Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TÂM LINH VIỆT




        ​Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, thế kỷ II Việt Nam đã hình thành một trung tâm Phật giáo khá lớn lúc bấy giờ đó là trung tâm Phật giáo Luy Lâu thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Quá trình du nhập Phật giáo vào Việt Nam lúc bấy giờ thông qua hai con đường trực tiếp và gián tiếp. Phật giáo nguyên thủy được truyền bá trực tiếp thông qua những nhà sư, các thương nhân từ Ấn Độ sang, hình thành hệ phái Phật giáo Tiểu thừa hay còn gọi là Phật giáo Nam tông hiện phổ biến ở Nam Bộ đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, Phật giáo còn được truyền bá gián tiếp từ Trung Quốc xuống miền Bắc Việt Nam được cải biến, hình thành và phát triển thành hệ phái Bắc tông hay còn gọi là Phật giáo Đại thừa, sớm phát triển ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Đến thời Lý đến thời Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh trở thành quốc giáo là điều kiện ra đời nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Việt Nam.

          Phật giáo Bắc tông là một trong hai hệ phái Phật giáo lớn ở Việt Nam. Đối với các ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông, ngoài tượng Phật còn bài trí thờ cúng nhiều đối tượng thuộc tín ngưỡng và các tôn giáo khác như Nho giáo và Đạo giáo làm thành một hệ thống tượng thờ khá đa dạng và phức tạp. Đặc biệt mô hình “tiền Phật, hậu Mẫu” được xem là tình trạng khá phổ biến trong bài trí chùa Phật giáo ở Việt Nam.

Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào văn hóa Việt Nam từ rất sớm. Lịch sử Phật giáo Việt Nam trải qua bốn giai đoạn: từ đầu Công nguyên đến hết thời kỳ Bắc thuộc là giai đoạn hình thành và phát triển rộng khắp; thời kỳ Lý - nhà Trần là giai đoạn cực thịnh; từ thời Hậu Lê đến cuối thế kỷ XVIII là giai đoạn suy thoái và từ đầu thế kỷ XX đến nay là giai đoạn chấn hưng của Phật giáo1. Phật giáo Việt Nam được tiếp nhận và tồn tại với bốn hệ phái chủ yếu như: Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông và Nam tông.

IMG_1012.jpg
 Chùa Long Thiền, Đồng Nai

IMG_1011.jpg
 Bài trí chánh điện chùa Long Thiền 

- Thiền tông là một tông phái Phật giáo do nhà sư Ấn Độ Bồ Đề Đạt Ma (Boddidharma) sáng lập vào đầu thế kỷ thứ VI ở Trung Quốc. "Thiền" là cách gọi tắt của "Thiền na" (Dhyana), có nghĩa là "Tĩnh tâm", chủ trương tập trung trí tuệ để quán định (thiền) nhằm đạt đến chân lý giác ngộ của đạo Phật. Theo Thiền tông, "thiền" không phải là "suy nghĩ" vì suy nghĩ là "tâm vọng tưởng", làm phân tâm và mầm mống của sanh tử luân hồi. Cách tu theo Thiền tông đòi hỏi phải tập trung toàn bộ công sức và thời gian cộng với phải có khả năng giác ngộ.

- Tịnh độ tông là một tông phái Phật giáo, chủ trương tu dựa trên tha lực của Phật A Di Đà, tuy nhiên vẫn có tự lực. Việc tu hành như viếng chùa, làm việc thiện để tích công phước đức. Người dân thường tụng niệm câu "Nam mô A Di Đà Phật" (có nghĩa là "nguyện quy y đức Phật A Di Đà"). Tượng Phật A Di Đà là tượng Phật tiêu biểu bài trí trong chánh điện các ngôi chùa Phật giáo Việt Nam bao gồm cả Bắc tông và Nam tông.

- Mật tông là một tông phái Phật giáo chủ trương sử dụng những phép tu tụng niệm các mật chú để đạt đến chân lý giác ngộ, còn gọi là Lạt Ma tông. Tương truyền Mật tông do đức Phật Đại Nhật Như Lai khởi xướng. Khi vào Việt Nam, Mật tông không tồn tại độc lập như một tông phái riêng mà nhanh chóng hòa lẫn vào dòng tín ngưỡng dân gian với những truyền thống cầu đồng, pháp thuật, yểm bùa, trị tà ma, chữa bệnh...

- Nam tông còn gọi là Phật giáo nguyên thủy (Tiểu thừa) được truyền rất sớm vào Việt Nam do các tổ sư Ấn Độ truyền bá nhưng đến khi Đại thừa truyền vào thì dần thay thế Phật giáo Nam tông. Hiện nay Phật giáo Nam tông phát triển mạnh ở đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu trong cộng đồng người Khmer.

Ở Việt Nam đa số các ngôi chùa hiện nay chủ yếu thuộc hai hệ phái Bắc tông và Nam tông. Còn hai hệ phái Thiền tông và Mật tông ít phổ biến.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2009, Việt Nam có gần 6.802.318 tín đồ Phật giáo. Còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ quy y tam bảo, có 839 đơn vị gia đình Phật tử và khoảng 44.498 tăng ni, hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường2. Phật giáo đã thấm nhuần vào suy tư và sinh hoạt của người Việt nên đã để lại dấu ấn trong văn hóa Việt khá đậm nét. Nhiều người Việt có thói quen ăn chay vào những ngày mùng một và ngày rằm để tu dưỡng lòng từ bi, khổ hạnh nhưng họ không phải là Phật tử. Có thể nói, Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa xã hội của người Việt trong quá khứ và hiện tại.

Trải qua hơn ngàn năm gắn bó với dân tộc và lịch sử Việt Nam, Phật giáo đã có cả một hệ thống danh lam thắng cảnh với nhiều ngôi chùa có cảnh quan, kiến trúc đẹp nổi tiếng như: chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Trăm gian (Hải Phòng), chùa Vạn Phúc (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), chùa Keo (Thái Bình), chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Hương Tích (Hà Nội), chùa Tây Phương, chùa Thầy (Hà Nội), chùa Phổ Minh (Hà Nội), chùa Một Cột (Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Thiên Mụ (Huế), chùa Non Nước (Đà Nẵng), chùa Giác Lâm (Tp. Hồ Chí Minh); chùa Long Thiền, chùa Bửu Long, chùa Đại Giác (Đồng Nai), chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen, Tây Ninh), chùa Tây An (Núi Sam, An Giang), chùa Dơi (Sóc Trăng)…

Phật giáo là tôn giáo mặc dù xuất phát từ văn hóa Ấn Độ và có nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa; tuy nhiên khi qua Việt Nam, nó đã được cải biến, biến đổi, bổ sung để phù hợp với nền văn hóa nông nghiệp của cư dân Việt nơi đây. Ngày nay, hầu hết người Việt thực hành văn hóa tâm linh theo hình thức Phật giáo, họ ăn chay ngày rằm, mùng một, đi chùa lễ Phật, thắp nhang đốt giấy vàng bạc, coi ngày giờ… làm việc thiện, sống từ bi, hỷ xả. Mặc dù Phật giáo không phải tôn giáo chủ yếu, nhưng có thể nói văn hóa Phật giáo thấm đẫm ăn sâu bén rễ trong văn hóa người Việt thể hiện cả vật chất và tinh thần, từ quá khứ đến hiện tại, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa hội nhập hôm nay.

 

Bài và ảnh: Nguyên Thơ

 

1 https://vi.wikipedia.org/wiki/Phật_giáo_Việt_Nam.

2 https://vi.wikipedia.org/wiki/Phật_giáo_Việt_Nam.


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​