Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
SỰ CẢNH GIÁC LÊN NGÔI



Tạp bút của hội an

(Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 42)


Ai hỏi chị ghét nhất đi đâu thì chị sẽ trả lời ghét nhất là đi bệnh viện. Dù đó là đi thăm người thân bệnh hay chính mình là bệnh nhân. Nhưng dù ghét thì mỗi năm chị cũng phải tới bệnh viện rất nhiều lần. Những lần phải thăm ai đó còn đỡ, còn lần này, chị phải đưa mẹ đi Sài Gòn theo sự giới thiệu của bệnh viện tuyến dưới. Biết chắc chắn là phải nhập viện điều trị nên chị mang đồ dùng cho 2 mẹ con khá đầy đủ. Đồ được chất đầy một ba lô và một túi du lịch to đùng. Mẹ con chị đi bằng chuyến xe khởi hành lúc 3h sáng và thả ở cổng bệnh viện lúc trời mới tinh mơ.

Tay xách nách mang, chị mải mốt dắt mẹ vào cổng, tìm tới khu vực khám lúc này đã khá đông người. Chị để mẹ ngồi ở ghế chờ còn mình đứng ngay vào xếp hàng nộp giấy tờ. Mới sáu rưỡi sáng mà người đã đông nghìn nghịt. Thôi thì già trẻ trai gái, thôi thì người kinh người thượng, thôi thì thầy có thợ có. Từ kẻ nghèo hèn đến người sang trọng. Tất thảy mọi thành phần đều có mặt ở bệnh viện. Của cải, danh vọng và nhiều điều khác có thể chia cắt người ta thành nhiều tầng lớp. Chỉ riêng với bệnh tật và những đau đớn thể xác là con người gần như bình đẳng. Và bệnh viện, dù chẳng ai muốn thì rốt cuộc vẫn là địa chỉ chung nhau của mọi người.

Mãi mới tới lượt. Bác sĩ cho giấy đi siêu âm. Tiếp theo là chụp X quang. Tiếp là đo điện tim, là thử máu, thử nước tiểu… Mỗi lần như vậy lại phải di chuyển đến những chỗ khác nhau. Bệnh viện này có 2 khu, khu A và B cách nhau một con đường lúc nào cũng đông nghẹt ô tô và xe máy. Để sang đường thật khó khăn. Mỗi khu lại có nhiều dãy nhà, chỉ một dãy cũng lại gồm nhiều tầng. Và những phòng khám mà bác sĩ cho giấy đến nằm rải ra khắp các nơi như vậy. Phải chi bác sĩ cho một loạt giấy ngay từ đầu đến khi có mọi kết quả. Đây không, được kết quả thứ nhất trở về nộp mới phát giấy thứ 2… Đã vậy trước khi đi khám được dặn phải nhịn ăn nữa.

Ôi chao! Leo lên leo xuống khắp nơi trong trạng thái đói lả. Chị còn mệt nhoài  huống chi bà cụ. Vậy mà sợ trễ nên phải đi liền liền chứ đâu dám nghỉ ngơi. Nhìn chị lúc này thì vận động viên leo núi cũng thua. Vai mang ba lô, tay xách túi nặng tay kia dắt mẹ. Chị ước chi có chỗ nào gửi được cái ba lô và túi đồ nặng trĩu đó. Nhưng làm gì có. Lúc đó chị đã mệt lắm. Lên cầu thang vừa bước vừa thở dốc. Bỗng có một cô gái từ sau tới. Cô có vóc dáng nhanh nhẹn trong tấm áo thun xanh và chiếc quần jeans bạc màu. Cô chìa bàn tay về phía chị: “Cô để cháu xách giùm cái túi cho”. Chị mừng quá trao ngay cho cô gái, thấy người nhẹ hẳn. Chắc cô này cũng đưa người nhà đi khám bệnh đây. Chị nghĩ nhanh trong đầu. Cô gái xoay trở cái túi từ tay phải sang tay trái rồi lại quay sang chị: Thôi cô đưa nốt cái ba lô cháu mang luôn cho. Cô rảnh rang mà dắt bà cụ. Trông cô cũng ốm quá”. Quả thật là trông chị cũng gầy guộc yếu ớt, chẳng hơn gì so với mẹ mình. Nhưng trong khi chị đang mừng rỡ thì mẹ giẫm ngay một phát vào chân chị đau điếng. Bỗng nhiên bà như người được tiếp thêm sức lực: “Không, bà xách được. Cô đi đi. Con đưa mẹ cái ba lô. Còn con xách túi. Khỏi phiền cô gái”. Mẹ chị bỗng khỏe khoắn bất ngờ. Chị nhìn sang, bắt gặp đôi mắt to tròn ngước lên vẽ một dấu hỏi và vẻ hụt hẫng nơi cô gái. Nhưng rồi cô cũng nhanh chóng hòa vào dòng người và xa dần. Khi cô đã khuất, mẹ trao lại cái ba lô cho chị, thở mệt nhọc như cũ rồi nói: “Con thật là... Biết ai vào với ai”.

Tự dưng chị cũng giật mình, mặc dù lúc nãy chị hoàn toàn tin vào dáng vẻ và lòng tốt của cô gái. Một người trẻ thương một người lớn tuổi và một cụ già, muốn giúp đỡ, không được ư?

Chuyện về cô gái chưa nhạt phai trong ký ức thì chỉ mấy tuần sau, lại một chuyện nhỏ tương tự đến. Cô hàng xóm nhà đối diện có anh chồng lái xe hay mang đặc sản các vùng miền chia cho láng giềng. Người ta khi này mình khi khác, chị nghĩ thế nên vui vẻ nhận chút quà khi là mấy trái bắp luộc Châu Đức còn nóng, lúc chai nước mắm Phan Thiết nho nhỏ. Vậy nhưng con trai chị một lần bắt gặp cười ranh mãnh: “Mẹ chỉ là tổ trưởng dân phố mà cũng có quà biếu cơ đấy”. Chị mắng nó: “Mày chỉ nói bậy thôi”. Nó lại nhe răng cười: “Chứ không à? Để khi có sự mẹ còn che chở giùm cho người ta trước pháp luật. Công an điều tra chuyện gì chả hỏi tổ trưởng dân phố. Nhất là cánh lái xe hay làm ẩu”. Chị vẫn kiên trì thuyết phục con rằng con không nên nghĩ xiên xẹo như thế. Bán anh em xa mua láng giềng gần. Người ta quý mình thực lòng thì sao. Chẳng lẽ không còn tình thương, không còn sự kính trọng và mọi giá trị tinh thần khác? Chà! Nó chỉ là đứa sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, chưa va chạm nhiều mà ý nghĩ đã ngả sang màu xám như thế. Thật là đáng ngại.

Nhưng chị biết không chỉ con mình hay mẹ mình. Phu-xich nói: “Nhân loại hỡi, tôi yêu tất cả nhưng hãy cảnh giác”. Bây giờ thì sự cảnh giác đang lên ngôi. Câu cửa miệng nhắc nhau là câu: “Coi chừng đấy”. Con đi làm dặn mẹ ở nhà cẩn thận với người lạ và cả người quen sơ. Mẹ dặn con ra đường cảnh giác kẻo bọn móc túi cướp giật. Bác sĩ thì nhìn đâu cũng thấy vi trùng. Còn con người ta thì nhìn đâu cũng thấy tội phạm hoặc lừa lọc. Gần đây còn khối người mắc bẫy lừa đảo bằng tin nhắn giả danh công an, ngân hàng. Nên việc cảnh giác còn được nâng cao sang lĩnh vực công nghệ số. Chương trình Chuyển động 24 h trên VTV1 cũng luôn nhắc nhở bà con cảnh giác về tội phạm mạng. Bởi vậy lòng tin giờ hiếm chỉ đủ làm thuốc. Người ta nhìn mọi sự không vô tư như trước. Tất cả mọi lí giải sự việc hiện tượng đều để trả lời câu hỏi: Được lợi gì không? Suy ra mọi chuyện đều mang tính mục đích. Lời khuyên của người tỉnh táo là chớ vội cười khi người ta khen, chớ vội mừng khi người khác giúp đỡ, chớ vội vui khi được tặng quà, chớ vội cảm kích trước những hành động nghĩa hiệp. Đằng sau đó chắc chắn còn có gì đó chưa rõ hình hài. Khi có đơn vị nào đó xây nhà tình thương hay làm một việc thiện, người ta xì xào: Thay việc bỏ tiền quảng cáo cho nhà đài hay báo chí thôi. Cũng là một cách PR chớ gì…

Cứ thế. Sự mất lòng tin đánh đồng mọi chuyện. Không còn ai tốt, không còn việc gì đáng khen. Sự thiếu lòng tin ngăn người ta nhận lòng tốt của người khác. Và ngăn cả người tốt được làm việc tốt. Mỗi người tự co lại trong một vỏ ốc. Bài học cảnh giác được nhấn mạnh trong mọi lúc mọi nơi. Chị thấy mình rõ lẻ loi, thấy mình ngẩn ngơ như bị đánh rơi cái gì đó quý giá.

Cho đến sáng nay thì chuyện đánh rơi là có thật, và rất cụ thể. Chị đi chợ, và rơi ví. Chẳng mấy khi chị dám để tiền nhiều trong ví. Bởi vốn hay lãng nên cái sự mất chìa khóa hay đánh rơi ví ở chị chẳng có gì lạ. Nhưng rồi có sự lạ. Ngay bữa chợ hôm sau khi ngang qua hàng trái cây bà bán đu đủ quen mặt cứ vẫy tay lia lịa. Lát bà kéo trong giỏ chìa ra trước mặt chị cái ví. Thì ra hôm qua đây là chỗ dừng cuối cùng của chị trong chợ… Chị lắp bắp cám ơn, tự nhiên sung sướng quá trời. Không chỉ vì tìm lại được món tiền vài trăm ngàn trong ví. Nếu không phải là giữa chợ chị sẽ hét to lên. A a a!!! Vẫn phải tin ở con người! Như Lưu Quang Vũ kêu gọi người ta tin ở hoa hồng tình yêu vậy. Chị vẫn bị chồng con và người thân liệt vào loại nhẹ dạ. Nhưng chị thấm thía lời tự bạch của Các Mác: Thói xấu dễ tha thứ nhất là thói nhẹ dạ…

H.A


 ​

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​