Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
PHỐ RỪNG

Truyện ngắn của Dương Đức Khánh

(Nguồn: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021)

 

 

Phố rừng - Hứa Tuấn Anh.jpg
Minh họa: Hứa Tuấn Anh
 

 

Làng Gò Me khởi thủy ven sông cái. Dân làng từ xưa lớp gần sông sống nghề ruộng, lớp lấn lên rừng mần nghề rừng nên làng được chia thành hai ấp, ấp Rừng với ấp Ruộng. Hồi chiến tranh nhờ địa thế rừng ruộng, dân làng Gò Me oánh giặc mưu mẹo, cừ khôi có tiếng. Cho nên hồi mới yên tiếng súng làng được phong cái rụp lên xã anh hùng. Rồi từ sáu bảy năm nay, xã Gò Me được sáp nhập về Thành phố. Phố thì phải phường, tất nhiên rồi. Giờ thì phường Gò Me có hai khu phố, khu phố Rừng và khu phố Ruộng.

Khu phố Rừng nằm dọc mặt tiền quốc lộ. Từ ngày rục rịch có tin sắp lên phường lên phố, mấy quán xá mới mọc lên cấp thời lấy ngay những cái tên gắn với tên phố. Đầu tiên là Quán nhậu Phố Rừng, rồi Cà phê Hương Rừng, Karaoke Tiếng Rừng, Nhà nghỉ bình dân Không Gian Rừng - thoáng mát, yên tĩnh... Rồi Hồ bơi Suối Rừng - trong lành xanh mát... Khu phố Ruộng nằm phía trong sông cũng không chịu thua kém, nào là Cà phê Gió Sông, Quán nhậu đặc sản Phố Ruộng, Nhà hàng Hương Đồng - Đặc biệt: Cá tôm sông, ếch đồng, lươn ruộng... Quán nào quán nấy đua nhau đèn led đỏ xanh chớp nháy tối ngày sáng đêm. Rồi có cái đám ruộng của Sáu Ròng lên bờ trồng sầu riêng mấy năm thất bại, giờ mở quán nhậu kiểu chòi lá bình dân, đặt cái tên rất chịu chơi: Quán “Lên Bờ Xuống Ruộng”, thu hút toàn những tay nhậu “truyền thống” của làng Rừng xưa giờ! Nghe nói Sáu Ròng có ý định mở tiếp cái tiệm mát-xa mát gần chi đó lấy tên Massage Gò Ruộng (Đúng với địa thế, cũng là ghép tên phường với tên phố)...

Lúc đầu bà con dân làng cũng bàn tán ì xèo, có ý kiến đòi đổi tên phường tên phố nghe cho ra vẻ thị thành phố xá, chứ phố phường gì mà gò với lung, rừng với ruộng nghe nó âm u rừng rú, bùn lầy như hồi mới khai hoang lập ấp, chẳng lọt tai chút nào! Hôm họp dân toàn khu phố, có đồng chí Ba Dồ phó chủ tịch văn xã của phường xuống dự, phát biểu rốp rảng: “... Xã mình lên phường là do được xét duyệt xứng đáng đạt tiêu chuẩn. Tên phường tên phố là có quyết định của nhà nước hẳn hòi. Chớ không đơn giản như bà con mình nghĩ đâu!... Riêng bản thân tui nghĩ như dzầy, mấy cái tên này chính là điều hãnh diện của bà con làng mình, xã mình, giờ là phường mình! Là bằng chứng từ một làng quê rừng với ruộng giờ thành phố thành phường, hồi trước có nằm mơ cũng không thấy được!... Cô bác mình thử đi một vòng mà coi...”.

Phó chủ tịch Ba Dồ tiếp tục thao thao: “Bà con thấy đó, từ cái làng rừng núi sơ khai, trái dại măng rừng. Từ thuở đường mòn dép mo... mà chính các cô bác lớn tuổi ngồi đây có người từng sống qua. Còn bây giờ thì sao? Tui lấy ví dụ cụ thể như hôm qua chính tận mắt tui thấy rõ ràng, chú Tư Nếp với chú Ba Láng đang ngồi kia, hai ông già được con cháu oánh xe huê-kỳ láng bóng đưa đi đám giỗ nhà Ba Cốm dưới ấp Ruộng! À quên, khu phố Ruộng! Đúng không chú Tư, chú Ba?! Tui ngồi trong mâm nhìn ra còn thấy hai ông xách hai tụm trái cây bước xuống xe nữa kìa...”. Có tiếng cười rồi tiếng vỗ tay, tiếng xì xào. Chú Tư Nếp giơ tay: “Cho tui có ý kiến vô phép một chút: Đường sá giờ trải bê-tông láng vo rồi, nhưng Khu Ruộng mấy nhà còn nuôi bò, xe hơi chạy cán toàn cứt bò. Tui đề nghị cho gắn thêm “ca ra mê” gì đó, phát hiện bò của ai người đó phải có trách nhiệm đi hốt!...”. Có người nói “gắn ca mê ra ông già ơi!”. Tiếng ai đó vừa nói vừa cười: “Đúng rồi, cũng như nhà Tư Càn hôm trước, vụ bò bê đực cái cũng nhờ quay ca mê ra... Kha kha!...”. Những tiếng cười rộ lên, bởi cả làng ai cũng biết chuyện này...

 Số là khu phố Rừng bây giờ chỉ còn có nhà Tư Càn với chị Tám Bí còn nuôi bò. Cả khu chỉ có cái vườn tràm chừng ba sào đất của Tư Hiệp là còn tí cỏ. Tảng sáng Tư Càn dắt theo thằng Cu Nhí cháu nội học lớp ba lùa bầy bò ra vườn tràm rồi giao cho nó cái điện thoại, cho nó vừa chơi game, chơi phây-búc vừa coi bò, ổng về lo tưới vườn chôm chôm. Trước đó từ sớm, chị Tám cũng lùa hai con bò cái ra thả rồi lật đật đi chợ bán rau. Chị góa chồng không con, ở vậy nuôi mẹ già. Chị trồng vườn rau với vay vốn hộ nghèo nuôi vài con bò mỗi năm may mắn kiếm con bê bán đắp đổi, sống qua ngày. Cu Nhí đang ngồi dựa gốc tràm mê mẩn bấm điện thoại bỗng nó thấy con bò đực của nó nhảy chồm lên lưng con bò cái cô Tám, cả hai con kêu ọ ọ. Thấy ngồ ngộ nó bấm nút quay camera, cười tít mắt. Hồi giờ tối ngày nó chỉ thấy gà trống đạp mái, bò thì bây giờ mới thấy. Gần trưa lùa bò về, trước khi chuẩn bị đi học buổi chiều nó “tung” cái video quay được lúc sáng lên phây “phát trực tiếp”, đề ba chữ “bò đạp mái”. Lập tức thằng Tèo Em vô còm ngay “Bò nhảy đực. Mày ngu như bò!”. Thằng Cu Bi học chung lớp nó còm “Bò mày nhảy bò dì Tám tao, ha ha!”. Nó cười hí hí rồi trả điện thoại cho ông nội, chạy vù đi học. Chiều về quăng cặp vở, nó lại ôm điện thoại cười sằng sặc một mình. Bà nội nó hỏi, coi cái gì mà cười dữ mày? Nó nói bà nội coi nè, lúc sáng bò mình nó... đạp bò cô Tám! Vừa coi bà nội nó giậm chân trợn mắt há họng, đúng là bà Tư Càn, bả có tiếng “càn” từ xưa giờ, bả vỗ đùi đen đét, nhảy đong đỏng lên: “Ông nội mày đâu rồi, ra đây mở mắt mà coi nè!... Đúng là quân ăn lường ăn cướp chưa?! Trời ơi trời! Bò nhà nó động đực, thấy cháu mình con nít không biết gì, nó lùa tới cho nhảy lén nhảy lút khỏi tốn tiền. Bây giờ xuống ấp Ruộng kêu bò đực một lần bốn năm trăm chớ ít ỏi gì! Trời đất ơi! Bò tui nuôi tốn công tốn của cho nó làm giống chùa à? Đúng là quân lường gạt!... Giờ bò nó đậu thai mai mốt có chửa, một con bò nghé bán mười mấy triệu! Thả đực lần tốn có bốn năm trăm bạc, dzậy mà nó đi lừa!... Chứng cứ rành rành đây rồi! Ông phải vô nhà nó mà đòi cho được năm trăm! Làng mình giờ lên thành phố rồi, cái thứ gì cũng tăng giá. Thiếu một cắc là không xong với tui!... Bằng không thì... ông... (chỗ này bả nói một câu rất tục tằn bậy bạ). Cái thứ không chồng đó nó... (lại một câu tục hết chỗ nói)”. Ông Tư Càn giọng thủng thẳng: “Bà từ từ, im bớt cái miệng nói bậy nói bạ giùm tui, làm gì mà om sòm! Chòm xóm với nhau cả!”. Bả kêu thằng Cu Nhí mở điện thoại: “Nè, ông coi đi! Quả tang rành rành chưa?...”. Ông Tư vừa cầm lên coi bỗng điện thoại đổ chuông, bên kia có tiếng đàn bà vừa nói vừa cười, ổng đứng nghe, đúng giọng của cô Tám Bí trong máy: “ ... Hì hì... Trời ơi đất mẹc ơi!... Sáng nay tui đi chợ, có hay biết gì đâu! Hồi nãy thằng cháu tui nó mới mở điện thoại cho tui coi, thằng cháu chú nó đăng lên mạng cái phim... bò của chú... với bò tui!... Thôi thì chuyện con bò con bê, tui có muốn dzậy đâu! Mơi mốt có gì tui tính với chú thím sau nghe chú Tư!...”. Ổng Tư xưa nay tánh tình chất phác hệch hạc, nghe xong đứng buông một câu: “Cái thời buổi cũng mắc cười, hở cái giống gì cũng ca mê ra với anh ta nét!... Rồi ổng nói lại đầu đuôi lời cô Tám cho bả nghe. “Bà thấy người ta biết điều biết chuyện chưa?! Ai như bà!...”. Vậy mà sáng mai vừa ra tới chợ thấy bóng cô Tám từ xa đang ngồi bán rau, bả đứng la the thé. Cả chợ xúm lại rần rần... Rốt cục cô Tám Bí phải vét túi, rồi mượn thêm mấy bà bán cá, đưa bả gần bốn trăm bả mới chịu im. Ai nấy cười ngất. Có người nói: “Cô Tám quá hiền! Nghèo khổ mà quá biết điều. Gặp tui có mà đưa cho bả cái cù loi! Bả có giỏi thì đi thưa đi kiện thử coi ai xử? Chuyện trâu bò súc vật nó động đực động cái ngoài vườn ngoài ruộng, có ai kêu ai xúi... Hì hì, người ta mà kiểu này không chừng mắc tội hãm hiếp, ở tù mọt gông chớ chơi à! Đúng là con mẹ Tư Càn, thiệt hết chỗ nói!...”.

Chưa hết đâu, thiên hạ cả làng còn biết chuyện tương tự như chuyện này, cũng cười ra nước mắt: Chuyện gà tre hàng xóm qua đạp mái bị bả bắt đền!

Con gà trống tre nhà thím Sáu Mót vườn kế bên tối ngày cứ nhảy qua rào rượt bầy gà mái nhà bà Tư Càn, thường xuyên bị bả cầm cây rượt te tát. Bả kêu thằng cháu nội: “Thấy nó nhảy qua mày cứ phang què cẳng cho bà, chết tao chịu! Đồ cái giống bằng nắm tay! Chết toi chết dịch phứt cho tao nhờ!...”. Mấy bữa sau, ngay ngày mùng sáu Tết, bả bưng rổ trứng chừng mười mấy hột, trứng nào trứng nấy chỉ nhỉnh hơn trứng cút qua mắng vốn thím Sáu Mót: “Thím coi gà thím qua đạp mái gà tui đẻ ra toàn trứng chim trứng cò dzầy đây nè! Cái giống này mà cho ấp ra mơi mốt nuôi cả năm cũng bằng nắm tay! Gà tui nuôi bán thịt, thứ chút chít này một con được mấy lạng, đi bán cho ai?...”. Hàng xóm chung rào xưa nay, thím Sáu có lạ gì bà Tư Càn. Lại mới qua tết nhứt, còn đầu năm đầu tháng, thím Sáu đành vuốt ve, giả lả cười: “Con gà tui mất nết quá trời! Gà mái bên tui cả bầy, chắc nó thấy gà chị láng mượt “đẹp gái”, hehehe!... Thôi giờ tui lấy trứng, gởi tiền lại cho chị, bằng giá trứng bình thường chị bán ngoài chợ!... Mười bốn trứng thôi tính chẵn mười lăm, vị chị là bốn lăm ngàn, tui gởi chị luôn năm chục!”. Bả cầm tiền với cái rổ đi về, mặt mày tươi rói!”. Thím Sáu cũng quá chừng biết điều. Giải quyết với láng giềng thỏa đáng, tình nghĩa như bát nước đầy còn gì. Cứ ngỡ là êm xuôi, vậy mà ai ngờ...

 Sáng bữa sau thím Sáu đi chợ, cắp theo rổ trứng tính bán lỗ bán tháo vài chục ngàn mua rau. Bất ngờ thím gặp bà Tư cũng ngồi cách vài thước với mấy con gà giò trước mặt. Một chị mặc váy mang bóp đầm đeo kính đen, chắc dân Sài Gòn mới xuống. Chị ta cúi xuống rổ trứng thím Sáu hỏi: “Trứng này trứng gà ác hay gà so vậy cô?”. “Dạ không phải, đây là trứng gà tre lai!”. “Chà, gà tre lai còn ngon còn quý hơn gà ác, thành phố kiếm không ra đâu! Nhiêu một chục cô?”. “Dạ cô cho hăm lăm ngàn hết thảy, gà nhà nuôi...”. “Gì rẻ dữ dzậy?! Thôi, mười bốn quả, con gởi cô trăm. Lần sau có cô cứ để dành cho con, thứ này ăn tốt, bổ hơn gà thường!”. Thấy thím Sáu cầm hai tờ năm chục ngàn, bà Tư lườm qua một cái muốn đứt con mắt. Mặt mày bả “xù lông nhím” như sắp mọc nanh, tức trào máu sôi gan nhưng chưa biết mở miệng cách nào! Thím Sáu thấy tình hình coi bộ không yên, nghĩ ra ngay “động thái hòa giải”. Thím bước qua dãy bán cá mua một con diêu hồng gần ký lô xách tới, giọng xởi lởi cười: “Nay tui hên, đầu năm bán được mớ trứng như trúng số! He he!... cũng nhờ gà chị đẻ giúp!... Tui gởi chị con cá về nấu tô canh ngót cho mát ruột! Hôm rày tết nhứt thịt thà ớn tới cổ!... À, ngày mai mùng tám, làng mình, à quên khu phố mình cúng lễ Khai sơn. Năm nay không biết cúng lễ ở đâu, chừng nào chị đi nhớ hú tui một tiếng nha!...”.

***

Lễ cúng Khai sơn (mở cửa rừng) vào mùng tám tháng Giêng của làng Rừng có từ thời mới khai hoang lập ấp, tục lệ vẫn giữ tới giờ. Ngày trước còn rừng còn rú, từ hai lăm tết là lễ cúng Khép ấn (đóng cửa rừng). Kể từ ngày này không ai được vào rừng săn bắn, đốn hạ cây... Sau lễ mở cửa rừng mọi người mới được vào rừng. Ăn tết xong dân làng Rừng lại sắm sửa lễ vật chuẩn bị cúng lễ Khai sơn. Dân vùng này xưa nay vẫn coi rừng như bà mẹ thiên nhiên, che chở, cưu mang bao thế hệ dân làng qua những thăng trầm, chiến tranh loạn lạc để tồn tại... Từ chiều mùng bảy, những trai tráng trong làng đã vô rừng phát dọn cỏ dại mở lối đi. Nơi hành lễ thường là một khoảng trống giữa rừng do các bậc cao niên của làng chấm chọn. Bàn thờ được được lập ba án, phía trên thờ tam vị thần hoàng là 3 vị thần cai quản núi, sông, suối. Lễ vật gồm bánh trái xôi chè. Phía dưới thờ 10 thiên can và bậc thấp nhất thờ thập nhị địa chi (12 con giáp), lễ cúng ở bàn này kiêng cữ thịt trâu, chó vì là đó những con vật gần gũi với các cư dân miền rừng núi. Phía ngoài là hai bàn thờ nhỏ một thờ Tiền minh sư, vị thần hoàng có công khai phá núi rừng, cuối cùng là bàn thờ Bạch hổ Sơn quân - vị chúa tể sơn lâm. Lễ cúng là một tảng thịt heo sống và một chén huyết tươi, đặc biệt tại bàn này không được thắp đèn chỉ thắp một cây hương (vì cọp sợ ánh sáng). Sau khi lễ vật đã được bày biện xong xuôi, vị chủ lễ đến bàn thờ Tiền minh sư khấn xin được mời các chư tôn thần rừng núi, suối sông, mười hai con vật thần đại diện cho mười con giáp về chứng giám, phù hộ, độ trì cho dân làng lên rừng xuống suối bình an... Sau đó các mâm cỗ được dọn xuống những manh chiếu, tấm lá trải xuống dưới tán cây rừng. Cả làng hồ hởi no say một bữa đầu năm...

Đó là chuyện “cổ tích” của mấy chục năm về trước hoặc lâu hơn. Những năm gần đây tục lệ cúng Khai sơn của làng Rừng vẫn diễn ra hàng năm nhưng mỗi năm một khác. Mấy năm đầu làng tổ chức cúng trong mấy khu đất trồng tràm cao sản, rồi đất tràm cũng dần biến thành khu công ty, nhà máy. Vậy là những dân làng cố cựu liền nảy ra sáng kiến...

 Số là vào những ngày đầu năm thường có những buổi họp mặt Hội đồng hương đồng khói của số bà con quê miền Trung miền Bắc vô xứ này lập nghiệp vài ba chục năm nay, được tổ chức tại các nhà hàng, quán ăn có mặt bằng rộng rãi ở khu phố Rừng. Những buổi lễ được căng băng rôn hoành tráng, có bàn thờ lư đồng sáng loáng, có mấy cụ áo the khăn xếp cúc cung bái vọng trước khói hương nghi ngút...

Vậy là lễ cúng Khai sơn năm nay được quyết định tổ chức tại quán nhậu Phố Rừng! Quán có mặt bằng đủ cả trăm bàn tiệc. Chủ quán Hai Thỉ, chánh gốc dân ấp Rừng cố cựu ba đời, thường xuyên ở trần bụng phệ, ăn to nói lớn rổn rảng đúng dân đi mần rừng. Hôm họp tổ dân phố, Hai Thỉ đứng ra tuyên bố “đăng cai” lần đầu tiên: “Tui cúng một con bê thui đúng sáu chục ký!... Bà con của ít lòng nhiều, ai có chi cúng cứ đem tới trước, quán tui có trách nhiệm nấu nướng!...”. Lệ cúng miếng thịt sống xưa giờ nhiều lắm là vài ba ký lô, vậy mà hôm đó Tám Sên chủ trại heo cả ngàn con tuyên bố: “Tui cúng làng hai cặp heo sống, tức là bốn con, mỗi con sáu chục ký móc hàm!”. Chủ quán cà phê Hương Rừng: “Tui chục thùng co-ca!”. Chủ karaoke Tiếng Rừng: “Tui lo âm thanh ánh sáng, phục vụ miễn phí hai dàn karaoke với chục thùng bia!”. Chủ Nhà nghỉ Không Gian Rừng: “Tui mở cửa miễn phí chục phòng nghỉ máy lạnh! Bà con chú bác nhậu say nhà xa chạy xe về rất nguy hiểm, cứ vô nghỉ thoải mái tới chiều!...”. Từng tràng vỗ tay lốp bốp...

Từ chiều mùng bảy, lớp chị em cô thím hú ới nhau, nhà có thứ chi đem tới thứ nấy. Bà Tư Càn với thím Sáu Mót người xách cặp gà. Chị Tám Bí đạp xe chở cả cần xé rau... Rồi có người xách vài búp măng, vài trái bầu trái bí. Cảm động nhứt là bà Hai Trầu tuổi ngoài tám mươi, người trước giờ lụm cụm đi hái rau dại rau rừng ngồi bán từng nắm ngoài chợ. Hôm qua bà hái được cả nửa rổ trái khổ qua rừng trong đám đất trống của ai đó, bà mừng như vớ được vàng, giọng run run nói với con cháu: “Của rừng sót lại cho bà! Mơi bà đem cúng các Ngài!...”.

Hai Thỉ chủ quán nhậu Phố Rừng trước giờ ăn nói rốp rảng, vậy mà giữa buổi tiệc lên bục cầm mi cờ rô giọng rưng rưng xúc động: “... Đất có thổ công... Nghĩ cho cùng... cả xứ cả vùng này, có tấc đất nào không phải đất của rừng!... Của cha ông mình cực khổ trần thân, ăn đói mặc rách, đổ máu với mồ hôi khai rừng phá rú... Tui nghĩ... cái tên Phố Rừng là hoàn toàn ý nghĩa, hoàn toàn đúng!... Bà con mình phải giữ lệ cúng Khai sơn của Khu phố Rừng này tới muôn đời!...”.

***

Lớp người già được dịp gặp lại nhau, cứ khề khà ôn chuyện cũ không dứt. Từ lúc mấy cụ ngồi trên những chiếc xế hộp đời mới cho cháu con đưa tới đây; xe chạy chầm chậm mấy vòng quanh khu phố cho các cụ tham quan ngắm cảnh. Phố xá lâu đài biệt thự mới mọc lên làm mấy cụ ngỡ ngàng, hoa cả mắt. Qua mấy con đường phố sạch như lau mà trong ký ức thời trai trẻ của các cụ là những vạt rừng, nơi mấy cụ từng đi săn chồn, bẫy thỏ, đốn cây đốn củi... Cụ Tư Nếp bồi hồi nhớ lại: “... Cái năm tui mười ba mười bốn tuổi, ông già tui cho đi chợ Biên Hòa một lần bằng xe bò, chở chôm chôm sầu riêng đi bán... Hai ba giờ sáng lọc cọc oánh xe đi, tới tối mịt mới về! Ngồi trên xe bò mà thấy xe ngựa chở mấy ông bà chủ đồn điền phóng qua, dòm sướng con mắt!...”. Cụ Ba Láng cười khà khà nói ông kể chi chuyện xe bò xe ngựa cho xa, ông nhớ vụ xe than hồi mấy năm mới tiếp thu chưa?! Cụ Tư vỗ trán vỗ đùi: “Ui dào, vụ đó tui nhớ đời, mà anh kể trước đi!...”. “Bây giờ ngồi lên xe chưa kịp bật máy lạnh là mấy ông bà nhăn nhó kêu trời! Cứ nhớ lại cái cảnh xe than! Trời đất ông nội cha ơi, đi xe đò mà như ngồi lò lửa! Nó treo cái thùng than bự gần bằng hai cái thùng phuy đằng sau xe, toàn mấy chiếc xe cũ rích cũ mèm; rồi nó dộng củi khúc vô nó đốt lấy hơi cho xe chạy; mà chạy như rùa bò! Chạy một hồi, thằng lơ phải cầm cây sắt xoi cho thông cái lò than, chạy tiếp!... Nhớ cái bận tui đi đám giỗ trên cầu Ông Lãnh về, ra bến xe Văn Thánh sắp hàng mua vé hết cả buổi! Trước phòng bán vé thấy nó ghi: Bà Rịa than, Vũng Tàu dầu, Vũng Tàu than, Long Khánh than... Ai muốn mau muốn sang thì đi xe chạy bằng dầu bình thường. Tui ít tiền tui lên xe than. Tối thui tối mịt mới về tới nhà, áo quần đầu cổ thì như mới vô rừng đốt than! Trời đất!...”. Cụ Tư thủng thẳn xen vô: “Tui thì đi xe đạp mà gặp nạn xe than, xui tới số!... Tui đạp xe chở hai bao cỏ bò đầy ngất, đang gồng gân đạp lên dốc thì một chiếc xe than chạy qua mặt. Rồi tự nhiên tui nghe mùi cao su cháy khét lẹt! Nhảy xuống thấy cục than còn lên khói, dính ngay cái lốp sau! Kêu trời không thấu!... Tui nhớ tới chết cũng chưa quên!...

Mà ba cái chuyện này đâu có xa xôi gì! Mới hơn bốn chục năm nay chứ mấy! Khà khà!...”.

D.Đ.K

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​