Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
Ở QUÁN CAFÉ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG NGỦ

 Lã Hoài Mai

(Nguồn: VNĐN số 39 – tháng 09 & 10 năm 2020)

 

Má thường khó chịu phàn nàn về việc tôi thường khoác balo ra khỏi nhà mỗi sáng, dù đó không phải là ngày đi làm. Buổi sáng, tôi thức dậy, súc miệng, rửa mặt, bỏ qua công đoạn ăn sáng, cứ vậy xỏ một chiếc quần jeans, một cái áo sơ mi có khi đen hoặc trắng, và mang đôi giày cũ mèm ít khi có dịp chùi rửa, khoác chiếc balo màu tím lên vai, dắt con xe trắng bám đầy bụi, cứ thế lao ra đường. Tôi hiếm khi có nhà, bạn bè khách khứa của má tới chơi hầu như rất ít khi nhìn thấy tôi, có khi còn tưởng tôi là bạn của nhỏ em gái qua chơi. Tôi không quan tâm lắm về chuyện ấy, vì hầu như, câu chuyện của các bà thím vẫn xoay quanh chuyện chợ búa, con cái. Má nói: “Con gái, không ở nhà cơm nước, suốt ngày đi rong”.

Tôi bắt đầu ra riêng sau một khoảng thời gian dài nằm nhà vô tích sự và chán ngán với gương mặt ưu phiền như đã tạc của má hay thái độ hằn học thường trực của cha. Cha tôi là một người còn hơn cả nóng nảy. Tôi và cha không hợp tính, và thường không nói chuyện được với má. Tôi thường nghĩ vui rằng đó là sự xung đột giữa các tiểu hành tinh, khi va chạm nhất định có xây xát. Tôi ghét chiến tranh nên thường lảnh đi đâu đó khi cảm thấy mùi khói lửa đang bốc lên từ những cái đầu nóng. Vì thế, sau rất nhiều lần vác balo ra khỏi nhà đến hết ngày mới về, và tìm được một công việc vừa ý, tôi quyết định ra riêng.

Cái phòng trọ nhỏ xíu nằm tuốt ngoại thành nhưng đủ yên tĩnh và có thể nghe thấy vài thanh âm tự nhiên hiếm hoi sót lại giữa một thành phố đã bê tông hóa đến độ hơi thở ra cũng có mùi sắt thép. Tôi không về nhà, thường mỗi tháng cố gắng ghé qua nhà một hôm để cha má biết rằng còn có một đứa con tồn tại. Phần còn lại, tôi thường vác balo chạy đâu đó xa thành phố, xuống miền Tây, đi Tây Nguyên hoặc gần hơn thì xuống Vũng Tàu giang nắng và hít gió biển. Nhưng trước mỗi chuyến đi như vậy, thường vào tối thứ Sáu, tôi ghé qua quán café Những người không ngủ một lần, và có khi, ở lại suốt đêm cho đến sáng hôm sau sẽ từ đó bắt đầu một chuyến đi bất kỳ.

Quán nằm giữa trung tâm thành phố, kế bên công viên và nhà thờ Đức Bà, khá đẹp và sang chảnh. Tôi không ghé quán thường, chỉ đến vào tối thứ Sáu và gọi độc một món trà đào. Đó không phải là món ngon nhất hay đặc biệt gì của quán, món đó nhan nhản quán nào cũng có. Tôi gọi trà đào vì nó quen thuộc với khẩu vị và giá cả cũng vừa đủ cho túi tiền không phải bị hao hụt quá nhiều vào mỗi cuối tháng. Tôi thường chọn một góc khuất trong cùng, nơi hai bức tường giao nhau tạo thành một góc nhọn, nhét mình lọt thỏm trong đó và yên tâm rằng sẽ không gây sự chú ý cho bất kỳ ai dù họ có hay không một chút hiếu kỳ. Tôi đọc sách, chơi điện thoại đến khuya và có thể gục ngủ lúc nào tùy ý, cho đến sáng. Có khi cũng chợt tỉnh giấc và liếc nhìn khó chịu với một cặp đôi đang bận tranh cãi gì đó. Ở quán café thì dĩ nhiên ồn ào và nhiều chuyện. Người người nói nói cười cười, có khi có cả tiếng la hét, chửi thề, văng tục của mấy gã sinh viên trẻ trâu nào đấy khi cãi nhau về một phần mềm nào đấy, hay những cặp đôi đang vui vẻ ngọt ngào đấy lại quay ra hờn giận ứ ừ. Tôi ngủ hoặc không ngủ, chứng kiến những cuộc chuyện hoặc để những thanh âm đó loáng thoáng trong giấc mơ. Càng về đêm, phố xá vắng xe, khách ở lại thưa thớt, không gian như ngưng đọng lại, tôi nghe được cả tiếng những chiếc ly được xếp chồng lên kệ, tiếng nhân viên chào nhau lúc thay ca. Đó là những bình yên hiếm hoi trong một thành phố đã sống một đời náo động không ngơi nghỉ.

Như thường lệ, một tối thứ Sáu, tuần thứ ba của tháng Năm, tôi dừng xe trước cửa tiệm, giao chìa khóa cho nhân viên dắt xe vào bãi rồi khoác balo vào quán. Lúc đi ngang góc chân cầu thang, tôi thoáng thấy một cậu trai ngồi thu lu ở góc bàn nửa sáng nửa tối. Ánh sáng hắt qua khe hở giữa những thanh nẹp cầu thang tạo nên những đường kẻ sọc đều đặn in lên tường và, in lên thân hình đang dán mình trước bức tường đó. Cái góc bàn rất ít ai ngó tới, cũng không mấy người ngồi, so với góc bàn tôi ngồi là vị trí đối xứng. Tôi hơi ngạc nhiên vì rất lâu, không thấy khách nào ngồi ở góc đó, thường chỉ thấy nhân viên tranh thủ ngồi nghỉ ở đó những lúc trống khách. Tôi lướt qua cậu ấy và trở về vị trí quen thuộc của mình. Gương mặt cậu ta khá lạ, nhưng đẹp trai, tôi chưa từng gặp trước đây, có lẽ là lần đầu cậu ta ghé quán. Tôi nghĩ vậy rồi nhanh chóng bỏ qua ý nghĩ đó, trở lại với công việc của mình. Tôi mở quyển sách đã được đánh dấu bằng một chiếc bookmark hình con bướm tím, chương thứ Hai có tên “Một cuộc gặp gỡ”. Cuốn sách đại loại kể lại hành trình của một chàng trai đi tìm cô gái anh từng gặp và ngủ cùng cô ta ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, rồi từ đó, anh ta gặp gỡ những cô gái khác và tiếp tục bị kéo vào những cuộc kiếm tìm khác.

Tôi bị đánh thức bởi một thứ cảm giác lạ lùng khi trong mơ, tôi thấy cậu trai ở bàn đối diện tiến về phía tôi và ngồi đối diện tôi. Ánh mắt cậu ta nhìn chăm chăm vào tôi, không ngần ngại, không ân cần cũng không có chút gì đe dọa. Ánh mắt trong veo, bình thản như thể nó được tạo ra từ những tia sáng xuyên qua một mảnh thủy tinh. Khi tôi mở mắt ra, ánh mắt đó vẫn đang nhìn chằm chằm vào mình. Tôi biết đó không phải là một giấc mơ.

“Cậu đang làm gì vậy?”

Tôi hỏi, có chút e sợ. Trống ngực đập thình thịch, tôi còn tưởng như cậu ta có thể nghe được tiếng tim mình đang gõ tới nhịp thứ một trăm ba mươi.

“Tôi nhìn cậu ngủ”.

Cậu ta đáp gọn lỏn như thể là người quen biết với tôi vậy. Một gã xinh trai nhưng chẳng lịch sự chút nào. Tôi nổi cáu. Nhưng không thể hét lên. Đêm đã khuya, quán vắng. Tôi nhìn đồng hồ đang là 2 giờ sáng. Những người khác dường như không hề chú ý đến sự kỳ quặc đang diễn ra trước mắt tôi. Ở một góc tường, một người đàn ông trọc đầu vẫn cặm cụi gõ từng ngón tay lên bàn phím lạch cạch, chiếc kính trên sống mũi ông ta cũng từ từ tuột xuống. Thỉnh thoảng ông đưa tay đẩy nhẹ nó lên, rất nhanh. Phía sau ông ta, một gã trai mặc áo thun trắng, tai đeo headphone, gương mặt đờ đẫn như thiếu ngủ, nhưng bàn tay thì nhanh nhẹn di chuyển con chuột trên bàn và những ngón tay đánh tách tách lên bàn phím. Các nhân viên đều đã đi nghỉ, chỉ còn lại một cậu trai chắc đã gục ngủ sau quầy. Và gã trai ngồi trước mặt tôi, chẳng hề quen biết.

“Cậu biết tôi”. Cậu ta nói. “Chỉ là cậu không biết điều đó, hoặc là cậu không nhớ ra. Tôi đã để ý từ lúc cậu bước vào quán lần đầu tiên. Nhưng cậu dường như không biết điều đó”.

“Tôi và cậu không hề quen nhau”. Tôi quả quyết và định rằng sẽ kết thúc câu chuyện bằng cách rời đi. Bàn tay tôi với lấy chiếc balo nhưng cậu ta đã không cho phép tôi thực hiện điều đó.

“Cậu là một kẻ thích lang thang, sống độc lập nhưng lại không đủ mạnh mẽ để rời khỏi nhà. Cậu luôn một mình trong những chuyến đi nhưng thực ra lại rất muốn để dành chỗ cho một người bên cạnh. Cậu thích đọc thơ nhưng lại ghét những gã trai viết thơ tình mang tặng. Cậu luôn muốn nuôi dưỡng những giấc mơ ngày bé nhưng lại dằn nó cho thực tại chèn ép. Cậu thích hoa nhưng sợ người ta coi mình là thứ ủy mị. Và, cậu thương một người nhưng lại sợ người ta biết”.

Đến lượt tôi nhìn trân trối gã trai trước mặt mình. Tự hỏi mình có từng vạ miệng tiết lộ cho kẻ nhiều chuyện nào đó về những bí mật của mình không.

“Cậu hãy nghĩ lại xem, cậu có biết tôi hay không cũng đâu có gì quan trọng. Vì sao chúng ta phải biết nhau từ trước thì mới có thể nói chuyện với nhau được?”

“Tôi không có thói quen trò chuyện với người lạ”.

Tôi và cậu bắt đầu từ một câu từ chối như thế. Mỗi tối thứ Sáu, đúng 8 giờ, chúng tôi có mặt ở góc ngồi quen thuộc của tôi (bây giờ là của cả hai), với việc riêng của mỗi người và ngủ gục bất cứ lúc nào. Tôi thường ngủ trước và gục đầu lúc thì lên vai, lúc thì lên đùi cậu ấy. Nhưng đến sáng thì cậu luôn rời đi trước khi tôi tỉnh dậy. Tôi thường trách cậu ấy vì điều đó, nhưng cậu chỉ cười và nhận lời trách móc, nhưng không hề cho tôi một lời giải thích. Nhiều khi tôi nghĩ, có khi nào tôi đã gặp ma hay không? Một con ma xinh trai và có mùi hương khiến tôi nhớ đến sắc trắng muốt của hoa café tôi đã bắt gặp trong một chiều nào đó khi đang lượn lờ trên cao nguyên. Nếu quả thật cậu là ma, thì đó là một con ma đáng yêu hơn đáng sợ. Ma chắc không hút dương khí của người sống như trong truyện Liêu Trai mà họ Bồ từng viết đâu nhỉ? Mà, có khi nào ma này mang mặt nạ mới xinh trai như thế? Thường thấy hình ma trên mạng toàn máu me, đầu xù tóc rối chứ đâu có ma sạch sẽ, đẹp trai như vậy. Hơn nữa, nghe nói ma thì không thể chạm vào, còn tôi vẫn tựa vào cậu ấy mà ngủ đấy thôi.

“Lần tới, chúng ta đi chơi cùng nhau đi”.

Tôi mở lời sau một lúc lâu ngắm cậu cầm quyển Hư cấu trên tay. Cuốn sách của một nhà văn người Pháp nào đó tôi chưa từng nghe tên. Phần vì tôi không thích đọc tiểu thuyết của các nhà văn nước ngoài. Mặt khác, tôi cũng khó mà nhớ được tên người nước ngoài vì kém ngoại ngữ. Cậu ấy gấp quyển sách lại, không nhìn tôi, nói: “Đồng ý. Cậu muốn đi đâu?”

“Lên rừng xuống biển đi chán rồi, mình cũng chẳng biết tiếp theo sẽ đi đâu. Cậu chọn nhé?”

“Vậy về quê mình”. Cậu nói ngắn gọn, chốt lại một kèo hẹn hò. Nhưng tôi chưa hề biết quê cậu ở đâu, hỏi tới thì cậu nói “đi rồi sẽ biết”. Tôi cũng chẳng buồn hỏi thêm. Vậy là y hẹn, tối thứ Sáu chúng tôi đến quán Những người không ngủ, nghỉ ở đó đến sáng thì lên đường.

Con Wave cổ lỗ đã mòn vẹt vỏ lốp đưa chúng tôi lướt băng băng trên đại lộ, qua những cánh đồng trĩu vàng, qua những đồi trọc lúp xúp trơ đá, qua những đàn bò lầm lũi cúi mặt nhai rơm, qua những con mương nước đục ngầu tận đáy. Phố thị đã lùi lại phía sau, không còn nhà cao tầng, không còn những Metro, Vinhome, không còn cao tốc, không còn tiếng xe rầm rầm bim bim nối nhau một dải như những con bọ hung khổng lồ bằng sắt đang bò chậm rãi trong thành phố. Tất cả, thành phố dường như chỉ còn là một khối mô hình vô giác vô tri trong mắt thấy.

Cậu dừng lại trước một cánh cổng được chắp lại từ những thanh gỗ cũ bào phẳng ghép lại, đắp lên đó một tấm lưới B40 hoen gỉ, hàng rào cột đứng cột ngả xiêu vẹo. “Đây là nhà mình”. Cậu nói, rồi đẩy cánh cửa tạt vào trong, một đàn chó khoảng năm con nhảy xồ ra cắn inh ỏi, tiếng chó con “nhách nhách” làm dữ một cách đáng yêu. Chắc chúng chưa quen mặt chủ. Chỉ có con chó mẹ vẫy đuôi mừng, nhảy nhót xung quanh cậu. Nhà cậu giống như một căn chòi gỗ của những người làm rẫy trên núi cao mà tôi từng thấy nằm rải rác lúc đi qua cao nguyên, tuy nhiên có rộng hơn đôi chút. Phía sau căn chòi là một lu nước đặt dưới cội me, trên nắp phủ đầy hoa và lá me vàng rụng. Căn chòi lọt thỏm giữa một vườn thanh long, trông xa hút về phía núi, không thấy đâu là bến bờ.

“Má mình qua rẫy chưa về”.

Cậu nói trong khi để balo lên ghế và chỉ tôi chỗ có thể cất balo, thay quần áo, tắm rửa. Trong lúc tôi rửa mặt và chìm trong nước lạnh thì cậu ra phía sau nhà, nhóm hai lò than, một để bắc cơm, một nướng khô. Mùi cá muối mặn mòi xộc lên mũi làm tôi nhớ những năm tháng tuổi thơ gian khó, má từng cho ăn cơm khô nướng với xì dầu dằm ớt cay. Vừa ăn vừa quẹt mồ hôi sống mũi, vừa thòm thèm dòm chừng cơm còn hay hết để ăn dè xẻn con khô. Tôi lập tức lao ra, ngồi bên bếp lò thích thú nhìn cậu, như ngày nhỏ vẫn hay hóng mẹ nướng khô, để được rỉa miếng thịt chỗ bụng cá mẹ thường xé bỏ. Cậu đưa cái quạt bằng nhựa và đẩy tôi quạt lò, khói trắng cuộn lên cay xè mắt, tan vào tán me xanh run rẩy trên đầu. Mỗi đợt gió qua là một làn me vàng rụng xuống, đậu trên tóc cậu, tóc tôi. Lũ chó con chạy quanh, cắn nhau chí chóe rồi rúc vào bú mẹ.

Chiều đó tôi theo cậu ra rẫy bứt hoa thanh long. Mẹ cậu đang bứt hoa ở đầu rẫy bên kia. Hoa thanh long sau khi đậu trái phải bứt bỏ nếu không khi tàn úa nó sẽ nhũn ra, bám vào trái và làm hư trái. Cậu dặn tôi vừa hái vừa đếm số trái để tính mùa vụ năm đó có đạt hay không. Mẹ cậu nhìn hai đứa cười tủm tỉm.

Tôi ăn một bữa cơm tối với gia đình cậu, ngủ lại một đêm. Tối đó, hai đứa trải chiếu ra sân ngồi, ngó sao trời và vài ánh đom đóm lập lòe lượn lờ trên đầu. Gió hiu hiu trên tán me già. Tôi ngồi đập muỗi, nghe cậu kể chuyện về người cha chưa từng gặp. Cha cậu là bộ đội từ Bắc vào Nam tham chiến, sau chiến tranh ông giải ngũ rồi ở lại trong này. Cha mẹ cậu lấy nhau không giấy tờ hôn thú gì, vì ngày đó còn nghèo. Cưới được một năm, ông nói với mẹ cậu về quê tìm lại người thân rồi sẽ đón mẹ cậu về. Từ đó ông không quay lại nữa.

Câu chuyện này tôi nghe cũng nhiều. Với chiến tranh và di họa của nó thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, bao chuyện ngang trái, bi ai trên sóng truyền hình có thể khắc sâu nỗi đau nhưng cũng có thể làm người ta quen thuộc mà nhàm chán. “Chiến tranh mà!”. Ai cũng có thể nói vậy. Những người thấy nhàm chán sẽ thốt ra nhẹ bẫng thôi, vì đã quen rồi mà. Nhưng khi những người trong cuộc, khi có thể thốt ra được rằng “chiến tranh mà” nghĩa là họ đã vượt qua được giới hạn của nỗi đau rồi. Tôi không nghe mẹ cậu hay cậu thốt ra điều ấy. Nhưng lời cậu kể nhẹ bẫng như thể “chiến tranh mà” vậy.

Sau chuyến đi đó, tôi trở lại Sài Gòn, tiếp tục cuộc sống thường ngày. Tối thứ Sáu, tôi lại ghé quán như thường lệ. Nhưng cậu không còn ở đó. Thứ Sáu tiếp theo, rồi tiếp theo nữa, cậu vẫn không đến. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi hỏi các nhân viên ở quán về cậu nhưng họ tỏ ra ngạc nhiên và nhìn tôi khó hiểu. Tôi lần tìm lại những gì mình có, không có một chút thông tin gì về cậu. Tôi và cậu chưa từng cho nhau số liên lạc. Và, sau ngần ấy thời gian quen biết, tôi thậm chí còn không biết tên cậu.

Tôi lang thang khắp thành phố những ngày cuối tuần, thậm chí đến quán vào mỗi tối trong tuần nhưng đều không thấy cậu một lần nào. Gần hai tháng trời tìm kiếm như vậy, tôi dường như gục ngã. Cuối cùng tôi quyết định tìm về căn nhà dưới cội me già ấy. Nhưng khi đến nơi, chẳng có một ai. Tôi hỏi những người gần đó, không một ai biết về hai mẹ con. Mọi dấu tích về cậu dường như bị xóa sạch.

Tôi neo câu chuyện về cậu vào một góc tâm trí và không ghé lại Những người không ngủ thêm lần nào nữa. Sau ba tháng, tôi quyết định ghé lại thăm nhà. Cha tôi vẫn hằn học như trước, nhưng tôi chẳng còn bận tâm đến. Chiều tối, má khoe có người cho cha mấy kí khô, rồi lấy bếp điện ra ngồi nướng khô, nhắc tôi đi gọt dưa leo, dầm ớt xì dầu. Tôi bất giác quẹt mồ hôi, nhớ lúc quạt lò dưới cội me già.

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​