Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐỌC LAU TRẮNG PHẤT PHƠ CỦA ĐỖ MINH DƯƠNG


      Vị giáo sư khả kính  - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai, nay đã mất, ở giảng đường đại học Tổng hợp 10-12 Đinh Tiên Hoàng quận 1, Tp HCM, khóa 76 - 80, từng nói: “có những câu thơ làm ta giật mình”. Ông dẫn: như trong bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan có câu: “Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương”; hoặc như bài Quê hương của Giang Nam: “Nay tôi yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”…

      Tôi đọc trên tờ Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đã lâu, có một câu thơ “giật mình” như vậy, đọc qua và nhớ mãi, rồi xốn xang, bất an.

 Cơn đau vật vã khóc cười

 Trái tim vô cảm cả lời mẹ ru!

F5E4854C-478E-4629-9719-C5333AE8C7E9.jpg
Tập thơ Lau trắng phất phơ của nhà thơ Đỗ Minh Dương


  Người ta thường nói theo suốt cuộc đời mình là lời ru của Mẹ, vậy mà “trái tim vô cảm” là sao!? Câu thơ buộc phải đọc kỹ cả bài và đấy là cả một câu chuyện dù bài thơ chỉ 16 câu. Chuyện rằng người phụ nữ mong chồng về sau chiến tranh để có con, chẳng may vì tai họa chiến tranh, đứa con sinh ra bị ảnh hưởng chất độc màu da cam/dioxin từ người chồng “chiến binh” nên đứa con: “Có chân mà chẳng thể đi/ Mắt lồi, thân liệt, nằm lì một nơi” nên mới có chuyện “ rái tim vô cảm” vì em không thể nhận thức. Chưa dứt, khổ thơ kết thúc là nỗi đau tận cùng khi người Mẹ mong con chết trước vì nếu bà chết trước thì không ai nuôi con:

 Mẹ mong con đi trước mình

 Nhẹ nhàng thoát cảnh cực hình đớn đau

 Yên lòng , rồi mẹ đi sau

 Hẹn về chín suối cùng nhau … ngậm ngùi!

           Đó là bài Lời người mẹ nuôi con tật nguyền của Đỗ Minh Dương, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, in trên báo Văn Nghệ, nay được anh tuyển lại in trong tập Lau trắng phất phơ, thi phẩm thứ 12 của anh, Nhà xuất bản Đồng Nai  - 2020, vừa phát hành.

          Sự nghiệp thơ Đỗ Minh Dương nay đến 12 tập thơ đã in, quả là đáng nể và Lau trắng phất phơ thêm những chiêm nghiệm mới riêng chung, những cảm xúc thơ nhiều chiều kích, góc nhìn và bài Lời người mẹ nuôi con tật nguyền, có địa chỉ cụ thể của người mẹ là bà Lê Thị Bích ở Quảng Trị, là một trường hợp (Biên Hòa có em Đinh Thị Hoàng Lan cũng là một nạn nhân chất độc dioxin song may mắn hơn, ít bị hành hạ, nhận thức sâu, có sáng tác thơ)

          Nhà thơ nói chung có trái tim nhân hậu và nhiều khi thể hiện thành hành động cụ thể. Trong Lau trắng phất phơ có câu chuyện khác thành thơ, đó là việc nhà thơ trắc ẩn với công việc của một em bé nhặt rác. “ Lục tìm chi nữa bé ơi/ từ trong rác bẩn nhà người thải ra?” - tất nhiên là để kiếm sống, sau đó: “Hôm sau, lúc mặt trời lên/ gặp em cắp sách hồn nhiên đến trường”; Vậy là:

 Tôi về viết một lời thương

 Kèm theo học bổng, đón đường tặng em!

 (Với em bé nhặt rác)

       Lau trắng phất phơ ngoài những xúc cảm nhất thời, trong đó còn có những câu chuyện bật lên thành thơ, trên đây là 2 bài trong số đó.

       Như thường lệ, tôi đọc bài thơ lấy tên cho cả tập, bài Lau trắng phất phơ và thêm xác tín rằng lục bát là thế mạnh của Đỗ Minh Dương:

 Trai làng đi bảy về ba

 Hồn lên mây trắng biết là về đâu?


 Người về gặp lại bờ lau

 Bâng khuâng tóc trắng trên đầu phất phơ!

       Tập thơ 53 bài, 45 bài về mọi xúc cảm từ đời thường cùng với những suy ngẫm như bài Cây và người: "Đất nuôi cây, cây mang nợ đất/ Cây nuôi người, người nợ đất và cây. Trả ơn đời cây đơm trái ngọt/ Sao con người lắm kẻ phủi tay?"; có 8 bài ghi rõ là Chùm thơ bình luận ảnh chiến tranh, những suy nghiệm khi tác giả từng là người lính. Và có bài tạm gọi thơ – văn - xuôi, thêm thể nghiệm đáng đọc.

        Với Lau trắng phất phơ, Đỗ Minh Dương tiếp tục trải lòng với thơ, và có những bài thấm đượm nỗi đau, cảm xúc…

 Trần Chiêm Thành 

 


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​