Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TÌNH QUÂN DÂN CHƯA BAO GIỜ ĐẸP THẾ

 

Lê Quang Hưng

(Nguồn: VNĐN số 40 – tháng 11 & 12 năm 2020)

 

 Cu lao pho - Nick Cong.jpg
Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia ứng cứu hỗ trợ đồ ăn, thức uống cho nhân dân vùng lụt

Ảnh: Báo quân đội nhân dân
 

Cách đây 76 năm, ngày 22/12/1944, trong khung cảnh yên bình của núi rừng Việt Bắc, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam chính thức ra đời.

76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội Nhân dân Việt Nam thực sự là lực lượng chính trị trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Với nhân dân, quân đội ta thực sự là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.

Thời bình, hình ảnh màu xanh áo lính trong lao động, sản xuất, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… đã in sâu vào nếp nghĩ của người dân Việt Nam. Ngược lại, nhân dân cũng luôn giúp đỡ bộ đội trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ… Nhờ đó, sức mạnh của quân đội không ngừng được củng cố và tăng cường, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ ngày càng được hoàn thiện và tỏa sáng.

Thời gian qua, thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, lũ chồng lũ, bão chồng bão, sạt lở đất nghiêm trọng gây thiệt hại nặng nề tính mạng, tài sản của nhân dân. Tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh phục vụ nhân dân vô điều kiện của bộ đội ta, coi “chống hạn như chống đói”, “chống dịch như chống giặc”, tất cả vì nhân dân đã để lại nhiều tấm gương đẹp, được nhân dân hết lòng ca ngợi, biết ơn.

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn quốc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại bước vào “cuộc chiến mới” - Cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, trong đó Quân đội là lực lượng nòng cốt, đi đầu. Trong cuộc chiến đó, hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” lại tỏa sáng, tình đoàn kết quân dân thêm gắn bó, bền chặt. Cảm phục trước sự hy sinh thầm lặng của những người lính, đã có biết bao lời thơ, tiếng hát, bức tâm thư mang tâm tình của những con người yêu màu xanh áo lính: “…Lo quê nhà, trái tim anh chợt khóc/ Sợ dịch đến mình, sợ mất một người thân.../ Anh không về, vì dân tộc đang cần/ Chào em yêu, đồng đội anh đang đợi/ Nếu ngày mai, anh mãi xa vời vợi/ Đừng khóc nghe em... Anh chẳng yên lòng…” (Bài thơ “Nếu anh không về” của tác giả Vũ Quốc Tuấn, một giáo viên dạy Toán ở tỉnh Phú Thọ muốn thay lời cảm ơn đến những người lính đang trên mặt trận chống dịch).

Hay như bài thơ “Đất nước ở trong tim” của cô giáo Chu Ngọc Thanh, Giáo viên Trường THCS Hùng Vương (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), có nội dung ca ngợi đất nước trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19 đã gây ấn tượng mạnh với cộng đồng mạng, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chống dịch của toàn dân và ca ngợi những người lính trên tuyến đầu chống dịch, càng làm tô thắm thêm tình quân dân keo sơn: “…Những chiến sỹ dầm mưa, ngủ rừng, lán trại/ Nhường đồng bào mình, chăn ấm nệm êm…”. Câu thơ “Biên giới xa nhà, xa mẹ xa cha/ Nhưng em biết Đất Việt của chúng ta/ Bộ đội Cụ Hồ là niềm tin tất thắng/ Nhìn các anh, dân mình yên tâm lắm/ Trận chiến này mình quyết thắng nghe anh!”. Những câu thơ trên do cô giáo Nguyễn Thị Kim Sen (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) sáng tác vào tối 29/3 với tiêu đề “Tâm sự của người vợ lính ở tuyến đầu”. Bài thơ không chỉ nói lên tình yêu của người vợ lính mà còn mang cả tấm lòng của người dân Việt dành cho những người lính Cụ Hồ trên trận chiến chống “giặc” COVID 19. Đó là tình cảm đáng trân quý của mỗi người dân dành cho các anh như tình cảm của gia đình luôn cổ vũ, động viên các anh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, mãi là chỗ dựa vững chắc của nhân dân. Và những tình cảm đó cũng chính là nguồn cội sức mạnh giúp những người lính vững ý chí, chắc niềm tin trên tiền tuyến để chiến thắng mọi kẻ thù.

Gần đây nhất, trái tim của hơn 90 triệu người dân đất Việt cùng hướng về miền Trung, nơi đang phải gồng mình chống chọi với đợt mưa, lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Ngay tại những thời khắc khó khăn nhất, những nơi nguy hiểm, gian khổ nhất, mọi người đều thấy hình ảnh những người lính Cụ Hồ băng mình trong dòng nước cứu dân, cõng từng cụ già, em nhỏ trên lưng vượt qua dòng nước chảy siết, chèo thuyền đến từng nhà, cấp phát lương thực, thực phẩm cho từng người. Với tinh thần vì dân quên mình, các anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chính những lúc khó khăn nhất, mới thấy tình cảm quân dân gắn bó keo sơn như thế nào. “Có vị tướng can trường trên bão lũ/ Đau đáu trong tim ba tiếng “nghĩa đồng bào”/ Mặc đêm tối, mặc nước lũ dâng cao/ Mưa trắng trời - thì bàn chân vẫn bước”. Đó là đoạn trích từ bài thơ “Những người lính nằm lại ở Rào Trăng” của Phật tử Lương Đình Khoa thay nén nhang thơm tri ân những người lính đã “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

 “Trái tim nóng đã nằm trong đất lạnh!/ Gió thét gào, mưa xóa vết chân anh/ Đồng bào khóc nghẹn ngào trong thương xót/ Ngủ đi anh - bình yên nơi vĩnh hằng...” là chia sẻ của tài khoản Facebook Dương Quỳnh Tâm bày tỏ niềm tiếc thương qua những lời thơ, khiến người đọc nhói lòng. Và rất nhiều những dòng cảm xúc của nhân dân tiếc thương các anh. Facebook Tố Uyên chia sẻ: “Thế là phép màu không đến với các anh. 13 cán bộ chiến sĩ nguyện lao vào hiểm nguy để phục vụ nhân dân đất nước và giờ đây họ đã nằm lại đó mãi mãi. Các anh đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu giữa thời bình, sự hy sinh thật cao đẹp, vì dân, vì nước.”

Trong thảm họa ở thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mùa mưa lũ năm nay, quặn thắt lời nói của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man trước lúc hy sinh: “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh”…, đó không chỉ là trách nhiệm, là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi người lính. Và nhân dân cũng dành cho các anh tên gọi đẹp nhất, thân thương nhất là “Bộ đội Cụ Hồ”…

L.Q.H

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​