Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NGÔI LÀNG TRONG KÝ ỨC


Bài viết của Hồng  Ngọc

Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng  Nai số 43



       Năm 1969. Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Người dân Hà Nội đổ về những vùng nông thôn còn yên bình, chưa bị máy bay Mỹ oanh tạc. Gia đình tôi cũng sơ tán về một làng nhỏ thuộc tỉnh Hải Dương. Một ngôi làng cổ kính xinh đẹp có lũy tre bao quanh. Đường làng lát gạnh nghiêng, tuy đôi chỗ gạch đã bị tróc, nhưng con đường uốn lượn mềm mại vẫn rất nên thơ. Một cây đa cổ thụ cành lá sum suê trùm bóng mát lên cái ao lớn giữa làng, những bậc thang dẫn xuống ao cũng lát gạch nghiêng. Bây giờ người ta gọi những cái ao như thế là ao tù, nhưng hồi ấy, với đứa trẻ thành phố như tôi, mùa hè được tắm ở cái ao nước trong như lọc, nhìn rõ những sợi rong đuôi chó, những chú cá cờ bơi lội tung tăng thật không gì thích bằng.


ngoi lafg trong ký ức.jpg



Cái làng chúng tôi đến đất đai màu mỡ, ngoài cấy lúa bà con trồng ngô, trồng khoai lang, khoai tây, cà chua. Thứ gì cũng tốt tươi, ngon lành. Chỉ phải cái tới mùa thu hoạch, nông sản chẳng biết tiêu thụ đi đâu. Cả làng lúc nào cũng trực chờ xe ô tải từ Hà Nội về lấy hàng, mang lên thành phố. Hễ có tiếng còi ô tô toe toe là tất cả như bừng tỉnh. Nhà nhà vội gánh cà chua, su hào, khoai tây chạy ào ra, hy vọng sẽ cân được hàng và được nhận những đồng tiền mồ hôi nước mắt. Than ôi, số hàng nông sản bán được chẳng bao nhiêu, nên nhà nào cũng tiu nghỉu gánh về. Ngày ấy công nghiệp chế biến nông sản gần như chưa có. Để vớt vát lại công sức đổ ra, bà con làm tương cà chua, đóng vào chai, đổ lên trên một lớp mỡ, để giành ăn dần.

Người dân nơi gia đình tôi sơ tán rất hiền hòa, thân thiện. Bọn trẻ trong làng rủ anh em tôi đi dỡ khoai, nhặt giá đỗ, hái rau dại ngoài đồng. Chúng bày cho tôi biết những chỗ đất nứt nẻ trên mặt luống khoai sẽ có nhiều củ và củ to. Qủa nhiên là vậy và tôi cảm thấy vô cùng thích thú. Có đứa còn dạy anh em tôi biết cách ghìm, rê dắt dây câu khi câu tôm trong ao, cách thả diều sao cho bay thật cao. Vui nhất là những tối thứ bảy, có văn nghệ. Trò chơi phổ biến lúc bấy giờ là bịt mắt bắt dê, múa xòe hoa và đứng thành vòng tròn, hát tập thể. Tôi còn nhớ mang máng một bài hát có những ca từ như: “Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa… Đây bao la đồng xanh mượt mà… Cất tiếng hát cuộc đời ấm no… ”. Trong lúc mọi người vừa hát vừa vỗ tay, bên trong vòng tròn một chị hoặc một anh sẽ nhảy chân sáo vòng quanh, nếu thích ai đó, chị hay anh sẽ nắm tay người ấy cùng nhảy chân sáo rồi buông tay ra, đứng vào vòng tròn, người mới sẽ nhảy tiếp. Cứ thế, cuộc vui kéo dài trong niềm hoan hỉ đến tận khuya.

Nhịp sống thanh bình, êm ả của làng quê đôi lúc cũng bị phá vỡ vì một sự cố. Một cặp vợ chồng trong xóm cãi nhau. Bà vợ gọi theo tên chồng là Tươi nhưng cả vợ lẫn chồng chẳng những không “tươi” mà còn cằn cỗi, quắt queo như rau cải phơi nắng. Nguyên do vì bà vợ quá mắn con. Bảy cô con gái. Con đông như bầy mối, lại một bề nên ông chồng bất mãn sinh nát rượu. Thời đó rượu hiếm, người uống rượu cũng hiếm. Chẳng hiểu sao ông Tươi vẫn xoay được món “quốc lủi” nhắm với lòng lợn mắm tôm. Khi ngấm hơi men, ông xa xả chửi vợ vì tội… không biết đẻ. Bà vợ cũng chẳng vừa. Bà xắn tay áo, nhảy thách lên, xỉa ngón tay vào mặt chồng “mồ tổ thằng Tươi. Làm hại đời bà. Vì mày mà bà không mọc mũi sủi tăm lên được”. Mỗi lần họ gấu ó, bọn trẻ chúng tôi thập thò đứng sau vách nhìn trộm. Vừa sợ, vừa thấy… vui. Nhưng về sau, chắc được làng “quán triệt” nên những cuộc khẩu chiến của hai vợ chồng bà Tươi giảm hẳn.

Mùa hè năm ấy, mẹ tôi ngã bệnh. Tôi còn ngây ngô, chưa hiểu bệnh tật của mẹ. Chỉ nghe bố nói, tôi phải lên bệnh viện chăm sóc mẹ, vì bố bận công tác.

Bệnh viện mà mẹ tôi chữa trị thuộc huyện Cẩm Giàng. Mỗi ngày, tôi tha thẩn chơi một mình ở cái sân rộng trước phòng bệnh, để còn nghe mẹ gọi. Tôi không nhớ rõ những ngày ở bệnh viện tôi ngủ ở đâu nhưng lại nhớ rất rõ những bữa cơm có… thịt ngan. Những miếng thịt ngan xắt mỏng, to bản, kho gừng. Dĩ nhiên, được ăn cơm với thịt ngan thì quá tuyệt, và tôi thấy cuộc sống ở bệnh viện tuy buồn nhưng cũng không đến nỗi tệ.

Đầu giờ chiều hôm đó, một cô y tá đến phòng bệnh bảo mẹ tôi chuẩn bị để vào… phòng mổ. Tôi nghe mà sợ. Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ hễ bị mổ tức là… mổ bụng, và điều đó cũng đáng sợ gần như là chết.

Chừng bảy giờ tối, một chiếc băng ca đưa người vào phòng bệnh của mẹ tôi. Trên băng ca là một phụ nữ hai mắt nhắm nghiền. Việc đầu tiên là tôi… òa lên khóc. Tôi nhìn thấy hai bên tai của người ấy có đeo khuyên. Một đôi khuyên vàng kiểu cổ, bám chặt vào hai dái tai, chính là đôi khuyên của mẹ tôi. Ồ. Cháu nhìn xem nào, đâu phải mẹ. Nín đi. Cô y tá hồi chiều nói. Tôi nín tắp và định thần nhìn kỹ. Hóa ra người đó không phải mẹ tôi. Nhưng chỉ nửa giờ sau, mẹ tôi cũng được đưa về. Mẹ nằm thiêm thiếp trên băng ca nhưng tôi quên bẵng vụ… khóc, vì phải răm rắp làm theo những chỉ dẫn của y tá.

Công việc đáng sợ nhất hàng ngày tôi phải làm ở bệnh viện là mang quần áo của mẹ đi giặt. Vì bệnh viện không có đồng phục cho bệnh nhân. Nơi giặt là cái ao nhỏ, có rất nhiều bèo tây. Tôi phải lội xuống ao, lấy tay gạt bèo ra, vừa nhúng quần áo của mẹ xuống nước đã thấy lũ đỉa loi ngoi tìm đến. Chúng rất nhạy với mùi máu nên lao tới như lá tre, làm tôi khiếp hãi. Nhưng tôi không thể không giặt quần áo cho mẹ. Vậy nên tôi vò xà phòng trên bờ rồi xuống ao xả thật nhanh, sao cho không một chú đỉa nào bám được vào bắp chân tôi. Sẽ mãi mãi mẹ tôi không bao giờ biết được rằng mỗi lần đi giặt cho mẹ, tim tôi dội thình thịch, tôi sợ đỉa đến muốn bỏ về và đã phải nỗ lực hết sức để chế ngự nỗi sợ. Là con em cán bộ công chức, tôi chỉ biết bỏ quần áo bẩn vào chậu cho mẹ giặt chứ chưa khi nào giặt đồ cho ai, bởi vậy mà tôi rất tự hào vì sự “người lớn” của mình.

Con đường ra cái ao tôi giặt quần áo cho mẹ tình cờ lại ngang qua phòng sinh của bệnh viện. Một lần, vì nghe tiếng kêu la nên tôi tò mò lại gần, ngó qua cửa sổ. Đập vào mắt tôi là một người phụ nữ nằm trên bàn, đang ra sức… rặn đẻ. Chị ta thở è è, rên rỉ, thi thoảng lại kêu lên đau đớn. Chị hộ sinh liên tục dỗ dành, động viên sản phụ. Bỗng thình lình, một tiếng oe cất lên, the thé. Chị hộ sinh reo to. Ra rồi. Thằng cu. Thì ra, đứa trẻ đã tọt ra ngoài. Trong tay chị hộ sinh nom nó trắng bợt, cái mông tí xíu dúm lại. Nhoáng cái, cu cậu đã được chị lau sạch nhớt và được bọc trong lớp tã trắng. Gương mặt của người mẹ sáng bừng lên và giãn hẳn ra trong niềm thanh thản khó tả. Thật kỳ diệu, mới vài phút trước, chú bé sơ sinh trần trụi, trơn nhãy như một con ếch, nhưng giờ nó đã he hé cái miệng nhỏ xinh, cái lưỡi hồng hồng đưa qua đưa lại. Lần đầu tiên chứng kiến sự ra đời của một “con người” trong tôi dâng lên cảm xúc kỳ lạ, vừa sợ hãi, vừa lâng lâng vui sướng, như thể chính tôi đã tạo ra điều phi thường ấy. Và tôi chợt thấy yêu thương, biết ơn bố mẹ tôi hơn. Ngày xưa tôi cũng từng như đứa trẻ kia, xấu xí, nhăn nhúm nhưng hạnh phúc vì được bảo bọc, yêu thương trong vòng tay cha mẹ.

Sau này lớn lên, tôi mới biết hôm ở bệnh viện Cẩm Giàng, đúng như tôi nghĩ, mẹ tôi bị mổ bụng, để cắt cái dạ con bị sa vì sinh đẻ nhiều.

Gia đình tôi chỉ ở nơi sơ tán hai năm, rồi về lại Hà Nội. Hai năm ở nơi sơ tán, tôi học được nhiều kỹ năng, biết rung cảm trước cái đẹp, biết sẻ chia với đồng loại. Nhất là tôi đã vô tình chứng kiến nỗi đau xé thịt và niềm vui to lớn của người mẹ trẻ đã trao cho con sự sống. Điều đó khiến tôi biết trân trọng, nâng niu hơn những gì tạo hóa và cuộc đời ban tặng cho mình…

H.N

 


 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​