Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHUYỆN VĂN NGHỆ SĨ VỚI TẾT

Bùi Thuận

(Nguồn: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021)

 

BẺ MAI ĐỂ… NGỬI!

Cố nhà văn Sơn Nam, thường được gọi là... “Ông già đi bộ” rất nể Bùi Giáng - tác giả của hai câu thơ nổi tiếng: “Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn”. Trong tập sách Dạo chơi ( NXB Trẻ 1994 ), tác giả Hương rừng Cà Mau kể: “Mới đây, gặp Bùi Giáng trong tư thế “du côn”, ngày gần Tết, anh chào tôi lấy lệ rồi trèo lên tận đỉnh cái hàng rào sắt, bên trong là vuông sân rộng của một biệt thự đường Nguyễn Thị Minh Khai. Họ Bùi quả thật nhạy bén trước cái đẹp đột xuất: Bên trong rào là cội mai già, năm nay theo âm lịch có đến 13 tháng nên mai trổ sớm. Anh xoa tay như để lau chùi bụi bặm, rồi trân trọng vói tới hái một đóa mai vàng đang nở, trao xuống cho tôi, không nói một tiếng, rồi anh hái nhẹ đóa thứ nhì, thong dong bước trở xuống. Buổi trưa, người trong biệt thự như yên nghỉ, một người có lẽ là làm công, nãy giờ nhìn, rồi chạy ra. Để tránh sự hiểu lầm đáng tiếc, tôi nói khẽ, rằng anh bạn của tôi… say rượu, chớ hiền lành lắm, chẳng lẽ bấm chuông mong gặp chủ nhà để xin hai bông mai nhỏ bé. Bà làm công cười lành: “Thì tụi con nít thỉnh thoảng phá hoài, không có chi!”.

 Bùi Giáng bảo Xuân đang đến, mình không nên đánh thức loài hoa. Anh ra lịnh cho tôi làm như anh là đưa đóa mai nọ lên mũi ngửi thật khẽ cái… hương trinh của vũ trụ. Rồi anh bỏ đóa mai vào túi, nằm dài trên cát bụi lề đường, nhìn lên tàng cây me”.

Hơn cả tiền bối thi nhân Cao Bá Quát “Nhất sinh đê thủ bái hoa mai” nhà thơ Bùi Giáng còn leo tường bẻ hoa để… ngửi!.

UỐNG RƯỢU VỚI ĐÀO, MAI

 Hồi ức về nhà thơ Nguyễn Bính do cố nhà văn Ngọc Giao (1911-1997), nguyên Thư ký Tòa soạn tuần báo Tiểu thuyết Thứ Bảy, còn kể lại những ngày cuối đời của thi sĩ thiên tài này một cách khá thương tâm. Theo đó, sau năm 1954 trở lại Hà Nội, Nguyễn Bính đứng ra làm tuần báo Trăm hoa. Mới ra được 3 số tờ báo chết ngắc. Nhà thơ không có khả năng làm báo, lũi thũi về Nam Định sống với gia đình. Vợ Nguyễn Bính phải ngày ngày ra chợ Rồng mua bán chanh, ớt… nhặt nhạnh từng xu để nuôi nhà thơ lỡ vận nghiền rượu. “Một ngày gần Tết, người ta tấp nập đón xuân. Nguyễn Bính quá nghèo, chị Bính đành bất lực với cái mẹt ớt chanh cay chua ấy. Bính quá buồn, một buổi sáng gió đông se lạnh, anh lững thững rời đất Vị Hoàng, đến một thôn xóm ven đô. Tình cờ, anh gặp một người lạ mặt. Ông này đã biết Nguyễn Bính, chịu tài Nguyễn Bính, vồ vập ngay Nguyễn Bính, nói rõ lòng thán phục nhà thơ, tự giới thiệu là Hân, cựu y sĩ thời cũ, xin kính mời thi nhân về nhà uống rượu. Tất nhiên, nhà thơ không từ chối. Sự tiếp đãi quá nồng hậu, với rượu đế thơm ngon, đồ nhắm tốt, lại thêm ông Hân còn có huê viên, mai trắng, đào phai, hải đường, hoàng cúc nở rộ. Chủ nhân mời khách quý ngồi dưới gốc mai, đào, đánh chén liền qua Tết. Bà Bính không biết ông chồng thơ ở mô tê, bà đi tìm kiếm. Ông thi sĩ không cần biết chuyện vợ tìm, cứ uống tối ngày với đào, mai. Thế rồi, trưa một ngày đầu Giêng…”, nhà thơ lần mò ra bờ ao. “Cơn gió bấc phào thổi đến. Nguyễn Bính thấy trời đất xoay tròn, anh chỉ kịp kêu một tiếng…”.

TRANH TẾT VÀ… HOA

 Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai nhà danh họa Bùi Xuân Phái cho biết: Bức tranh Tết đầu tiên mà cụ Phái vẽ là lấy ý tưởng từ bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên. Ngay ngày đầu xuân 1957 đó, người bạn thân Trần Văn Lưu đến chúc Tết, nhìn thấy bức tranh, khoái quá, cụ Phái tặng luôn. Nhà thơ Vũ Đình Liên đến chơi nhà ông Lưu, nhìn thấy bức tranh liền kêu lên: “Sao họa sĩ lột tả tinh thần bài thơ của tôi hơn cả tôi thế!”. Và nhà thơ nhờ bạn đưa mình đến làm quen với họa sĩ. Sau đó, Vũ Đình Liên làm thêm 3 bài thơ nữa với tựa đề là Ông đồ 1, Ông đồ 2, Ông đồ 3 để đến Tết họa sĩ Bùi Xuân Phái căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội trong năm mà vẽ tranh: Ông đồ đắt hàng, Ông đồ ế hàng, Ông đồ say… Đến năm thứ tư, họa sĩ không biết phải vẽ ông đồ trong trạng thái nào nữa, bèn chuyển sang vẽ cành đào, chợ hoa ngày Tết.

 Đây là đề tài thích hợp cho “ba ngày Tết”; vì theo như Tô Hoài trong Chuyện cũ Hà Nội, Nguyễn Công Hoan trong Nhớ và ghi về Hà Nội, Băng Sơn trong Thú ăn chơi của người Hà Nội… cho đến nhà văn… không còn trẻ lắm Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả của hàng chục cuốn sách viết đủ chiều kích dọc, ngang, vòng quanh Hà Nội thì: “Ngày nay thú chơi hoa ở Hà Nội thay đổi, nhưng xưa nhà nào cũng có cành đào vì hoa đào màu đỏ, màu theo quan niệm của người Á đông là màu tượng trưng cho may mắn, tạo dương khí khiến căn nhà ấm áp… Không chỉ cắm cành đào, nhiều nhà còn chơi thêm các loại hoa khác. Với những gia đình có truyền thống Nho giáo, người có tâm hồn, họ thích cắm cúc trong ngày xuân vì cúc tượng trưng cho tính khiêm tốn, điềm đạm”…

 Cụ thể hơn, nhà văn Hoàng Quốc Hải cho biết: “Trong mỗi gia đình của Hà Nội vào dịp Tết Nguyên Đán, cùng với bánh chưng, đào và quất trở thành một bộ ba khắng khít, tạo cho không khí Tết cổ truyền có vẻ đẹp riêng của Hà Nội... Trên tường dù ngày thường treo các thứ tranh nghệ thuật nổi tiếng cổ kim, thì vào dịp Tết cũng xếp lại để treo vài bức tranh làng Hồ, tranh Hàng Trống. Nếu chỉ có như thế thôi cũng đã có không khí Tết. Nhưng nó không tươi tắn, không lý thú bằng có thêm một cành đào. Cành đào đặt vào góc nào đấy thích hợp của căn phòng, sẽ tôn màu xanh của bánh, màu tía, màu son của tranh và làm ấm hẳn lên không khí cửa nhà. Nó đem lại cho căn phòng một sức sống thật dồi dào. Cành đào dù to, nhỏ, cao, thấp thế nào mặc ý người chơi, nhưng tiêu chuẩn cơ bản của nó là mồng Một tết phải nở. Có người thích mồng Một tết đào nở bán khai. Tức là chỉ hé nở, để còn có thể chơi cả nửa tháng Giêng. Có người thích nở mãn khai, tức hoa nở xòe hết độ. Ấy là cái thú của người chơi. Vì vậy mỗi khi đưa cành đào vào nhà rồi, cả nhà đều khoắc khoải mong cho nó đạt được ý muốn của mình. Nhưng cũng còn một nỗi phấp phổng nữa, tức là ngày mồng Một tết, nụ đào cứ im ỉm như thóc thối, không một chiếc nào xòe nở thì cành đào ấy có hơn gì một cành rào gai. Lo hơn nữa, sớm ngày mồng Một tết, hoa đã rã hết cánh, chỉ còn trơ lại phần nhụy, xác xơ như cánh vờ. Phải tránh được những điều đó, người ta mới còn giữ được cái thú chơi Đào”.

 Trong Ăn chơi xứ Huế, cố nhà thơ Ngô Minh từng chia sẻ: “Dù có trăm thứ hoa đẹp, ở Huế ngày Tết nhà nào cũng phải có cành mai cắm trước bàn thờ hay phòng khách. Nhà nghèo thì mua cành mai năm bảy nghìn đồng. Nhà giàu sắm cành mai Tết, chậu mai thế, mai cảnh, có khi tới dăm bảy chỉ hay một hai cây vàng!... Hoa mai không chỉ là loài hoa chính trong Tết Huế, mà đằng sau mỗi cành mai còn ẩn chứa nhiều sự linh ứng thời vận và niềm tin tương lai. Người Huế có tục lệ, sáng mùng Một Tết, cả nhà đều xúm bên cành mai nghiêng ngó chăm chú xem có bông nào nở sáu cánh không. Hoa mai thường nở năm cánh, còn nở sáu cánh (hay bảy tám cánh) là chuyện hiếm. Người ta coi đó là điềm may, là báo hiệu tài lộc năm mới. Tục này không biết có từ bao giờ, cho đến Tết này vẫn thịnh hành lắm lắm. Tôi đã từng thấy nhiều bông mai nở sáu cánh, tám cánh làm cho gia đình chủ nhà vui tưng bừng suốt cả tuần Tết”…

Và nhà thơ trữ tình Ngô Minh cứ nhớ hoài chuyện: “Năm 1975, tôi là bộ đội giải phóng từ Sài Gòn về ăn cái Tết đầu tiên của Huế. Chiều 30 Tết, tôi dắt cháu nhỏ con anh bạn đi chợ hoa Tết ở Thương Bạc. Đi dạo, ngắm mãi, chọn mãi chúng tôi cũng chọn mua được một cành mai ưng ý để cắm bàn thờ Tết nhà anh bạn. Tôi còn mua một cành mai nhỏ xíu cho cháu con anh bạn cầm chơi. Trên đường về, qua cầu Trường Tiền, cháu bé mỏi tay lôi cành mai lệt sệt như kéo một cành củi. Bỗng có bà cụ bán bánh dạo dừng gánh bên đường gọi chúng tôi lại và bảo: “Hoa mai thiêng lắm, để cháu nhỏ lôi như rứa là không nên” (không nên tiếng Huế là phạm thượng). Nghe bà cụ thều thào, tôi ớn lạnh cả gáy, hiểu thêm một nét văn hóa Huế sâu thẳm ẩn sau mỗi cành mai vàng xứ Huế!”

B.T

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​