Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NHỮNG TẤM ẢNH CÒN LẠI

 

Truyện ngắn của Huỳnh Ngọc Lan

(Nguồn: VNĐN số 40 – tháng 11 & 12 năm 2020)

  

Lướt qua tờ khai, vị cán bộ phòng tình báo Bộ tham mưu nói:

 - Cả tuần rồi ngày nào đồng chí cũng chỉ khai mỗi người này thôi, sao vậy?

 - Vì tôi hy vọng tổ chức sẽ tìm ra đúng danh tính và bổ sung đầy đủ công trạng cho anh ấy.

***

Những tấm ảnh còn lại - Quang Hoàng.jpg
Minh họa: Quang Hoàng

Với vỏ bọc nữ bác sĩ quân y, nhiệm vụ của chị là tìm cách luồn sâu vào hang ổ của địch. Đã từng phải đối mặt những tình huống nghẹt thở, nhưng lần chứng kiến kẻ thù dùng đòn hiểm ác tra tấn một đồng đội ngay trước mắt vẫn hằn sâu tâm trí chị. Trước đó anh làm trợ lí cho viên đại tá, hàng ngày cự li của hai người rất gần nhau nhưng do hoạt động đơn tuyến, đến phút cuối chị mới biết anh là đồng đội của mình. Ngay khi lọt vào tầm ngắm do tên chiêu hồi chỉ điểm, bất ngờ tình báo đối phương thấy tay anh di điếu thuốc đang hút vào chiếc gạt tàn (đó là thói quen của đàn ông miền Bắc, người miền Nam thường dùng ngón tay búng tàn). Sơ suất nhỏ đó thêm chứng cứ anh là điệp viên miền Bắc cài vào.

Anh bị bắt và tra khảo nhiều lần chết đi sống lại.

Công việc của chị là kiểm tra, theo dõi sức khỏe của tử tù và những tên chiêu hồi. Sau những đòn tra tấn, chứng kiến hình hài anh rách bươm, sắc mặt chị vẫn không thay đổi, dù tình cảm và lí trí như cánh bướm bay loạn xạ trong đầu.

Ngày cuối cùng chúng tàn nhẫn nhổ từng chiếc răng của anh, máu chảy tràn, loang đỏ cả sàn nhà, anh vẫn không một tiếng rên.

- Mày ngoan cố không khai cho mày câm luôn.

Chúng đem anh đi thủ tiêu.

Lúc cận kề cái chết, anh dồn sức chiếu ánh mắt vào chị. Mắt anh nâu trầm như đất đai, trong tâm thế sẵn sàng cho sự lựa chọn dấn thân. Lúc đó chị thấy mình bất lực, rã rời… Chị phải tự trấn an hãy tỉnh táo, không thể để bị phát hiện…

Vị cán bộ hỏi tiếp:

- Còn công việc của đồng chí lúc nào báo cáo?

- Tôi hứa thời gian còn lại sẽ tường trình đầy đủ hoạt động của mình.

Từ khi trở ra miền Bắc, ngày nào chị cũng lặp lại một công việc chẳng dễ chịu chút nào. Phải khai đi khai lại chính kiến của chị lúc đang ở phòng tình báo hải quân Việt Nam Cộng hòa. Chỉ cần lời khai không khớp chị có thể bị nghi ngờ lòng trung thành. Những trang đầu tiên trong tập hồ sơ báo cáo, chị không thể quên người đồng đội trung kiên đã hi sinh ngay trước mắt mình.

***

Ngắm vẻ ngoài, chị luôn được người khác trầm trồ khen nhất dáng nhì da thứ ba đôi mắt. Chị lại xuất thân từ dòng họ có truyền thống nắm giữ chức vụ tầm bậc trung trở lên, như đó là sự định sẵn cho chị bước vào sự nghiệp cách mạng.

Sinh ra ở ngoại ô Sài Gòn, mồ côi mẹ từ lúc bốn tuổi, ba chị theo cách mạng từ thời niên thiếu rồi trở thành cán bộ chủ lực miền Đông Nam bộ. Để ba thuận lợi hoạt động, tổ chức mai mối cho ông đi thêm bước nữa với nữ đồng chí giao liên. Hai năm sau gia đình chị có thêm người em gái cùng cha khác mẹ giống chị như đúc. Cô em gái lớn lên thi đậu vào trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Số phận người em cũng là một cơ duyên kết nối chị với công việc li kỳ mạo hiểm của nghề tình báo.

 Trong nhà hiện giờ có một thứ mà chị rất quý và giữ gìn cẩn thận là cuốn album. Thỉnh thoảng mở ra ngắm vài bức hình, ký ức ùa về, chị lại một mình độc thoại…

 Tấm ảnh trắng đen có vết nối dán ngang giữa là lúc chị tròn mười tuổi. Trước ngày theo đoàn học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, chị được dẫn lên chiến khu gặp ba. Lúc chia tay, ba trao cho chị tấm ảnh đã cắt đôi. Chị giữ nửa phần trên có khuôn mặt hai cha con, còn ba giữ phần dưới, đề phòng nếu không may bị bắt, địch chỉ nhìn thấy chân mà không thể nhận ra ai. Ba nén xúc động nói:

 - Nhớ giữ kĩ nghen, lỡ cha con mình thất lạc… Ghép tấm hình này là ba nhận ra con.

Cuộc chia ly kéo dài hơn hai mươi năm…

Tốt nghiệp cấp ba trường học sinh miền Nam, chị thi đậu vào Đại học Y khoa Hà Nội. Đang học năm hai thì Học viện Quân y về trường tuyển quân ,chị trúng tuyển. Vừa hoàn thành chương trình năm thứ tư của học viện, sinh viên khóa của chị nhận lệnh đi thực tập ở Trường Sơn.

Đây là bức ảnh chị khoác áo blouse đứng trước cửa bệnh viện dã chiến, nụ cười thanh xuân lưu dấu khoảng yên bình hiếm hoi ở chiến trường. Chị đinh ninh tin, không giảng đường đại học nào giúp thầy thuốc nhiều kinh nghiệm cứu chữa bệnh nhân như trạm quân y, hay bệnh viện dã chiến ở Trường Sơn. Không nơi nào phát huy tối đa trí sáng tạo, những hiến kế vô giá của các binh chủng nói chung, và ngành quân y nói riêng nơi Trường Sơn huyền thoại.

Những ca mổ dưới hầm sâu tận dụng cả ánh sáng đèn xe đạp. Lúc cấp bách phải nhờ đến cả những thương binh có đôi chân lành lặn thay nhau khởi động trục Dynamo để bóng đèn sáng lên. Thiếu chỉ khâu vết mổ thì rút lõi dây dù. Thiếu thuốc giảm đau và an thần có thể thay bằng những món ăn dân gian như củ bình vôi luộc chín. Chốn rừng thiêng bệnh sốt rét ác tính đe dọa sinh mạng nhiều người lính. Có lúc kí ninh khan hiếm đến mức một viên thuốc phải hòa vào ca nước, chiến sĩ chuyền tay nhau nhấp từng giọt chờ qua cơn. Vậy mà nụ cười của người lính, những câu chuyện bi hài và lạc quan đã làm sôi động nhịp sống Trường Sơn.

… Buổi sáng đó tới phiên trực, một chiến sĩ da xanh mướt vừa qua cơn sốt rét còn run cầm cập. Chị cố dìu người bệnh ra khoảng đất nhỏ kề bên trạm xá quân y, để anh ta ngồi dựa lưng vào bức tường loang lổ. Chi cầm cái cuốc nhỏ xới đất vội vàng. Bất ngờ anh lính thều thào:

 - Bác sĩ ơi đừng… đừng… chôn sống tôi…

Một thoáng ngỡ ngàng, chị vẫn xăm xăm xới đất.

Ánh mắt người lính tuyệt vọng van xin:

- Bác sĩ ơi tôi chưa muốn chết, tôi còn sức chiến đấu… Thầy u ngoài Bắc đang mong ngày tôi trở về…

Vừa thấy lớp đất mùn ngọ nguậy mấy con giun, chị cúi bắt từng con đến bên anh ta, nghiêm giọng:

 - Ai thèm chôn anh? Đưa tay đây. Nếu không muốn chết thì… chịu khó nuốt mấy con giun này đi…

 Bệnh nhân chìa tay nhận mấy con giun, khẽ rùng mình, chần chừ. Nhưng rồi anh ta nhắm mắt làm theo lời chị.

Vừa bình phục, từng người lính lại rời bệnh xá lao vào chiến dịch.

Sau chiến tranh, đi tham quan làng cổ Đường Lâm ở Sơn Tây, chị tình cờ nghe tiếng gọi “Bác sĩ Phong Lan”.

Đây là cái tên đồng nghiệp yêu mến tặng chị lúc còn ở rừng. Khi nhận ra nữ bác sĩ đã cứu mình năm xưa, anh khẩn khoản mời chị ghé thăm nhà. Vừa bước tới ngõ anh đã rối rít khoe:

- Thầy u ơi, đây là ân nhân cứu mạng con.

 Anh vui mừng kể lại cái lần sốt rét thấy chị đào đất bắt giun, hoảng sợ tưởng mình bị chôn sống… Cả nhà cười như vỡ trận. Chị được dịp trêu:

- Vậy mà không ngờ bom đạn cũng tha cho anh được về với thầy u nhỉ?

 Lúc tạm biệt, anh gãi đầu nói:

- Xin bác sĩ cùng chụp với tôi tấm ảnh kỷ niệm được không ạ?

 Và đó là bức ảnh chị cùng gia đình người lính đứng trước cổng ngôi làng cổ.

***

Hết hai năm thực tập, chị quay về Hà Nội hoàn thành chương trình tốt nghiệp lấy bằng bác sĩ. Thời gian này trái tim chị xao xuyến bóng hình vị giáo sư bác sĩ chuyên ngành. Trong giờ thực tập khi thầy cầm tay thị phạm chuyên môn, má chị nóng bừng, tim đập loạn xạ. Dáng dấp, gương mặt và giọng nói người ấy cứ quấn quýt vấn vương cả ngày lẫn đêm… Chị hiểu mình đã yêu. Dần dần anh ấy cũng nhận ra và quan tâm đặc biệt đến chị. Mỗi lần có dịp chạm mặt nhau cả hai trao ánh nhìn nồng nàn ấm áp…

Tối đó, chị đang phập phồng ngóng đợi buổi hẹn hò đầu tiên thì một người trong tổ chức xuất hiện. Họ giới thiệu chị với chàng kỹ sư có gia đình cách mạng ở tỉnh Khánh Hòa, hiện có người đã lọt vào hàng ngũ tướng lĩnh trong chế độ cũ. Họ khuyên chị cố gắng dành thời gian tìm hiểu để gắn bó lâu dài. Thế là lời trái tim muốn nói đành chôn sâu vào đáy lòng. Chị âm thầm lỗi hẹn với người ấy. Nhận được bằng tốt nghiệp bác sĩ, vài tháng sau chị kết hôn với chàng kỹ sư . Khi chị mang thai ba tháng, chồng chị nhận quyết định đi nghiên cứu sinh tận đất nước Cu Ba. Chị một mình vượt cạn.

Con gái vừa được ba tháng tuổi đã phải đem gửi một người bà con xa ở Hải Dương với lí do: “Mẹ cháu đi B”. Chị bắt đầu những ngày tháng gian nan với nhiều thử thách mới. Trong thời gian bồi dưỡng chính trị và huấn luyện nghiệp vụ, sớm phải xa con thơ nên hai bầu ngực chị căng nhức, sữa bật tuôn sũng áo. Họ chích Steptomixin để khô tuyến sữa. Chị xót xa hỏi cô y tá:

- Em ơi có thuốc nào chích cho… đỡ nhớ con không?

 Ám ảnh đến mức mấy năm sau, trong nội dung tường trình có đoạn phải trả lời đồng chí sợ nhất điều gì, chị đã viết: “Tôi sợ nghe tiếng trẻ con khóc”. Chị liền bị phê: “Tình cảm đồng chí còn ủy mị, chưa thật vững vàng”.

Trước năm 1975, binh chủng hải quân của chính quyền Việt Nam Cộng hòa được trang bị hùng hậu nhiều vũ khí tối tân, tàu duyên hạm và tàu khu trục, thuộc loại mạnh nhất Đông Nam Á.

Chú ruột của chị là trung tá Nha cảnh sát Sài Gòn. Em gái cùng cha khác mẹ được chú nhận vào nội thành nuôi ăn học cũng trở thành bác sĩ. Gia đình chú ở quê trước cổng ghi tấm biển: “Nhà này tuyệt đối không chứa chấp Cộng sản”, nhưng dưới hầm bí mật luôn nuôi dấu nhiều chiến sĩ cách mạng. Trước ngày chị đến ở nhà chú, cô em gái được tổ chức thu xếp cho đi tu nghiệp y khoa tại Pháp. Chị thế chỗ em nhờ cũng hành nghề bác sĩ và vẻ ngoài y hệt chị em sinh đôi, cùng tấm bình phong che chắn của người chú trung tá cảnh sát.

Bức ảnh hiếm hoi chụp tại phòng tham mưu Cục tình báo Hải quân Việt Nam Cộng hòa, chị mặc bộ váy xám đồng phục đeo lon thiếu tá bác sĩ. Chiếc khuy nhỏ cài tay áo là câu chuyện li kỳ trải qua hành trình rất đặc biệt. Muốn lưu được tin tức và nhận diện những tên chiêu hồi phản cách mạng, chỉ huy của chị đã gửi mật lệnh chuyển gấp mẫu khuy áo đồng phục ra miền Bắc. Sau đó người của ta nhờ chuyên gia Đức thiết kế thành máy vi ảnh có hình dáng bên ngoài vừa bằng chiếc khuy áo, rồi gửi ngược vào Nam.

 Mỗi lần tiếp xúc với chiêu hồi đang chờ đến lượt mình khám sức khỏe, chị giơ tay chào họ theo kiểu nhà binh, lúc ấy chiếc vi ảnh chộp được chân dung từng người. Do yêu cầu công việc và có thời gian tiếp cận, chị chứng kiến thân phận những kẻ chiêu hồi thường phải nhận những ánh nhìn ngờ vực. Đa số phải nếm trải nhiều phép thử khác nhau hoặc chịu đòn tra tấn phủ đầu rồi mới khai thác nguồn tin khai báo từ họ.

 Không để đối phương đánh tráo hồ sơ lí lịch từ kẻ thù chuyển thành bạn, kẻ chiêu hồi phản bội thành người trung thành gây khó khăn cho cách mạng, nhiệm vụ điệp viên còn phải thu thập thông tin chính xác và bảo vệ nguyên trạng kho hồ sơ của địch. Chiến sĩ tình báo ngoài việc giữ bí mật, tận tụy, trung thành thì kết quả công việc yêu cầu phải đánh giá ngay thành công hay thất bại, còn nguyên do vì đâu, do ai thì chờ điều tra sau. Tuyệt đối tránh sơ suất.

Vậy mà có lần chị suýt rơi vào tình huống nguy hiểm cũng chỉ vì một thói quen. Có một bức ảnh chị mặc váy hoa lịch lãm chụp tại nhà hàng sang trọng vào hôm được mời đến dự tiệc mừng giải phóng hàng nhanh ở bến tàu Ba Son. Lúc dùng món tráng miệng, tên sĩ quan tình báo mật bất ngờ thấy chị đang cầm quả chuối bẻ đôi (thói quen lịch sự của người Hà Nội). Lập tức hắn nghi ngờ và điện báo ngay về sở chỉ huy. May sao chú của chị đón được tin đó, ông đã nhanh trí giải thích: “Cháu tôi hồi nhỏ học trường Sơ, môn Quốc văn có bài cái cây di động. Tụi con nít đều tin lỡ ăn mà nuốt nhầm hột vào bụng mầm cây sẽ mọc xuyên lên đầu. Nó rất sợ nên từ đó ăn bất cứ quả nào cũng bẻ ra kiểm tra hạt trước…”. Nhờ uy tín của chú mà chị thoát được án nghi vấn lần đó.

 Đất nước thái bình, chị may mắn còn sống và trở về. Thời gian đầu sau cuộc chiến, nhiều tình báo viên ít nhắc đến công việc của mình trừ khi phải khai báo. Họ lựa chọn đời sống tĩnh lặng, dấu trong lòng nhiều uẩn khúc sâu kín. Chị cũng không ngoại lệ…

 Ngày ấy vì yêu cầu cấp bách của chiến trường chị đành phải kết hôn vội. Để giữ bí mật tuyệt đối, người ta thu xếp cho chồng chị đi tu nghiệp nước ngoài. Giải phóng rồi anh còn ở lại thêm ba năm bảo vệ luận án tiến sĩ. Ngày về sống bên nhau, có lẽ cũng vì duyên mỏng nên tình không sâu. Cùng chung đôi dưới một mái nhà mà một người luôn thấy mình lẻ bóng. Từng thấm thía cảnh cha con chồng vợ li tán nên chị toàn tâm toàn ý vun đắp tổ ấm. Nhưng chồng chị là người dễ thay lòng trước những bóng hồng khác lạ. Lúc đầu chị gắng nín nhịn để níu giữ. Nhưng mãi rồi chị thấy mệt mỏi, đuối sức như đang bơi ngược dòng, đành buông tay chấp thuận li hôn. Chị tần tảo làm mẹ đơn thân, cố gắng bù đắp cho đứa con từng bị sớm dứt sữa ngày nào. Kết thúc chiến tranh, chị thổn thức cháy lòng mong ngóng gặp con mình. Vậy mà vừa đặt chân xuống Hà Nội chị đã nhận ngay lệnh phải sống cách ly. Cấp trên muốn nghe báo cáo và thẩm tra lập trường của chị trong thời gian hoạt động trong lòng địch. Ngày nào cũng ngồi trước trang viết, chị cố nhớ lại từng sự kiện, từng thời điểm đang ở đâu, làm gì? Muốn khích lệ tinh thần, bất ngờ một hôm người ta cho chị gặp con. Xa mẹ từ lúc ấu nhi, làm sao con biết mà nhận ra mẹ? Thế mà họ vẫn cẩn trọng chỉ cho chị đứng từ xa nhìn về hướng con thôi. Người ta gợi hỏi để chị nghe được tiếng của bé: “Mẹ cháu đi đâu?” Giọng non nớt líu lo: “Mẹ đi B”. “Là đi đâu?”. “Vào miền Nam”… Có lẽ đó là câu học nói đầu tiên mà con chị phải thuộc lòng. Sau này, vào dịp hè lúc con chuẩn bị vào lớp một, lần đầu nghe mẹ hứa cho vào miền Nam thăm ông bà nội ngoại, bé háo hức hỏi ngay: “Mình được đi B hả mẹ?”. Nghe con trẻ nói vậy, chị vừa thấy thương con, vừa không nhịn được cười.

Bức ảnh chị nắm tay con rạng rỡ bước lên tàu Thống Nhất lưu lại khoảnh khắc này.

Càng thêm tuổi, vinh quang và nhiệt huyết dần lùi sau lưng. Huy chương quý giá nhất đối với chị là tháng ngày bình yên và nụ cười ấm áp của con ngự trên ngực trái. Dầu vậy, trái tim trắc ẩn của người đàn bà nhiều khi vẫn đau đáu làm khổ chị.

Tấm ảnh mới đây chụp tại gian phòng có bàn thờ liệt sĩ, di ảnh người thanh niên có cặp mắt nâu trầm như đất đai năm xưa. Họ đã tìm ra gốc gác và người thân của anh đang sinh sống tại Gia Lâm, Hà Nội. Bao năm ngóng trông, giờ đây gia đình được tự hào bái vọng hương linh anh trong sâu thẳm ngậm ngùi. Quấn quyện giữa làn khói hương, hiện về trong tâm trí chị màu mắt nâu mà anh gửi lại những giây phút cuối. Đồng đội chị ngã xuống không biết còn ai vẫn chưa được gọi đúng tên mình? Bao nhiêu tấm ảnh trong cuốn album là bấy nhiêu câu chuyện. Nét cười trong những tấm chân dung làm căng tràn các giác quan. Tình người, tình bạn bè, đồng đội lại nhen lên trong lòng chị, âm ỉ như than hồng.

 

H.N.L

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​