Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
KHO BÁU


Truyện ngắn của Nguyễn Thái Sơn

(Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 42)

    1.

Tôi tên Lâm, 27 tuổi, kỹ sư địa chất. Cha tôi tên Bình, Giám đốc Đoàn địa chất Y, Biên Hòa, Đồng Nai, trực thuộc Liên đoàn Địa chất miền Nam. Là cha con, đồng nghiệp, lại làm cùng cơ quan, nhưng chúng tôi cứ như mặt trăng, mặt trời. Cha tôi mong muốn ở tôi rất nhiều thứ: say mê nghề nghiệp, học tiến sĩ, trở thành nhà khoa học giỏi giang... Tôi khác. Tôi chỉ mong mau giàu. Điều mà cha tôi không làm được. Tôi nghiệm thấy, học giỏi chỉ có thể làm thuê giỏi, khó trở thành ông chủ! Bởi vậy, tôi chỉ học hết đại học, không muốn học thêm. So với tỉ phú Bill Gates, tôi đã học quá nhiều! Tôi coi địa chất là một nghề, như bao nghề nghiệp khác, mục đích để kiếm sống, đơn giản vậy thôi. Tôi nhận ra, thời buổi bây giờ muốn làm giàu nhanh chỉ có hai con đường: một, trở thành chủ doanh nghiệp; hai, trở thành quan chức! Tôi chọn con đường thứ hai. Cha tôi không đồng tình với quan điểm của tôi, bởi vậy, mãi ông mới thu xếp cho tôi được cái chức quèn: phó phòng thi công, trong khi tôi muốn làm phó giám đốc để sau này lên giám đốc thay cha. Tôi nghĩ, cha trao cho con quyền chức khi đang có cơ hội là chuyện đương nhiên, thường thấy trong xã hội! Nhưng cha tôi không nghĩ thế, nên cứ mỗi khi nói đến chuyện này, y như rằng, lại cãi nhau.


2.

Cha tôi có những bí mật thú vị, liên quan đến nghề địa chất. Hồi tôi còn là sinh viên, cha hay kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện li kỳ, huyền bí mà ông đã trải trong những tuyến lộ trình đầy gian nan từ rừng sâu, núi thẳm, đến những miền hải đảo xa xôi. Cha muốn, thông qua những câu chuyện, truyền cho tôi cảm hứng nghề nghiệp, đam mê khám phá, sáng tạo… Tôi nghe, chẳng mấy tin. Cho đến một hôm, nhân ngày tôi tốt nghiệp ra trường, về làm việc cùng cơ quan (nói thật, tôi chịu về đó vì muốn “dựa hơi” ổng), cha tôi bất ngờ tặng cho tôi một mảnh ngọc saphia hình bán nguyệt, to bằng nửa cái đít chén. Chính tay cha quàng vào cổ tôi sợi dây dù màu đen, có đeo mảnh đá, vừa nói giọng xúc động: “Con hãy đeo cái này như một kỷ niệm về nghề địa chất của cha, như một thứ bùa hộ mệnh”. Mảnh đá màu xanh, được mài dũa rất công phu, gây cho tôi một sự tò mò ghê ghớm. Cha tôi có một cái thùng đạn Trung Quốc cũ, đặt ở góc phòng ngủ, chứa đầy những kỷ vật liên quan đến cuộc đời địa chất của ông. Đó là những mẫu đá các loại mà cha đã nhặt nhạnh ở đâu đó trong những tuyến lộ trình; các loại giấy tờ, sách vở, thư từ, bản đồ… được xếp đặt rất ngăn nắp. Thỉnh thoảng ông lại mở thùng đạn, ngắm nghía, lau chùi những mẫu đá rất cẩn thận. Mỗi lần, ông lại ngồi rất lâu, suy tư, mơ màng… Đôi khi cha cũng cho tôi xem những kỷ vật của ông, giảng giải, kể cho tôi nghe một câu chuyện nào đó liên quan.

Chắp nối những câu chuyện, tôi dần hình dung ra, cha tôi biết và đang cất giữ những tài liệu bí mật về một kho báu.


Kho báu - Quang Hoàng.jpg
Minh họa: Quang Hoàng​



3.

Tôi lén lục cái thùng gỗ của cha. Thứ mà tôi tìm được là một cuốn sách cũ, khổ nhỏ, in rô-nê-ô hai thứ tiếng Anh và Pháp, không có tên tác giả, không đề năm xuất bản, tựa đề: “Bí mật hang rắn trắng”. Cuốn sách nói về một truyền thuyết về kho báu có từ lâu đời ở bản Đăk-riên. Nó chính là thứ mà tôi muốn tìm. Tôi đọc rất kỹ cuốn sách, cùng cuốn nhật ký “như tiểu thuyết” của ông, vừa liên tưởng tới những câu chuyện mà cha tôi đã kể.

… Cuối năm 1974, Bình cùng 4 kỹ sư địa chất khác, chấp hành lệnh cấp trên, hành quân từ Bắc vào Nam. Tiểu đội của ông mang nhiệm vụ đặc biệt, là những người tiên phong, được “cài” trước, phòng khi miền Nam giải phóng là lập tức tiếp quản cơ quan địa chất của chế độ Sài Gòn. Tạm thời dừng chân ở bản Đăk-riên chờ đợi, đơn vị Bình trở thành một tiểu đội bộ đội làm kinh tế: cũng làm rẫy trồng lúa, tỉa bắp, trồng rau, trồng mì… như dân bản. Đăk-riên là một bản nhỏ, heo hút giữa bạt ngàn rừng núi vùng thượng nguồn sông Đồng Nai. Bản chỉ có hai dãy nhà sàn, với chừng mươi gia đình người K’Ho sinh sống. Họ là những người hiền lành, nghèo khó và mông muội. Hàng ngày, ngoài công việc bình thường, lúc rảnh Bình thường giúp Ka Bia dạy lũ trẻ con học cái chữ. Ka Bia chừng 17 tuổi, đẹp như một bông hoa rừng, là con gái trưởng bản K’Tia. Ka Bia chưa từng được đến trường, cô biết được cái chữ, biết đọc, biết viết là nhờ các chú bộ đội đóng quân ở bản dạy cho. Ka Bia rất ham học, rất muốn làm cô giáo. Để tiện cho việc dạy và học, Bình làm cho Ka Bia cùng lũ trẻ một cái lán nhỏ cạnh lán tiểu đội anh, ngay bên bờ suối Đăk-riên. Lũ trẻ học hành thất thường, cho nên học trò chính của Bình chỉ có Ka Bia!

Bình hay một mình vào rừng. Bản tính anh ưa khám phá, tìm tòi. Với anh, rừng sâu và những dị thường địa chất có sức hút mãnh liệt. Khi ở một mình trong rừng sâu, Bình thường có cảm giác rất lạ. Trong khoảng không gian rừng già âm u, tịch mịch, trầm tư, hoàn toàn tĩnh lặng; đắm nhìn một mẫu vật lóng lánh, vừa lấy được ở đâu đó từ một tảng đá mẹ độ tuổi hàng triệu triệu năm, suy nghĩ mông lung về con người, về thiên nhiên, vạn vật, về sự sinh tồn… cảm giác thật khó tả.

Một ngày nọ, Bình đi rất xa trong rừng sâu rồi bị lạc đường. Địa bàn của anh bị nhiễu. Đó là nguyên nhân, nhưng cũng nhờ vậy mà Bình suy đoán, ở đâu đó quanh anh có thể có một mỏ sắt từ tính!

Ý nghĩ về mỏ sắt cứ ám ảnh đầu óc Bình. Vài hôm sau Bình trở lại. Theo bản đồ, anh đi dọc một con suối cạn. Đi vào sâu, dòng suối càng lúc càng lớn hơn, chảy mạnh hơn. Bình quyết định cứ đi theo con suối ngược lên. Lúc trở ra, cũng theo con suối, chiều ngược lại, chắc chắn sẽ không bị lạc! Đi một thôi dài nữa, con suối dẫn anh tới trước một cái hang, cửa hang bị khuất lấp bởi rất nhiều những loại cây thân mềm. Bình dùng cán búa vạch những sợi dây, cố lách người vào trong. Một cái hang khá rộng, vòm cao và thoáng. Càng đi sâu vào lòng hang mỗi lúc một nới rộng hơn, con suối cũng to và chảy xiết hơn. Hai bờ suối lộ ra những tảng đá màu xám, to và xù xì. Bình quan sát thấy có những mạch đá bị phong hóa mạnh. Bình dùng búa đập một tảng đá, bỗng thấy lộ ra một mảnh khoáng vật hình tròn, to bằng cái đít chén, dính đầy đất. Anh mang mẫu vật xuống suối rửa sạch. Mẫu khoáng vật dần lộ rõ là một mảnh đá màu xanh lục, bị nhiễm nhiều tạp chất, tuy vậy, đôi chỗ vẫn trong suốt, ánh sắc xanh long lanh. Bình mang mẫu vật đến chỗ có ánh sáng tốt hơn, quan sát thật kỹ.  “Saphia!” - Bình thốt lên, ngạc nhiên, mừng rỡ. Anh ngắm nghía mảnh đá một lúc rồi nhét nó vào túi áo ngực, cài cúc cẩn thận, hăm hở quay trở lại vị trí cũ, tiếp tục đào bới. Bình cắm cúi làm việc, chợt anh có cảm giác như có ai đó đang theo dõi. Cứ như là có ánh mắt đang xoáy vào gáy anh. Cảm giác đó làm Bình cảm thấy rờn rợn, mồ hôi đổ ra ướt đẫm. Bất giác, Bình bỏ rơi chiếc búa, tay chộp khẩu AK vẫn đeo sau lưng, hướng nòng súng về phía trước. Phía cuối hang, Bình nhìn thấy một con rắn hổ chúa khổng lồ, màu trắng, đang dựng đứng thân mình, lắc lư cái đầu, bành mang, cặp mắt trừng trừng nhìn Bình hăm dọa... Bình như bị thôi miên, cảm thấy có một luồng khí lạnh buốt chạy dọc sống lưng, toàn thân đóng băng, bất động. Phải mất một lúc lâu, Bình mới lấy lại được bình tĩnh. Con rắn hình như không có ý tấn công anh, nó vẫn đứng nguyên một chỗ, hăm dọa. Bình định dương súng lên, nhưng linh cảm mách bảo với anh, không nên gây hấn với nó. Bình nhìn con rắn, vừa quan sát xung quanh đề phòng, từ từ đi giật lùi về phía cửa hang. Lúc này anh mới để ý thấy xung quanh con rắn có mấy bộ xương người nằm rải rác dưới nền đất. Bình rùng mình, lùi bước mỗi lúc một nhanh hơn, rồi quay người, chạy thục mạng.

 ... Hôm sau, sau khi bình tâm suy nghĩ, Bình tự nhủ sẽ kể lại sự việc cho mọi người biết để lên kế hoạch khảo sát cái hang. Tuy nhiên, buổi trưa, tiểu đội trưởng đi họp về, thông báo tình hình chiến sự. Đại khái, trên mọi mặt trận quân ta đang chiến thắng giòn giã, khắp nơi quân địch tháo chạy; các cánh quân được lệnh đánh thẳng vào Sài Gòn... Và cuối cùng là, cấp trên có lệnh ngày mai tiểu đội phải hành quân gấp.

Buổi chiều, Bình ngược lên bản tìm Ka Bia. Đường lên bản Đak-riên khá dốc, hẹp và quanh co. Vừa qua khúc một cua, Bình chợt nhìn thấy Ka Bia đang giã gạo. Như những phụ nữ K’Ho khác, Ka Bia chỉ mặc váy, phần trên cơ thể để trần. Hai tay cô cầm cái chày dài, ưỡn cong người, cố nâng chày lên cao, giã mạnh xuống cối; khuôn ngực trần loáng mồ hôi, nổi bật hẳn lên cặp vú dài, nhọn, cong vút như sừng trâu. Theo mỗi nhịp chày Ka Bia giã xuống, cặp vú dài, nhọn trên ngực cô lại bật nẩy tâng tâng. Cơ thể Ka Bia nổi lên những đường cong tuyệt mỹ, giống như những bức tượng vũ nữ Chăm-pa đang múa mà Bình từng nhìn thấy ở đâu đó trên những tháp Chàm cổ, hoặc trong những bức tranh, những bức phù điêu… Điều khác biệt là những vũ nữ Chăm-pa thường có bộ ngực bầu và to, mông cũng rất to, trông rất phồn thực; trái lại, ngực của các cô gái K’Ho thường nhỏ hơn nhưng rất dài và cong vút. Lần đầu tiên Bình nhìn thấy Ka Bia khỏa thân. Vẻ đẹp rực rỡ toát lên từ thân thể của cô làm anh cảm thấy xúc động đến run bắn.

Ka Bia cũng đã nhìn thấy Bình, thoáng đỏ mặt xấu hổ, nhưng nhanh chóng bình thản trở lại, miệng cười rất tươi, nói như để trấn an anh:

- K’Bình đi tìm trưởng bản à? Với riêng Bình, Ka Bia vẫn thường gọi tên anh, thêm chữ “K” giống như người K’Ho, nghe rất gần gũi, rất đỗi thân thương.

Bình vẫn chưa hết run, lúng búng nói:

- Không… À… Anh tìm Ka Bia.

- Vậy à? Ka Bia đây, đang đợi K’Bình, suốt ngày nay không gặp mặt, nhớ nhiều nhiều à. Có chuyện gì vậy anh?

Cách nói chuyện vừa buồn cười, vừa dễ thương của Ka Bia làm Bình cảm thấy thoải mái, tự tin hơn. Anh nói:

- Anh tìm Ka Bia để nói chuyện này. Ngày mai… anh phải đi rồi. Cấp trên có lệnh…

Nỗi buồn hiện rõ trên gương mặt Ka Bia. Hai tay cô buông thõng, khóe mắt ngấn nước, cái nhìn mờ đi… Bình muốn tiến tới, ôm chặt lấy Ka Bia, nhưng không dám, anh đứng lặng nhìn cô, đắm đuối, buồn bã.

Lúc lâu, Ka Bia lên tiếng:

- K’Bình về đi. Tối nay nhớ đỏ bếp ở lán học nhé.

 Ka Bia nói, rồi đưa tay quệt những giọt nước mắt đang từ từ lăn xuống má, vừa quay người đi về phía bản, nơi có những làn khói xanh ngoằn nghèo bốc lên bầu trời vàng rực.

… Buổi tối, bên bếp lửa, họ nói với nhau đủ thứ chuyện, toàn những chuyện mà chỉ có trời và người đang yêu mới hiểu!

Khuya. Khi ngọn lửa đẵ tắt, là khi họ trao cho nhau tình yêu đầu đời, trao cho nhau cái rạo rực, khát khao, nồng cháy, thiết tha của tuổi trẻ; trao cho nhau thứ mà cả hai cùng muốn, nhưng không ai dám nói ra.

Khi tiếng gà rừng eo óc gáy chào buổi sáng, Bình trao cho Ka Bia một nửa mảnh đá hình bán nguyệt, mà anh đã dày công bẻ tách, rồi mài giũa, đục lỗ, để có thể đeo dây.

- Anh tặng em. Bình nói. - Đây là Saphia, một loại đá quý. Bình lấy trong túi áo ra một nửa còn lại, chìa ra trước mặt Ka Bia, hai mảnh đá nhìn giống hệt nhau, ghép lại khít khao, liền như một. Bình nói tiếp - Em giữ một nửa, anh một nửa. Biết đâu sau này còn gặp lại nhau, đây là kỷ vật chứng kiến tình yêu của chúng ta…


4.

Tháng 5, năm 1975, cha tôi về TP. Hồ Chí Minh, nhận công tác tại Tổng Cục dầu hỏa và khoáng sản, cơ quan quản lý địa chất của chế độ cũ. Công việc chính của ông là tiếp quản tài liệu, đọc và phân loại, đánh giá… để lấy làm cơ sở, tiếp tục công tác khoa học sau này. Tài liệu cũ rất nhiều, hầu như không bị mất mát, hư hao. Cha tôi cùng nhóm của ông làm việc suốt ngày đêm. Một lần, cha tôi tìm thấy giữa đống tài liệu một cuốn sách lạ. Đó chính là cuốn “Bí mật hang rắn trắng” mà tôi đã nói ở trên. Cha tôi không biết tiếng Anh, tiếng Pháp lại càng mù tịt. Vốn liếng ngoại ngữ của ông là chút ít tiếng Nga học từ thời đại học, mà nói theo cách nói của sinh viên là “tiếng Nga chợ trời”, kiểu: “đôm” - là nhà, “va-đa” - là nước, nhà nước là “đôm- va-đa”! Kiến thức ngoại ngữ của ông chỉ đủ để vừa đọc, vừa đoán được cái tựa đề bằng tiếng Anh: “… hang rắn…”. Cũng là nhờ trang bìa cuốn sách có vẽ hình một con rắn hổ mang đang ngóc cổ, bành mang, trông rất dữ dằn… Phải mất mấy ngày liền tự học, rồi tra từ điển, cha tôi mới dịch được cái tựa đề đầy đủ của cuốn sách là: “Bí mật hang rắn trắng”. Cuốn sách gây cho ông cảm giác tò mò, háo hức. Đặc biệt là phần phụ lục, có đính kèm cái bản đồ bằng da thuộc, màu nâu đỏ, là loại bản đồ địa hình cổ, vẽ vị trí hang rắn, vị trí con suối và bản Đak-riên rất rõ. So sánh, đối chiếu với bản đồ địa hình tỉ lệ 1/50.000 hiện hành, cha tôi đoán chắc, cái hang mà cuốn sách đề cập chính là cái hang mà ông đã có dịp đi đến ở bản Đăk-riên. Nhất là sự hiện diện con rắn chúa màu trắng, có cả trong cuốn sách lẫn trong hang ở Đăk-riên, mà ông đã gặp!

Ý nghĩ có một cái gì đó đặc biệt quan trọng ở Đăk-riên gây cho cha tôi sự tò mò, háo hức khám phá. Ông hiểu, nếu đọc được cuốn sách, có thể sẽ thỏa mãn phần nào. Tuy nhiên, không thể mang tài liệu ra ngoài thuê người dịch. Việc này rất nguy hiểm! Không còn cách nào khác, cha tôi đặt quyết tâm, bằng mọi cách phải học tiếng Anh. Ông đến Nhà Văn hóa Lao động đăng ký học một lớp ban đêm. Ông là người thông minh, giàu ý chí, cộng thêm sự tò mò tìm hiểu về cuốn sách thôi thúc, chỉ hai năm sau, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của cô giáo, cha tôi đã có thể dò dẫm dịch được cuốn Bí mật hang rắn trắng. Đại ý, cuốn sách kể về một truyền thuyết có từ thời Pháp thuộc. Rằng, khu vực Đắk-riên có một kho báu khổng lồ, chứa đầy vàng, hoặc kim cương, Saphia… cùng nhiều loại đá quý khác. Về nguồn gốc kho báu, có nhiều giả thuyết: có thể là kho báu của một vị vua chúa nào đó cất giấu, nhưng về sau bị lãng quên. Nhiều giả thuyết nghiêng về ý kiến cho rằng, kho báu có nguồn gốc tự nhiên, là kết quả của các hoạt động địa chất. Điều đáng chú ý là, trong sách nói rất rõ về một hang động, có những con rắn hổ chúa màu trắng dữ tợn canh giữ. Ngoài lũ rắn thì thổ dân cũng canh giữ rất cẩn mật kho báu của họ. Thời Pháp thuộc và cả thời Việt Nam Cộng hòa đã có những toán người thám hiểm, truy tìm kho báu, nhưng tất cả họ đều bị giết chết. Trong hang vẫn còn tồn tại những bộ xương người.

Đọc và hiểu được nội dung cuốn sách làm ông vô cùng phấn kích. Ông tự hứa với mình, lúc nào có điều kiện sẽ quay lại Đăk-riên để kiểm chứng. Nếu ở đó thực sự có tồn tại kho báu, ông sẽ báo cáo cấp trên cùng các cơ quan hữu quan.

… Hai năm, khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để nảy sinh tình cảm giữa cha tôi với cô giáo. Cô tên Hương, 23 tuổi, người trở thành mẹ của tôi sau này. Trước khi đến với mẹ, cha đã có một tình yêu thật đẹp với Ka Bia, nhưng đó là một cuộc tình thoáng qua, một chuyện tình bột phát, ngây thơ… Thực ra thì cha mong một lần trở lại Đắk-riên, nhưng vì xa xôi, cách trở, lại quá bận bịu với công việc, nên chưa thực hiện được. Thời gian cứ dần trôi... Cha mẹ yêu nhau chân thành, nhưng mẹ tôi xấu số. Mẹ mất ngay sau khi tôi được sinh ra vì bị băng huyết. Ngày ấy cha tôi đang mải miết đi theo những tuyến lộ trình tận đảo Nam Du, ngoài khơi biển Kiên Giang, không về kịp. Cha đã khóc và tự trách mình rất nhiều. “Giá như cha không đi chuyến công tác Nam Du, giá như lúc mẹ sinh nở, có cha bên cạnh, cầm tay, động viên thì biết đâu, mẹ đã vượt qua được, không để hai cha con bơ vơ trên cõi đời…”.


5.

Cha tôi có ý định sẽ báo cáo với cấp trên về kho báu nên tôi quyết định đi trước một bước. Tôi đem chuyện kho báu kể với hai người bạn thân mà tôi có ý định sẽ lập thành một nhóm khảo sát, là Dũng và Thành. Thành là bạn học với tôi từ thời đại học, hiện cùng làm việc chung một phòng; còn Dũng là thầy dạy ka-ra-te của tôi ở câu lạc bộ võ thuật. Tôi chọn Dũng vì anh khỏe mạnh và giỏi võ, có thể hỗ trợ tôi khi cần. Cả hai đều bị thuyết phục bởi những tài liệu về kho báu, cùng câu chuyện về cái hang rắn ở bản Đắk-riên mà cha tôi đã kể cho tôi. Tâm đầu hợp ý, chúng tôi nhanh chóng lên kế hoạch đi tìm kho báu.


6.

… Đã sang ngày thứ 3 kể từ khi đến bản Đắk-riên nhưng Lâm vẫn chưa tìm được kho báu. Giờ nhóm chỉ còn lại Lâm và Thành. Ngay ngày đầu tiên, sau khi rời khỏi Đắk-riên, Dũng bị rắn độc cắn, Lâm và Thành phải khiêng hắn trở lại bản để nhờ đồng bào chữa trị. Tình thế bắt buộc Lâm phải thuê K’Bình bổ sung vào nhóm, mặc dù không muốn. Ka Bình trẻ, khỏe, lại là trưởng bản, chắc chắn thông thạo địa hình. Với lại, không hiểu sao, mỗi lần nhìn K’Bình, Lâm có cảm giác thân quen, gần gũi…

 Ngày thứ hai, cả ngày ròng rã băng rừng, lội suối, cuối cùng Lâm phát hiện nhóm đi lạc. Nghi ngờ, Lâm dùng dao chặt mấy cành cây bên đường đánh dấu. Đi lòng vòng mãi, lại thấy mấy cành cây bị chặt. Lâm đoan chắc là K’Bình cố ý, không muốn đưa Lâm đến khu vực kho báu! Sáng hôm sau, khi K’Bình còn ngủ say, Lâm và Thành lén bỏ đi…

Lâm và Thành đi dọc theo con suối trong hang rắn trắng. Vừa đi, vừa cẩn thận quan sát. Không thấy con rắn nào, chỉ thấy mấy bộ xương người mủn nát, đen sì. Nghĩ đến câu chuyện “tiểu thuyết” mà ông Bình kể, Lâm cười thầm: “hoang đường!”. Cuối hang có một cái thác, nước chảy mạnh, dòng suối trở nên sâu, rộng hơn. Đường đi bên suối bị thu hẹp lại, hiểm trở. Vừa ra khỏi hang, Lâm ngỡ ngàng nhìn thấy ông Bình đứng chắn giữa đường. Ông Bình mặc đồ bảo hộ, vai mang ba lô, tay cầm búa địa chất… đang đón đợi Lâm. Ở cơ quan, ba ngày liền ông Bình không nhìn thấy Lâm, hỏi không ai biết. Nghi ngờ, về nhà lục cái hòm gỗ, thấy mất tấm bản đồ, ông đoán ngay ra sự việc, nên tức tốc đi Đắk-riên tìm Lâm. Ông không dám ghé vào bản mà đi thẳng đến hang rắn trắng, vì sợ không đuổi kịp Lâm. Nơi ông đứng là độc đạo dẫn đến kho báu mà bất cứ ai muốn đến cũng phải đi qua.

Nhìn thấy Lâm và Thành, Ông Bình nói to:

- Hai đứa về ngay!

- Cha...! Sau một lúc ngỡ ngàng, Lâm nói - Bọn con đã đi được đến đây, giờ không thể không vào kho báu.

- Không được. Vào đó là chết. Con không nhìn thấy những bộ xương ở kia à?

- Cha sợ thì đừng đi. Bọn con không thể không đi! - Lâm nói một cách dứt khoát, rồi quày quả bước đi.

Ông Bình lao tới, ôm chặt Lâm. Hai cha con, kẻ cố bươn đi, người cố giữ lại. Lâm khỏe hơn nên một lúc sau đã kéo lê ông Bình theo. Ông Bình vừa thở phì phì, vừa cố kéo áo Lâm giữ lại. Giằng co. Lúc lâu, ông Bình tuột tay, chới với, ngã xuống suối. Quá bất ngờ, Lâm và Thành không kịp phản ứng.

- Cha! Lâm thét lên, loạng choạng.

Gần như cùng lúc, một bóng người lao xuống suối theo ông Bình.

Ông Bình chìm nghỉm, nhưng ngay lập tức người đàn ông lạ kia đã lặn xuống theo sát ông. Một lúc sau, hai người nổi lên, trôi xuôi theo dòng nước xiết.

Đứng trên bờ theo dõi một lúc, gương mặt Lâm trở lại bình tĩnh hơn, anh quay sang nói với Thành:

- Đi thôi.

- Thế còn... Giám đốc? Thành nói.

- Không sao đâu. K’Bình cứu được ông ấy rồi.

… Ngay từ khi Lâm vào bản, trình giấy tờ, xin phép được đi khảo sát, K’Bình đã có ý nghi ngờ. Sự nghi ngờ mang tính bản năng: Bất cứ kẻ lạ mặt nào đến bản đều có thể là kẻ dòm ngó kho báu! Lâm tuy thông minh, phát hiện ra mình bị lừa, trốn đi riêng, nhưng không thể qua mặt K’Bình. K’Bình lẳng lặng bám theo Lâm, khi ông Bình bị rớt xuống suối, anh đã có mặt kịp thời!

K’Bình đưa ông Bình lên một doi cát, ân cần hỏi:

- Bác có đau chỗ nào không?

Ông Bình vuốt những giọt nước trên mặt, nhìn K’Bình chăm chú, nói:

- Cám ơn cháu. Bác không sao.

- Vậy tốt rồi. K’Bình nói. - Bác ngồi đây nghỉ một lúc nhé. Giờ cháu phải đi ngăn tụi kia lại.

- Ừm. Cháu đi nhanh, bằng mọi cách phải ngăn chúng lại giúp bác.

K’Bình chạy theo lối tắt, chặn đường, đứng chờ Lâm và Thành.

Hai bên giáp mặt nhau, K’Bình nói to:

- Tôi biết hai người muốn vào kho báu của bản Đắk-riên. Tôi cấm!

Lâm nói:

- Chúng tôi đi khảo sát địa chất, ai cản trở chúng tôi là đang cản trở người thi hành công vụ đó!

- Tôi không cần biết các anh khảo sát gì, tôi có trách nhiệm phải ngăn cản, không cho bất cứ ai đến đây.

- Còn chúng tôi thì phải thi hành nhiệm vụ. Lâm nói khảng khái.

- Nếu vậy, K’Bình trả lời - Anh phải đi qua xác tôi.

- OK! - Lâm nói, vừa cởi áo ném xuống đất một cách dứt khoát, rồi làm mấy động tác thể dục, mục đích là để khoe hình thể đẹp, với cơ bụng sáu múi nổi cuồn cuộn của mình, nhằm hù dọa K’Bình.

K’Bình cũng định cởi áo, bỗng anh nhìn thấy mảnh đá màu xanh trên ngực Lâm. K’Bình hơi sững người, săm soi nhìn. Vừa nhìn, K’Bình vừa luồn tay vào ngực áo, lôi ra một sợi dây cũng có đeo một mảnh đá xanh, giống hệt như của Lâm. K’Bình tay cầm sợi dây, đi về phía Lâm. Hai người nhìn nhau, vừa nhìn mảnh đá của người kia, ánh mắt ngỡ ngàng… K’Bình nhẹ nhàng cầm mảnh đá trên ngực Lâm, ghép vào mảnh đá trên tay mình. Hai mảnh liền như một!

Lâm lặng người, ngỡ ngàng nhìn K’Bình. Giây lâu, K’Bình chủ động ôm Lâm một cách trìu mến, tay vỗ vỗ vào lưng Lâm, nói:

- Chúng mình là anh em mà?!

Ông Bình đến từ lúc nào, sững sờ trước sự việc đang xảy ra. Lúc lâu sau, ông bước tới, ôm chầm lấy hai người con. Nước mắt chảy đầm đìa trên gương mặt méo xệch của ông.

Ba người đàn ông đứng lặng, ôm nhau không nói được câu nào.

Lúc lâu sau, K’Bình nói:

- Mình về thôi. Mẹ đang chờ cha…

Thành từ nãy đến giờ chỉ biết đứng nhìn, ngơ ngác, hồi hộp như đang xem một bộ phim, bỗng cất tiếng:

- Thế còn kho báu? Chuyện kho báu giải quyết thế nào ạ?

Mọi người nhìn nhau.

Ông Bình đưa tay vào ba lô, lấy ra mấy cục đá màu vàng lấp lánh, chìa ra trước mặt mọi người, rồi hướng về phía K’Bình, hỏi:

- Có phải kho báu của bản chứa cái này không?

K’Bình nhanh nhảu đáp:

- Đúng rồi. Là vàng đó. Vàng non. Mai mốt nó đủ tuổi bản ta sẽ rất giàu có. Mà sao cha có thứ này?

Ông Bình cười, nói:

- Ta nhặt nó ở dưới lòng suối, nơi lúc nãy bị té xuống. Trên đường đi tới đây, cha quan sát thấy nó xuất hiện mỗi lúc một nhiều hai bên vách suối. Căn cứ vào điều kiện địa chất, địa hình, khoáng sản… cha biết chắc chắn, kho báu chứa thứ này. Nhưng đây không phải vàng. Nó chỉ là quặng sắt chứa nhiều lưu huỳnh nên có màu vàng, giống như vàng, nên rất dễ bị nhầm lẫn. Nhiều nơi trên thế giới, nhiều người, nhiều bộ tộc cũng đã từng bị nhầm lẫn như vậy. Thứ quặng này có thể luyện sắt, làm cái cuốc, cái dao, nhưng không thể luyện vàng. Nó cũng không phải vàng non, nên dù để lâu đến mấy cũng không thể trở thành vàng. - Quay sang phía Lâm, Thành, ông Bình nói tiếp. - Tên gọi của nó là pirit, hay pirit sắt, công thức là FeS2… Ngay cái tên gọi của nó đã nói lên tất cả, rằng, nó là sắt, không phải vàng!


ĐOẠN KẾT

… Nhiều năm trôi qua. Tôi giờ đã là một người đàn ông trung niên, từng trải. Có điều, tôi không giàu như lúc còn trẻ tôi hằng mơ ước, nhưng tôi cảm thấy rất vừa lòng với công việc và cuộc sống bình thường hiện tại của tôi! Cha tôi đã nghỉ hưu. Ông về bản Đắk-riên sống với dì Ka Bia. Tôi thay cha tôi làm Giám đốc đoàn địa chất Y. K’Bình cũng làm cùng cơ quan với tôi. Anh là đội trưởng đội thi công. Chúng tôi đều đã có gia đình riêng và sống với nhau rất hòa thuận.

Và còn một điều nữa, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên chuyện kho báu, câu chuyện luôn ám ảnh, thức tỉnh tôi trong suốt một thời trai trẻ!

 

N.T.S


 ​

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​