Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
TRĂN TRỞ VỚI THÁC MAI

Ghi chép của Trần Thu Hằng

(Nguồn: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021)

 

Thac Mai.JPG Một góc Thác Mai - Ảnh: Tác giả
 

Những ngày sau đại dịch Covid, con người cần được gần gũi với thiên nhiên trong lành nhiều hơn như để “làm lành” với chính mình. Thác Mai – cái tên chưa bao giờ là sự lựa chọn hàng đầu của các tuor du lịch của Đồng Nai, nhưng lại là nơi tìm đến của những người yêu tự nhiên, yêu sự tĩnh lặng và hoang sơ.

Hướng đến một thương hiệu du lịch

Đến Thác Mai là đến với cảnh quan hoang sơ, đầy màu xanh của cây rừng và sức sống thiên nhiên của suối, thác và đá. Đó là nơi tiên cảnh cho những ai thích sự cô độc, lặng lẽ để lắng nghe sự hòa điệu của chính mình và thiên nhiên cổ tích. Cổ xưa từ bộ xương voi khổng lồ hóa thạch, cho đến từng thớ đá bị mài mòn bởi thời gian, để lại những hình khối lạ lẫm, một vẻ đẹp thiên tạo con người chỉ có thể thưởng lãm chứ không thể tạo ra được. Đặc biệt là sự có mặt của loài mai trắng, như ông Trương Hữu Thế, nguyên Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú cho biết: Mai đã từng mọc thành rừng quanh khu suối và thác, cách đây vài thập kỷ, người chơi mai còn tìm đến đây để đánh mai về trong những dịp cuối năm. Phục hồi lại rừng mai để có một Thác Mai như ngày xưa, cứ nghĩ là khó nhưng thực ra không khó, khi mà lòng người hướng về nó.

Bên cạnh đó, Bàu nước sôi là một suối nước nóng (còn gọi là suối Nam Chơn) được thiên nhiên ban tặng với nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ, và rất nhiều người đổ về đây để chữa bệnh xương khớp. Những năm trước 2015, khi chưa triển khai quy hoạch đồng bộ về Thác Mai, người dân các tỉnh lân cận đến đây để ngâm chân, tắm bùn, thậm chí còn lấy nước về để uống, và coi Thác Mai như một “cơ sở” chữa bệnh, trị liệu tự nhiên. Mặc dù lúc đó đường đi vào Thác Mai – Bàu nước sôi hết sức khó khăn với hơn 15 km đường đá, sỏi. Chưa kể những người yêu du lịch rừng, những “phượt thủ” cũng thích đến Thác Mai bằng nhiều phương tiện khác nhau; họ có cách đi riêng, không làm cho Thác Mai trở thành khu du lịch ồn ào, náo nhiệt và mang màu sắc của phố thị. Lâu dần, Thác Mai như một người bạn lặng lẽ, nhưng không thể thiếu được đối với những người cần có sự trầm mặc, cô đơn...

Nằm trong khu vực rừng phòng hộ Tân Phú, Thác  Mai – Bàu nước sôi có tổng diện tích quy hoạch phát triển cho du lịch là 14 ha, trong đó tất cả các hạng mục đều hướng tới khai thác giá trị của rừng. Trên đường xây dựng thương hiệu du lịch riêng cho nơi đây, sản phẩm đang được nghiên cứu để đi vào sản xuất, đó là nước khoáng thiên nhiên đóng chai mang tên Thác Mai...

 Đó là những kỳ vọng làm cho Thác Mai nguyên lành như xưa và tươi đẹp hơn xưa. Song việc này cần có thời gian; biết bao thế kỷ mới có một Thác Mai với hình hài riêng như thế, thì nay con người có tâm, có trí, có sự hỗ trợ của công nghệ cũng phải mất thêm nhiều thời gian để phục hồi và phát triển nó.

Thác Mai hôm nay và ngày mai

Có một thời, Thác Mai cũng như du lịch phát triển rừng của tỉnh nhà gặp khó khăn đến mức chật vật, khi mà mức đầu tư cho rừng trên phạm vi toàn tỉnh đã giảm từ 10% xuống 6% ngân sách để đầu tư cho những dự án cấp bách hơn. 15km đường từ cầu Suối Đá vào đến Thác Mai nhiều năm không phủ nhựa được. Hệ thống điện sử dụng chủ yếu bằng máy phát điện nội bộ nên rất yếu; mạng cũng chưa phủ sóng nên thông tin liên lạc rất hạn chế. Công tác bảo vệ và phát triển rừng vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nên nghiệp vụ khai thác và phát triển du lịch vẫn còn nhiều hạn chế.

Địa phương và các ban, ngành vào cuộc để tìm giải pháp cho Thác Mai. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhiều lần tổ chức khảo sát Thác Mai – Bàu nước sôi để tìm giải pháp phát triển du lịch sinh thái gắn với việc bảo vệ rừng phòng hộ. Ông Trần Quang Tú, khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết khó nhất vẫn là tìm được nhà đầu tư hiểu được giá trị lâu bền của Thác Mai, để chấp nhận đi con đường dài cùng với huyện. Người dân trong vùng cũng luôn mong muốn toàn bộ khu vực 14ha rừng được đầu tư khép kín, để giữ cảnh quan và phát triển một cách đồng bộ, không để Thác Mai biến thành một khu du lịch “na ná” như những nơi khác.

Khi chương trình xây dựng Nông thôn mới Đồng Nai đi vào giai đoạn trọng tâm, thì quy hoạchThác Mai đã được triển khai, và bằng một cách làm thông thoáng, nhẹ nhàng. Có lẽ đây là cách làm rất phù hợp trong giai đoạn hiện tại, khi mà nhà nước đầu tư kinh phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng, và khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân làm du lịch. Công trình nâng cấp đường vào Khu du lịch Thác Mai - Bàu Nước sôi giai đoạn 2 với chiều dài 13,8km đã hoàn thành, với tổng kinh phí trên 38 tỷ đồng. Dự án đầu tư hệ thống đường điện vào khu Thác Mai đã được thực hiện. Trong những tháng đại dịch Covid – 19 hoành hành, Thác Mai tuy lặng lẽ hơn, nhưng là sự chờ đợi để chuyển mình một cách nhanh chóng. Người dân trong vùng đã tiếp cận với cách làm du lịch rừng gắn với bảo vệ sinh thái, môi trường. Các cơ sở lưu trú, các dịch vụ được xây dựng gần Thác Mai cũng khá đơn giản, tiện lợi, thậm chí có ngay lều trại để du khách tận hưởng không khí trong lành tuyệt vời ngay cạnh Thác Mai.

Đến với Thác Mai vẫn là những người “sành điệu” và tri kỷ với rừng, với thiên nhiên kỳ thú. Có phượt thủ chia sẻ rằng mình chấp nhận đi con đường dài từ TP. Hồ Chí Minh đến đây, vượt qua những con đường lởm chởm, sình lầy (thậm chí ngập tới nửa bánh xe), chỉ để được ở bên bạn bè một đêm đốt lửa trại gần con thác; được ăn một bữa cá lăng, được ngủ trong sự tĩnh lặng của thiên nhiên; được thức dậy trong bầu không khí trong sạch tuyệt vời... Thác Mai – Bàu nước sôi được ví như một người “mẹ thiên nhiên” của thời nguyên thủy, mang một vẻ đẹp mà khi gặp là gắn bó và thương yêu một cách vô điều kiện, nhờ vào sự hoang sơ vốn có, không cải tạo, tỉa tót làm thay đổi diện mạo vốn có.

Thác Mai - Bàu nước sôi đến nay đã là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trên hành trình từ TP. Hồ Chí Minh đi Đà Lạt, hoặc với các tour đi La Ngà, Cát Tiên, Bình Thuận v.v... Trong 7 ha quy hoạch khu Thác Mai có 3,5 ha diện tích quy hoạch sông, 3,1 ha đất rừng phòng hộ được khai thác du lịch dưới tán rừng. Khu Bàu nước sôi có 2,8 ha quy hoạch mặt nước và giao thông; 4,8 ha còn lại dành cho dịch vụ công cộng, khu nghỉ dưỡng, khu cây xanh rừng tự nhiên, khu nghỉ dưỡng đặc biệt, tắm bùn và điều dưỡng...

T.T.H

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​