Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
MÙA XUÂN VỀ TRÊN PHỐ ĐÁ

 

Tản văn của Hồng Nhạn

(Nguồn: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021)

 

 

 da-ba-chong.jpg
Công viên đá - Ảnh: Phạm Linh Ngọc

 

Ánh mặt trời ló rạng từ rất sớm như để một ngày được dài hơn, dài hơn... cho lúa no tròn hạt, cho bắp thêm ươm vàng, cho thợ xây hoàn thành công trình mới, cho thợ mộc không lỗi hẹn mùa xuân, cho trẻ thuộc bài, cho già ấm áp… và cho mùa xuân không quá vội…

Gạt hết những vất vả bon chen chốn thị thành, tôi trở về nép hồn vào quê hương Phố đá để nghe rì rầm khúc hát sông quê, nghe rào rạt của gió rừng, nghe âm vang của hồn đá… Và nghe lòng mình mát rượi… quê hương!

Chuyến xe khách rời đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, theo quốc lộ 20 chừng 45 km, qua những khúc cua uốn lượn ngoằn nghoèo để trườn mình trên từng con đường thoai thoải, mát rượi một màu xanh mát của rừng cao su, rồi đổ oằn xuống dốc để đến với dòng sông La Ngà hiền hòa êm dịu. Dòng sông soi bóng tượng đài chiến thắng sừng sững như muốn kết nối cuộc chiến trong quá khứ hào hùng với cuộc chiến mưu sinh của làng nhà bè trên sông, với các chất thải công nghiệp, với những đợt xả lũ, cá chết… trên dòng sông lịch sử. Sông êm dịu gắn với tuổi thơ thả diều chăn trâu, nô đùa cùng nhóm bạn trên bãi cát hay chèo thuyền bắt cá cải thiện bữa ăn cho trẻ quê nghèo. Sông xanh rờn những bãi cỏ non mọc trên phù sa vào mùa ngăn nước đập thuỷ điện Trị An, để những ai yêu nghệ thuật kịp chụp lại cho mình một kiểu hình đẹp nhất. Nhưng Định Quán chỉ có thể là đây khi bạn về đến Phố đá. Chúng tôi gọi Phố đá bởi sừng sững giữa thị trấn ồn ào và tấp nập trên quốc lộ 20 rộng mở là Đá Ba Chồng như đang nghiêng mình chào đón, và thầm thì: “Tôi đây!”.

Xuân về, Phố đá không được bao phủ bởi gam màu xanh của cây cối tươi mát mà toát lên một vẻ khô hanh bởi những cành cây rụng bớt lá cứ lặng lẽ trầm mặc như để dành cho phần đá được nhô lên cao hơn. Đá thở. Chúng tôi thường bảo nhau như thế. Mùa xuân, đá như cao hơn, như sống dậy, như rầm rù trò chuyện, những câu chuyện về cuộc đời của người dân qua một năm lao động vất vả. Chuyện xoài thất thu. Chuyện điều được mùa rớt giá. Chuyện tiêu chết. Chuyện cá sau mùa lụt. Chuyện heo tăng giá khủng khiến bao người cười khóc. Chuyện những nồi bánh chưng cứu trợ miền Trung mùa dịch. Và dài nhất là chuyện “chống dịch như chống giặc” của đất nước thân yêu trong mùa Covid -19. Đá biết hết, bởi đá nghiêng mình trườn dài ra đường với 3 hòn chồng cao lên nhau, ngất ngưởng như người ta cố với cổ cao, nghểnh tai ra, nghe ngóng. Hồn đá là hồn của người dân bao thế hệ, của quê hương Định Quán.

Một năm vất vả đã trôi qua, giờ đây, gió xuân đang về, mát lạnh vào sáng sớm và đêm, khô hóc vào trưa chiều. Xe đã dừng, bao hành khách bước xuống, với đồ đạc được lơ xe chuyển xuống bên đường. Những cô cậu sinh viên trẻ tuổi về quê sau mùa học, đang tinh mắt nhìn xung quanh như để tìm người nhà và rồi bừng lên với tiếng gọi ba, mẹ, anh, chị… Chúng đem ít chất thị thành về quê qua cái túi xách mới, quần bụi, áo đẹp và bước chân tự tin như muốn nói với Phố đá rằng: “Em đã về… em đã từ phố thị về đây!”. Vẻ mặt chúng rạng ngời pha chút tự hào như báo cáo với quê hương thành quả học tập một năm của mình. Những chiếc xe máy đầy kín không có chỗ thở. Một đứa nhỏ ngồi phía trước, trên một cái giỏ đồ lớn, một đứa bé ngồi trong lòng mẹ, một anh xế đang bành hai chân hai tay như để che chở cho cả nhà mình. Sau đuôi xe cột một va li đồ cao ngất. Họ chở cả nhà, cả gia tài, cả tình yêu và hạnh phúc để về với Phố đá sau khi đã nhận hết tiền thưởng của một năm lao động vất vả. Tiếng còi xe inh ỏi, người người tấp nập nhộn nhịp khác hẳn với sự yên ả ngày thường. Trên mặt ai nấy nở một nụ cười trìu mến thân thiện.

Phố huyện ngày tết có lẽ bắt đầu từ đây: chợ tết. Một dãy dài vừa giáp chợ vừa sát quốc lộ 20 là chợ hoa ngày tết. Hoa bày bán theo hàng lối và màu sắc, nhưng sắc màu chủ đạo là sắc vàng của hoa cúc và vạn thọ, hoa hướng dương, bởi đây là sắc màu của ngày xuân và cũng là loài hoa bình dân phù hợp đại đa số dân nghèo. Kế đến là hoa mai, hoa ly thơm nức. Nhưng mấy đứa trẻ lại thích nhất là cây bầu hồ lô với vài ba trái tí hon xinh xắn trên giàn nhỏ bò trên thân kẽm. Nhìn vào giàn bầu, tôi thấy cả bầu trời tuổi thơ trên đồng ruộng bát ngát, còn con tôi thì tò mò với bầu hồ lô của Tôn Ngộ Không, chúng còn xa lạ với ruộng đồng bầu bí. Gian hàng nhiều thứ hai có lẽ là dưa hấu. Từng núi dưa chất cao ngất ngưởng nhưng rất đẹp mắt trông như những ngọn núi tròn tròn xanh mát. Kế bên là những nghệ nhân khắc hình lên dưa ngày tết. Bọn trẻ con tranh thủ mẹ mua dưa thì đứng xem thích thú. Xa xa, các mặt hàng đều được bày bán không thiếu thức gì, từ những chậu kiểng cành đào tiền triệu cho đến nhành cây bất tử giá vài ngàn đồng, từ thức ăn, quần áo, giày dép cho đến hoa trái… Tất cả tạo nên sự nhộn nhịp mà ấm áp cho Phố đá vốn âm thầm bao ngày qua.

Xuân về, Phố đá trở mình mạnh mẽ, thay đổi bất ngờ. Những đứa con xa nhà trở về như chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước bao điều mới mẻ trên quê hương thân thuộc. Huyện nhà đã đạt chuẩn nông thôn mới nên mọi thứ đều trở nên sạch đẹp tươm tất. Chiều xuống, tản bộ trên đường mới thẳng tắp để ra nhà thi đấu đa năng của huyện mới xây còn thơm mùi tường mới, để hít thở không khí mát lành, để hòa cùng lũ trẻ nô đùa trong sân rộng. Từ đó ngước nhìn, thẳng tắp theo đường chim bay, sẽ thấy quần thể Đá Ba Chồng hiện lên, sừng sững uy nghi vững chãi. Kí ức tuổi thơ ùa về. Hồi đó, cứ tết đến, chúng tôi lại leo lên đá chơi một lần. Trèo lên tới tượng Phật cao ngắm nhìn cả phố xá nhỏ xíu bên dưới, cả cánh đồng ở làng Thượng xa xa, cả công viên đá mát rượi gió trời. Sau đó, chúng tôi chắp tay xá Phật rồi ra về và thế là hết tết. Trời đêm xuống, vòng theo những con đường bàn cờ để ra khu chợ đêm nằm gần khu hành chính của huyện để thấy phố xá lên đèn nhộn nhịp, chẳng khác thành phố là mấy, bởi giờ đây mọi người đã về quê ăn tết. Đèn điện, đèn trang trí, khẩu hiệu, cờ đỏ… khiến cho Phố đá khoác lên mình áo mới. Ngồi bên công viên uống một ly sinh tố, ăn thêm đĩa bánh tráng trộn và ngắm dòng người qua lại để thấy đời thật đáng yêu.

Xuân đang về. Ôi, Phố đá thân thương của tôi! Phải chăng tôi đang được những làn gió xuân ấm áp nâng niu? Phải chăng mùi hương quen thuộc của đất của hoa đang tràn trề bên tôi? Phải chăng tôi đang nhìn thấy quê hương đổi mới! Đôi mắt trong sáng của dòng nước mùa xuân đang mang đến niềm hy vọng tràn trề cho quê hương. Nhìn những gương mặt vui vẻ rạng rỡ như hoa mùa xuân, tôi thấy cuộc đời thật tuyệt diệu. Trong cảm xúc trào dâng giữa lòng Phố đá, tôi nghe đâu đó bài hát quen thuộc cất lên: Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng. Trong nắng vàng, cất tiếng hát reo vang… Phải chăng lòng tôi đã được trở về bên gia đình, bên quê hương… Và lòng tôi cũng đang hát… Phố đá xuân về…

H.N

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​