Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐÊM NGHIÊNG VỠ GIẤC THỊ THÀNH




Bài viết của PHẠM ĐÌNH ÂN

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 43



       *LTS: Nhà thơ Cao Xuân Sơn từng có thời gian dài gắn bó với Hội VHNT tỉnh Đồng Nai trước khi chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh làm giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng chi nhánh phía Nam. Nhân dịp tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ” của ông đạt giải thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2020, Văn Nghệ Đồng Nai trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Phạm Đình Ân về tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ” để phục vụ bạn đọc.

VNĐN


Cao Xuân Sơn từng được biết đến trước tiên là tác giả viết cho trẻ em ngay từ buổi đầu có sách in - năm 1987. Anh đã có mười cuốn sách văn xuôi và thơ thuộc khu vực văn chương đặc thù rất đáng được quan tâm này. Chúng ta có thể dễ dàng kể ra một số bài thơ mà cả trẻ em và người lớn đều thích thú: Cả nhà đi học (cả bố và mẹ cùng chào cô, chào thầy), Ru mưa (ru mưa ngủ, ngủ cùng mưa ru), Đèn pin (đèn mặt trời, đèn mặt trăng), Con chuồn chuồn đẹp nhất (nó chỉ đẹp nhất khi đang bay). Bên cạnh đó, với sáu tập thơ, kể từ Tự tình in năm 1989 đến tập mới nhất Bấm chân qua tuổi dại khờ (Nxb Hội Nhà văn, 2019) sẽ bàn dưới đây, thì thơ trữ tình - thế sự của Cao Xuân Sơn gần như đã đi cùng với thơ văn viết cho trẻ em của anh.

Tiếp tục nói đến thơ viết cho người trưởng thành, không kểPhố và em (2002, dành riêng cho thơ tình tác giả tự chọn), thì từ Chuông lá(1999) đến nay, sau hơn hai mươi năm, Cao Xuân Sơn mới cho in thêm một tập thơ. In muộn, có nhiều bài mới, nhưng cũng không ít bài từng viết trong nhiều năm. 

bamchan qua tuoi dai kho tc 43.jpeg



Thơ của một thi sĩ từ Hà Nam quê nhà phương Bắc phiêu dạt vào phương Nam từ năm 1980, sát trước Đổi mới, khi anh mười chín tuổi. Sơn từng có nhiều năm gắn bó máu thịt với vùng đất Biên Hòa, lặng lẽ sống và viết dưới mái nhà của Văn học Đồng Nai. Ấy là những năm đất nước đầy khó khăn, nhân dân còn kham khổ. Sơn viết: Chạnh nhớ một thời dâu bể/ mặt người bợt bạt phiếu tem (Siêu thị); ngoảnh thời chạy gạo từng lon/ hãi hùng thơ bố xanh rờn nỗi rau (Ngủ đi con gái); Thương quê mãn kiếp quê nghèo/ xót mình mãn kiếp dạt bèo trôi mây/ nguyên hình đứa trẻ thơ ngây/ bạc đầu về trắng hai tay phạc phờ (Đêm nghiêng vỡ giấc thị thành)…

Mỗi năm hoặc vài ba năm một lần suốt bốn mươi năm, Sơn ra ra vào vào bắc - nam nam - Bắc, đau đáu và khắc khoải một nỗi niềm quê nhà tuổi thơ tuổi trẻ, nơi có bố mẹ anh em bà con thân thuộc. Cũng bằng ấy năm Đồng Nai và Sài Gòn cùng cả phương nam đã góp phần lớn làm nên thi sĩ Cao Xuân Sơn. Thơ Sơn có tiếng nói, hình ảnh, sắc màu, mùi vị cả hai miền. Sơn viết như rút ruột mình ra: Bao năm biệt xứ mù khơi/ anh như gió bấc mồ côi mưa phùn/ thầm đêm nhớ dế thương giun, trăm cơn mộng đẹp lấm bùn cả trăm (Cạn li này nữa).

Ta đau ở chỗ vết thương của người

Sự giao thoa tưng bừng và không tránh khỏi mất mát lớn giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống dân tộc và hiện đại văn minh quốc tế đã được Sơn đưa vào thơ một cách nhuần nhị, đầy ngẫm ngợi và có phần chua xót. Thơ Sơn nói nhiều đến kiếp người, thế sự với những đắng cay, ngang trái, dối lừa. Đường gần hun hút nẻo xa, vịn vào nước mắt mà qua phận mình (Vịn); Kiếp người lóa nắng trắng sương/ tử sinh hun hút đoạn trường giá băng (Một mình một dáng Pisa); thế cuộc nay bồi mai lở/ đời người sương khói mong manh (Đâu chẳng địa đàng); trước sau muôn vạn kiếp người/ vẫn loay hoay khóc với cười, ngộ không? (Ngộ); trăm nghìn ảo ảnh lung linh/ tan nhanh theo những hư vinh dối lừa (Cạn ly này nữa); người mừng ta thoát tai ương/ ta đau ở chỗ vết thương của người (Trôi)… Hẳn nhiều độc giả thấy mình trong nỗi buồn nhân thế khó giải tỏa của Cao Xuân Sơn.

Con chữ nhỏ nhoi đập cánh vào bát ngát

Ấy là một câu thơ bay bổng trong bài Đước, viết sau lần tác giả đến Cà Mau. Sơn thật thi sĩ không chỉ ở tứ thơ, bài thơ mà còn ở câu, cụm câu thơ. Đây đó lời thơ anh vang lên thảng thốt, xao xác, run rẩy. Chỉ một số câu, cụm câu thơ đầy ám ảnh thôi cũng đủ làm nên thi sĩ Cao Xuân Sơn.

- Bếp ai rớm khói thơm vào thẳm xanh (tr. 19)

- Chen chân phố xá, bỏ làng/ mắt quê rớm nhớ hai hàng đêm đêm (tr.145)

- Rượu như nước lã ngày xưa/ cái ngày má lúm còn chưa đồng tiền (tr.35)

- Ngày xưa thì đã ngày xưa/ chỉ thương tiếng ếch là chưa biết gì (tr. 44)

- Đêm nghiêng vỡ giấc thị thành/ nỗi quê cục tác vào anh tiếng gà (tr. 69)

- Trưa thinh lặng giấu muôn vàn câm nín (tr. 77)

- Sông đi như tiếng thở dài (tr. 91)

Thú vị hơn cả là chất dân gian thấm đẫm được Sơn đưa đẩy luyến láy tài tình:

- Chợ đời đảo vận thay câu/ thị trường thị nở thị mầu thị phi/ rối tai tiếng bấc giọng chì/ ba hồi ngọt mật bốn khi cay đường (tr. 22).

- Thôi mà, xá tội nhau đi/ giấc mơ nòng nọc giờ thì đứt đuôi/ chả ai nghé mãi trên đời/ cưa sừng, giời ạ, mình rồi cũng… trâu (tr. 39).

- Có cay đắng/ có ngọt lành/ cả khi không khói cũng thành lửa ghen (tr. 56)

- Bởi giận cá anh nhìn đâu cũng thớt (tr. 101)

Hơn một trăm bài thơ của hai mươi năm dồn nén, kiềm chế và tinh lọc. Không có bài kém, rất ít bài trung bình mà phần lớn là khá. Có những bài tài nghệ, toàn bích, đó là: Đêm hoa sứ; Ngủ đi con gái; Đêm Lăng Cô nghe tiếng ếch kêu trong resort; Cạn ly này nữa; Đêm nghiêng vỡ giấc thị thành; Trưa thinh lặng; Nháp; Biết đâu?Bấm chân qua tuổi dại khờ. Sơn viết bằng tâm hồn đa cảm day dứt. Thơ Sơn là chân dung tâm hồn tác giả. Ở đây, có thơ tình mà như không, bởi tập thơ được kết cấu chặt chẽ, tư tưởng của tất cả các bài đều chụm lại, hướng về nỗi niềm thế cuộc chống lại cái xấu, cái ác, cái ngang trái trớ trêu. Bài có tên trùng với tên tập thơ là bài hay nhất, nó bao trùm đầy đủ tinh thần, giọng điệu của tập thơ..

Được đông đảo bạn đọc nhiệt tình đón nhận, là tập thơ duy nhất đoạt giải thưởng văn học 2020 của TPHCM, Bước chân qua tuổi dại khờ là một bước chuyển ngoạn mục của Cao Xuân Sơn.

P.Đ.A


 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​