Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NGHỆ THUẬT MÚA LÂN SƯ RỒNG

 

Nguyên Thơ

(Nguồn: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021)

-

 

 

4-múa rồng.JPG 
Múa rồng - Ảnh: Tác giả
 

Mỗi năm vào dịp đầu năm mới hay các dịp lễ Tết truyền thống, khai trương, lễ hội… người Việt và người Hoa luôn có tục lệ múa lân sư rồng tạo không khí nhộn nhịp và sôi động… Múa lân sư rồng luôn thu hút đông đảo khán giả hưởng ứng, đón xem; mọi người luôn mong được những điều may mắn thuận lợi.

Tục múa lân là một nét văn hóa đặc trưng truyền thống của người Trung Hoa, được lưu truyền từ đời này sang đời khác và đã được truyền bá ở nhiều nước trên thế giới. Theo truyền thuyết dân gian, vào thuở khai thiên lập địa có một con thú ăn thịt người năm nào cũng đến rằm tháng Tám là xuất hiện, tác oai tác quái, làm cho dân làng hoảng sợ. Bỗng, ngày nọ có một nhà sư đến giúp dân trừ ác thú. Nhà sư cho một đệ tử bụng to, mặc bộ đồ đỏ rực, tay cầm chiếc quạt thần phất liên tục để xua ác thú và một số đệ tử khác thì gióng trống khua chiêng dồn dập, làm con ác thú khiếp sợ bỏ chạy.

Từ truyền thuyết dân gian, người Trung Hoa cải biên nhiều lần, cuối cùng đã biến con ác thú trở thành con lân, đệ tử bụng to trở thành ông Địa và số đệ tử gióng trống khua chiêng trở thành những người đánh trống, đánh chập chõa trong đội múa lân. Ngày rằm tháng Tám hãi hùng trong truyền thuyết trở thành ngày tết Trung thu của trẻ em. Tết Trung thu kéo dài nhiều ngày vào thời điểm giữa tháng Tám âm lịch hàng năm và múa lân là hoạt động chính trong dịp Tết này.

Cũng có truyền thuyết cho rằng con lân chính là quái vật từ dưới biển lên bờ làm hại con người đã được Đức Phật Di Lặc chế ngự. Phật Di Lặc đã lấy cỏ linh chi trên núi hàng phục biến quái thú thành con vật hiền lành. Từ đó, mỗi năm ông Địa (hiện thân của Di Lặc) lại dẫn con lân (con vật được hàng phục) xuống núi chúc Tết mọi người, xua đuổi điều xấu, đem lại điều tốt đẹp.

Từ Trung Hoa, phong tục múa lân phát triển sang nhiều nước khác. Kiểu múa cổ nhất là múa kỳ lân. Đầu kỳ lân có ba dạng chính: miêu hình, hổ hình và hổ báo hình. Độ to nhỏ của đầu lân và mình lân tùy theo kích thước của người múa lân. Còn quy mô thiết kế, chất liệu, thẩm mỹ thì phụ thuộc vào khả năng tài chính của những người tổ chức. Ngày nay, các đầu lân sư rồng được làm bằng giấy bồi trên khung tre luôn được cải tiến khá nhẹ nhàng hơn trước, tạo thuận lợi cho người múa.

Múa lân gồm có hai người: một người múa chính đội chiếc đầu lân bằng giấy bồi điều khiển điệu múa theo nhịp trống; người thứ hai cầm đuôi dài bằng vải màu hoặc ôm lấy người thứ nhất nhảy theo nhịp múa của người múa chính. Hỗ trợ cho lân múa, còn có dàn nhạc cụ thanh la, chập chõa phụ họa; đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân… Trong quá trình biểu diễn múa lân, tiếng trống giữ vai trò chủ đạo. Khi lân múa: nhịp trống nhanh, lân quỳ: nhịp trống chậm lại, lân ngủ: nhịp trống thưa và nhẹ, lân thức dậy: nhịp trống rộn ràng, lân vượt chướng ngại hay ngoạm cờ, ngoạm tiền vào miệng: tiếng trống nhanh, mạnh, liên hồi... Tất cả các điệu bộ đều là sự phối hợp nhịp nhàng của hai người múa con lân.

Trong múa lân, ông Địa có vai trò hết sức quan trọng và dễ gây ấn tượng với những động tác như địa chào, địa làm hề, địa dắt lân... Có những ông Địa nói lời chào hay, khiến gia chủ rất vui. Chẳng hạn: “Nay lân vào đuổi tà ma/ Cho cửa nhà lộc đỏ, cho trái hoa chín vàng/ Chúc cho gia chủ bình an/ Học hành đỗ đạt, mùa màng bội thu”[1]Múa lân luôn thu hút đông đảo người xem. Đoàn lân đi trước, trẻ con người lớn lũ lượt kéo nhau đi theo sau trong không khí vui nhộn, náo nức, phấn khích.

Xưa kia, lân chỉ múa trên mặt đất, ngày nay lân còn múa trên các giàn cột sắt cao với nhiều động tác cực kỳ ngoạn mục, kết hợp biểu diễn võ công. Tiết mục biểu diễn của lân trên giàn cột cao thường gọi là “Mai hoa thung” (một công phu tập luyện nổi tiếng của võ thuật Trung Hoa)[2]. Lân nhảy Mai hoa thung là tiết mục đặc sắc nhất và được nhiều người đón xem nhất trong một buổi biểu diễn của đội lân. Tiết mục này mang đến sự kích thích mạnh mẽ và hồi hộp cho người xem thông qua các bước nhảy đầy nguy hiểm. Những con lân bay nhảy trên giàn với 24 cọc sắt, cao từ 1 m đến 3 m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, không chỉ làm người xem hào hứng mà còn tạo nên những pha thót tim. Múa lân lên Mai hoa thung hấp dẫn người xem ở kỹ thuật điêu luyện và chuẩn xác, là đỉnh cao của nghệ thuật múa lân sư rồng nói chung và múa lân  nói riêng. Tiết mục múa trên Mai Hoa thung đòi hỏi một quá trình tập luyện gian khổ và nghiêm túc kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm mới biểu diễn thuần thục được. Ngoài ra, còn yêu cầu sự phối hợp ăn ý giữa hai người biểu diễn, sự chuẩn xác trong các bước nhảy, kỹ thuật sử dụng đầu múa lân cũng như thể lực dồi dào để có thể biểu diễn thành công.

Vào dịp tết Nguyên đán, múa Lân chúc mừng năm mới với các bài múa mang ý nghĩa cầu chúc an khang thịnh vượng như: Kim ngân sư chúc thọ, Lân hái cỏ linh chi, Lân ngậm cá chép vàng... Đặc biệt, sau Tết những cửa hiệu kinh doanh thường mời các đoàn lân sư rồng múa khai trương mở hàng mong khai trương hồng phát, buôn may bán đắt, phát tài phát lộc…

Từ múa lân, nhiều nơi còn tạo dựng thành múa sư tử, múa rồng, múa hẩu. Múa sư tử được biểu diễn tương tự như múa lân. Điểm khác biệt của đầu sư tử là không có sừng, đầu mình nhiều lông dài và mượt (khác lông trên mình lân xoăn gợn sóng), tạo hình mặt sư tử nhìn hung dữ hơn lân. Trong điệu múa sư tử luôn có hai con nhảy múa giữa quả cầu lớn, đi trên quả cầu hoặc vờn quả cầu. Nghệ thuật múa lân sư rồng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc sống. Con lân đem lại sự thái bình, cầu an; sư tử và rồng là những con vật có sức mạnh là những vật linh trong đời sống tinh thần của người Hoa và người Việt.

Múa rồng xuất hiện muộn hơn múa lân. Trước khi có điệu múa rồng còn có điệu múa loan hoàng và phượng hoàng nhưng ít phổ biến bằng (loan là mái, phượng là trống). Lúc đầu múa rồng chỉ xuất hiện trong tết Nguyên tiêu và các dịp lễ hội sau vụ thu hoạch mùa thu. Múa rồng xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng những năm 1944 -1945 ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Múa rồng có rất nhiều điệu khác nhau, có đến hơn 30 điệu. Rồng được chia thành ba loại: Rồng tơ được chế tạo bằng vải gắn chặt vào sào tre để múa; Rồng tròn được làm bằng giấy cứng, có bụng tròn và dài và rồng cứng chỉ dùng để rước, khiêng không để biểu diễn. Múa lân hoặc sư tử chỉ cần hai người, nhưng múa rồng thì phải có nhiều người tập rất công phu để thể hiện được các động tác đồng bộ khi rồng uốn khúc, rồng phóng tới, rồng đảo lại. Múa rồng cần ít nhất 6 người, 9 người hoặc đông hơn khoảng từ 20 người đến 30 người cùng điều khiển con rồng uốn lượn rất công phu điêu luyện (tùy theo độ lớn và chiều dài của con rồng được thiết kế).

Những năm gần đây, trong các lễ hội lớn như chùa Ông Cù lao Phố, chùa Bà Bình Dương, lễ hội Nguyên tiêu ở Thành phố Hồ Chí Minh còn có nghệ thuật múa hẩu. Hẩu được xem là linh vật của người Hoa Phước Kiến (đọc trại ra từ tiếng “Hảo” hoặc cách đọc trại âm “Hổ”). Hẩu có cốt tinh con hổ, luôn đi đầu để mở đường. Hẩu ở đây gồm ba phần: đầu hẩu, mình hẩu và đuôi hẩu. Đầu là chiếc mặt nạ dữ dằn đường kính khoảng 0,6 m. Mình hẩu là một khúc vải màu vàng một đầu nối vào đầu hẩu và đầu kia do một vũ công kéo ra phía sau dài khoảng 4 m, rộng 2,4 m nối vào đuôi hẩu. Hàng năm vào dịp Rằm tháng Giêng và tháng 2 âm lịch, lễ hội tại các chùa người Hoa tiếng trống múa hẩu và múa lân, rồng bắt đầu vang lên mọi người hớn hở theo sau hòa vào không khí của lễ hội. Nghệ thuật múa lân sư rồng phát triển mạnh mẽ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, múa hẩu lại phát triển mạnh ở Bình Dương sau đó lan ra Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong đó có Đồng Nai.

Vùng Hội An mỗi dịp tết Trung thu còn có múa thiên cẩu - chó nhà trời, một linh vật mang tính huyền thoại. Đầu thiên cẩu lớn có một chiếc sừng nhọn, cong về phía trước trán, hai tai lớn vểnh giống tai lợn, hai mắt to tròn, đuôi bằng vải sọc ngũ sắc sặc sỡ, hai bên có tua kiểu vi rồng, đằng sau buộc một túm lá cây làm đuôi. Mặt thiên cẩu chỉ có hàm trên đầy răng, hàm dưới là một miếng bìa gắn thêm vào để tạo râu, thoạt trông giống mặt các Kala của người Chăm. Người múa thiên cẩu phải có chút võ nghệ, kỹ thuật cầu kỳ hơn so với múa lân sư rồng. Một bài múa thiên cẩu gồm nhiều động tác đi, đứng, nhảy, ngủ, thức giấc, đớp trẻ trừ phong, liếm cổng trừ tà, vái lạy cầu phúc… Cùng múa với thiên cẩu có ông Địa bụng to, tay cầm quạt, lưng dắt cờ lệnh.

Vào dịp lễ hội, những mạnh thường quân đến cúng viếng đình, chùa, miếu bằng việc thuê những đội lân sư rồng về biểu diễn phục vụ ở giữa sân cơ sở tín ngưỡng thể hiện lòng sùng tín đối với thần linh. Trước khi khởi kiệu, các đoàn múa lân và rồng biểu diễn vài vòng xung quanh sân lễ và quanh kiệu, đoàn nhạc kèn trỗi lên khúc nhạc vui nhộn tạo nên không khí náo nức cho cuộc rước. Hàng ngàn người tập trung chờ sẵn trong và ngoài sân miếu để sẵn sàng tham dự vào cuộc rước. Múa lân sư rồng là sinh hoạt văn hóa tiêu biểu thu hút được đông đảo người hiếu kỳ đứng xung quanh xem và cổ vũ, tạo nên không khí tưng bừng, nhộn nhịp và vui tươi trong lễ hội dân gian. Những bộ hẩu đầu tiên ở Đồng Nai được đặt làm từ Trung Quốc, đem về phục vụ cho lễ hội Làm Chay ở Thiên Hậu cổ miếu (năm 2013). Ngày nay, Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nghề thủ công làm đầu lân sư rồng nên không phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trong các đoàn rước vía thần, rước sắc đình làng luôn có các đoàn lân sư rồng hẩu múa phục vụ lễ hội, tạo sự phong phú đa dạng trong nghệ thuật biểu diễn dân gian ở địa phương.

Lễ hội là dịp hội tụ của các đội lân sư rồng trong và ngoài tỉnh về trình diễn. Trong các đoàn rước cung nghinh thần hoặc rước sắc (thần Thành hoàng Bổn cảnh, Đức Ông Trần Thượng Xuyên, Đức Ông Quan Thánh, Bà Thiên Hậu…) thường có những màn múa sôi động chào thần và phục vụ cho khán giả thưởng lãm. Trong cuộc nghinh thần chu du đi qua đường phố (Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành…), các đội lân sư rồng hẩu luôn là trung tâm thu hút sự chú ý của đông đảo người dân hai bên đường khi đoàn rước kiệu đi qua. Đặc biệt các cửa hiệu kinh doanh hai bên đường lập sẵn bàn thờ bày lễ vật để mời các đội lân vào nhảy múa khai lễ hoặc đem phúc lộc may mắn cho gia chủ. Đáp lại, gia chủ phát lộc cho các đội lân trong niềm vui phấn khích… Cứ thế Lân Sư Rồng trở thành điểm nhấn thu hút vừa tạo không khí vui vẻ, vừa đem lại thỏa nguyện cho mọi người.

Những đội lân thường tham gia trong các lễ hội lớn ở Đồng Nai như: đội lân Thạch Sơn Đường, Hiếu Nghĩa Đường, Tái Khánh Đường, Tinh Thắng, Gia Thắng, An Hòa Đường, Phúc Tâm... Thành phố Hồ Chí Minh có hàng chục đội lân tiêu biểu. Các đội lân nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh như: Hằng Anh Đường, Nhơn Nghĩa Đường, Long Nhi Đường, Huy Nghĩa Đường, đội múa rồng chùa Giác Hoằng. Trong các lễ hội lớn ở Đồng Nai, hàng năm thường có tới bốn, năm mươi đoàn lân từ Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh về đăng ký tham gia cung nghinh sắc thần trong lễ hội Kỳ yên đình làng Tân Lân, Thất Phủ cố miếu, Thiên Hậu cổ miếu, lễ hội kỷ niệm lịch sử… Trước khi khởi kiệu và sau khi kết thúc đoàn rước trong lễ hội, các đội lân sư rồng đều múa vài vòng chào thần, đại diện con lân vào trong đình, miếu bái lạy tạ thần. Các đoàn lân sư rồng biểu diễn chúc Thần trước sân lễ trong tiếng nhạc cụ, phèng la và chập chõa tấu vang rộn rã.

Vào dịp cuối năm, các đội lân sư rồng thường đến đền, miếu, cơ sở tín ngưỡng làm lễ khai quang điểm nhãn lên đầu lân, rồng và tạ lễ vì thần linh đã ban cho đội lân sư rồng luôn may mắn, được biểu diễn thường xuyên trong cả năm.

Múa lân - sư - rồng- hẩu không những là nghệ thuật trong dân gian mà còn là sự tranh tài với nhau giữa các đội múa. Tùy theo không gian rộng hay hẹp, tùy theo ý nghĩa của dịp lễ hội, đội lân - sư - rồng- hẩu biểu diễn từng bài, từng cách múa cho phù hợp. Có thể phối hợp múa lân với sư, múa lân với rồng hoặc phối hợp tất cả các thể loại với nhau. Có thể nói, múa lân sư rồng, múa hẩu là hoạt động nghệ thuật biểu diễn đặc sắc, độc đáo và tiêu biểu phổ biến trong các lễ hội người dân gian, đặc biệt lễ Tết ở Việt Nam hàng trăm năm qua.

N.T

 



[1]     https://dichvumualankhaitruong.com/

 

[2]. Mai hoa thung (梅花樁)  hay Mai hoa thung pháp (phép tập trên cọc gỗ mai hoa) là một công phu tập luyện nổi tiếng của võ thuật Trung Hoa, nhằm luyện cho thân thể cùng bộ pháp linh động, chính xác trên các cọc gỗ (thung).

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​