Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NHỮNG NGƯỜI TRUYỀN LỬA


      Thời gian đang tiến dần về những tháng giữa năm 2021, trong bộn bề công việc, khi cả nước vẫn gồng mình chống dịch Covid  - 19 nhưng tôi vẫn bồi hồi nhớ lại cách đây 42  năm mình đã được đắm chìm trong một không khí rất đặc biệt: không khí thành lập Hội Văn nghệ Đồng Nai. Khi ấy đất nước vừa bước qua cuộc chiến kéo dài với nụ cười hân hoan rạng rỡ trên môi đã phải gồng mình đánh đuổi giặc giã ở phía Nam phía Bắc, đã phải nhăn vầng trán bươn chải tìm mọi phương cách chống lại cái đói cái nghèo. Đồng Nai - một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ cũng nằm trong tình trạng chung ấy, nhưng vẫn cần có hoạt động văn nghệ - một phương diện không thể thiếu được của bộ mặt văn hóa tinh thần  của tỉnh nhà. Hội văn nghệ Đồng Nai được thành lập vào cuối năm 1979 ở Biên Hòa Club (nay thuộc Công an tỉnh) trong tiết trời se lạnh sau cơn mưa cuối mùa. Chúng tôi - những anh em có máu văn nghệ xưa chỉ túm tụm dăm ba người đàm đạo văn chương nay đã có  hẳn một tổ chức tha hồ mà vùng vẫy. Thuở ban đầu vào Hội không phảỉ xét duyệt như bây giờ, lực lượng mỏng nên có bao nhiêu anh em lùa vào hết. Hội cũng có đủ ban nghành: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh… Đại hội về phía lãnh đạo có ông Lê Tư Huyền, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết. Nhà thơ Hoài Anh  - người nổi tiếng thông minh tóc dài chấm mang tai, bước đi lúp xúp từ Sài Gòn lên dự. Nhà văn Triệu Bôn - tác giả Mầm sống trong bộ quân phục màu xanh từ Hà Nội vào cũng rảo bước vào hội trường. Anh Xuân Bảo, Nguyễn Duy Thinh, Đỗ Tiến Khải và đông đảo nhất là đám nhà giáo chúng tôi: Trần Ngọc Vinh,Tiêu Thanh Giang, Hoàng Trung Thủy, Trần Ngọc Phụng, Thanh Dạ, Chu Diễn Thành … đều có mặt.

    Đa số anh em chúng tôi đều làm ở các cơ quan giáo dục, báo chí, xuất bản, quân đội, kinh tế, quản lý nhà nước. Nghề tay phải là ở đấy, công việc, đời sống cũng nằm bên ấy. Nghề tay trái là đam mê - văn nghệ. Bản thân tôi từ năm 1979 đến năm 2008 luôn bấn bíu với công việc, đời sống dù có mê đắm văn chương đến mấy cũng chỉ viết được lai rai, có cả quãng thời gian vài ba năm chẳng hề động bút. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi cũng ghé Hội để dự họp, nghe các nhà văn nhà thơ Sài Gòn về nói chuyện kinh nghiệm sáng tác, tham gia một chuyến đi thực tế, chia sẻ với bạn bè hoặc chỉ để tán gẫu cho vui. Cơ quan Hội lúc ấy còn xập xệ lắm không tươm tất như vài ba năm nay. Tường nứt, nước rỏ tong tỏng, sân lún phún rêu dễ trơn trượt, nếu phải làm một cú vệ sinh cá nhân thì hơi bị khó. Thế mà những Cao Xuân Sơn, Nguyễn Một trước khi triển khai về Sài Gòn, vào Trảng Dài đã từng tá túc ở đấy. Có bữa tôi tới Hội thấy vắng hoe. Dưới nhà chỉ có anh Bé hành chính đang nguệch ngoạc ghi lịch công tác. Lên gác gặp một người có khổ hình cao to, tóc quăn, giọng ồm ồm đang đi lại ngắm nghía bức tranh trải dưới sàn nhà là họa sĩ Sĩ Nguyên.

***

Thường là tôi gặp được những người cần gặp. Chú Hai Lý (Lý Văn Sâm) - Chủ tịch Hội đầu tiên từ năm 1979 đến năm 1993, nhà ở Sài Gòn mỗi tuần đáo lên Hội vài ba ngày để giải quyết công việc. Hội văn nghệ là cái Hội nghèo nhất tỉnh nên chỗ ở của ông Chủ tịch Hội thật đơn sơ. Trong căn phòng loang lổ trên gác chỉ có một cái bàn, một cái giường, vài ba bộ quần áo treo lủng lẳng, dây maixo để đun nước. Nhìn ông già dè dặt, mỏng manh ngồi đăm chiêu, đôi mắt nheo nheo sau cặp kính trắng, đôi môi khô rộp vì hút thuốc liên tục, luôn chìm giữa đám đông, thỉnh thoảng mới buông một câu ít người biết rằng ông đã có một quá khứ vô cùng oanh liệt và hào hùng. Con người ông là trầm tích của một giai đoạn lịch sử. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, có cha làm chủ hầm than, lại thông minh, nhạy cảm Lý Văn Sâm sẽ được hưởng một cuộc sống an nhàn , sung túc nếu làm công chức cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Nhưng không! Anh Hai Lý đã nghe theo tiếng gọi của non sông dấn thân vào con đường lầm lụy khổ ải, cái chết luôn cận kề vì ngọn lửa ngùn ngụt của lòng yêu nước. Trong vòng bủa vây của công an chìm, công an nổi, mật thám, chỉ điểm dưới thời Sài Gòn bị Pháp tạm chiếm Lý Văn Sâm như một tráng sĩ trong các truyện ngắn đường rừng của ông. Đôi chân gầy guộc của ông đã bị cùm biết bao năm tháng, tấm thân còm cõi của ông đã chịu bao trận đòn tra tấn dã man. Và chính ông trong một  đêm tối trời cuối năm 1956 đã cùng đồng chí phá tan nhà lao Tân Hiệp tuông ra ngoài trời chạy mải miết về chiến khu Đ. Lý Văn Sâm còn một quãng đời hoạt động rất đẹp ở chiến khu Đ từ năm 1956 đến năm 1975. Đào củ chụp củ mài ăn chống đói, hứng những trận bom B52 khốc liệt, chạy dạt sang đất Miên trong trận càn Gian xơn Xiti năm 1971. Ông đã từng kinh qua những công việc, chức vụ: Trưởng đoàn văn công, Vụ trưởng văn hóa nghệ thuật của Ban tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Thư ký Tòa soạn của báo Văn nghệ giải phóng, Tổng thư ký Hội văn nghệ giải phóng.

1.Nguyễn Văn Vy - Lý Văn Sâm - Hoàng Văn Bổn.jpg
T phải sang: Nhà vă​n Hoàng Văn Bổn - Nhà văn Lý Văn Sâm - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Vy (ảnh tư liệu)


    Về văn chương khởi bút từ khi là một chàng trai ở Biên Hòa, nhà văn đã thành công  với những tác phẩm đầu tay với giọng văn tài hoa, nhẹ nhàng, tinh tế, có nét riêng - đặc biệt là những truyện ngắn đường rừng như Kòn Trô, Sương gió biên thùy… Thời kỳ đỉnh cao của Lý Văn Sâm nằm trọn trong giai đoạn từ năm 1945 đến 1956. Trong điều kiện vô cùng ngặt nghèo, hiểm nguy ông đã viết một cách không nao núng. Có những truyện khơi gợi tình quê hương đất nước sâu lắng như Nắng bên kia làng, Chuyện một đàn cò trắng. Có truyện phản ánh cuộc sống ngột ngạt và khao khát độc lập tự do của bà con trong vùng tạm bị chiếm như Ngoài mưa lạnh, Thèm một ngọn đèn. Đặc biệt là truyện ngắn Chuông rung trên tháp đổ như  một quả bom đánh vào chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm. Vào chiến khu và sau giải phóng ông vẫn mải mê sáng tác. Có ý kiến cho rằng các nhà văn Việt Nam sáng tác thường theo trực cảm, tình cảm có thể coi Lý Văn Sâm là một trong những nhà văn tiêu biểu. Nếu ví văn chương Việt Nam như một dàn nhạc giao hưởng với nhiều nhạc cụ khác nhau thì văn của ông như một tiếng sáo dìu dặt, bay bổng, ngọt ngào trong dàn nhạc đó. Tôi yêu cách tả cảnh, tả tình, tả người mềm mại, tinh tế của ông. Đọc văn ông rất dễ cảm, dễ thấm.

      Trở về quê hương với cương vị là người đứng đầu Hội văn nghệ tỉnh trong 14 năm, bằng quá trình cống hiến, tài năng và đức độ nhà văn rất có uy tín với lãnh đạo tỉnh và anh em văn nghệ. Tuổi cao, đã qua thời kỳ phát tiết tinh hoa trong sáng tác ông viết ít và nhọc nhằn. Điều tâm huyết nhất của ông là truyền nghề cho lớp hậu thế . với tác giả đã trưởng thành như nhà văn Nguyễn Đức Thọ ông nhắn nhủ: “ Văn chương có nhiều loại lắm nghe Thọ, văn chương chính đạo là thứ văn khó làm nhứt nhưng đó mới chính là con đường nhà văn đeo đuổi”. Nhà văn Thu Trân - một cây bút nữ thành danh sau này lúc mới chập chững vào nghề được ông truyền kinh nghiệm: “ Muốn xây dựng nhân vật ư? Con hãy đặt mình vào nhân vật đó thì sẽ tìm ra diễn biến tâm lý và hành  động của nhân vật”.  Nhà văn Lý Văn Sâm - theo cách nhìn nhận của lớp văn nghệ hậu sinh chúng tôi là một tượng đài oanh liệt của văn học cách mạng và kháng chiến miền Đông Nam bộ. Ông đã truyền cho chúng tôi tinh thần quả cảm, dấn thân dùng ngòi bút của mình phụng sự cho nhân dân, cho đất nước. Tôi rất tiếc rằng cho đến giờ vẫn chưa có một bộ phim nào trọn vẹn về Lý Văn Sâm, nhất là thời kỳ ông sống và viết trong vùng tạm chiếm. Đó là một kiểu mẫu nhà văn không phải đất nước nào cũng có được.

 

***

 

    Năm 1981 có một người đàn ông dong dỏng cao, khuôn mặt dài với vầng trán rộng xuất hiện ở Hội văn nghệ. Ông mặc giản dị hàng ngày lóc cóc đạp xe từ một căn nhà ven sông Đồng Nai đến Hội với cương vị là cấp phó cho nhà văn Lý Văn Sâm. Hai ông cùng quê - làng Bình Long, huyện Vĩnh Cửu. Một ông ở chiến khu ra, một ông tập kết về, chẳng ai tranh giành soán ngôi, họ là một cặp đôi hoàn hảo. Đó là nhà văn Hoàng Văn Bổn, ở quê gọi ông là Chín Bổn. Trở về quê hương ông đã có một đoạn đời và sự nghiệp đáng nể. Là trưởng phòng giáo dục huyện Tân Uyên tham gia quân đội thời kháng chiến chống Pháp ông đã có trong tay hai cuốn tiểu thuyết: Vỡ đấtBông hường bông cúc. Tập kết ra Bắc, phụ trách xưởng phim Quân đội nhà văn Hoàng Văn Bổn đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết mà ông  nung nấu từ hồi ở chiến trường miền Đông Nam bộ: Trên mảnh đất này. Trong những năm đánh Mỹ, khát vọng và tài năng của những nhà văn Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới. Họ hòa mình vào cuộc chiến đấu của dân tộc, liên tục cho ra đời những tác phẩm viết về cuộc chiến đấu của quân dân ta với kẻ thù hung bạo, vũ khí tối tân. Xông xáo tới những trọng điểm ác liệt, ra tận những hòn đảo xa xôi bốn bề mênh mông sóng nước nhà văn, nhà viết kịch bản phim Hoàng Văn Bổn đã có những bài ký nóng hổi và những thước phim tươi rói về những sự tích anh hùng của quân dân miền Bắc: Ký sự Hàm Rồng, Sóng Hòn Mê. Ông còn lấy tư liệu để viết hai cuốn tiểu thuyết về quân chủng không quân và hải quân: Bầu trời mặt đất, Sóng bạc đầu. Năm 1979 đoàn làm phim của ông có mặt ngay tại chiến trường Campuchia để quay những thước phim chân thực về tội ác diệt chủng man rợ của bè lũ Pôn Pốt và những hình ảnh sáng ngời của đoàn quân tình nguyện Việt Nam giải phóng đất nước Căm pu chia khỏi họa diệt chủng. Năm 1981 ông mới cởi áo lính trở về Hội Văn nghệ Đồng Nai. Nhà văn Hoàng Văn Bổn có một sức làm việc đáng ngưỡng mộ. Trong một bài viết về nhà văn tôi đã gọi ông là “Người lực điền trên cánh đồng chữ nghĩa”. Nhà thơ Xuân Diệu có một câu thơ ví cái sự ra sách với việc con gà đẻ trứng: “Cục ta cục tác. Đẻ trứng này tôi lại ra trứng khác”. Mỗi tác phẩm ra đời như sự xuất hiện một quả trứng hồng vậy. Nhẩm tính ở Việt Nam ta thời hiện đại nhà văn Tô Hoài dẫn đầu với khoảng 150 đầu sách với đủ thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, truyện thiếu nhi, kinh nghiệm sáng tác. Nhà thơ Xuân Diệu có khoảng 60 đầu sách với thơ, phê bình tiểu luận, ký và truyện ngắn. Nhà văn Hoàng Văn Bổn có khoảng 34 đầu sách không biết xếp hạng mấy vì tôi không phải nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Thể loại có: truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi, kinh nghiệm sáng tác. Một lần tôi đến căn nhà tối om của ông giáp bờ sông Đồng Nai, ông đang ngồi  trên căn gác xép gõ máy chữ rào rào. Tôi mời ông nghỉ giải lao bằng cách ra quán bờ sông làm vài vại bia. Nhìn đăm chiêu ra dòng sông ông tâm sự:

           - Chú viết không biết mệt!

          Quả thật vậy, ông có một sức làm việc phi thường. Tôi thì tài tử, lúc nào hứng  thì viết, không áp lực. Ông không phải vậy, làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội văn nghệ sau chuyển sang làm Giám đốc nhà xuất bản lúc nào cũng tíu tít, bận rộn đủ thứ đầu việc.  Họp hành, lên kế hoạch in ấn tiêu thụ sách, lo kinh doanh, đời sống cho anh em nhưng vẫn viết đều đều, không chỉ khi có hứng mới ngồi vào bàn viết mà rảnh lúc nào là ngồi vào bàn, gõ máy chữ. Hết bộ tiểu thuyết Nước mắt giã biệt đến tập truyện ngắn Người điên kể chuyện người điên, tập ký Vũ trụ, Lượm cái hoa rơi lại đến truyện thiếu nhi Tuổi thơ ngọt ngào, Lũ chúng tôi. Nói viết để trả nợ cho quê hương, cho đồng bào cũng phải lẽ. Nhưng còn một lý do khác. Tôi có cảm giác nếu không viết thì ông tiếc vì vốn sống của ông quá phong phú, dày dặn nhất là khi tuổi càng cao, quỹ thời gian đã cạn dần. Thời ông sống, nhất là giai đoạn về sau này các phương tiện nghe nhìn đã bùng nổ, mấy người đọc sách, có đọc chỉ đọc truyện hình sự, ngôn tình. Biết vậy nhưng ông vẫn cứ viết, gắng gỏi để lại một cái gì đó cho đời. Tôi đã nhiều lần được ông giao phó cho cái việc là chuyển sách sang Công ty sách thiết bị trường học nhờ giám đốc Tạ Quốc Hạnh mua hộ. Vốn là người quý trọng các nhà văn, mỗi lần như vậy Hạnh mua cho ông vài trăm cuốn. Đọc Hoàng Văn Bổn có những cuốn cốt truyện ly kỳ (Tướng Lâm Kỳ Đạt), nhưng thường là những cốt truyện diễn ra trong chiến đấu, sản xuất, sinh hoạt thường ngày. Nhân vật Nam bộ đúng chất Nam bộ, miền Bắc đúng chất miền Bắc. Điều hấp dẫn nhất là chất sống ngồn ngộn, sinh động và các chi tiết làm nên tác phẩm. Nó phóng chiếu trước mắt ta những người và cảnh vật rất sinh động của một giai đoạn lịch sử… Đoạn ông tả cảnh hành quân của bộ đội miền Đông trong kháng chiến chống Pháp – tôi đã thuộc khi ở tuổi học trò. Nhà văn Hoàng Văn Bổn cũng như nhà văn Lý Văn Sâm là kiểu mẫu của nhà văn dấn thấn, nhà văn chiến sĩ. Dẫu sau này ông có viết vài cuốn về giai đoạn hòa bình, Hoàng Văn Bổn vẫn là một tượng đài sừng sững của văn học kháng chiến trên mảnh đất miền Đông Nam bộ.

Ông là người hiền lành, tử tế, quá tốt giống như một ông Bụt trong câu chuyện cổ tích, chẳng bao giờ nóng giận với ai, ai chê bai, cà khịa với ông cũng mặc. Cũng như nhà văn Lý Văn Sâm ông chăm chút cho phong trào văn nghệ, chẳng bao giờ bè phái, lợi ích nhóm. Hồi ấy Báo văn nghệ Đồng Nai in khổ rộng, giấy vàng khè. Là tổng biên tập ông đọc các sáng tác của  hội viên, thấy được là cho đăng liền. Có khi còn vì lý do nhân đạo nữa, “ thôi đăng cho nó để có chút tiền nhuận bút thêm thắt vào cuộc sống vốn dĩ eo hẹp này”. Các hội viên đều nghèo làm sao có tiền in sách, ông gợi ý cách xin tài trợ, vay mượn các nhà hảo tâm, các chủ doanh nghiệp để có được đầu sách. Là người đứng đầu phong trào ông cũng rất vui khi có nhiều tác phẩm được xuất bản. Tôi còn giữ được bức thư của ông gửi cho ba tôi – nhà văn Bùi Hiển, lúc ấy là Chủ tịch Hội đồng văn xuôi.Ông hớn hở khoe Khôi Vũ vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết này, Đàm Chu Văn, Đỗ Minh Dương, Trần Ngọc Tuấn có tập thơ nọ, tác giả trẻ có Trần Thu Hằng có cuốn truyện lịch sử kia và cũng không quên điểm tên tôi: “Bùi Quang Tú vừa rồi có cuốn “Thí sinh vắng mặt” đọc được, rất phù hợp với lứa tuổi học sinh”. Đức khiêm nhường chịu khó học hỏi cũng là điều đáng học tập. So với các bạn văn quân đội như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Phạm Tiến Duật.. ông luôn biết mình đứng ở vị trí nào. Hồi Nguyễn Huy Thiệp đang rộ có lần đọc truyện ngắn “Những bài học nông thôn” đăng trên báo Tuổi trẻ ông trầm trồ: “Thằng ấy có tài”. Mặc dù Hoàng Văn Bổn viết văn theo kiểu truyền thống, ông vẫn chấp nhận những cách tân đổi mới trong bút pháp và chủ đề.

Khi còn độc thân ở ngoài Bắc nhà văn Hoàng Văn Bổn đeo đuổi cô giáo dạy tiểu học Mai Quỳnh Chi quê Hải Dương suốt vài ba năm. Cô Chi bị bố mẹ cấm cản vì không muốn con gái lấy anh bộ đội, nhà văn Nam bộ lệch nhau đến 11 tuổi. Bằng tấm lòng chân thành và những cuốn sách hấp dẫn nhà văn đã chinh phục được cô gái xinh đẹp Mai Quỳnh Chi và gia đình cô. Họ thành hôn, có với nhau ba người con. Trong gia đình nhà văn Hoàng Văn Bổn là người chồng, người cha mẫu mực, hết lòng yêu thương chăm sóc vợ con.

Ông qua đời đã mười hai năm nay, mỗi lần nhắc đến ông mọi người còn khâm phục một nhân cách và tài năng. Có nhiều lời tốt đẹp dành cho ông. Sự hiện hữu của nhà văn trên cuộc đời như một minh chứng cho cái điều giản dị này: những người tốt, có nhiều đóng góp cho quê hương, người Đồng Nai chẳng bao giờ lãng quên.

 

***

 

Cuối nhưng năm 1980 của thế kỷ trước Hội văn nghệ lọt vào một anh chàng xứ Nghệ. Nhìn mặt biết anh rất tếu. Mà anh tếu thật cái gì đang nghiêm túc nghiêm trang qua anh đều biến thành chuyện cười, Chuyện quê anh có khẩu hiệu “ dân vô rú”, một số bài hát anh chế biến nghe rất vui. Có lần tôi có món tiền gì đó mời anh em cơ quan Hội sang phở Quyền lai rai. Một dĩa gà luộc đầy tú hụ, lại thêm mỗi người một tô phở, vài lon bia, đang ăn anh chàng xứ Nghệ xuất khẩu chuyện nhà thơ Thu Bồn, mọi người cười nghiêng ngả. Cái anh chàng tếu táo đó là nhà văn Nguyễn Đức Thọ.

1.Đỗ Bá Nghiệp - Phạm Thanh Quang - Nguyễn Đức Thọ.jpg
             Từ phải sang: Nhà văn Nguyễn Đức Thọ - Nhà văn Phạm Thanh Quang - Nhà nghiên cứu Đỗ Bá Nghiệp (ảnh tư liệu)


Thọ là thầy giáo dạy văn, tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh ra. Trên đời này thầy giáo dạy văn mà viết được văn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nghề văn đã chọn Thọ. Thọ hăm hở bước vào nghề văn. Thọ dũng khí và đam mê văn chương hơn tôi nhiều. Sau cái cú Ở huyện mới – bút ký đăng trên báo Văn nghệ trung ương năm 1984 Thọ đã lọt vào mắt xanh các nhà tuyển trạch - nhà văn đàn anh. Bài ký đã nêu lên một nghịch lý của ngành giáo dục: người có trình độ thấp lại lãnh đạo người có trình độ cao, ông trưởng phòng giáo dục chỉ có trình độ lớp 6 Bổ túc lại lãnh đạo các thầy cô giáo tốt nghiệp Đại học. Năm 1989 Thọ lại bồi tiếp cái Hồi ức làng Che – Giải Nhất truyện ngắn Báo Tuổi trẻ năm 1989. Bằng lối kể chuyện dí dỏm, hấp dẫn truyện ngắn đã phê phán một số sai lầm của một thời đã qua: Cải cách ruộng đất, Hợp tác xã nông nghiệp, Chủ nghĩa lý lịch giáo điều. Tài năng của Thọ đã phát lộ. Anh có con mắt tinh tường để khám phá ra những nghịch lý, ấu trĩ, những chiều sâu trong tâm hồn con người. Càng về sau này cây bút trẻ Nguyễn Đức Thọ càng xông xáo, lăn xả vào các khía cạnh đời sống. Với vốn sống từ vùng quê Nghệ An, mảnh đất Đồng Nai và những năm tháng bộ đội, dạy học Thọ sáng tác khá đa dạng về thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, thơ nhưng thánh công hơn cả là truyện ngắn, bút ký. Có những truyện anh viết rất gai góc phản ánh cái ấu trĩ, giáo điều của một thời  (Thung lũng xưa). Có truyện thể hiện sự xót xa đến tận cùng về số phận một người lính: khi trong quân ngũ là một sĩ quan rất nghiêm khắc, mẫu mực trở về va đập với cuộc sống bon chen, phức tạp của đời thường khiến họ không chịu đựng nổi phải tìm đến cái chết (Ốc mượn hồn). Những câu chuyện nhân văn và éo le trong chiến tranh cũng được anh xử lý một cách thấu đáo, nhẹ nhàng. Chất – một phụ nữ xinh đẹp làm tới chức phó bí thư Huyện ủy có chồng tên là Hùng – chiến sĩ đặc công hy sinh ở chiến trường miền Nam. Sau chiến tranh Chất vào Nam tìm chồng. Chị lặn lội tới nhà bà Ba Cỏn - má nuôi của Hùng thì biết tin bà đã mất. Nhà chỉ còn cô Út Mai và một đứa con trai. Dọc đường đi Chất đã nghe ông tài xế kể chuyện phong phanh là Hùng chính là cha của con trai Út Mai. Đến khi hai người phụ nữ gặp nhau trong miệt vườn, nhìn thấy đứa bé có nét hao hao giống Hùng, trong lòng Chất bỗng trào lên một ước ao đó chính là đứa con của Hùng thật (Mùa trái cây). 

Nguyễn Đức Thọ còn viết về những mối tình thoảng qua trong chiến tranh với một bút pháp lãng mạn (Người của ngày xưa). Truyện ngắn Người cùng làng tác giả lại vẽ nên một số phận trong thời kỳ mở cửa. Đó là sự thay đổi đột ngột của một người bạn cùng làng – tên tục là anh cu Chày, tính tình ngổ ngáo. Anh đi bộ đội, có giấy báo tử , nhưng thực ra không chết. Sau đó anh đi vượt biên, được một người đàn bà giàu có nâng đỡ, bà ta trở thành vợ anh cu Chày – cu Chày bây giờ có tên là Ly. Và Ly trở vê làng làm từ thiện cho cái làng quê nghèo khổ của mình. Đọc truyện của Nguyễn Đức Thọ ta nhận ra ngay anh là một cây bút viết truyện ngắn có tài. Nhân vật nào ra nhân vật ấy, cốt truyện có khi giàu kịch tính, có lúc lại chuyển biến theo tâm lý nhân vật. Đặc biệt anh có những chi tiết rất đắt – vừa thực vừa phóng đại để tạo sự hấp dẫn cho người đọc. Ngôn ngữ của Thọ rất linh hoạt. Anh đã mất 17 năm nay nhưng truyện ngắn đọc lại vẫn không hề xưa cũ, mới mẻ như những câu chuyện của ngày hôm nay.

Ngoài truyện ngắn Thọ còn viết ký. Trước hết là viết về những nhân vật mà anh quen biết, quý trọng. Nhà thơ, đại tá Bảy Ước mà gia đình và cuộc đời“ như cái ti vi nhiều kênh”, vài đời vợ, vài lớp con, nhiều chiến công và đau thương mất mát. Nhà thơ Thu Bồn “Ông hoàng của trường ca”. Nhà văn Lý Văn Sâm “Người thổi sáo ở bến Xuân”. Nhà văn Hoàng Văn Bổn “Người kểchuyện ven sông”. Anh tới nhiều vùng đất để viết về đất và con người nơi đó: sông Ray, cửa biển Lộc An, gặp gỡ những nhân vật độc đáo như Hai Rưng, Tư Trồi để viết “Nhân chứng của thiên nhiên”. Anh còn lặn lội đến Rừng Sác viết về những chiến sĩ đặc công nơi đây. Ký của Thọ chân thực, giàu cảm xúc với lối văn uyển chuyển, trữ tình.

Sinh thời người ta thường thấy một người đàn ông tóc chớm bạc, mặc áo thun, quần sọoc chạy chiếc xe Magic từ khu A42 và có mặt ở sân ten -nít. Người ta ngỡ Thọ là nhà văn quý tộc, viết văn tiền vào như nước. Thực ra khi chuyển sang viết một vài kịch bản anh có kiếm được chút đỉnh nhưng cũng chẳng nhằm nhò gì. Cái nghèo túng vẫn bủa vây. Chẳng qua anh chơi banh nỉ để giữ sức khỏe, hành nghề văn được lâu dài. Hồi anh còn dạy trường Bổ túc văn hóa dưới Long Thành, có lần tôi ghé chơi Thọ nói: “Bác ngồi đây một lúc”. Và ra ruộng móc cua, hái rau muống về nấu canh cua, có thêm xị rượu đế nữa để tiếp khách. Chuyển về Hội Văn nghệ, để cải thiện đời sống Thọ nhờ Tạ Quốc Hạnh lên Sài Gòn mua được cái tủ lạnh Xa - ra - tốp, Lan - vợ Thọ cũng là giáo viên – ép chuối, rắc đậu phộng, dừa nạo làm kem chuối và nấu chè đậu xanh bán cho bà con trong xóm. Thế nhưng cuộc sống của Thọ không bao giờ thiếu vắng tiếng cười. Anh là một hoạt náo viên, khi hội họp, lúc trà dư tửu hậu cũng tìm cách kích tinh thần mọi người lên bằng… chuyện tiếu lâm. Người ấy, tài ấy, đang sung sức với bao dự định dang dở thì bị vấp trên một lá gan. Ông trời thật oan nghiệt bắt anh phải sớm từ giã chốn dương gian chỉ sau vài tháng lâm trọng bệnh khi Thọ vừa bước qua tuổi bốn mươi sáu. Đời văn của Thọ kéo dài hai mươi năm thế nhưng với tài năng và tâm huyết của mình anh đã cắm cột mốc đổi mới cho văn học Đồng Nai. Anh là một tấm gương của một nhà văn lao động sáng tạo không ngừng đối với thế hệ chúng tôi và thế hệ mai sau. Mỗi lần vẫn nhắc đến như vẫn nghe tiếng cười của anh vang trong gió, lại bao xót xa, nuối tiếc về một tài năng hiếm có của Đồng Nai bị đứt đoạn. Tôi còn có ý tưởng rằng Hội văn nghệ nên đề xuất đặt tên anh cho một con đường ở Đồng Nai.

Lý Văn Sâm – nhà văn cách mạng và kháng chiến. Hoàng Văn Bổn – nhà văn kháng chiến. Nguyễn Đức Thọ - nhà văn đổi mới. Chẳng ai hẹn ai ba nhà văn của xứ sở Đồng Nai đã làm một cuộc chạy tiếp sức hết sức ngoạn mục từ trước năm 1945 của thế kỷ hai mươi chớm sang thế kỷ hai mốt. Văn chương của họ là văn chương giàu khát vọng, sang trọng, đan bện với cuộc đời, là một phần trong đời sống tâm hồn của người Đồng Nai, nó giúp cho cuộc đời này có ý nghĩa hơn, phong phú hơn. Cả ba nhà văn đã trở thành người thiên cổ nhưng họ vẫn tỏa bóng xuống lớp văn nghệ Đồng Nai sau này.

 

Bùi Quang Tú

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​