Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Sắc diện mới của vùng quê Bảo Quang

 

Ghi chép của Lê Biên Hùng

(Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 42)


Hơn chục năm tôi mới có dịp trở lại Bảo Quang. Xã thuần nông nằm trong vùng sâu với những mái lá xác xơ cùng vài con đường đất hẹp té, trơn trợt thường lầy lội vào mùa mưa, bụi mù mịt khi trời nắng của cái thuở còn thuộc huyện miền núi; nay Bảo Quang cũng là xã, nhưng là xã của thành phố mới Long Khánh.

Tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự thay hình đổi dạng của Bảo Quang. Xã nông thôn mới nâng cao Bảo Quang hôm nay mọc lên rất nhiều hàng quán và những ngôi nhà to đẹp được xây dựng bằng vật liệu mới, bóng loáng đắt tiền.

 Ấn tượng mạnh hơn nữa đối với tôi là nhìn thấy trước mắt, không chỉ con đường dẫn vào trung tâm xã tráng nhựa phẳng lì, mà hầu như mọi con đường vào thôn xóm đều đã bê tông hóa. Nổi bật là trên những con đường nông thôn được kiên cố hóa đều toát lên nét mới là: xanh, sạch và đẹp; bởi hai bên lề đường được trồng hoa, nhiều nhất là loài hoa Chuông vàng, Hoàng Yến xanh lá quanh năm và rực vàng vào mùa hoa nở. Tôi còn được mấy người dân ở Bảo Quang cho biết: Về đêm trên những con đường này đều sáng đèn, nên không những đêm trên vùng nông thôn này lung linh đẹp mà việc đi lại cũng rất an toàn, ấm áp.

Gặp một số cán bộ xã thì được biết: Hiện Bảo Quang đã có 43 tuyến đường nông thôn với tổng chiều dài gần 80 km đã được thảm nhựa hoặc trải bê tông. Đáng nói là trong số này trên 24 km của 33 tuyến đường dẫn vào thôn xóm và nội đồng có sự đóng góp của người dân.

Nếu tính theo tỷ lệ, thì con số này chưa phải là lớn; nhưng với Bảo Quang nó có ý nghĩa vô cùng. Từ một vùng nông thôn nghèo có khoảng 3.300 hecta đất nông nghiệp khô cằn, sau nhiều năm vật vã với cây lương thực như mì, bắp, khoai, điều… rồi trầy trật, thấp thỏm với cây tiêu, cà phê… Mấy năm gần đây, bà con nông dân Bảo Quang mới hừng lên chút máu mặt với vùng cây ăn trái như: mít, bưởi, gấc… rộng trên 2.000 hecta cùng vườn tiêu, cà phê khoảng 400 hecta và nhiều chuồng trại chăn nuôi, trồng nấm… dù Bảo Quang đã phát triển được 19 hợp tác xã và tổ hợp tác đã nâng lên một bước về chất trong mối quan hệ sản xuất; nhưng việc vận động người dân đóng góp tiền bạc và tham gia vào các hoạt động công ích cũng không phải là chuyện dễ dàng gì. Vậy mà, Đảng bộ và chính quyền xã Bảo Quang đã làm được điều này và phải nói là đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trao đổi với tôi, Lương Thị Bảo Thùy, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Bảo Quang, một phụ nữ khá trẻ cho biết: “Việc vận động nhân dân tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới với nhiều mô hình cụ thể và thiết thực ở Bảo Quang là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị xã, chớ không riêng cá nhân lãnh đạo hay cán bộ chuyên trách nào”.

Quả thế, qua tìm hiểu, tôi nhận thấy không chỉ lãnh đạo xã, mà Bảo Quang có cả một đội ngũ cán bộ các ban ngành, đoàn thể đều quan tâm đến công tác dân vận. Trong đó có những cán bộ rất tâm huyết và nhiệt tình với công việc “khó báo cáo thành tích” này.

Đáng chú ý là Chủ tịch Mặt trận xã Bảo Thùy trẻ trung, năng nổ, gắn bó và sâu sát với từng mô hình dân vận được phối hợp với các cuộc vận động khác thành những mục tiêu đơn giản để triển khai ra địa bàn dân cư được thực hiện một cách thuyết phục. Trong đó, với mô hình Các tôn giáo đồng hành cùng công tác khuyến học, khuyến tài hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, Bảo Quang đã tranh thủ được sư trụ trì chùa Huyền Trang tham gia làm Phó ban thường trực ban điều hành mô hình, qua đó vận động được nhiều chức sắc tôn giáo hoan hỉ hưởng ứng, như Đại đức Thích Thông Hiếu tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, Đại đức Thích Hạnh Tín, Sư cô Thích Nữ Quảng Hà tặng quà cho giáo viên, công nhân viên trường THCS Bảo Quang; ông Lã Thanh Sơn – Trưởng ban hành giáo Giáo xứ Bảo Quang trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi. Với mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường gắn với tuyến đường kiểu mẫu: sáng – xanh - sạch - đẹp đã xuất hiện một hình ảnh thật xúc động: Trong bộ cà sa, Đại đức Thích Thông Hạnh tự tay lái máy cày tưới hoa trồng hai bên đường liên ấp Bàu Cối do bà con các tổ 5, 6, 9A, 9B trồng. Một mô hình bình dị hơn là Tiết kiệm nuôi heo đất - san sẻ yêu thương cũng đã thiết thực giúp cho một số bà con nghèo người dân tộc Chơ Ro được tặng thẻ BHYT, được khám chữa bệnh miễn phí…

Bên cạnh cô Chủ tịch Mặt trận xã làm công tác dân vận khéo, ông Hoàng A Pẩu - Trưởng ban Mặt trận ấp Bàu Cối cũng là một “chuyên gia” trong lĩnh vực không dễ dàng này. Được giao vận động mở rộng đường điện hạ thế từ cây xăng Bàu Cối đến trại heo Nguyễn Đức Đới có chiều dài 1.700 mét với bề ngang chỉ từ 2 lên 3,5 mét; ông Pẩu biết là khó, vì con đường nằm trên địa bàn tổ nhân dân số 8 là một xóm nghèo. Trong xóm có đến 30 hộ người Chơ Ro, Hoa Nùng theo đạo Phật và Tin Lành gần như quanh năm thiếu đói. Thế nên, ông Trưởng ban Mặt trận Pẩu bỏ cả vườn cây, trực tiếp đến từng nhà dân. Ai cũng lắc đầu cho biết: “không có tiền!”. Suy nghĩ mãi, cuối cùng ông Pẩu nghĩ ra cách vận động sự ủng hộ nhiều hơn của những người có khả năng và vận động con cháu của những hộ “không tiền” bảo lãnh và hoàn trả lại khi thu hoạch nông sản. Nhờ vậy con đường hoàn thành đúng theo tiến độ.

Đó là chuyện từ những năm 2007 lúc cây trái, chủ yếu là điều ở Bàu Cối đang hồi thất bát. Vậy mà đến năm 2012, chuyện ông Pẩu vận động mở rộng tuyến đường liên tổ 5 - 6 - 9 từ một con đường đất có bề rộng chỉ 2 lên 4 mét để đổ bê tông dài đến 2 km mới thật là gay go, vì vừa vận động bà con đóng tiền lại vừa vận động hiến đất. Ác nỗi năm đó mùa điều cũng lại đang rớt giá. Thế là ông Mặt trận Pẩu lại giở ngay “chiêu” cũ là lê la, mò đến từng nhà tỉ tê thăm hỏi. Đến lần đầu ai cũng lắc đầu nguầy nguậy; đến lần thứ hai, thứ ba… nắm rõ từng hoàn cảnh gia đình, ông Pẩu đề nghị những hộ khó khăn tạm thời được đóng tiền thành 2 - 3 đợt; với những hộ có đất nằm trong quy hoạch mở rộng đường thì ông thuyết phục là sau khi có đường ngon lành thì phần đất còn lại giá trị sẽ cao hơn; đặc biệt là để lại phước đức cho con cháu sau này. Có lẽ nghe ông Mặt trận Pẩu “thuyết” cũng bùi tai, lần lượt có đến 30 hộ dân vừa đóng tiền vừa hiến đất. Trong đó có những ông chủ vườn điều như: Nguyễn Đức Khiêm, Nguyễn Văn Long… mỗi nhà tự nguyện hiến đến 200 m2 đất.

Trưởng ban Mặt trận Hoàng A Pẩu cũng là một cán bộ xuất sắc trong việc vận động mô hình Cộng đồng các dân tộc thiểu số tiếp sức các em đến trường. Ông đã trực tiếp kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ trên 40 triệu đồng để trao 3 đợt học bổng cho học sinh Chơ Ro trong ấp Bầu Cối.

Một cán bộ làm công tác dân vận  khéo nữa là Nguyễn Duy Đức - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban nhân dân ấp Thọ An. Khi triển khai mô hình trồng cây xanh và hoa hai bên đường Ruộng Tre - Thọ An bị chất vấn: Đóng tiền mua cây trồng ngoài đường để làm gì, rồi ai chăm sóc? Ông Đức giải thích đã đời, nhiều bà con tổ 1 đồng tình hưởng ứng. Nhưng có một vị thuộc hàng “có máu mặt” trong ấp cứ làm lơ. Đến chừng thấy bà con trồng hoa quá đẹp và xúm nhau chăm sóc một cách vui vầy, trong đó có cả ông trưởng ấp cũng trực tiếp lao động; bèn tự giác mua cây đem ra trồng và thứ bảy nào cũng tự động ra đường tham gia dọn vệ sinh, cắt tỉa, chăm sóc cây trồng.

Tham gia nhiều mô hình, như: Tiếng kẻng đoàn kết và giữ gìn an ninh trật tự, Nắm bắt dư luận và tuyên truyền pháp luật, Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu… Ông Đức đều triển khai thực hiện đạt được hiệu quả tích cực, thu hút nhiều người hưởng ứng, do bà con thấy ông trưởng ấp không phải chỉ biết hô hào mà luôn tiên phong làm trước. Trong việc vận động ủng hộ tiền quỹ để chăm lo cho người nghèo, xây dựng tuyến đường giao thông…; ông Đức đều báo cụ thể mục tiêu, nắm chắc hoàn cảnh kinh tế của từng đối tượng để đề ra mức đóng góp phù hợp; sau đó ông cho công khai tài chính minh bạch, rõ ràng. Nhờ vậy, “nhà dân vận” này tạo được niềm tin, thu hút nhiều mạnh thường quân; trong đó có các chủ trang trại chăn nuôi như bà Lành Thị Kiều, ông Mai Thanh Minh… thường sẵn sàng ủng hộ, khi ông Bí thư Nguyễn Duy Đức lên tiếng vận động.

Có những cán bộ làm công tác dân vận khéo như thế đã là nhân tố quan trọng góp phần làm cho xã nghèo Bảo Quang vươn lên trở thành xã nông thôn mới năm 2014, rồi được công nhận là nông thôn mới nâng cao vào năm 2018. Bảo Quang còn là một trong 3 xã của tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích xây dựng nông thôn mới.

Mới đây, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Quang đã có đánh giá: “Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã đã lãnh đạo hiệu quả nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới. Trong đó những mô hình “dân vận khéo” do UBMTTQ VN xã phối hợp thực hiện đã đóng góp to lớn trong hoàn thành mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ xã trong nhiệm kỳ”.

Ông Phạm Văn Hoàng, Ủy viên ban thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận TP. Long Khánh còn cho biết: “Đặc biệt, các mô hình “dân vận khéo” của Bảo Quang hiện đang được nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Long Khánh học tập kinh nghiệm, vận dụng triển khai có hiệu quả”.

L.B.H​

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​