Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Bạn nhà quê



Bút ký của Hoàng Tiến Điểm

(nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 42)


Tuổi thơ tôi là những tháng ngày lặn lội, gắn liền với "cái đó, cái đơm, cái rơm, cái rạ"; và cùng với bao nhiêu bài đồng dao quen thuộc khác. Trưởng thành, tôi lên thành phố Hải Dương làm việc. Sáng đi làm, đến tối hễ tiếng chuông nhà thờ ngân vang là tôi đã về đến nhà, nên mọi người nói về tôi là thành phần “ly nông bất ly hương”. Sau biến cố về sức khỏe, tôi không còn dẻo dai và phù hợp với thời tiết mùa đông giá lạnh miền Bắc. Tôi đành phải làm một cuộc cách mạng, đưa cả gia đình Nam tiến, định cư tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Từ đây tôi “ly nông và ly hương” thật rồi. Tạm gác lại nghiệp văn chương, tôi chuyển theo công việc kinh doanh. Cũng từ đó, công việc kinh doanh bù đầu, lấp dần đi những kỷ niệm tuổi thơ. Nhưng rồi duyên nghiệp của tôi cũng không thể “trách lẫn trời gần, trời xa”. Sắp xếp mãi, tôi mới có một dịp về thăm quê nhân chuyến đi thực tế sáng tác cùng nhóm văn nghệ sĩ thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.

Đã từ lâu, thiên hạ nhận xét làng tôi là phố trong làng. Giờ đây, nhà cao tầng, đủ kiểu cách, màu sắc khiêm tốn nép dưới tháp chuông nhà thờ xứ vẫn sừng sững, chót vót. Đi bộ tắt qua cánh đồng lúa mơn mởn thì con gái để đến cơ ngơi của anh bạn đồng môn. Đêm qua, có trận mưa rào đầu mùa, đường trơn nên phải dò từng bước. Hương lúa ngào ngạt làm tôi thấy xốn xang. Nhớ lại những buổi đi làm cỏ, sục bùn, lá lúa gai gai quạc vào mặt rằm rặm. Bất chợt, tôi đưa tay xoa lên má, thấy gờn gợn khi nghĩ đến làn da mỏng manh tuổi mười lăm bị vài vết xước do lá lúa cứa vào thành vệt đỏ dài, nhỏ li ti. Mải nghĩ, tôi trượt chân suýt ngã...


Mh Bạn nhà quê.jpg



Thế mới biết anh bạn đồng môn của tôi "liều" thật, nhà trong làng có đường bê tông chạy đến tận cổng mà không ở, lại mò ra tận khu triều trũng cuối làng để lập trại, đường đi lối lại mới vất vả làm sao. Ngày nó có ý định "tậu" khu triều trũng này của xã, ai cũng gàn. Nhưng nó khăng khăng: "Khôn lập trại, dại xây nhà". Sau khi hoàn tất với UBND xã về các văn bản, thủ tục cho cải tạo và thuê lâu dài tới bốn chín năm lận. Khu triều trũng hơn ba mẫu Bắc bộ giao vào tay nó với nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp hoang hóa trong năm năm, giảm thuế này thêm năm năm nữa. Thế là bao nhiêu vốn liếng vợ chồng tích cóp được từ những công việc hiện có của làng nghề Phú Lộc, nổi tiếng nhất tỉnh Hải Dương: Nghề chưng cất rượu truyền thống. Ngoài ra còn nghề tráng bánh đa nướng, bánh mỳ sợi, làm bún, hàng xáo… Mạnh dạn vay mượn thêm để đầu tư cải tạo khu ruộng trũng thành một trang trại. Thỉnh thoảng nó gọi Zalo, Facebook cho tôi, qua hình ảnh công việc, cơ ngơi và mô hình trang trại mà tôi mừng cho nó. Đặc biệt là giọng cười của nó hể hả làm sao: “Con cháu bà Nghi Địch (Thủy tổ làng nghề nấu rượu) chỉ thế thôi. Cứ bám lấy nghề truyền thống thì bao đời nay chẳng lo bị đói… Khà…Khà!”.

 Gần tới dinh cơ của nó tôi mới thấy hết cái khôn từng có của nó. Chỉ có mươi năm thôi, nó đã có trong tay một trang trại quy củ, rộng lớn. Lòng quyết tâm, biết tính toán, cộng với sự chịu thương, chịu khó mà vợ chồng nó đã trở thành triệu phú chân đất, à quên, triệu phú chân gà. Nói chân gà để bạn đọc dễ hình dung, với người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thì “chân lấm tay bùn” đã bám đầy những váng mầu mỡ, màu vàng khè của chất phèn thôi do cải tạo đất mà ra. Phải hôm thời tiết hanh, da căng rạn nứt trông từa tựa… chân gà.

Thấy tôi đến chơi, anh bạn ló đầu qua vòm vải thiều nói to:

- Cậu vừa vồ được ếch hả? Nhưng món ếch nấu chuối, đậu không ngon bằng món này đâu. Tớ sẽ đãi cậu món đặc sản làng.

 Hai bàn tay nó vàng khè, dứ cái túi vải bên trong bùng nhùng, lúc nhúc là bọ xít, loại côn trùng chuyên hút nhựa cây vải, nhãn để sống. Tôi hơi sững sờ, tưởng nói đùa, chứ ai lại thết khách từ miền Nam ra bằng cái loại hôi xì xì ấy. Nhìn hắn "làm thịt" lũ bọ xít một cách thuần thục, tôi bắt đầu tin nó thết mình món này thật. Nó hoà nước vôi tôi, để trong lại, đổ bọ xít vào, chúng xoè cánh ra rũ rượi, vặt chân, vặt cánh, rửa sạch, để ráo nước rồi thả vào chảo mỡ đang sôi. Mùi thơm của bọ xít rán kích thích khứu giác và tính tò mò của tôi. Thấy nó nếm, tôi cũng thử ăn... Chà! Quả là thơm thơm, ngầy ngậy, giòn giòn, không còn chút nào là mùi hôi của bọ xít. Hấp dẫn quá!

  Ngày bọn tôi học cấp hai trường làng, buổi trưa chúng tôi thường trốn ngủ, kéo nhau đi bắt bọ xít, dùng nhựa mít, nhựa sung đặc hoặc nhựa đường gắn vào cái xe tự chế bằng vỏ hộp kem đánh răng, có bánh xe làm bằng đồng xèng hay bằng cúc áo đại cán, măng tô cũng được. Ngày ấy, chỉ nhà ai có người đi bộ đội về phép hoặc đi làm việc trên tỉnh về, mới có vỏ hộp kem đánh răng bằng nhôm mỏng. Chúng tôi thường hay đến chơi, chờ cơ hội kem hết để xin vỏ về làm xe. Kiếm nhựa cây khó lắm, phải rình mò nhà ai có cây mít, cây sung liền mang dao băm trộm mấy nhát, đợi nhựa rỉ ra, hứng vào mảnh sành rồi đem phơi nắng mới có nhựa đặc. Nếu bị gia chủ phát hiện, nhẹ thì mấy cái véo tai, nặng thì bị mách bố mẹ, lúc ấy vài con lươn ở mông là cái chắc. Học kinh nghiệm của các anh lớp trên, những lần chúng tôi được bố mẹ đồng ý cho chạy bộ hơn mười cây số lên thị xã xem duyệt binh ngày Quốc khánh, khi về, đứa nào đứa nấy cũng đầy hai túi quần những mảng đường nhựa vụn vỡ bằng quả táo, to lắm thì bằng cái bánh rán. Kiếm cái nồi gang hỏng, chất đầy mảng đường nhựa mà đun lên. Đủ độ nóng thì nhựa đường chảy ra, trơ lại những hòn đá, hòn sỏi. Chắt nước nhựa vào cái chinh bát vỡ, để nguội nó đóng thành bánh mềm mềm, dẻo dẻo, dinh dính. Có đứa vội vàng cho tay vào thử độ mềm khi còn nóng, nhựa đường dính vào tay bị bỏng, bong ra cả mảng da, xót và rát làm sao, mấy ngày sau mới khỏi. Khi xe đã làm xong, chỉ cần véo cục nhựa bằng hạt lạc, hơ qua lửa, ịn vào xe thì dính luôn. Quan trọng là khi dính bọ xít vào cục nhựa đang mềm, nếu gắn thẳng dọc bọ xít với xe thì xe sẽ chạy thẳng, nếu gắn lệch thì kiểu gì xe cũng chạy lệch về bên ngược lại. Bọ xít càng cố bay lên hòng thoát khỏi cục nhựa, xe càng chạy nhanh và đi xa. Những cuộc thi xem xe của đứa nào đi nhanh và xa hơn cũng choán hết thời gian lông bông của chúng tôi...

 Gió từ tứ phía lướt qua những vòm cây trái trong vườn, nơi tôi đang thảnh thơi buông cần câu cá, dường như đọng lại quanh ngôi nhà hai tầng đơn sơ, mà chúng tôi đang "ôn cố tri tân". Đơn sơ vì khu đất này vẫn thuộc đất nông nghiệp, địa chính xã không cấp phép cho xây nhà kiên cố. Theo như miền Nam thì gọi là nhà một trệt một lầu lửng. Lầu lửng chủ yếu để chống nóng mùa hè và chứa đồ lặt vặt ít khi dùng đến.

Mùi hương nồng nàn của hoa vải, hoa nhãn tràn vào, cũng khác hẳn với hương tràm lưu luyến níu chân tôi với cái không khí oi nồng giữa mùa khô Nam bộ. Dưới ao, cá tung tẩy đùa giỡn, lọp tọp đớp những sợi thân cây chuối chẻ nhỏ, kéo những cọng cỏ rẽ nước ra xa, chả màng đến mồi câu của tôi. Trên bờ, giàn mướp vươn ra ao trĩu quả, hoa mướp nở vàng chóe, giàn bầu hoa trắng lơ thơ, cùng soi bóng lung linh trên những gợn sóng lăn tăn. Một cơn mưa rào đầu mùa nữa sắp ập xuống. Gà mẹ lục tục gọi đàn con đi trú mưa. Đàn lợn con rít lên đòi bú. Đám bọ xít trên cây bị động bay lả tả... Cảnh tượng ấy, âm thanh ấy chỉ có bạn tôi ở quê mới được hưởng no nê.

Thấy tôi không câu được con cá to nào ưng ý, nó vuốt ngược mái tóc hoa râm, lộ ra khuôn mặt đen đúa vì suốt ngày chật vật ngoài trời; nhe hàm răng hơi xỉn màu vì ám khói thuốc và nước chè, bảo:

- Tôi mới thu hoạch cá, đánh tỉa được cả thảy năm tấn, giờ ao bị động nên cá khó câu. Hơn nữa, sau dịch tả Châu Phi, gầy lại đàn lợn cả chục con lớn bé, bao nhiêu phân xả cả xuống ao, đàn cá mới thả bù cũng no trương bụng rồi.

- Một năm ông thu hoạch cá mấy bận? Tôi hỏi.

- Ba lần - Nó nheo mắt, hất hàm - Chủ yếu thực hiện phương pháp “đánh tỉa, thả bù”. Trước trận mưa rào đầu mùa đã phải thu, bởi trận mưa đầu mùa sẽ chứa nhiều thành phần a-xít, nước mưa từ trong làng đổ ra, cuốn theo nhiều chất bẩn lưu cữu, hàm lượng ô-xy trong nước giảm, kẻo cá ngộp là toi công chăm bẵm.

Nó kể, sự “hăng tiết vịt” của nó khi thầu khu này là dựa vào câu thành ngữ của các cụ: “Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc”. Mà gá bạc nó đã từng, dễ kiếm tiền ra phết. Tổ chức tại nhà nó trong làng cho đám vô công rồi nghề tụ tập chơi chắn cạ, tổ tôm, rút bất, đánh phỏm… Ngày ngủ, đêm thức, chỉ mất mấy phích nước, lạng chè, điếu đóm; mà nó thu lợi bằng năm bảy công thợ mộc. Chưa kể con bạc thua, nó “bơm” tiền và lấy lãi theo ngày; con bạc say sưa sát phạt quên ăn, khi đói gọi món ăn của nó thì nó tính một đi ba. Không ngày nào là không xảy ra cãi vã, chửi bới nhau; may là chưa có vụ nào choảng nhau, vì toàn người làng xóm cả. Xã mấy lần lập biên bản, vì chơi bài bạc nhỏ lẻ nên chỉ phạt hành chính. Nó nộp phạt mà vui như Tết, cam đoan không làm thế nữa, rồi đâu vẫn đóng đấy. Vợ con, anh em trong nhà nói cũng chẳng lung lay được. Chỉ đến khi tận mắt nó đọc sổ liên lạc của thằng con học lớp ba, trong mục nghề nghiệp của bố là: “Chứa gá cờ bạc”. Nó điên tiết lôi thằng con ra định cho một bài học. Thằng bé vừa sợ vừa nước mắt vắn nước mắt dài, mếu máo: “Nhà mình lúc nào cũng ầm ĩ, con không học được, cô toàn bắt đứng góc lớp…”. Kể từ đó nó thôi gá bạc và làm đơn xin xã cho cải tạo khu này. Xã cũng ủng hộ, làm thủ tục nhanh gọn để mau xóa được tụ điểm gây phiền hà, mất đoàn kết này.

Nó thuê thợ thuyền lặn cắt đất vượt lên một miếng đất rộng đủ cất một căn nhà hai gian, thưng vách, lợp rạ. Mấy “con bạc” trước, nay xung phong phụ giúp công, tiện thể xây luôn ba gian chuồng lợn, mỗi gian có thể nuôi được dăm con. Giúp nó trồng chuối quanh bờ, đào hố, múc bùn lên làm vồng trồng vải thiều, nhãn lồng. Nhộn nhịp như một công trường, chả bấy lâu đã hình thành nên một mô hình với tiêu chí VAC ngày ấy: “Muốn giàu thì nuôi cá, muốn khá thì nuôi heo (lợn), muốn thoát nghèo nuôi vịt”.

 Sự đời không mấy khi được suôn sẻ. Nuôi lợn, vịt, gà thì “Một tiền gà, ba tiền thóc”, các cụ dạy cấm có sai; khoản này lỗ chỏng vó. Cá thì tham nuôi nhiều, kiểu tính “mỗi cua một lỗ”, con nào con nấy đầu to hơn mình. Đận mưa rào đầu tiên, cá ngộp chết nổi trắng ao. Vợ chồng nhìn nhau mà chảy nước mắt vì xót của và cả vì mùi cá chết không chịu nổi. Chỉ vườn cây là tốt um, do được tưới bón bằng phân gà, phân lợn. Đành động viên nhau cố gắng, vay mượn thêm người thân, xã cũng bảo lãnh để ngân hàng cho vay theo dạng tín chấp, vì nhà đất trong làng đã thế chấp vay trước đó rồi.

 Xác định lại, phải lấy công làm lời. Nó hàng ngày đi khắp các sông, ngòi, mương, máng quanh đấy; ngụp lặn lấy rong tóc tiên, càng tôm, đuôi chó… thồ bằng xe đạp về để cho cá ăn. Hôm nào mưa, lạnh thì chẻ thân chuối đã thu buồng thảy xuống ao. Vợ thì nấu rượu, lời lãi cũng chẳng bao nhiêu, nhưng gỡ được bã để thêm vào chăn nuôi. Đàn lợn béo nung núc, gà vịt cung cúc, đàn cá đã mình to hơn đầu cũng nhung nhúc. Cuộc đời lại như tiên trong chu trình khép kín. Vẫn đận ấy, trời mưa rào mấy ngày liền tưởng thối đất thối cát; ai cũng bảo trời mưa như vậy là hết nước rồi. Nhưng đêm lại giáng cho một trận mưa to chưa từng có, nước ao mênh mông, trắng xóa. Đàn cá ngược nước lũ lượt leo lên đường làng tung tẩy dạo phố, rồi chui tọt vào các ao tù trong làng. Những con không chịu ngược thì xuôi dòng ra hết sông ngòi mương máng, tung tăng chén cả những bông lúa trên ruộng đang thời kỳ gục mặt.

Thế mới biết, làm nông phải “trông trời trông đát trông mây”. Trận mưa rào đầu tiên thì “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”, còn nuôi cá thì bất lợi thật. Chợt trong lúc tôi rửa ráy chân tay, tôi nhớ đến một bài thơ trong sách giáo khoa: “Mồ hôi mà đổ xuống đồng/ Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương/ Mồ hôi mà đổ xuống vườn/ Dâu xanh lá tốt vấn vương tơ tằm/ Mồ hôi mà đổ xuống đầm/ Cá lội phía dưới, rau nằm phía trên/ Mồ hôi xuống, cây mọc lên...”.  Thất bại lần hai của nó là chưa học hết kinh nghiệm nuôi cá là phải “sâu ao, cao bờ” cổ nhân đã dạy mà thôi.

Chúng tôi ngồi vào mâm cơm mà vợ con anh bạn đã dọn sẵn bên thềm. Món ăn được chế biến toàn là đồ “của nhà nuôi trồng được”. Bên mâm cơm không thể thiếu cút rượu đặc sản của làng nghề truyền thống, ngâm với thang thuốc của bậc tiền nhân Tuệ Tĩnh, vị Tổ thuốc Nam quê nhà. Cao hứng, hắn tung tẩy:

- “Rượu ngon bạn hiền nghìn chén thiếu/ Người không tri kỷ nửa câu thừa”. Đang ngâm nga mà hắn đột ngột - Mà thôi, chẳng dám múa rìu qua mắt “nghệ nhân chữ” nữa.

- Cứ như ông là hơn đứt tôi đấy - Tôi bảo - Dân chữ nghĩa khổ thấy bà nội (đá tiếng Nam một chút). Ăn nói, viết lách phải đắn đo từng câu chữ, có người phát rồ vì ngộ chữ ấy chứ chẳng chơi. Mấu chốt là “Cơm áo không đùa với khách thơ”.

Đĩa bọ xít rán đầy tú hụ vơi dần theo những câu chuyện xa gần. Còn  tôi vơi đi những lo toan, tính toán, vật lộn với chốn thương trường, văn chương. Tôi cám ơn vợ con nó vì bữa ăn ngon. Nó rướn mắt lên ngầu ngầu, sẵng giọng và có chút nhòa nhòa:

- Tao còn chưa cám ơn mày thì thôi. Vào đây!

Nó đã chuếnh choáng, nhưng vẫn đủ sức xốc tôi theo nó, vì tay nó là tay của người lao động, chắc như cánh tay hộ pháp, đưa tôi vào phòng ngủ và chỉ tay về phía trên nóc tủ, ra lệnh:

- Mày nhìn đi! Có phải sản phẩm này của mày không? Đọc đi…!

- “Giã gạo/ Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông...” - Tôi nhận ra và nhấn nhá từng chữ - “Sống ở trên đời người cũng vậy…”.

  Nó sốt ruột đọc nhanh như hét lên: “Gian nan rèn luyện mới thành công, Hồ Chí Minh” - Giọng chìm xuống:

- Ngày mày vào Nam, tao ra tiễn mày, không biết bao giờ mày mới về thăm quê. Chữ mày đẹp, nên tao đã nhờ mày viết cho tao nguyên xi bài thơ này của Bác vào khổ giấy rô-ky, mặc cho nhà xe bấm còi inh ỏi, mày vẫn nắn nót từng nét chữ. Tao treo ở đây để đi ra đi vào vẫn thầm đọc.

Kỷ niệm tuổi thơ trỗi dậy. Bất chợt tôi nhớ đến câu danh ngôn quen thuộc: "Ai sống với quá khứ, người đó đã sống hai lần". “Trà dư tửu hậu” và tuổi thơ đang trở lại trong tôi và anh bạn đồng môn chốn thôn quê này.

 

H.T.Đ

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​