Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐỜI HOANG


Truyện ngắn của nguyến duy đồng

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 43

 

 

Vào đúng ngõ được chỉ dẫn, gần tới sân, thấy con mực nằm chắn ngang lối đi cặp mắt đầy ghèn cứ nhìn ra, tôi khựng lại phòng thủ: “Gia đình có ai ở nhà không?”.

 “Hoang, Hoang ơi, có khách con” - thiếu phụ đang lúi húi ngoài vườn lên tiếng.

Thằng bé tóc tai, áo quần ngoem nguốc lởm khởm, cầm trên tay cuốn tập đọc lớp một, lạch đạch chân đất chạy ra:

- Con chào chú.

- Chú chào con, chú sợ chó lắm.

- Chú cứ vào đi, nó hiền lắm.

Tôi vẫn không dám bước, muốn nhờ xua đuổi, thằng bé lấy chân đá vào bụng mấy cái, con mực mới chịu đứng lên mệt nhọc đi đến chỗ con heo mọi thả rông, lông dựng, đang nằm ở mé cuối sân. Trong nhà cũng chỉ có thằng bé. Tôi ngồi vào bàn uống nước đợi gặp chủ nhà. “Hoang” - cái tên đã kỳ, gia cảnh lại như vận vào tên của cậu bé, càng làm tôi chạnh lòng, tủi thân cho nó. Thân hình, quần áo, tóc tai: hoang dại; nhà cửa: hoang lạnh; vườn tược: hoang dã; con hoang không cha; tâm trạng: hoang hoải; nhìn đâu cũng thấy hoang… “Đồng Nai gạo trắng nước trong” trong ca dao, chẳng đúng với vùng thôn dã này?!

Chủ nhà nhè nhẹ bước nhanh đến giếng thùng, ý tứ  đặt rổ ngọn khoai lang khẳng khiu, già khằn do mùa nắng kéo dài xuống nền giếng, múc nước trong lu rửa sạch những lấm lem bùn đất, lộ ra chân tay trắng nõn. Sửa sang lại tóc tai, quần áo, bà ba nâu nhạt bó sát thân hình tròn lẳn, thiếu phụ lam lũ thế mà vẫn còn nguyên vẻ đẹp mặn mà. Chị bước vào nhà, mở lời chào khách, vành môi như bông hoa bung cánh trên khuôn mặt rạng rỡ hiền thục làm tôi thoáng chút bồi hồi. Tuy nhiên, trước gia cảnh buồn không thể ngờ tới, khách không biết nói gì thêm ngoài lời giới thiệu “tôi cùng đơn vị với anh” sượng nhạt và đưa cho thằng bé gói bánh quy làm quà. Chủ nhà cũng ngại giao tiếp với vị khách lạ chưa hiểu nhau, nên cuộc gặp gỡ chỉ chóng vánh chừng vài mươi phút rồi khách chia tay chủ. Lần theo địa chỉ bút tích của người đồng đội, đến được nơi đây là cả một “đoạn trường”, thế mà tôi đành lỡ hẹn với người quá cố. Đợi ra hẳn khỏi cổng, khách mới đưa khăn mùi xoa lên mắt lau “giọt lòng” mặn tủi dưới mắt mình. Những gì cảm nhận nơi đây sau ngày miền Nam giải phóng (1975), tôi hiểu ra tàn tích chiến tranh là thế đó!

***


Sau cuộc gặp gỡ ấy, “giọt lòng” cứ giày vò tôi nhòe thầm. Thiếu phụ đầy đặn hiền thục đến thế mà góa phụ quá trẻ! Thằng bé giống cha, tướng mạo ấy mà lại hoang! Tim tôi buốt nhói… Tôi thua anh mười tuổi, chắc chắn là em chị, thế mà nhiều đêm, tôi có những giấc mơ vớ vẩn, âu cũng chỉ vì quá thương cảnh mẹ cút, con côi. Nhưng, giấc mơ chỉ là giấc mơ. Ra quân, tôi được chuyển ngành về Trường kỹ thuật cơ điện theo đúng chuyên môn được đào tạo trước khi nhập ngũ, lấy vợ, sinh con. Mặc dù là kỹ sư nhưng cái thuở bao cấp, cuộc sống hoàn toàn dựa vào đồng lương danh nghĩa nên trồng rau, nuôi heo… , những lo toan chống chọi đói thiếu đã làm tôi cạn dần “giọt lòng” ấy khi nào không biết.

***


Đời hoang.jpg

Tranh minh họa Hứa Tuấn Anh




Hơn hai chục năm sau.

Cậu học viên học nghề theo chính sách bộ đội xuất ngũ gia đình ở miền quê ấy là bạn thân của Hoang. Câu chuyện đan xen giữa hai thầy trò làm “giọt lòng” về lại với tôi. Cũng có đoạn tưởng hóa nụ cười, nhưng hồi kết vẫn là “giọt lòng” trĩu nặng. Buồn!

Đói kém nhưng mẹ con hoang vẫn dắt nhau tìm con chữ để Hoang rốn học hết lớp mười hai. Thuở ấy, thi cử còn nghiêm túc nên việc Hoang tốt nghiệp tú tài loại khá ồn ào cả làng. Đã thề: “dẫu khốn khó đến đâu cũng không để con thất học”, nhưng bà Hậu - mẹ Hoang chỉ ráng được đến đó. Lên tỉnh một lần còn khó, thì tiền đâu mà ăn học nơi phố thị đắt đỏ, Hoang cũng hiểu ra thân phận và bỏ thi đại học.

Cuộc sống thuần nông: trai tránh “bâm”, gái tránh “hâm”, đến tuổi, chúng tìm nơi chốn, rồi sinh con đẻ cái, rồi ruộng vườn kham khó như ngàn đời nay vẫn thế. Bà Hậu cứ nôn nao giục Hoang lấy vợ cũng phải. Cảnh mẹ cút, con côi ai chẳng cầu cho thế. Nhưng Hoang cứ bỏ ngoài tai. Nhớ cảnh con trai Lão Hạc trong truyện ngắn Nam Cao: vì nhà nghèo không đáp ứng được tiền thách cưới mà phẫn chí ra đi biền biệt bán sức cho đồn điền cao su để kiếm tiền mong ngày cưới được vợ. Cứ tưởng, vì thế mà Hoang ngại chuyện vợ con. Nào hay, “gái theo nó như gà mái vào kỳ nhảy ổ mà nó chẳng để tâm, vì muốn rảnh thân để làm giàu, để thoát kiếp nghèo nhà nông” - người làng kháo nhau vậy.

Hoang năng động, chịu khó. Mới đầu, có phong trào làm kinh tế bằng nuôi cá trê phi, đang học cấp ba mà nó đã tính kế làm giàu. Nón trời, áo da, Hoang đào bới hố trước, ao sau, hì hục cả tháng trời. Rồi tầm đến tận Sài Gòn mua cá giống. Rồi giun, gà, vịt, heo,… nói chung tất cả xác động vật chết, thối rữa, tha về quẳng xuống ao làm thức ăn cho cá, mùi lờm lợm bốc lên đến buồn nôn, nhưng cứ thích nghi lần. Những ngày đầu, tuần đầu, cá chụm đầu rứt rỉa xác thối rửa trông sướng mắt lắm. Viễn cảnh mơ tưởng ăn nên làm ra của Hoang đã nằm gọn trong ao. Cá cứ lặn dần, ăn chìm, ít thấy tranh nhau trên mặt nước. Sau một năm tát ao thu hoặch, cá lớn biến đâu mất, đáy ao chỉ còn lại khoảng mươi con bằng lá tre, trông không ra cá, cũng chẳng phải giun? Một mô hình làm giàu chẳng biết từ đề xướng của chuyên gia kinh tế nào, nhưng công sức Hoang lãnh đủ, hậu quả thu về: sân vườn từ hoang dã trở thành hoang tàn, vũng trước, hố sau như bị bom đào, đạn xới.

Nghỉ học, Hoang nuôi heo công nghiệp. Nó suy luận: “Ở phố còn tận dụng nhà tắm làm chuồng thì ở quê sao lại không biết nuôi heo? Không phải mỗi nhà cứ nuôi một còi mọi như một tập tục ấy, phải là giống công nghiệp, phải bầy đàn, phải đầu tư thức ăn và chăm sóc!”. Nghĩ là làm, Hoang mua cặp giống “heo Tây” từ tiền vay của bà Nga - có con gái thị Mượt say nó. Người ta bảo nó đâu có Hoang, biết lợi dụng mẹ vợ hờ. Thật oan cho nó. Sau khi bán cặp heo đầu tay được giá, mua xong một cặp giống mới, số tiền còn lại cùng với khoản tiết kiệm được mẹ phụ vào, nó đem sang bà Nga trả liền. Hoang thuộc típ người đường hoàng, nghèo nhưng không hèn!  Nấu rượu lấy hèm, rau trồng vườn nhà, canh thừa, cơm cặn lối xóm mang xô xin hết, nó bảo cứ “thức ăn gia súc Con Cò” tiền sao chịu thấu. Nuôi thế mà lứa heo nào, Hoang cũng trên tài thiên hạ. Từ hai, bốn, sáu, tám, rồi thành đàn, Hoang phát triển đàn heo, phất lên như một điển hình về chăn nuôi. Cái tên “Hoang” được gắn thêm biệt danh “Hoang Heo” là vì thế. Có đợt xuất chuồng, Hoang cầm cả nắm tiền như lá mít. Nhờ đó, Hoang sửa lại được cho mẹ căn nhà vững chãi hơn. Nhưng, cái nghề chăn nuôi heo: khi thắng, khi thua, khi huề, tính ra sáu năm trời tóc tai, quần áo nhuộm dày mùi heo, Hoang: không lời, không lỗ, nhưng mất toi công chăm sóc lăn lộn sống chết với chúng. Và sau đợt dịch tả châu Phi ấy, đàn heo chẳng những không thu lại được gì mà còn mất tiền tiêu hủy, xử lí ô nhiễm.  Rốt cuộc, lại trắng tay, Hoang lại hoàn hoang! May mà không đến mức phải bán nhà trả nợ.

Cảnh càng hoang, trăng càng thanh, đêm càng dài thì nỗi trằn trọc của Hoang càng thấu buốt. Hoang bảo “Phi thương bất phú” rồi quyết tâm xin mẹ cho lên phố làm ăn. Tay trắng, Hoang buôn bán cái gì trên phố? Những năm đầu, tháng đôi lần có về nhà, trông áo quần tóc tai bảnh bao hơn, Hoang mở ví cũng thấy có cả mấy tờ bạc mệnh giá lớn. Chị Hậu muốn “đói no mẹ con có nhau”, nhưng Hoang bảo: “mẹ cứ để cho con trải nghiệm, làm nông là sống mòn mẹ ạ”. Nhờ đó, mẹ Hoang cũng được sắm sửa quần áo tử tế hơn và bà tỏ ra an tâm. Thời gian sau, Hoang về nhà thưa dần, rồi biền biệt như mất tích, làm bà Hậu đôn đáo tìm kiếm khắp nơi mà vô vọng. Ruốt cuộc, trong một cơn mưa tối mặt, bóng người dắt chiếc xe máy vào sân, bà Hậu ngỡ ngàng hét toáng lên như hô hoán cướp đến: “Thằng Hoang, ôi con… ”. Mẹ con ôm nhau sụt sùi mừng rỡ. Những giọt nước mắt lấp trơn những nếp nhăn chờ đợi năm tháng làm cho sắc diện bà Hậu như đẹp ra. Tài sản “Phi thương bất phú” tạo dựng được ngoài chiếc Wave Trung Quốc xơ tướp, chẳng biết còn gì, nhưng bài thơ như một tài sản từ cuộc mưu sinh phố thị mang về mà Hoang tâm đắc thì nhiều người nghe:

“Bao đời ôm mảnh đất gầy/ Sầu đong ngập ruộng, buồn đầy vườn hoang/ Mồ hôi trôi với mùa màng/ Bán lưng bèo bọt thở than ông trời.

Ngậm buồn chia hạt thóc rơi/ Tha phương nếm hết nỗi đời, niềm đau/ Đồng tiền nhuộm đủ sắc màu/ Đêm dài vò võ nát nhàu ruột gan.

Nửa đời trở bước về làng/ Đồng phồn mây mẩy hạt vàng, lúa ơi/ Quả vườn nây nẩy hồng phơi/ Đất quê - người cũ ngập lời sẻ chia”.

Hoang bảo: chiều chủ nhật ấy có một người nào đó đã tặng Hoang bài thơ với thái độ rất thân thiện đồng cảm, nhưng không giới thiệu về mình, rồi ông ta chia tay. Thoạt đầu, Hoang khó chịu với món quà, cũng may chưa buột miệng: “Đúng là thơ thẩn khùng khùng” nhưng cũng bỏ tờ giấy vào túi áo và đáp lại một tiếng “cảm ơn” nước ốc. Không ngờ bài thơ lại tác động đến thế. Hoang tần ngần nhận ra hình ảnh người ấy rất quen, tự trách: có thể hàng ngày người đó để ý mà sao mình vô tâm đến thế. Người ta ở phương trời nào mà sao lại như ở trong ruột mình: “Sầu đong ngập ruộng, buồn đầy vườn hoang”; “Tha phương nếm hết nỗi đời niềm đau/ đồng tiền nhuộm đủ sắc màu”… ? Thì ra, tất cả những việc làm nặng nhọc, thấp hèn nhất vì kiếm đồng tiền của mình, lão ta biết cả! Bài thơ làm Hoang thức trắng cả đêm và chờ sáng là lên đường về nhà. Khổ thơ kết không thực: làm gì đến “nửa đời trở bước về làng”, chỉ là năm năm, chín tháng, ba ngày - Hoang đếm từng ngày sao sai được. Vườn vẫn hoang, đồng vẫn lạnh, làm gì có “Đồng phồn mây mẩy hạt vàng lúa ơi/ Quả hồng nây nẩy hồng phơi”. Dẫu chỉ là thơ, không thực, nhưng chính khổ thơ kết đã thức tỉnh nội tâm của Hoang, sao mình không biết khai thác kinh tế vườn mà phải đi đâu?!

Về quê nửa năm thì cuối năm Hoang cưới vợ. Vợ Hoang là con gái thầy giáo dạy toán cấp ba, cành ngọc lá vàng chứ đâu phải xoàng. Phải chăng, dạy học nó, người thầy cũng nhận ra điều gì đáng tin ẩn chứa trong cậu học trò lều khều, có đôi mắt sáng và vầng trán rộng. Hoang lại làm nông “chồng cày, vợ cấy” như cha ông, lại chân chất cởi mở, hiếu thảo với mẹ, chăm thương vợ con nên bà con xóm giềng thân thiện lắm. Chỉ từ khi Hoang ít ở nhà, có khi đi mấy ngày đến tận miền Tây, tính cách cũng thay đổi, đọc nhiều, trầm tư nghĩ ngợi, ít giao du chòm xóm nên mới có tiếng xì xầm: “Nó vẫn chưa hết mộng làm giàu đâu, chắc lại tính chước mới? Lao động chính đáng, nhất là làm nông sao giàu nổi! Chỉ có buôn lậu, thuốc phiện, bảo kê, đòi nợ,… đại loại những nghề mờ ám, phi pháp mới giàu. Cũng như công quyền có tham nhũng, lợi ích nhóm mới giàu, chỉ trọc lương sao giàu được. Người thông minh thì thường bí hiểm” - những lời đàm đạo nghi kị của người làng là thế. Thật ra, Hoang nghĩ gì? Làm gì? Có trời mới biết!

- Khi nhu cầu giằng xé thì bằng chính đáng không đạt được, người ta sẽ nghĩ đến bất chính đáng em ạ. “Bần cùng sinh đạo tặc” đã đành, nhưng tham vọng sinh phi pháp thì thật đáng buồn…

- Hoang là họ hàng của thầy? - cậu ta đoán trên sắc mặt của tôi.

- Chỉ quen biết thôi…

Thú thực, tôi quan tâm cả hai, thậm chí nặng hơn về “người trong mơ” nhưng sau cùng mới hỏi:

- Còn bố dượng của Hoang? -  đúng ra là câu hỏi còn bà Hậu thế nào?

- Làm gì có bố dượng hả thầy. Đủ mọi thành phần tìm đến, tưởng thành với một ông trung tá trai tân, giàu có và tốt bụng, nhưng không phải. Bà ấy bảo bà đã li dị chồng bao giờ đâu mà đi thêm bước nữa.

Tôi ngạc nhiên, thán phục chị! Thoạt nhận nhận ra: thật may cho tôi! Giá như tôi thắng được mặc cảm, chân thành thổ lộ giấc mơ ấy thì bẽ bàng với chị lắm.

- Thầy quả nặng tâm - cậu học trò cảm nhận khi thấy tôi biểu hiện tâm trạng khác thường.

- Thầy thấy lo cho Hoang, nó đang bước trên con đường hiểm nguy? - tôi nói tránh sang chỗ khác thế mà chẳng phải dối lòng, quả thực tôi lo lắng về Hoang!

Các khóa sau đó, học viên toàn tuổi gối học sinh phổ thông, hỏi em nào cũng bảo không biết chú Hoang, bà Hậu. Và vì thế “giọt lòng” ấy cứ day dứt trong tôi không có hồi kết.

***


Bốn lăm năm sau.

Như duyên nợ, biết bao thư từ cũ tôi đã hóa tro, vậy mà bức thư của cha Hoang vẫn còn nguyên vẹn dẫu giấy mực đã đổi qua nhiều màu. Cái duyên nợ ấy làm tôi cho bức thư vào một ngăn cặp cẩn thận giữ như “vật bất li thân”. Nghỉ hưu, tôi tham gia Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Chuyến đi thực tế dự trại viết về “tam nông” ở miền quê ấy, là dịp để tôi tìm lại “giọt lòng”.

Chiếc xe ô tô chở đoàn chúng tôi lướt êm ái trên mặt đường nhựa loáng bóng. Rừng cao su kết vòm sâu hút, đang mùa thay lá, trang trí dưới chân mình lớp lá màu vàng nhạt, không gian đẹp như bức họa sống. Đồng rau nõn nà tăm tắp đồng đều, có mái che, thấp thoáng những bóng người thư thả như không phải cực nhọc nhà nông. Miệt vườn xưa: bưởi trải dài xanh ngút, hương thoảng thơm trong gió, quả chen chúc trên cành, dọc đường hàng quán đầy bưởi và sản phẩm bưởi. Chúng tôi xuống xe trước địa điểm cần đến. Tôi thấy mọi thứ đều khác lạ với cái ngày ấy, không thể lần ra lối đến nhà Hoang.

- Chú mua bưởi giùm con, ngon lắm ạ, người ta ưa mua làm quà đấy chú -  một bé gái đứng bên núi bưởi cao ngất đon đả mời chào.

- Khi về chú sẽ mua, bây giờ nhờ con chỉ giùm nhà ông Hoang ở đâu?

- Dạ, ông vua Hoàng ở phía bên kia đường, nơi có ngôi biệt thự  to cao đó chú.

- Không phải Hoàng, Hoang - hoang tàn - hoang dã, má ông tên Hậu con ạ - tôi giải thích.

Cô bé nhíu mày:

- Tên má đúng rồi chú, còn tên ông ấy là Hoàng. Sao lại Hoang kì quá?

- Chú đã đến nhà ông ấy một lần nhưng lâu lắm rồi. Lúc đầu chú cũng nghĩ là Hoàng, nhưng chính xác là Hoang.

- Chắc lâu quá, chú nhầm làng rồi. Ở làng này chẳng có cái tên như chú nói.

Hay đói khổ thế mẹ con nhà Hoang không trụ nổi, đã phiêu bạt hoặc không còn? “Giọt lòng” tôi ứa ra nhưng chợt nghĩ: Cháu nhỏ này hậu sinh, chắc không biết gia đình ấy. Tìm người lớn tuổi hỏi chắc ăn hơn - tôi tần ngần một thoáng rồi đến gần một phụ nữ  tầm tuổi mình:

- Chị làm ơn cho hỏi nhà ông Hoang, má ông tên Hậu ở đâu ạ?

- Ông vua Hoàng ở đằng kia đấy bác - bà ta trả lời giống y cháu gái đã hỏi.

- Tên Hoang chứ không phải Hoàng, thưa chị?

- Thế thì tôi chịu, ở đây chẳng ai có cái như bác hỏi.

Lạ! Trẻ không biết, già không hay?! Làng thì còn, mà người thì mất… ?! “Giọt lòng” rơi xuống, tôi đưa khăn mùi xoa lên mắt mà không để ai nhận ra nỗi niềm riêng. Trước đây, tôi buồn vì một cặp vợ chồng hạnh phúc như thế, một cậu con trái tướng mạo khôi ngô như thế mà người chồng hi sinh khi trước ngưỡng cửa kết thúc chiến tranh. Còn bây giờ, nỗi buồn lại tăng thêm: khi đất nước thanh bình, nhà nông đã giàu, không còn cảnh đời khốn khó thì mẹ con chị đã… không còn!

Đất cũ, làng xưa đã trở về trù phú, sầm uất còn hơn cả trong ca dao. Mái bằng, mái nhọn, hết đường nhựa lại bê tông, đời sống khác xưa nhiều, chỉ thương mẹ con chị ấy, nhìn chung rất mừng! Đang lâng lâng vui trước cảnh nông thôn mới, thì nghe “ông vua” này, “biệt phủ” nọ, tôi lại buồn cho thế sự: lợi ích nhóm, tham nhũng đã thành quốc nạn, mừng “không có vùng cấm” nhưng lò nào đốt nổi. Song tôi đã nhầm. Đấy là cách gọi của người dân cho các nhà vườn giỏi làm giàu. Té ra, “ông vua Hoàng” là “ông vua bưởi” xứ này. Tôi hòa nhập cùng đoàn tham quan nông trại “ông vua bưởi” theo sự hướng dẫn của một cán bộ xã. Vườn bưởi những mấy héc - ta nhưng cây nào cũng trĩu cành, lớn quả, khó phân biệt được nhau. Không chỉ phụ nữ muốn có bức ảnh bên chùm quả đẹp để post khoe facebook, mà cánh đàn ông chúng tôi cũng thay nhau ghi hình để làm kỉ niệm đã từng đến với vườn bưởi này. Người dẫn chúng tôi tham quan là một phụ nữ trẻ, ăn nói có duyên như một hướng dẫn viên du lịch. Hỏi gì, cô ta cũng giải đáp tường tận, nhã nhặn. Chúng tôi ngầm hiểu: nông dân bây giờ kiến thức về nông nghiệp, kinh tế còn rộng hơn cả chúng tôi.

Tham quan xong, tiếp viên mời chúng tôi về “biệt phủ” đãi trà và tặng các sản phẩm bưởi: bưởi quả hái tươi trên cành, rượu bưởi, trà hương bưởi, mứt bưởi, tinh dầu bưởi… được đóng gói có mã vạch như hàng ngoại quốc. Ngôi biệt thự vừa cổ kính, vừa hiện đại. “Ông vua bưởi” thân mật bắt tay hết mọi người, phong cách cởi mở, lời lẽ khiêm nhường. Bỗng tôi giật mình khi nhận ra trên khuôn mặt ông vua có những dấu hiệu đặc biệt. Tôi cố huy động tột cùng trí nhớ để kiểm chứng, tránh nhầm lẫn. Tôi tin mình không nhầm đến chín chín phần trăm và khi bắt gặp nụ cười đôn hậu của bà cụ chơi với cháu nhỏ từ phía phòng trong thì tôi hoàn toàn khẳng định mình chính xác. Tôi muốn thốt lên nỗi niềm, nhưng thấy bất tiện trước đám đông nên im lặng ngồi nghe:

- Chúng tôi đã tham quan nhiều vườn bưởi, nhưng chưa thấy nơi nào hấp dẫn như nơi đây, chắc ông có nhiều bí quyết? - một người trong đoàn chúng tôi muốn tìm hiểu.

- Cũng chẳng có bí quyết gì đâu ạ. Bây giờ tài liệu kiến thức trên mạng đủ cả, chỉ cần chịu khó đọc, suy luận, chọn lựa thông tin, thực nghiệm rồi rút ra kinh nghiệm thôi ạ - ông vua đáp, một dạ, hai thưa, thật khiêm nhường.

- Chắc vốn đầu tư không nhỏ, thưa ông?

- Dạ, cũng chẳng dám nói sai, khởi đầu nhà con hai bàn tay trắng, nhờ có chính sách khuyến nông của tỉnh cho vay ít vốn rồi bưởi mẹ nuôi bưởi con, bưởi con nuôi bưởi cháu, chắt mà dần dà phát triển thành nông trại đấy ạ.

Nhiều người trong chúng tôi muốn tìm hiểu về doanh thu nhưng ái ngại. Ông vua lại khác, ông như muốn được dịp để phổ biến, quảng bá cho những ai muốn học hỏi làm kinh tế vườn:

- Trong các loại nông sản, thì hiện tại bưởi da xanh dễ tiêu thụ và được giá nhất: năng suất bình quân từ 25 - 30 tấn/ha; giá trung bình 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/hécta/năm. Cứ chịu khó làm vườn cũng sống tốt đấy các bác ạ - ông vua trải lòng như mong có người hưởng ứng.

Trong lúc ông vua kể về quá trình đi lên từ bưởi và mọi người bận ghi ghi chép chép, tôi kín đáo mở cặp, kiểm tra lại bức thư. Nó vẫn còn đây. Khi đoàn chia tay “vua bưởi”, tôi viện lí do để ở lại.

***

 

Chỉ còn lại người nhà gia chủ mà tôi vẫn chưa thể vào đề được. Mới biết, dù tôi là nghề thầy giáo, quen nói chỗ đông người, nhưng có nỗi niềm là có xúc động. Thế rồi, như một luồng sinh khí thúc mạnh, tôi tự nhiên ôm lấy bà Hậu: “Chị Hậu!” rồi quay sang ôm lấy Hoàng: “Hoang con!”:

- Hẳn là chị và cháu không thể nhớ tôi. Nhưng tôi lại nhận ra hai người ngay khi gặp mặt. Chị có nụ cười đôn hậu, Hoang có nốt ruồi đầu lông mày phải. Năm ấy, tôi tìm đến gia đình chỉ nhằm đưa lại bức thư anh Phúc nhờ tôi. Nhưng trước tình cảnh ấy, tôi nghĩ không nên gợi thêm nỗi đau buồn, cứ để nó lãng nhạt dần thì tốt hơn nên đành ra về mà không hoàn thành nhiệm vụ gửi gắm của người bạn chiến trường. Tôi là y tá. Anh Phúc thương binh. Hồi ấy tôi lính măng tơ mới nhập ngũ, thua anh cả chục tuổi. Anh bị thương nặng, biết khó qua khỏi nên đưa cho tôi bức thư viết trước đó (khi anh đang khỏe) mà chưa kịp gửi và dặn rằng: “nhờ em làm sao gửi được thư này đến chị”. Tôi nhận lời và còn hứa: “Anh cứ tin tưởng, còn sống, em sẽ tìm được đến nhà, đưa tận tay chị”. Lỡ hẹn, tôi cứ day dứt và nhiều đêm mơ thấy anh buồn. Thật may, trái đất quay tròn, cuối cùng tôi cũng đáp ứng đúng lời hứa với anh. Mừng lắm! Vui lắm! Chiến tranh không tránh khỏi mất mát đau thương. Nhưng hòa bình để nhà nông, làng quê được như bây giờ đáng vui chứ! - tôi lấy lại được sự bình tĩnh, đặt tay lên vai “ông vua” vỗ về:

- Đâu có Hoang, đã thành Ông Hoàng thật rồi, hẳn là Tiên ông ngồi bàn thờ đã mãn nguyện. Cả nhà ta phải vui cùng Tiên ông chứ - tôi cố ý tạo niềm vui trước khi gợi lại nỗi buồn.

Tôi thắp nén nhang dâng lên trước di ảnh anh trên bàn thờ tỏ lời chào gặp lại đồng đội cũ và để anh chứng giám đã trao được bức thư cho vợ anh như lời hứa. Hoàng run run rút trong bao thư ra một mảnh giấy màu nâu bằng nửa khổ A4 màu mực, màu giấy đã ố hoen theo năm tháng. Mọi người đứng lặng ngạc nhiên nhìn vào mảnh giấy. Hoàng đọc:

Chiến khu D, ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Em và con luôn yêu nhớ!

Mừng hôm nay Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do bốn bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết tại Paris, anh viết đôi dòng báo tin vui: ngày giải phóng đã đến rất gần, chỉ nay mai nữa thôi. Giặc tan, anh sẽ về bên má con em và bù đắp lại những gì do sự vắng mặt của chồng - cha gây nên.

Anh lên đường ngập ngũ mà chưa kịp được nhìn mặt và đặt tên cho con. Thư em vừa nhận được, biết rằng: hoàng tử của chúng ta kháu khỉnh, ngoan ngoãn cưng lắm, anh rất vui. Em bảo đang gọi tên con chệch thành Hoang cho dễ nuôi, đến tuổi đi học, em sẽ khai sinh đúng tên anh ạ”. Ừ, anh tin, nhưng vốn biết bản chất nhún nhường, luôn dành phần trên cho người đời, mà em lại ngại hai tiếng Nhật Hoàng” để luôn cái tên Hoang” ấy thì tủi thân cho con lắm. Nhận được thư này em nhớ khai sinh ngay “Phạm Nhật Hoàng”em nhé! Hồng Phúc - Nhân Hậu thì phải sinh con Nhật Hoàng chứ, hi hi. Anh chỉ có một nguyện vọng thế thôi.

Ngày mai anh vào trận cuối, ngày kia giải phóng, nước nhà độc lập, anh sẽ về… , sẽ về… , phải… không… em”

Tạm biệt, hôn em và con !!!

Yêu thương!!!

Chưa thấy ký tên, người đọc lật ra phía sau, nhưng không thấy có thêm chữ nào. Cả không gian chìm lắng, mùi nhang trầm và hương bưởi dâng lên. Bà Hậu gạt nước mắt, cầm bức thư, nét phúc hậu vẫn còn nguyên thuở nào:

- Chú quý hóa vô cùng! Kỷ vật này không thể cảm ơn, má con tui luôn mang ơn chú - giọng bà cảm động, chan chứa, ôn tồn:

- Trên giấy tờ tên nó vẫn đúng như di nguyện của Ảnh, nhưng người làng và bạn bè cứ Hoang” quen với cái tên ấu thơ. Thôi, cũng chẳng sao, gọi thế lại thấy gần gũi, dễ thương chú ạ.

- Thật tình… tôi cứ tưởng không còn cơ hội gặp chị và cháu. Hỏi ông “Hoang” chẳng ai biết? - tôi bùi ngùi tỏ ý thắc mắc.

- Bây giờ lại khác chú ạ. Người làng quên “Hoang” từ lâu rồi, cứ “ông vua Hoàng”, gọi đúng tên đã đành, còn gắn thêm chữ vua.

Tiếng chim rộn rã trong vườn. Chúng tôi cùng vỡ òa cả nước mắt lẫn nụ cười trong niềm vui trước “đời Hoang - Làng cũ”.

 

N.D.Đ


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​