Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Tản mạn về một vùng đất

Bút ký Hoàng Ngọc Điệp

(Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 42)





Tôi về Lâm San lần đầu khi xã còn thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc, chưa thuộc Cẩm Mỹ như bây giờ. Ký ức về vùng đất có cái tên đẹp mà xác xơ nghèo suốt hơn hai chục năm vẫn bám riết lấy đầu óc tôi…

Mấy năm vừa rồi, nhà văn Đào Sỹ Quang có loạt bài ghi chép khá sinh động về xã Lâm San đạt chuẩn nông thôn mới. Tôi đọc, nửa tin nửa ngờ. Rồi Chủ tịch xã Nguyễn Huy Phê được mời lên giao lưu nhân việc Hội VHNT tổng kết Trại sáng tác về nông nghiệp, nông thôn, nông dân của tỉnh. Lưu loát, sắc sảo, lập luận chặt chẽ, nói đâu chứng minh đó, Chủ tịch  xã Lâm San khiến chúng tôi bất ngờ và nể phục. Từ bữa đó tôi tự nhủ nhất định phải trở lại Lâm San, để xem công cuộc đổi mới ở đây ra sao, có thật sự “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” hay không?

Dự tính là vậy, nhưng mãi tới khi anh Phê gọi điện mời, đưa cả ô tô tới đón tôi mới thực hiện được chuyến về lại Lâm San. Cùng đi với tôi còn có bạn văn Trâm Oanh, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh. Tài xế đưa chúng tôi về thẳng Uỷ ban Nhân dân xã… Sông Ray, nơi chủ nhà đang chờ đón. Thì ra, anh Phê đã được huyện Cẩm Mỹ điều động về làm Bí thư xã Sông Ray. Tôi chưng hửng. Anh Phê vui vẻ nói, dù đã được điều động về Sông Ray, anh và cán bộ Lâm San vẫn là chỗ người nhà. Bằng chứng là đón chúng tôi ngoài lãnh đạo xã Sông Ray gồm Bí thư Nguyễn Huy Phê, Chủ tịch Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Bùi Thị Liên còn có cả anh Nguyễn Sỹ Sơn, Phó Chủ tịch xã Lâm San. Hôm nay các anh chị sẽ dẫn tôi và Oanh về thăm cả Sông Ray lẫn Lâm San, một xã mới và một xã cũ cùng có “duyên nợ” với anh Phê.


Huy Phê.jpg
Đồng chí Nguyễn Huy Phê (giữa), ảnh HNĐ.



Trên dọc tuyến tham quan, thực tình tôi không phân biệt được ranh giới địa lý giữa Lâm San và Sông Ray, vì các con đường liên xã, đường nội đồng đều đã trải nhựa, hoặc đổ bê tông. Hai bên đường, vườn tược xanh ngút, nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ. Có những con đường cỏ đậu lấm chấm hoa vàng, bên trong là hàng dừa, đẹp như lối vào khu du lịch. Uỷ ban Nhân dân xã Lâm San khang trang, sáng sủa khiến tôi bồi hồi nhớ ngày trước đi công tác xuống các xã vùng sâu có khi phải vừa ngồi ghi chép, vừa quờ tay xuống gầm bàn… đập muỗi. Cái thời khó nghèo lạc hậu ấy xem ra bây giờ chỉ còn lưu lại trong ký ức.

Anh Phê cho biết, dân Lâm San, Sông Ray hầu hết đến từ các tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nam Định và một số tỉnh miền Trung. Thật kỳ diệu, vùng đất mới giang tay chào đón những người con xa xứ, để rồi giống như chú chim thần “ăn khế trả vàng’, họ cũng dốc lòng vun bồi xứ sở này. Sẵn tính cần cù, chịu thương chịu khó, vào Cẩm Mỹ, bà con khai khẩn đất đai để trồng trọt, làm mô hình VAC, buôn bán nhỏ, làm dịch vụ... Đất không phụ người, mồ hôi đổ đến đâu, đất ra hoa kết trái đến đó. Những hàng rào ven đường lúc lỉu dàn gấc, dừa xiêm lùn chĩu chịt trái từ gốc lên ngọn. Một ông già gốc Hải Dương chặt một quày dừa đưa qua hàng rào, mời chúng tôi uống giải khát. Nước dừa ngọt lịm, thấm đến tận gan ruột. Thời điểm này thương lái thu tại vườn 8.000 đ/trái dừa, vườn của ông già có khoảng trăm cây, vị chi ngót ngét trăm triệu đồng. Và không chỉ có gấc, có dừa. Chúng tôi ghé nhà một nông dân, bà dẫn chúng tôi ra thăm hồ cá nuôi. Tôi nhìn làn nước đục lờ, nghe chủ nhà giải thích thời điểm này cá đã qua vụ thu hoạch, đủ loại cá nước ngọt, con nào cũng vài cân mới bán. Ở một gia đình trẻ, chúng tôi ngỡ ngàng thấy hồ cá rất rộng, trên bờ chủ nhà còn dựng cái chòi bát giác mái ngói đỏ tươi làm chỗ thưởng ngoạn. Thì ra, bây giờ người trẻ ngay đến làm kinh tế VAC cũng rất lãng mạn, chuộng cái đẹp. Chủ tịch xã Sông Ray Nguyễn Văn Hạnh cho biết, xã hiện có khoảng 600 hộ, 1/3 số hộ, tức khoảng 200 gia đình làm mô hình vườn ao chuồng. Con số khiến tôi giật mình. Nó nói lên sự trù phú và năng lực tiềm ẩn của vùng đất mới cách đây chưa lâu còn hoang sơ, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm.

Suốt dọc đường, tới đâu tôi cũng được nghe những câu chuyện lạ và thú vị trên hành trình đổi mới. Như cánh đồng thoảng mùi hương ngọt ngào của lúa đang thì con gái. Theo anh Phê thì nó rộng khoảng 40 ha, trong đó có 10 ha trồng toàn giống lúa ST 24 thơm ngon, đã có chứng chỉ VietGap cuối năm 2019. Anh bảo, nhắc tới cánh đồng này ai cũng biết nó thuộc xã Sông Ray, vì đây là cánh đồng duy nhất trồng lúa còn lại của xã. Điểm đặc biệt là con đường chạy qua cánh đồng dài và thẳng tắp có một bên trồng cau, sát bờ là con mương nhỏ tráng bê tông. Hóa ra con đường độc đáo này là ý tưởng của anh Cao Văn Quang - Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ. Qua lần về thăm đồng lúa Sông Ray thấy khung cảnh thanh bình, anh nói: “nên trồng cau và duy trì nguồn thủy sản tự nhiên”. Anh Quang chủ trương trồng cau ven đường để người dân trong xã có gốc gác miền Trung, Bắc đi qua sẽ nhớ về quê hương ruột thịt. Cảm kích trước suy nghĩ của vị bí thư nặng lòng với nơi chôn nhau cắt rốn, Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm đã hỗ trợ một phần giống cau. Câu chuyện như trong huyền thoại này khiến tôi nao lòng. Vậy là dù ở quê mới làm ăn thuận lợi, đời sống sung túc hơn, nhưng anh Quang vẫn “uống nước nhớ nguồn” và nhắc nhở bà con đừng “có mới nới cũ”. Cũng trên cánh ruộng này, mùa thu hoạch xong, đồng trống, buổi chiều bà con mang diều ra thả, những cánh diều no gió màu sắc rực rỡ tươi vui bay liệng trên bầu trời cao rộng, mang lại cảm giác về sự thanh bình, an yên tự tại. Anh Phê khoe, rồi đây xã sẽ tổ chức cho bà con thi thả diều - một thú chơi dân dã mang đậm hồn cốt Việt Nam. Xã còn muốn tiếp tục mô hình “làng vui chơi, làng ca hát” như trước kia từng tổ chức ở xã Sông Ray - Lâm San để bà con được “xả stress” sau những giờ lao động vất vả. Tôi cũng đồng tình với cách nghĩ rất nhân văn của các vị lãnh đạo xã.

 Bây giờ anh Cao Văn Quang đã là cán bộ cấp tỉnh, “con đường cau” trở thành biểu tượng về tình nghĩa thủy chung của người Sông Ray đối với quê hương, nguồn cội.

Không chỉ có con đường cau, sông Ray còn có đoạn đường phủ bóng mát cây xà cừ cổ thụ. Chị Bùi Thị Liên chính là tác giả của hàng xà cừ trứ danh này. Thời còn làm Bí thư Xã đoàn, chị đã chủ trương huy động đoàn thanh niên trồng cây xà cừ để lấy bóng mát và làm đẹp cảnh quê. Sau này bà con nhiều người muốn… chặt xà cừ đi để lấy đất trồng khoai, trồng rau, nhưng lãnh đạo xã không đồng ý, vì không thể ưu tiên cái bao tử mà bỏ đi cái đẹp, cái tiện ích. Anh Phê đùa, hàng cây xà cừ lớn đến đâu, chị Liên… thăng chức đến đấy, giờ chị đã là Phó Chủ tịch xã Sông Ray. Tôi thấy khâm phục người phụ nữ nhỏ nhắn, năng động, dám làm cái điều chưa ai làm. Mỗi năm Sông Ray phải mua hàng chục ngàn cây cau giống, cây hoa giống như mẫu đơn, muồng hoàng yến, cẩm tú mai… để trồng, cắt cử công chăm sóc. Rõ là để giữ được vẻ đẹp làng quê nào có giản đơn, cũng bận rộn tốn kém ra trò.

Trên đường ra hồ Sông Ray, chúng tôi ghé thăm Nhà văn hóa dân tộc. Buổi trưa vắng vẻ, Nhà văn hóa trông khang trang, đẹp đẽ nhưng cửa đóng kín. Trò chuyện với Giám đốc Nhà văn hóa tôi được biết, mùa Covid ảnh hưởng ít nhiều tới sinh hoạt văn hóa của người dân, vì phải giãn cách, không tập trung đông người. Có cơ sở tốt rồi nhưng kinh phí hoạt động, trang thiết bị, cán bộ có trình độ nghiệp vụ, biết tổ chức cho dân sinh hoạt văn hóa vẫn là một thách thức lớn. Tôi hiểu, tình trạng ấy là mẫu số chung của cả tỉnh, không riêng gì ở Lâm San hay Sông Ray, điều đáng mừng là hoạt động văn hóa, thể thao như tập hát, tập múa, thi bắn cung nỏ trong ngày lễ hội vẫn được xã duy trì, đó là cố gắng lớn của chính quyền địa phương và cán bộ văn hóa xã. Trong tương lai gần, Sông Ray còn tổ chức các câu lạc bộ hát Then ở những ấp có đông đồng bào Tày, Thái, Nùng… để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Mải nghĩ về sự đổi thay kỳ diệu của vùng đất mới ngày nào còn “giật gấu vá vai” chúng tôi tới hồ Sông Ray từ khi nào. Không gian mở ra hút tầm mắt, gió thổi mát rượi. Chúng tôi đứng ngắm hồ nước long lanh, rộng bát ngát dưới nắng trưa, lan man nghĩ đến tiềm năng du lịch của nơi này. Sông Ray, suối Thề chính là nguồn nước dồi dào đảm bảo tưới tiêu cho 500 ha cây trồng, trong đó có những loại cây trái chỉ nhắc tới tên đã thấy hấp dẫn như chôm chôm, mít, măng cụt, sầu riêng, dừa, bưởi… Anh Phê thoáng chút trầm ngâm, anh bảo làm nông nghiệp sạch thì ok, còn làm nông nghiệp hữu cơ thì… phải tính. Vì oái oăm là có những loại cây bắt buộc phải bón phân thì trái mới có hương vị thơm ngon, không bón phân thì không ngon, thậm chí mất cả vị ngọt.

Qua chia sẻ của cán bộ xã Lâm San và Sông Ray, tôi được biết, bước chuyển mạnh mẽ trong đời sống nhân dân hai xã bắt đầu từ khoảng 10 năm trước, thời điểm hoàng kim của cây tiêu. Nhưng 3 năm gần đây, tiêu rớt giá, lúc cao nhất đạt 220.000đ/kg, hộ gia đình thu nhiều nhất khoảng 30 tấn. Hiện tại giá thu mua là 60.000 đ/kg tiêu, nhưng phải 100.000đ/kg thì bà con mới có lãi, nghĩa là người trồng tiêu đang… lỗ. Gia đình anh Sơn mỗi năm thu từ 6-7 tấn tiêu, năm nay cũng mất một khoản không nhỏ. Nhưng làm nông nghiệp lời lỗ bấp bênh là không thể tránh, ai cũng hiểu điều ấy để “liệu cơm gắp mắm”.

 Lâm San, Sông Ray đổi đời nhờ giải quyết được thủy lợi, tận dụng điều kiện tốt về thổ nhưỡng đất đai, thời tiết, truyền thống cần cù lao động của người dân… Nhưng yếu tố đầu tiên, không thể thiếu, đó là vai trò gương mẫu của những người “đứng mũi chịu sào” như anh Phê, anh Hạnh, anh Sơn, chị Liên… Tôi đã đọc tỉ mỉ Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ xã về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kế hoạch phát triển hạ tầng gắn với du lịch sinh thái vườn, kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm… Tất cả đều được thể hiện ngắn gọn, rõ ràng, súc tích, đầy đủ số liệu. Mọi thứ đều “rõ như ban ngày”, từ chủ trương, kế hoạch, giải pháp, quy trình, kết quả… Nhìn vào đó việc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” rất thuận lợi. Có một câu chuyện thật mà như đùa khiến tôi vừa buồn cười, vừa cảm động. Đó là việc cộng đồng bà con các dân tộc thiểu số ở Sông Ray không có người đủ chuẩn để làm trưởng ấp, tức là có trình độ học vấn cấp ba. Đám trẻ có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học thì chẳng ai mặn mòi với chức Trưởng ấp. Vậy là cái khó ló cái khôn, lãnh đạo xã bèn nghĩ ra “chiêu độc”: ủng hộ tôn, vật liệu xây dựng rồi dựng nhà cho trưởng ấp ở, để ông này an tâm gắn bó với công tác quản lý địa bàn. Chẳng biết có phải “gãi trúng chỗ ngứa” không mà vị trưởng ấp này đến nay vẫn gánh vác nhiệm vụ ngon lành, chẳng thấy phàn nàn gì.

Theo suy nghĩ và cảm nhận của tôi, lãnh đạo xã Sông Ray, Lâm San cùng với người dân có thể thay đổi diện mạo của cả một vùng đất chính là vì họ có trong tay “chiếc chìa khóa vàng”, đó là sự đoàn kết, nhất trí cao trong mọi quyết sách. Phân công nhiệm vụ mỗi người một việc nhưng trách nhiệm thì không phân chia. Ví dụ như không “khoán trắng” công tác dân vận cho Mặt trận Tổ quốc xã mà Ủy ban xã cũng phải ghé vai gánh vác, vì tiếng nói của Uỷ ban sẽ “nặng ký” hơn tiếng nói của Mặt trận. Dân gian có câu “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, sự đồng lòng nhìn về một hướng vốn không dễ, bởi mỗi người một nhận thức, một cá tính, khát vọng riêng. Nhưng lãnh đạo Lâm San, Sông Ray đã làm được, họ bắt tay nhau cùng vạch ra đường hướng, huy động mọi nguồn lực để hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo của mình. Thu nhập trung bình của người dân các xã Sông Ray, Lâm San bây giờ xấp xỉ 74,8 triệu/người, một phần nhờ những hộ dân buôn bán ngoài ngã ba ngã tư có thu nhập khá đã đẩy mức thu nhập chung lên cao. Cũng lạ, chỉ một ngã tư mà có tới 3 ngân hàng, 2 siêu thị, cho thấy sức tiêu thụ của người dân nông thôn bây giờ không thua gì thành thị. Với 18.182 nhân khẩu trong đó bà con dân tộc thiểu số là 1.018 hộ, xã Sông Ray bây giờ chỉ còn 8 hộ nghèo và đều là hộ dân tộc ít người, đó là con số cách đây chưa lâu có lẽ vẫn còn là… mơ với nhiều người.

Dĩ nhiên, dù đã tiến những bước dài, chưa thể nói Sông Ray, Lâm San đã giàu, đẹp. Với trên 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trình độ nhận thức, trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật hạn chế, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt còn tồn tại những mặt tiêu cực, lạc hậu thì việc thoát nghèo bền vững vẫn luôn là một thách thức. Còn đó những tiêu chí chưa đạt để có một nông thôn mới hoàn chỉnh, người nông dân vẫn một nắng hai sương trên đất đai của mình, họ còn phải đối phó với đủ thứ dịch bệnh, rủi ro. Kế hoạch phát triển hạ tầng gắn với du lịch sinh thái vườn nhằm khai thác khí hậu ôn hòa, vẻ đẹp của hồ Sông Ray, suối Thề đã đi đúng hướng nhưng nguồn lực mỏng nên tiến triển chậm. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia mỗi địa phương một sản phẩm tiêu biểu, xã chọn sản phẩm cá nước ngọt Sông Ray và gạo sạch làm sản phẩm Ocop nhưng để có sản phầm ổn định thì còn rất gian nan… Tôi hiểu, muốn duy trì thành quả của đổi mới, nhân dân có cuộc sống vật chất và tinh thần đầy đủ, nếp sống văn minh thì cán bộ và nhân dân Sông Ray, Lâm San còn phải đổ nhiều mồ hôi, công sức.

Liệu ở những ấp văn hóa của Lâm San, Sông Ray có còn người nghiện ma túy, còn đám trẻ tóc xanh tóc đỏ hay trốn học không anh, cô bạn văn Trâm Oanh của tôi băn khoăn hỏi. Bí thư Nguyễn Huy Phê đáp ngay, vẫn còn. Tôi tin các anh nói thật. Không còn mới là lạ. Vì dân nghiện hay đám trẻ chưa ngoan giống như cỏ dại, có mặt ở khắp nơi, càng hang cùng ngõ hẻm chúng càng dễ trà trộn vào dân, dễ gì một sớm một chiều có thể “nhổ tận gốc trốc tận rễ ”. Nhưng cái xấu, cái tiêu cực trong đời sống giống như cục đá chắn ngang dòng suối, nếu sức nước lớn thì cục đá sẽ bị cuốn trôi. Anh Sơn quả quyết chỉ đôi năm nữa bộ mặt của Lâm San sẽ rất đẹp. Anh khoe cán bộ trẻ bây giờ được đào tạo tốt, lại hấp thụ làn gió đổi mới nên có tư duy nhanh nhạy, bắt kịp ngay với nề nếp của lớp cán bộ cựu trào. Tôi thì nghĩ, lứa anh Hạnh, Phê, anh Sơn, chị Liên cũng đang thời kỳ sung sức, tràn đầy năng lượng, họ sử dụng công nghệ thành thạo, lại giàu tâm huyết, khát vọng, nhất định sẽ cùng nhau biến vùng đất Lâm San, Sông Ray thành “vùng đất đáng sống” của huyện Cẩm Mỹ nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung.

H.N.Đ​

H.N.Đ

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​