Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NHỮNG NGÀY ĐẦU XUÂN NĂM ẤY

 

Lê Đăng Kháng

(Nguồn: VNĐN số 40 – tháng 11 & 12 năm 2020)

 

 Một buổi tối tháng 12/1974, Trung đoàn 14 bộ binh Sư đoàn 7 hành quân tắt qua đơn vị tôi. Mặc dù cứ của chúng tôi chỉ cách Lộ ủi Lệ Xuân độ 10 phút đi bộ. Sao họ không hành quân trên lộ cho sướng? Sau chúng tôi cũng hiểu ra ngay vì họ không muốn để lộ dấu vết cuộc hành quân của một Trung đoàn. Họ đi cặp theo Suối Nhung, cắt rừng lồ ô mà đi. Chúng tôi từ trong cứ nhìn ra thấy họ băng cả xuống suối. Có cậu trong đơn vị thốt lên “thế này thì họ băng ngang rẫy tăng gia của bọn mình mất thôi”. Quả nhiên, sáng hôm sau ra thì ôi thôi! Những luống rau cải, đậu đũa, đu đủ đều bị những người anh em Trung đoàn 14 “mượn” sạch. Đấy là một tín hiệu vui. Họ sẽ đánh Đồng Xoài.

 Chúng tôi được lệnh đi ngay theo họ để phục vụ vũ khí đạn. Phân đội tôi chốt chỉ cách trận địa độ 10 phút đi bộ. Trận đánh nổ ra, nghe rất rõ tiếng bộc phá, đạn AK, B40 và các loại đạn hai bên như sấm rền. Nổ súng từ sáng sớm, đến quá 11 giờ ta làm chủ Đồng Xoài. Trong trận này, có một chiến sỹ lập công lớn mãi sau này tôi mới biết và viết về Đại đội của anh trong cuốn “Quân đoàn 4 những tháng năm đánh Mỹ” - Bài ghi chép “Một thời cùng Đại đội”. Đó là Bùi Văn Hanh. Giờ anh là Hiệu phó Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai về hưu. Trận ấy, Hanh cùng hai chiến sỹ tuy là mũi thứ yếu, song đã dũng cảm bắn gần 20 phát B40, ném trên hai chục quả lựu đạn, diệt lô cốt mẹ và khảu 12 ly 7 của địch đổ gục. Quân ta từ bốn phía thừa thắng xông lên làm chủ Đồng Xoài. Hanh được tặng Huân chương Quân công hạng Ba.

Sau Đồng Xoài, Phước Long không khí chiến trường của đơn vị tôi đã khẩn trương lắm. Cứ một tổ 3-4 người được lệnh đi Cánh (mặt trận) để lót chân hàng cho bộ binh. “Hàng”, tức vũ khí đạn.

Chiều 11/3/1975 tôi được Đại đội trưởng gọi lên, ra lệnh “đồng chí chuẩn bị tối nay đi Cánh. Những gì không cần thiết, để lại hậu cứ”. Rõ. Tôi về chuẩn bị ba lô, súng AK. Ngoài ra không còn gì. 21 giờ ra Lộ ủi có chiếc xe reo Mỹ chờ sẵn. Trên xe đã có nhiều người của các C khác. Trên đường đi, đã nghe tin chiến sự, quân ta đang tấn công Buôn Mê Thuột, và phát triển thuận lợi.

 Chúng tôi chốt lại bên này Tà Lài. Gần sáng ngày 14/3/1975 nghe súng nổ rộ lên ở phía chi khu Định Quán. Thế là đã rõ, một chiến dịch mới sẽ nổ ra. Đến 8 giờ sáng được tin ta làm chủ chi khu. Nhưng không phải, địch dựa vào hệ thống công sự kiên cố, xây theo các gộp đá có lợi thế về phòng thủ rất lợi hại. Cửa ải này vô cùng quan trọng của Quân đoàn 3 Sài Gòn. Quân ta dùng các phân đội nhỏ với lựu đạn, thủ pháo, súng AK tiêu diệt từng lô cốt hầm ngầm cùng xe tăng gầm thị uy bên ngoài. 13 giờ 30 ngày 18/3 ta làm chủ chi khu Định Quán. Một tổ chiến sỹ trèo lên núi Ông Phật cắm cờ. Tổ trưởng Phạm Văn Hoan đang leo lên thì một tên tàn binh bắn lén anh. Chiến sỹ ta truy lùng và diệt tên này. Hoan hy sinh ở tuổi 22. Anh từng cắm cờ Giải phóng trên nóc dinh tỉnh trưởng Phước Long ngày 6/1/1975. Theo anh Bùi Văn Hanh, Sư 7 đang có hướng xây dựng Hoan trở thành cá nhân Anh hùng, nhưng Hoan đã hy sinh. Anh không kịp cùng đại quân về giải phóng Sài gòn.

Lúc 11 giờ 30 nói trên, chúng tôi đi ngang qua hầm của chi khu thì nghe có tiếng “Anh giải phóng ơi, chúng em xin hàng”. Bộ binh Sư 7 ập đến, tôi nom thấy có cả quay phim Quân đội. Một chiến sỹ ra lệnh “đút báng súng lên, lên từng người một” . Trong số tù binh có thiếu tá Chánh, chi khu trưởng.

Anh em hậu cần vào một nhà dân ở gần núi Ba Chồng xin nước nấu cơm. Dân lúc đầu ngần ngại. Sau thấy không có tình trạng “kiêu binh”, dân rất thân thiện. Họ cho nước và cho rau xanh. Có cô gái còn ra múc nước hộ, vì chúng tôi vục gầu không quen, gầu cứ nổi bập bênh không có nước. Ông chủ nhà là cha của cô gái nọ bèn gạt con ra, múc hộ chúng tôi. Tôi hỏi ông “bác tính, năm nay chúng tôi có về Sài Gòn không?”. Ông này ngần ngừ “năm 68 các chú cũng về rồi các chú lại rút. Năm nay thì…”. Ông bỏ lửng. Tôi nói “năm nay chúng tôi về Sài Gòn. Rồi bác coi”. Ông già đó có thể còn hoặc đã mất. Cô gái kia nhỏ hơn tụi tôi chút ít, có thể đã là bà ngoại. Hẳn đây là môt kỷ niệm vui cho ngày hòa bình với cô và chúng tôi.

 Bộ binh đánh đến đâu, chúng tôi cuốn theo tới đó. Phương Lâm, La Ngà, Định Quán, Túc Trưng rồi Gia Kiệm liền một dải trên Lộ 20 thênh thang được giải phóng. Dân vui ra mặt trở về dọn dẹp nhà cửa, và làm cỏ rẫy mía và chuối cho kịp thời vụ. Đường đi Sài Gòn, Đà Lạt chưa khai thông, dân không bán được nông sản. Nhiều nhà đứt bữa vì thiếu gạo. Chúng tôi thu được nhiều gạo sấy từ các chốt. Có nhà liều ra hỏi xin. Tôi hỏi chính trị viên “cho họ không anh”. Chính trị viên bảo “cho họ đi”. Thế là chúng tôi phân phát cho mỗi người vài túi. Thiếu ra xanh. Chúng tôi từng tổ 3 người có mang súng và dao găm đi hái hoa bắp chuối về luộc, chấm nước tương. Cực ngon. Anh nuôi kho thịt nhưng không ai ăn nổi, nhìn miếng thịt là phát ói bởi hình ảnh từ các chốt. Một lần rất gần khu Định Quán, tôi và cậu Minh quê Nghệ An đụng một cái chòi có hai chị em cô gái. Cô chị độ 17 hoặc 18, cậu em ngồi trước đưa chiếc đồng hồ và nói: “xin hai ông tha cho chị con. Con xin hai ông nhận chiếc đồng hồ”. Chúng tôi ngạc nhiên sau kịp hiểu ra ngụ ý. Tôi bảo cậu em: “Giữ lấy đi. Chúng tôi chỉ hái bắp chuối thôi. Em không được làm vậy”.

Chuyện ấy sau loang ra. Dân càng quý chúng tôi hơn.

Qua chi khu Đạ Oai, tiến thẳng lên Bảo Lộc. Ngày 28/3, Bảo Lộc  Lâm Đồng được Giải phóng. Từ sân bay Lâm Đồng, hàng ngày chúng tôi phải cung cấp cho xe tải của mặt trận trên 1000 quả pháo từ 105 đến 155 ly của quân đội Sài Gòn để giã vào Long Khánh. Lúc này chiến sự đang ác liệt ở Long Khánh, Dầu Giây và Núi Thị. Nhưng khi Quân đoàn Hai của ta tiến vào đến Rừng Lá. Ở mặt trận Xuân Lộc, quân ta chiếm Dầu Giây, Bàu Hàm, Núi Thị. Long Khánh chơ vơ như hòn đảo. Thế là đêm 20 rạng 21/4/1975 quân địch tại Long Khánh rút chạy theo lộ 2 đi Bà Rịa. Chúng bị bộ đội địa phương diệt và bắt nhiều tên trong đó có đại tá Tỉnh trưởng. Còn tướng Lê Minh Đảo chạy thoát, sau cũng bị bắt làm tù binh tại Gò Vấp.

Chúng tôi khẩn trương thu dọn chiến lợi phẩm của Chi khu Long Khánh. Đơn vị thu được rất nhiều súng, pháo và xe vận tải của địch, nhanh chóng đưa về tập kết ở bản doanh là Dầu Giây. Khi đoàn xe chở chiến lợi phẩm đang lên đèo Mẹ bồng con thì có một tốp F5E của địch lao xuống cắt bom. Cao xạ của ta bắn hất nó lên cao. Chúng tôi nhìn lên những chiếc máy bay nhỏ như cái muỗng canh lấp lánh trên mây rồi mất hút. Chúng tôi vẫn phải cuốn theo Sư 7 đánh Trảng Bom. Hố Nai và Quân đoàn 3 của địch được giải phóng thì đơn vị tôi được lệnh chốt tại bản doanh Ngã ba Dầu Giây để bảo vệ chiến lợi phẩm. Hàng ngày chúng tôi chạm mặt nhiều đoàn tù binh do bộ đội địa phương Long Khánh giải qua đi về nơi giam giữ.

 Buổi sáng 30/4 theo dõi chiến sự ai cũng nôn nao, hồi hộp. Khắp vùng Long Khánh im tiếng súng. Sự im lặng báo hiệu phút giây bùng nổ của ngày toàn thắng. Đại đội có một anh tên Nhuận người Bến Tre có một chiếc đài Standa, anh này mở hết cỡ đúng 11 giờ 30 thì nghe ông Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng: “Tôi - Đại tướng Dương Văn Minh Tổng thống Chính quyền Sài Gòn kêu gọi anh em binh sỹ ai ở đâu, ở đó chờ quân Giải phóng đến, giao súng đầu hàng”. Sau đó nghe cả ông Nguyễn Hữu Hạnh - quyền Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn cũng ra lệnh cho binh sỹ như thế. Lúc này Nhuận ôm chiếc đài nhảy cẫng lên và anh hát: “Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen. Đưa nhau lên tàu về quê ta sống vui hơn. Về đây mình cưới nhau luôn… một căn nhà lá xinh xinh một khu vườn tình…”. Nhuận đã về Bến Tre, chắc giờ anh đang sống với khu vườn tình của anh.

Thế là toàn thắng ư? Người tôi nhẹ bẫng như không còn trọng lượng. Mười năm đời quân ngũ, bây giờ đứng giữa chiến trường vừa tan khói lửa. Chiến thắng thật như mơ. Lại có lệnh chuẩn bị hành quân với bao nhiêu khí cụ cồng kềnh. Cả đại đội di chuyển chậm vì mặt đường còn ngổn ngang xe pháo quân đội Sài Gòn. Hơn nữa còn nhiều đơn vị di chuyển. Khoảng 9 giờ đêm chúng tôi mới về đến Long Bình. Cảnh tượng thật là một biển người. Hàng vạn bộ đội, xe pháo các loại gầm gào lùi qua, lùi lại vào vị trí tập kết. Chệch một mét là lạc đơn vị ngay. Sau khi ổn định đội hình, tôi ôm ba lô, khẩu súng chui vào gầm một chiếc xe Zin đánh một giấc. Nhưngười bị đánh thuốc mê, tôi ngủ như chết. Ngủ mê man. Rồi tự dưng cảm giác người bị nóng ran lên. Có ai đó đá đá vào chân tôi: “Dậy dậy! Chuẩn bị di chuyển”. Thì ra là chính trị viên. Tôi ôm ba lô, khẩu súng nhào ra khỏi xe. Khoảng 9 giờ sáng, nắng chan hòa khắp miền Đông trong đó có Long Bình. Lại một biển người. Hàng vạn anh lính giải phóng cởi trần ra nằm ngay tại mặt đường nước chảy như suối. Ống nước rất bự, đường kính độ 40 cm mở hết cỡ, chảy như thác. Có hàng trăm bộ đội nằm ngay tại các họng nước. Người ta múc nước bằng mũ cối, mũ sắt để rửa pháo và xe tăng. Tôi chợt nhìn ra, có hàng trăm xe U Wat chở các vị chỉ huy cao cấp đi thị sát. Chắc các chỉ huy cũng vui lây cảnh lính tắm. Một trận tắm của 20 năm chiến tranh với người lính trận, ai lại chẳng vui.

Buổi chiều, xe đưa chúng tôi đi Sài Gòn, lúc này đã kêu bằng Thành phố Hồ Chí Minh. Xe dừng trước cửa bưu điện. Chính trị viên phát cho mỗi người một chiếc phong bì, một tờ giấy bảo hãy viết thư về báo tin chiến thắng. Rất nhiều người Sài Gòn, nhiều thanh niên nam, nữ họ mặc quần loe, áo bó chẽn, xúm quanh “xem mặt” chúng tôi. Họ khen, bộ đội miền Bắc nhiều anh cũng khá đẹp trai, lại trắng tươi như con gái vậy. Thư viết cực ngắn, chỉ độ vài dòng. Xong dán lại. Ngoài bì ghi “Quân giải phóng miền Nam”, có cậu ghi “Quân giải phóng miền Đông” . Không dán tem. Cứ thế bỏ vào thùng, chiều hôm sau ở quê đã biết tin con mình còn sống.

Tôi đã sống những phút giây những ngày đầu Giải phóng như thế.

L.Đ.K

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​