, nhưng để trả lời câu hỏi về định hướng sản xuất kinh doanh thì còn rất nhiều vướng mắc. Nhưng từ khi được mục sở thị nhiều HTX nông nghiệp ở Xuân Lộc và đặc biệt là khi tiếp xúc với Xuân Trang, tôi đã thấy có một sự thay đổi khác lạ. Xuất phát từ những chủ trương phát triển kinh tế đi sâu gỡ rối vấn đề này, Phòng nông nghiệp huyện đã sâu sát từng xã trong toàn huyện và Xuân Trang là cô cán bộ trẻ đủ uy tín để bà con tin và làm theo. Tâm sự với chúng tôi, Trang không kể về công việc của mình, nhưng ấn tượng về cô cán bộ nông nghiệp huyện của các HTX trong toàn huyện đã nói lên nhiều điều. Những doanh nghiệp trẻ như anh Trần Quang Tính ở Công ty Trang trại Việt, hay anh Lê Hữu Chuyên ở HTX Thương mại Dịch vụ Nấm Lộc, ông Bùi Đình Anh ở doanh nghiệp Bùi Gia Trang… Tất cả đều có chung một suy nghĩ tốt đẹp về Xuân Trang và luôn tin tưởng tuyệt đối bằng hai từ: mến mộ. Có thể thấy thời gian làm việc chính của Trang không phải ở văn phòng mà ở chính những trang trại thuộc các HTX nông nghiệp. Khi tôi hỏi về thời gian xử lý công văn báo cáo, Trang cười hiền nhỏ nhẹ: Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm. Một câu trả lời hài hước, nhưng tôi biết đó là sự thật khi Trang đã dành quá nhiều thời gian trên những cung đường và nơi bà con nông dân sản xuất. Vậy còn những khó khăn? Cô cán bộ Phòng nông nghiệp chia sẻ, nhờ gần gũi sâu sát với bà con, cô càng thấm thía những khó khăn vất vả của người nông dân hai sương một nắng. Lời Bác Hồ dạy về đạo đức người công bộc của nhân dân luôn vang vọng trong tâm thức cô từ mọi suy nghĩ đến việc làm. Trang nhận ra rằng khó khăn của bà con và giải quyết được những nỗi lo lắng của người dân mới là quan trọng. Với Trang, học ở Bác từ những điều giản dị, ấy chính là động lực giúp cô hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

P.V.Đ

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​