Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
DỐC MƠ FARM

Ghi chép của Phạm Văn Đảng

(Nguồn: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021)

 

 

Dốc mơ Farm.jpg


“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tăm hồ sen, hạ tăm ao”

Tưởng như những câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm về triết lý sống nhàn, sống hòa nhập vào thiên nhiên ấy chỉ còn tồn tại trong sách vở. Ở một xã hội số hóa, với nền kinh tế của khoa học và công nghệ ngày nay, ít ai nghĩ rằng, cuộc sống thanh đạm ấy lại trở thành niềm khao khát, sự tìm về của những con người đã và đang bội thực với cuộc sống hiện đại. Xuất phát từ việc muốn vẽ lên giấc mơ đời mình và truyền thông điệp về môi trường đến mọi người, anh Phạm Ngọc Thọ đã cho ra đời “Dốc Mơ Farm”. 

Từ ước mơ khởi nghiệp…

Câu chuyện về chàng kiến trúc sư quê miệt Châu Thành, An Giang đến vùng đất Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai lập nông trại đã được người dân xứ này truyền tai nhau như một sự tự hào về miền đất hứa cho những người trẻ khởi nghiệp mang trong mình hoài bão và ước mơ làm giàu chính đáng. Tiếng lành đồn xa, tôi đến “Dốc Mơ Farm” trong tâm thế một người phố thị ngán ngẩm với bụi đường, khói công nghiệp, với fast food và với cả smartphone.

Không xa phố là mấy, song “Dốc Mơ Farm” khiến người ta như lạc vào một thế giới hoàn toàn xa lạ, thế giới của thiên nhiên và thuần túy tự nhiên. Với 17 ha, nông trại như mở ra một bức tranh sống mà một người có tuổi thơ gắn liền với ruộng rẫy, với mái tranh, cột tre nứa, nóng thì ra múc gáo nước mưa ực vào họng, mưa thì trần truồng tắm gội, nhầy nhụa trong bùn đất mà bắt cá, mà hái rau không khỏi bồi hồi. Khi người ta nhặt lại được một thứ đã đánh rơi lâu lắm, cho dù đơn sơ thôi, giản dị thôi cũng đủ khiến lòng rưng rưng. Bởi thời gian tự bản thân nó đã làm nên giá trị.

Đôi ngày ở “Dốc Mơ Farm”, tôi thấy mình như được gột rửa. Thân thể tôi thơm sạch trong hương dược liệu mùi cỏ cây ngai ngái. Ngày mưa, tôi ngồi trong ngôi nhà tranh ngắm những giọt nước trong lành từ trời rơi xuống mái lá rồi nhỏ vào trong chum. Nước mưa chảy từ mái lá nhà xuống tạo nên hương vị quen thuộc của thứ nước quê trong lành để một đứa trẻ có thể vục đầu uống mà chẳng bao giờ bị đau bụng. Nắng lên, tôi ra vườn cuốc đất, hái rau, xem người “nông dân” gặt lúa, xay, giã, giần, sàng. Đêm đến, nghe dàn đông ca đủ thanh âm trầm bổng của côn trùng, tiếng gà gáy cầm canh, tiếng lợn, vịt kêu đòi ăn sáng…

Đôi ngày ở “Dốc Mơ Farm”, tôi hay trò chuyện với những người “nông dân” trong nông trại. Tôi gọi họ là “nông dân” vì họ làm các công việc của một nhà nông đích thực và còn vì họ đều trong trang phục bà ba nâu, màu của bùn đất, của chân chất, của mộc mạc hồn quê Nam bộ. Phải đến lúc sắp rời đi, tôi mới biết người “nông dân” hay xuống đồng, hay đứng cười nói với tôi chính là anh Thọ - chủ trang trại.

Chàng kiến trúc sư trẻ ngày mới ra trường đi làm công, chuyên thiết kế nhà theo sở thích của gia chủ. Song có những ý tưởng của gia chủ anh thấy bất hợp lý mà vẫn phải thực hiện theo. Bản chất sáng tạo và phong cách cá nhân của một nghệ sĩ khiến anh trăn trở mãi. Anh nghĩ: Tại sao phải đi làm công cho người khác mà không làm ông chủ của chính mình? Câu hỏi đó đã thôi thúc anh thành lập “Dốc Mơ Farm”.

Có lẽ không chỉ riêng tôi mà ít ai đến nông trại có thể ngờ rằng, người đàn ông chưa đầy bốn mươi, nhỏ rắn, tay chai sần và da rám nắng ấy lại là Giám đốc Hợp tác xã “Dốc Mơ Farm”. Trông anh toát ra cái chất nông dân đậm đặc. Một nông dân trí thức của thời kỳ hội nhập, của một nền nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, một nền nông nghiệp kết hợp với công nghiệp chế biến và làm du lịch.

Với phương châm tự cung tự cấp toàn bộ thịt cá, rau củ quả cho khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và mua về, nông trại đã xây dựng mô hình Vườn - Ao -Chuồng khép kín. Ngoài tạo vẻ mỹ quan cho nông trại, những ao sen mọc lên xanh mát quanh năm vừa cho hoa, cho củ vừa là không gian sống của các loài tôm, cá, nguồn nước để tưới tiêu cho vườn tược. Vườn cho rau quả vừa làm thực phẩm cho người vừa tận dụng được phần rau dư thừa, già, xấu để làm thức ăn cho cá, tôm, heo, gà, vịt. Và nguồn phân từ các loài gia súc, gia cầm này quay trở lại làm dưỡng chất nuôi cây trái. Mô hình này đã tạo nên sự đa dạng nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu về thức ăn sạch cho người tiêu dùng và du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Ngoài ứng dụng mô hình khép kín V-A-C, nông trại còn chú trọng đầu tư xưởng sơ chế, chế biến tại trang trại kết hợp với tổ chức các kênh phân phối thực phẩm sạch. Các loại cocktail, siro đóng chai từ trái cây, xúc xích, lạp xưởng… được chế biến, đóng gói, bảo quản theo quy trình và công nghệ hiện đại với thương hiệu “Dốc Mơ Farm” đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khách đến tham quan, nghỉ dưỡng có thể yên tâm mua về làm quà tặng, dự trữ trong gia đình. Chị Hoàng Kiều Linh đứng ngắm sản phẩm trong gian trưng bày của nông trại và chọn mua 5 chai siro xoài, 2 chai dầu gội đầu hương liệu chia sẻ: “Cuộc sống ở nông trại thật khác biệt, ăn uống tự cung, tự cấp, mà toàn được ăn đặc sản đồng quê rất ngon và an toàn. Gội đầu dược liệu như các bà, các mẹ thời xưa. Cảm giác thư thái vô cùng. Khi nào chán Sài Gòn, tôi sẽ lại trốn xuống đây, gần 100 km chỉ mất 02 giờ đi xe là được lạc vào thế giới khác”.

Dù mới thành lập từ năm 2015, song nông trại được đông đảo khách du lịch trong tỉnh và các thành phố lân cận đến tham quan, lưu trú. Điều này không chỉ giúp “Dốc Mơ Farm” ăn nên làm ra mà còn đóng góp rất lớn vào sự phát triển ngành du lịch của địa phương. Không chỉ khát khao làm giàu cho bản thân mà xuất phát từ sự sôi nổi nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng biết ơn đối với quê hương thứ hai của mình, ngoài tạo công ăn, việc làm cho hơn 40 nhân công trong xã, anh Thọ còn luôn ấp ủ khát vọng liên kết, nhân rộng các mô hình nông nghiệp an toàn cho nhiều hộ nông dân trong vùng và sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho nông dân tạo nên chuỗi sản phẩm, đầu ra an toàn và hiệu quả kinh tế cao. Anh Thọ trực tiếp đến từng hộ gia đình, tận tình hướng dẫn cách trồng trọt, chăm sóc để đảm bảo cho ra nông sản sạch, đúng tiêu chuẩn mà doanh nghiệp thu mua yêu cầu. Anh Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thống Nhất chia sẻ: “Hợp tác xã Dốc Mơ Farm hướng vào phát triển nông nghiệp sạch, kết hợp nông nghiệp với du lịch và công nghiệp chế biến tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm. Mô hình này đóng góp rất lớn vào phát triển nông nghiệp của huyện nhà, đồng thời cũng góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo và đặc biệt là giúp xã Gia Tân 3 hoàn thành sớm hơn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.

… Đến thông điệp về môi trường

Làm nông nghiệp theo hướng thuận tự nhiên, không sử dụng hóa chất là một quyết định liều lĩnh, song nếu thành công thì giá trị của nó không kể hết được. Một nền nông nghiệp phát triển theo chiều sâu là nền nông nghiệp phát triển bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường. Ý niệm ấy những năm qua “Dốc Mơ Farm” đã và đang thực hiện và đạt được thành tựu bước đầu.

Người đến tham quan, nghỉ dưỡng tại nông trại sẽ được luyện tập, chăm sóc sức khỏe bằng các hoạt động thân thiện với môi trường như đạp xe ngắm cảnh, bơi lội, yoga, xông hơi dược liệu tự nhiên do tự bản thân từng người lựa chọn. Nông trại thời gian gần đây còn đón rất nhiều các đoàn khách là học sinh các trường Tiểu học, Trung học cơ sở ở các thành phố đến để trải nghiệm thực tế. Tại đây các em sẽ tập làm một người nông dân thực thụ, từ cuốc đất, trồng rau, thu hoạch cà chua… từ đó nuôi dưỡng tình yêu lao động, hòa mình với thiên nhiên, trân trọng và biết ơn những người nông dân đã tạo ra luống khoai, hạt gạo. Các em được tự tay chế biến các món ăn không phun thuốc trừ sâu, phân hóa học. Những bữa ăn thuần tự nhiên, thực phẩm sạch vừa đảm bảo sức khỏe vừa thân thiện với môi trường.

Với chủ chương: “Biến vườn thành rừng”, giữ vững môi trường sinh thái và góp phần  gây dựng rừng phòng hộ, bảo vệ rừng nguyên sinh, Dốc Mơ Farm đang đặt mục tiêu tái lập cân bằng sinh thái đa loài cả động và thực vật . Đó cũng là chủ trương lớn của tỉnh Đồng Nai trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái khi địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Đó cũng là một trong những chính sách nhằm giải quyết những hệ lụy của nền kinh tế có nền công nghiệp phát triển. Hơn lúc nào hết, phương thức làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp thuận theo tự nhiên dựa vào việc xây dựng hệ sinh thái đa dạng đã khiến “khu rừng” của “Dốc Mơ Farm” luôn giữ được sự mát mẻ, xanh tươi vừa đảm bảo cân bằng, bảo vệ môi trường. Theo anh Thọ, triết lý kinh tế của trang trại là kinh doanh không phải chỉ để thu lợi nhuận, không phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu, mà việc giữ vững sự ổn định môi trường sinh thái mới là mục tiêu tiên quyết. Đương nhiên bài toán kinh doanh cũng làm anh giám đốc và cộng sự phải đấu tranh, cân nhắc. Song để phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp chuyên sâu và bền vững đòi hỏi các anh phải hi sinh những lợi ích trước mắt, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Vĩ thanh

Tát ao, bắt cá, trồng lúa, trồng rau, chăm sóc và thu hoạch, chế biến sản phẩm do chính bàn tay mình tạo ra mới thấy hết giá trị của lao động, mới biết trân quý những gì đang thụ hưởng. Đó không chỉ là bài học mà còn là bài ca trong lao động sản xuất để nhắc nhớ thế hệ muôn đời về nguồn cội, để ý thức và cải tạo cuộc sống xung quanh, để cân bằng tâm hồn và công việc sau những bộn bề, chóng vánh của xã hội hiện đại. Về “Dốc Mơ Farm”, mọi người dường như sống chậm lại, cân bằng được cảm xúc với bề bộn nỗi lo toan. Nơi ấy sẽ nuôi dưỡng giấc mơ sau những mệt nhoài của phố thị.

P.V.Đ

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​