Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
MÙA BẮT DẾ CƠM

Truyện ngắn của Nguyễn Thái Hải

(Nguồn: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021)

 

 

 

Mùa bắt dế cơm - Hứa Tuấn Anh.jpg 
Minh họa: Hứa Tuấn Anh
 

Thằng Nhóng vô cùng háo hức. Nó thức dậy rất sớm, trong nhà chỉ có bóng đèn ngủ tỏa sáng lờ mờ, ngoài trời thì còn tối thui. Lời hứa của cậu Hưng phải đợi đến hôm nay mới thực hiện được. Chủ nhật tuần trước thì trời đổ mưa từ lúc mờ sáng nên cậu Hưng quyết định không đi. May quá, chủ nhật này trời đẹp. Sáng sớm, không khí chỉ lành lạnh chút đỉnh.

Nhóng ngồi ngoài phòng khách tay không ngớt phe phẩy quạt đuổi muỗi, đợi tới năm giờ sáng mới thấy cậu Hưng xuất hiện. Cậu mặc áo thun, khoác ngoài chiếc áo khoác màu đen quen thuộc, mặc quần ống lửng, không biết lát nữa đi có thay quần ống dài hay không?

- Thức sớm chi vậy Nhóng? Ăn sáng cho chắc bụng rồi mới đi. Sáu giờ rưỡi đi, gần bảy giờ tới nơi là vừa.

- Xa dữ vậy hả cậu?

- Chớ gì nữa. Đi xa một chút nhưng rừng cao su nơi đó cây còn non, đất mới có nhiều ổ dế.

- Bộ đất rừng cao su già ít hang dế hả cậu? Tại sao vậy?

- Rừng già thì tán cây che hết nắng mà bọn dế cơm lại thích ở nơi có nắng. Hiểu chưa?

- Dạ… hiểu! Vậy còn tuần trước trời mưa, tại sao mình không đi bắt dế?

- Những cái hang có dế bao giờ miệng hang cũng có một lớp đất mỏng che lại để con dế trong đó tự bảo vệ mình. Mưa xuống, cái lớp đất ấy bị trôi đi, tìm hang có dế bên trong khó lắm. Đứa lơ mơ mới đi lần đầu như con chỉ có nước đoán mò và… trật lất. Hiểu chưa?

- Dạ… hiểu!

- Vậy bây giờ cậu cháu mình phải làm gì trong thời gian chờ đợi khởi hành?

- Dạ… nấu mì gói ăn!

- Khá! Thằng này thông minh. Vậy sao không làm đi…

- Con nấu mì hả cậu?

- Chớ còn ai nữa. Thử hỏi bữa nay ai học ai bắt dế? Đệ tử phải hầu sư phụ mới phải phép, hiểu chưa?

- Dạ… hiểu!

***

Từ lâu rồi thằng Nhóng ao ước được đi bắt dế cơm một lần cho biết. Hai ba năm trước, cứ tới cuối mùa mưa là thỉnh thoảng cậu Hưng lại đi bắt dế về chế biến thành món nhậu lai rai với anh rể, ba Nhóng. Những lần ấy Nhóng cũng được “ăn ké”. Trời đất! Mấy con dế cơm chiên bột, ăn kèm rau thơm ngon tuyệt. Dĩ nhiên do còn nhỏ, Nhóng chỉ ngồi ăn và nhìn hai người lớn “nhậu mồi” với từng chung rượu đế, thỉnh thoảng lại nhắc nó nhớ chỉ ăn thưởng thức chớ không được “phá mồi”. Mấy mùa mưa gần đây, việc bắt dế cơm được “nâng cấp” thành một việc “kiếm thêm thu nhập” nên mọi người rủ nhau “hành quân” mỗi lần mỗi người bắt hàng trăm con dế đem bán cho nhà hàng. Có người còn tự chế biến thành món rồi mới giao cho hàng quán để kiếm thêm tiền công mỗi con cũng cả ngàn đồng. Cậu Hưng cũng tham gia làm kinh tế từ việc bắt dế cơm. Cậu nói vui: “Để dành tiền… cưới vợ!”.

Nhóng đã có dịp nếm đủ các món chế biến từ dế của cậu Hưng và nó chấm món dế rang nhồi đậu phộng. Món này nhai giòn rụm, vừa thưởng thức được hương vị đặc biệt của thịt dế ướp nước mắm đường, vừa có thêm vị bùi bùi của đậu phộng. Nó cũng đã có dịp tự tay chế biến món mình thích. Vì vậy nó ra điều kiện nó bắt được bao nhiêu con dế cơm, sẽ bỏ vào túi riêng và có quyền làm món mình thích! Cậu Hưng nói đồng ý, còn lấy tay móc ngoéo với cháu.

***

Sáu giờ rưỡi, trời hừng sáng, cậu Hưng chở thằng Nhóng trên chiếc xe máy cũ từ nhà qua con đường đất ra quốc lộ rồi chạy thẳng một mạch. Mấy cái túi ni lông sẽ đựng dế cậu giao cho Nhóng giữ, nó để trước bụng, giữ chặt. Cái hộp nhựa lớn có đám kiến bò nhọt, cậu cột treo nơi tay lái.

- Đem theo kiến bò nhọt làm gì vậy cậu?

- Đừng có tò mò. Tới khi bắt dế sẽ biết.

 Xe chạy một đoạn đường khá xa thì cậu Hưng giảm ga dừng lại. Nhóng nhìn thấy hai bên đường là rừng cao su, cây “xếp hàng” ngay ngắn.

- Tới rồi hả cậu?

- Con có thấy đây là khu rừng cây lớn tuổi không? Dưới mặt đất có chút nắng nào không? Đất này ít dế cơm làm hang ở lắm.

- Vậy mình dừng lại làm chi?

- Con xuống xe, vô đám cỏ kia hái chừng chục cọng cỏ lá tre cho cậu. Biết cỏ lá tre không? Cỏ mà người ta ưa sắc uống để lợi tiểu, chống sưng đó!

- Dạ con biết. Tụi con gọi là cỏ bông gạo.

- Đúng rồi! Bông của nó như đính những hạt gạo. Mùa này là mùa cỏ lá tre ra bông, rất dễ nhận ra.

- Mình hái cỏ lá tre để làm gì?

- Thì khi nào bắt dế sẽ biết.

Cậu Hưng trả lời y chang câu trả lời về kiến bò nhọt.

Thằng Nhóng hoàn thành nhiệm vụ được giao “dễ ợt”, trong “vài nốt nhạc”. Hai cậu cháu lại tiếp tục lên đường. Không hiểu sao, trên đường đi cậu Hưng đổi ý, tự cậu nói chuyện kiến bò nhọt cho Nhóng hiểu.

- Kiến bò nhọt cắn rất đau. Con có bị nó cắn lần nào chưa? Mình sẽ thả nó vô hang dế để dế nó sợ, nó phải chạy ra khỏi hang và mình chỉ có việc tóm cổ, bỏ vô bao ni lông.

- Hay quá! Nhưng làm sao mình thả kiến vào hang dế được?

- Thì đó, mình lấy cỏ lá tre nhúng vô hộp đựng kiến cho nó bu vô. Rồi mình thọc cọng cỏ có kiến bu vào hang dế!

- Hay quá! - Nhóng reo lên.

- Nghe thì dễ đó! Lát nữa làm sẽ biết có dễ hay không!

Một khu rừng cao su non hiện ra, nền đất đầy đốm nắng. Cậu Hưng rẽ xe vào một đường lô rồi bảo Nhóng xuống xe để cậu dựng bên một gốc cao su. Nhóng nhìn quanh. Nó thấy vài người lạ đã có mặt trong khu rừng, bên những gốc cao su. Cậu Hưng và họ chào nhau rồi trao đổi về việc chia khu vực. Thì ra họ đã từng cùng nhau đi bắt dế cơm ở đây nhiều lần.

Nhóng theo chân cậu Hưng. Sợ cháu bị kiến cắn, cậu Hưng giành cầm hộp kiến và những cọng cỏ. Nhóng vẫn giữ mấy cái túi ni lông. Hai cậu cháu đi bộ đến khu vực bắt dế của mình. Hơi xa vì họ đến sau những người kia.

- Trước tiên cậu hướng dẫn cho con cách tìm lỗ hang dế, cách đưa kiến bò nhọt vô hang rồi tới cách bắt đế chui ra. Con làm thử vài lần cho quen rồi sau đó thì… mạnh ai nấy làm nghe chưa.

Cậu Hưng ngồi xuống ở một chỗ nọ. Nhóng ngồi xuống theo, nhìn theo tay cậu chỉ:

- Đó là một cái hang nhưng miệng lỗ thì trống. Có nghĩa là con dế không còn ở trong hang do nó đã bị bắt hay đi ra ngoài… dạo chơi… Còn đây thì là cái hang có dế. Con nhìn đi, bên miệng hang có một lớp đất đùn lên còn miệng hang thì có một lớp đất che phủ.

Cậu Hưng lấy một cọng cỏ, mở nắp hộp đựng kiến nhúng cọng cỏ vào rồi rút ra:

- Con coi đi. Mình chỉ lấy ra chừng chừng chục con kiến thôi. Nhiều kiến quá, nó cắn chết con dế mất. Còn ít quá thì con dế không sợ nên cứ ở trong hang…

Lấy tay phá miệng hang, cậu Hưng thọc cọng cỏ lá tre có kiến vào rồi lấy đất lấp sơ lại miệng hang.

- Làm thế này để bọn kiến không bò trở ra mà đi sâu vào hang.

Thì ra đúng như cậu Hưng đã nói, việc gì cũng phải thực tế mới thấu hiểu được những khó khăn của nó. Và bất ngờ nữa. Chỉ một chút xíu, có lẽ chưa đầy một phút, từ trong hang một con dế cơm đã chui ra và một bàn tay của cậu Hưng đã tóm gọn nó, bỏ vào một túi ni lông.

- Tù binh đầu tiên của cậu cháu mình đây rồi!

- Bây giờ tới lượt con hả cậu? - Thằng Nhóng háo hức.

- Đúng vậy! Làm đi!

Nhóng căng mắt ra nhìn xuống nền đất gần đó. Nó đã bỏ qua một nơi nghi là miệng hang dế vì không có đất đùn lên thì cậu Hưng bảo:

- Miệng hang có lớp đất phủ kín là có thể có dế trong đó rồi…

Nhóng lấy cọng cỏ lá tre đã dùng, nhúng vào hộp kiến rồi thọc sâu vào miệng hang trống, lại phủ đất kín và… chờ. Một phút, hai phút trôi qua. Nghĩa là lâu hơn lần cậu Hưng làm. Nó sốt ruột:

- Chắc không có dế trong hang rồi cậu ơi.

- Đừng có sốt ruột. Cứ đợi chừng bốn năm phút rồi hãy bỏ. Còn bây giờ thì cứ sẵn sàng thộp cổ tù binh nghe chưa…

 Cậu Hưng vừa dứt lời thì quả nhiên con dế trong hang chui ra. Con dế cơm này lớn hơn con trước nên có lẽ nó đã chống cự đươc lâu hơn với bọn kiến bò nhọt. Nhóng nhanh nhẹn thộp cổ con dế rồi bỏ vào bao ni lông của mình.

- Hoan hô thắng lợi đầu tay. Bây giờ cậu cháu mình chia ra, mạnh ai nấy làm việc của mình nghe chưa. Nếu có thắc mắc gì thì cứ hỏi, cậu hướng dẫn cho… Mà nè cậu dặn, tìm hang dế nhưng cũng phải ngó chừng chung quanh mặt đất, coi chừng rắn rết, bò cạp, muỗi mòng… Hiểu chưa?

- Dạ… hiểu!

***

Buổi bắt dế của cậu cháu Nhóng kết thúc lúc mặt trời lên khá cao. Hai cậu cháu chào mấy “đồng nghiệp” về trước. Cậu Hưng sang tay bọc ni lông có hơn trăm con dế cơm của mình cho một “vựa” thu mua dế cơm ở dọc đường. Bọc dế của Nhóng ít hơn, chỉ có hơn ba chục con, nó nói:

- Con không bán. Đám này để chế biến món nhậu cho cậu với ba con...

- Con nữa chứ!

- Dạ…

- Mà nghe cậu hỏi đây: con thấy thế nào về buổi đầu tiên đi bắt dế cơm này?

- Dạ… Thích lắm! Tuần sau đi học, con sẽ khoe bạn bè việc này. Con muốn chủ nhật sau lại được đi theo cậu nữa…

- Được thôi. Cứ học giỏi là muốn gì cũng được. Cậu đã nói vậy với ba con và ba con nhất trí! Mục tiêu số một của con là học giỏi, con hiểu chưa?

- Dạ… hiểu!

Lần nào kết thúc câu chuyện giữa hai cậu cháu đều như vậy.

N.T.H

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​