Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
TÊN GỌI Ở LÀNG

Trâm Oanh

(Nguồn: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021)

 

 

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Thái Bình quê tôi, trừ những gia đình hiếm muộn còn nhà nào cũng có năm, bẩy người con. Con đông quá mà cũng lu bù quá nên việc đặt tên hầu hết chỉ đặt cho có lệ. Ngày nay người ta nói tên con là tác phẩm cực ngắn thể hiện những mong muốn, kỳ vọng của cha mẹ vào “tác phẩm” của mình nhưng ở thời đó, việc đặt tên con chỉ đơn giản để có cái mà gọi, mà phân biệt đứa này với đứa kia trong đàn con đông đúc lúc nào cũng láo nháo. Việc đặt tên theo mấy nguyên tắc không thành văn, tùy chọn lựa của mỗi gia đình nhưng hầu hết người trong xã nếu nói tên con sẽ biết ngay tên bố.

Bố tôi tên là Nguyễn Văn Đèn. Cái tên bắt nguồn từ nguyên cớ hồi mới chào đời, đêm đêm bà nội phải thắp đèn bố tôi mới chịu ngủ yên; không có ánh sáng là ông khóc ngằn ngặt. Bố tôi quấy khóc nhiều quá, nghe kể là ông lấy hơi để khóc tới độ rốn lồi cả ra một đoạn đến nửa ngón tay. Thời đó thắp đèn bằng dầu lạc nên tốn kém ghê lắm. Bà nội tôi nghèo khổ phải đi ở cho địa chủ mà con trai lại đòi mẹ thắp đèn đêm mới ngủ thì đúng là một hiện tượng lạ thường; chắc vì vậy mà bà đặt luôn cho bố tôi một tên gọi không đụng hàng thế.

Mẹ tôi tên Nguyễn Thị Xuyến, sinh sáu người con, đặt tên theo nguyên tắc trai theo cha, gái theo mẹ. Vậy nên hai nhánh tên của gia đình tôi là: Đèn - Pha - Sáng - Trưng và Xuyến - Nhẫn - Trâm - Oanh. Hai nhánh này có phần đuôi hơi trục trặc một chút. Nhánh bên Nam, anh Trưng mất từ khi sáu tháng tuổi; còn tôi, út ít cơm thừa canh cặn, nếu đúng phải là Trâm - Anh nhưng chẳng hiểu sao mẹ lại đặt thành Oanh, cái tên gợi lên vẻ gì đấy choang choảng, chanh chua mà hình như âm hưởng ấy nó cũng vận vào tính khí tôi ít nhiều.

Hồi còn đi học, anh chị em tôi hay bị bạn bè réo gọi tên bố mình. Ban đầu cũng tức tối, réo qua, gọi lại tên cha mẹ của nhau để trả đũa, thậm chí nhiều phen phải động chân động tay. Nhưng bố tôi có lý lẽ của bố để chứng minh cho chúng tôi thấy, chẳng việc gì phải mặc cảm bởi những điều vớ vẩn. Ai bảo tên gọi của cả nhà mình là xấu? Nhà mình sở hữu toàn những “món” ai cũng cần, ai cũng thích. Thử xem, ban đêm không có ánh đèn hoặc là đèn không pha (chiếu), không sáng, có đứa nào học bài được không. Còn nữa, con gái mà có nhẫn, có xuyến, có trâm để đeo thì không đẹp ra bao nhiêu là gì. Ông còn khuyên các con, chẳng việc gì phải khó chịu khi bạn nhắc đến tên bố bởi có nhiều bạn bè nhắc là cha con mình được nhiều người nhớ đến. Cứ mặc kệ chúng bạn réo gọi, mình không tức bực, nhăn nhó, bạn sẽ thấy nhạt trò, bạn tự bỏ. Hơn nữa, con của bố đứa nào cũng học hành mỗi năm lên một lớp, mặt mũi cũng tạm được thì hà cớ gì phải mặc cảm bởi cái tên ông bà, cha mẹ cho. Và “chiêu” của bố được anh chị em chúng tôi mang ra áp dụng rất hiệu quả. Chúng tôi còn áp dụng mãi đến ngày nay, thậm chí còn rút ra được nguyên tắc: Mọi vấn đề cũng đều có cách xử lý thỏa đáng.

Nhà cậu bạn mà tôi học chung từ thời tắm mưa đến hết lớp 12, nó con ông Hán, cha con, anh em nhà nó có dãy tên khá “hoành tráng” là Hán - Hùng - Vĩ - Đại - Dũng. Một gia đình khác, dãy tên gọi của các con thể hiện khát vọng mãnh liệt về một cuộc sống no đủ trong thời chiến tranh và nhiều thiếu thốn: Kho - Trại - Lương - Thực - Vững - Vàng.

Một nguyên tắc nữa là các tên có chung một chữ đầu. Phía sau nhà tôi là nhà ông Vân; anh em nhà ông tên toàn vần V với Vân - Vần - Vấn - Vận. Đến chú Vần khắc phục những hạn chế của tiền bối nên tên của con cái hay hơn hẳn với Chiến - Thắng - Vinh - Quang - Tươi - Tỉnh.

Ông thông gia nhà tôi có nguyên tắc đặt tên tất tần tật vần lèo lèo, đọc lên nghe vui rộn ràng trong lòng. Ông tên Đẩy và đoàn quân vui vẻ, đông đúc nhà ông là Đẩy - Tới - Phương - Nào - Liễu - Đào - Loan - Liên. Có nhà đặt tên con theo vẫn nhưng hết vần rồi mà con vẫn thòi ra nên đành đặt đại một cái tên nào đấy như kiểu Kiểm - Phiếu - Biểu - Ngữ - Nhuận - Tra - Trà. Nhưng cũng có những nhà đặt tên nghe vần làu làu mà chẳng một tên nào có nghĩa như nhà ông Chư với chuỗi Chư - Chử - Chạt - Cò.

Lại có những cái tên mà nghĩa của nó chắc chỉ ông Trời mới hiểu kiểu như Xẽo, Xợt, Kiu, Bường, Nê, Yêm, Rụ, Ron, Ren, Triêm… Hay cũng có những tên gọi được đặt lúc “tức cảnh, sinh tình” kiểu như: Tên Lâu do cậu nhóc nằm ì trong bụng mẹ, mãi không chịu ra chào đời; tên Nhuận do sinh vào tháng nhuận; tên Cu hay tên May do mong mỏi mãi mới đẻ được thằng con trai và nhiều cái tên độc, lạ khác nữa.

Nhưng cũng một số gia đình không đặt tên con giống cả làng mà có sự kết hợp để con cái có những cái tên rất hay, ý nghĩa. Như bên ngoại tôi là gia đình nhà cụ Đồ nên những người anh em con bác, con cậu, tên tuổi cũng ngay ngắn lắm kiểu như Học - Văn - Chương - Phượng hay Hùng - Tùng - Thông - Bách.

Tên đặt kéo dây, kéo nhợ thế nên dễ nhớ, khó quên. Ở trường, thầy, cô giáo chỉ cần biết tên đứa em là sẽ biết mình đã từng dạy những học trò là anh, chị trong gia đình ấy. Vì thế, thầy cô sẽ biết ở gia đình nào con cái có năng khiếu toán, văn, múa hát hay thích nghịch phá để dễ bề “trị” đám nhóc chúng tôi. Con cái đi rong chơi, cha mẹ muốn gọi về, chẳng biết đứa nào có mặt, đứa nào vắng mặt nên cứ một tràng dài mà gọi, vần làu làu lại chẳng sót đứa nào.

Cái tên không mang nhiều kỳ vọng của cha mẹ với con cái, vì vậy lứa chúng tôi, ít có ai bị chịu áp lực “từ cha mẹ rơi xuống”. Cũng không có gia đình nào đặt tên con cái theo kiểu oán trách cuộc đời hay thở than cho số phận mà thi thoảng ta nghe thấy đâu đó. Việc đặt tên con chỉ đơn giản để có cái mà gọi, mà phân biệt đứa này với đứa kia trong đàn con đông đúc lúc nào cũng láo nháo; để thành một vần dài và thể hiện sự “dắt dây dắt nhợ” giữa những người có liên quan về huyết thống. Vậy nên đám trẻ quê chúng tôi mặc sức vô tư, hồn nhiên như chính tên gọi của mình.

Chúng tôi lớn lên như cây, như cỏ, khó khăn thiếu thốn nhưng lúc nào cũng vui. Khi đi ra ngoài, tôi mới thấy tên gọi ở làng mình lạ và độc. Còn hồi ở làng, cứ hồn nhiên với hình hài, tên gọi cha mẹ cho, kiểu như mọi người đều giống nhau thì làm sao có thể biết tên mình là cái tên độc đáo. Hơn nữa, ngày ấy phương tiện thông tin thiếu, sách báo hiếm, giao lưu thông thương hạn chế, mọi người chỉ quẩn quanh ở làng nên chẳng ai phải suy nghĩ nhiều về tên gọi làm gì. Cơm ăn, áo mặc là những thứ cần được ưu tiên, cần được quan tâm nhiều hơn.

Tên đã không đẹp, chẳng hay lại còn thiếu hẳn một chữ đệm. Hầu như đứa trẻ nào, tên gọi cũng chỉ có ba chữ theo nguyên tắc: Họ rồi đến chữ Văn cho con trai hoặc chữ Thị cho con gái rồi đến tên. Cũng có một số ít gia đình có người đi đây đi đó hay làm cán bộ nên đặt tên cho con cái không theo kiểu quê mùa, mộc mạc như đa số. Bởi vậy, giữa một rừng những cái tên giản dị như hạt lúa, củ khoai cũng có những tên gọi hay, mượt mà kiểu như Hùng Dũng, Ngọc Anh, Lan Hương… Ngoài ra, một số dòng họ có chữ đệm riêng nên trẻ con đương nhiên được “hưởng lợi” và có cái tên hay hơn hẳn so với bạn bè cùng trang lứa kiểu như họ Nguyễn Đức, Nguyễn Trọng, Nguyễn Sĩ, Nguyễn Cao...

Cha mẹ không đặt nhiều kỳ vọng vào đứa con thông qua tên gọi nhưng một điều hiển nhiên là lứa trẻ 5x, 6x, 7x làng tôi khi xưa, giờ này dẫu có ở lại quê hương, vào miền Trung, miền Nam hay Tây Nguyên, hầu hết đều là những người thành đạt; còn nếu như không thành đạt thì cũng có gia đình yên ổn, hạnh phúc. Sự thành đạt, yên ổn và hạnh phúc ấy cũng đã lan sang đến thế hệ thứ hai, thứ ba của những người con của làng.

Ngày nay, việc đặt tên thường cầu kỳ; từ đô thị đến làng quê, trẻ con hầu hết đều được cha mẹ tìm chọn và đặt cho những tên gọi có ý nghĩa, thể hiện mong ước của bậc sinh thành mà mong ước ấy có khi thành thái quá. Nhưng sự cầu kỳ ấy có khi không giúp người mang tên thỏa mãn. Tôi thấy có nhiều người bị áp lực bởi chính cái tên gọi của mình. Kiểu như tên Thúy Kiều, Gia Bảo, Thành Tài, Thành Danh, Kiều Diễm… Bởi ngoài việc dùng để gọi ra, cái tên còn đặt trên vai đứa trẻ cả một trọng trách. Người mà tài năng, nhan sắc, tình tình hợp với tên gọi không sao; nhưng lỡ tên một đằng, người một nẻo thì quả là rắc rối. Còn những tên gọi xấu xí, kiểu như tên Lâu nhưng anh này lại cao lớn, đẹp trai, làm việc lại nhanh thoăn thoắt thì hãnh diện quá đi còn gì? Anh May thành đạt, làm ăn tấn tới lại hiếu nghĩa, lo lắng cho cả nhà thì gia đình anh đúng là gặp may.

Sau này, người làng tôi lớn lên, đi làm ăn xa mới thấy rõ chất vui nhộn trong tên gọi của người làng mình nhưng hầu như chẳng mấy ai phải chê bai, trách móc, buồn tủi hay mặc cảm về cái tên cha, mẹ đã cho. Đơn giản, ai cũng hiểu, đó là chuyện ngày xưa, chuyện của một thời như thế, bởi nó là một phần của lịch sử.

Cũng có vài người, nhất là các chị em gái tự “làm mới” bằng cách đặt thêm cho mình một cái tên cho giống người ta hoặc thêm thắt chữ lót vào cho tên thêm đẹp, thêm hay. Nhưng không phải ca đặt đổi nào cũng thành công vang dội, chưa kể còn gánh thêm bao nhiêu phiền toái. Vài người lót thêm chữ Ngọc, Tuyết, Kim vào tên của mình nhưng chủ yếu để xưng danh cho vui tai thôi. Người nào lỡ “chêm” thêm cái chữ mỹ miều ấy vào tên của mình thành ra người có một mà giấy tờ có đến hai, làm phát sinh đủ thứ phiền. Hay như anh trai tôi, anh được chị cả đổi từ Pha thành Phan. Việc sửa này đơn giản vì chỉ điền thêm chữ “n” vào giấy khai sinh là có thể thống nhất với các giấy tờ khác. Tác dụng là giúp việc phát âm nhẹ nhàng một chút và tránh chữ nhà Pha (nhà tù) nhưng chị cả không lường trước tác hại lại lớn bội phần, bởi tên gọi của anh tôi đang là một từ có nghĩa trở thành một từ chả hiểu nghĩa của nó là gì nếu như không đọc chại ra thành Phang - một từ chứa đầy yếu tố bạo lực.

Nhưng mà về đến xóm Nam Song, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình quê mình, anh tôi vẫn cứ là anh Pha con nhà ông Đèn, anh Pha yêu thương của xóm, của làng. Giản dị, mộc mạc thôi nhưng tên anh, tên mỗi người làng tôi đủ để nhắc nhớ về mẹ, về cha, về ông bà, tổ tiên, về những mong muốn giản đơn của một thời gian khó. Và dẫu có thô mộc, xù xì nhưng tên gọi của chúng tôi còn hàm chứa một thông điệp hiển nhiên rằng, cuộc sống càng giản đơn sẽ càng làm cho con người ta thêm hạnh phúc!

T.O

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Save Conflict. Your changes conflict with those made concurrently by another user. If you want your changes to be applied, click Back in your Web browser, refresh the page, and resubmit your changes.Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​