Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
Những anh hùng thời Covid



Ghi chép của Hội An

 

Đó là tôi mạo muội đặt tên cho họ như thế, chứ họ chẳng bao giờ nghĩ việc làm của mình là để phấn đấu danh hiệu anh hùng, dẫu sau dịch có được xã hội suy tôn chăng nữa. Mấy tháng vừa qua, đất nước mình đã như một cuộc chiến tranh quy mô lớn với giặc Covid”, diễn ra trên nhiều mặt trận, đòi hỏi những nỗ lực cố gắng, hy sinh và cống hiến của nhiều người. Nó làm hao tốn cả sức lực, tiền của và xương máu tính mạng của biết bao người con đất Việt. 

Đầu tiên phải kể đến là lực lượng ngành y trên tuyến đầu. Không biết thống kê cụ thể số người ngành Y trong cả nước là bao nhiêu, nhưng trong trận tuyến lần này hầu hết những ai mặc áo trắng đều tham gia chống dịch hết. Kể cả các bệnh viện (BV) lớn, địa phương cấp Tỉnh, Thành phố và cả huyện, xã. Bởi Covid đã có mặt hầu hết trong cả nước. Tất nhiên ở các tỉnh tâm dịch như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng trong đợt dịch thứ 2,3 và TP HCM và các tỉnh phía Nam trong đợt thứ 4 này thì mức độ của dịch là ác liệt hơn, căng thẳng hơn. Nhưng Bộ Y tế cũng đã có sự điều chuyển kịp thời đáp ứng nhu cầu chống dịch giữa các địa phương trong cả nước. Đợt tâm dịch ở phía Bắc đã có hàng ngàn sinh viên và bác sĩ y tá các tỉnh tình nguyện đến Hà Nội Bắc Ninh, Bắc Giang. Và đợt dịch thứ 4 này, cho đến ngày 20/8/2021 đã có 14,6 ngàn sinh viên cán bộ ngành y ở 35 tỉnh vào tăng cường, tiếp ứng cho các BV cũ và mới (dã chiến). Hầu hết họ đều ý thức được vai trò của mình và đều rất cố gắng để góp phần vào công cuộc chống dịch. 

 Tất cả các bác sĩ y tá hộ lí trong các bệnh viện tuyến đầu đều xứng đáng với danh hiệu anh hùng. Chỉ riêng việc phải kín mít trong đồ bảo hộ và khẩu trang trong cả ngày để chống phơi nhiễm trong điều kiện mùa hè nóng nực, nhiệt độ lên đến trên 37 độ C, mồ hôi ướt đẫm cả người trong ngày, trong điều kiện “kiêng” máy lạnh để giảm sự phát triển của virus đã là một kì tích rồi. Đối tượng làm việc của họ là những bệnh nhân nặng đang nằm trên lằn ranh sinh tử. Chỉ lơ là một chút là cán cân sẽ chao nghiêng. Bởi vậy họ đã vất vả và cực kì cân não để có những quyết định đúng cho bệnh nhân trong từng giờ từng phút với thuốc gì, liều lượng, các biện pháp cấp cứu, dịch truyền hay lọc máu hay máy thở, ICU hay ECMO… Không có quy trình điều trị nào chung cho tất cả bệnh nhân mà phải là từng con người cụ thể với cơ địa và sức chống đỡ, tuổi tác và mức độ nặng khác nhau, nhiều người thêm cả bệnh nền nữa. Nên họ căng thẳng lắm, nhất là khi bệnh viện lúc nào cũng quá tải, máy thở và trang thiết bị không phải lúc nào cũng đầy đủ. Có nhiều đêm họ chỉ chợp mắt được vài tiếng. Có nhiều bác sĩ đã ngất xỉu trong khi làm việc với cường độ cao như thế. Có những ca trực họ chẳng có thời gian và điều kiện để ăn uống gì vì cởi khẩu trang ra một lúc cũng là nguy hiểm. Thậm chí là phải nhịn đi vệ sinh nữa. 

Tại các điểm xét nghiệm cũng vậy. Các nhân viên của từng cụm nhiều khi phải thức trắng làm việc không ngơi nghỉ nguyên đêm để đáp ứng kịp thời việc bóc tách Fo ra khỏi cộng đồng. Họ phải lấy tinh thần chống dịch như chống giặc để khẩn trương, tích cực, làm việc quên thân mình, kể cả không ăn không ngủ. Bác sĩ Trần Thanh Linh, người đã có công lớn trong việc cứu bệnh nhân phi công người Anh ở đầu dịch, đang trưởng khoa hồi sức cấp cứu bệnh nhân  Covid BV Chợ Rẫy nhận nhiệm vụ phó Giám đốc  BV Hồi sức Covid 19 chuyên chữa bệnh nhân nặng ở BV Ung bướu cơ sở 2 Quận 9 TP Thủ Đức (với quy mô 1 ngàn giường thường xuyên có 900 giường nặng và 100 giường nguy kịch). Anhbác sĩ trẻ tuổi, chỉ sau mươi ngày vật lộn với áp lực cương vị mới, tóc đã bạc trắng. Nhìn tấm hình các bác sĩ lăn ra hành lang nghỉ mệt trong bộ đồ bảo hộ ai cũng phải se lòng.

Những y tá hộ lí phải chăm sóc trực tiếp bệnh nhân, đút từng thìa cháo hay uống thuốc, lau người hay tiêm chích khi mà bệnh nhân là một ổ virus chỉ chực chờ sơ hở là tấn công họ. Tất cả họ đều thế nhưng có thể kể tên 2 chị hộ lí là chị Phạm Thị Vân và Nguyễn Thị Thu Phương. Họ là nhân viên điều dưỡng của BV Thủ Đức. Dù biết hiểm nguy và vất vả, lại đều có con nhỏ để lại cho gia đình, họ vẫn xung phong tham gia vào khoa Covid hồi sức 1 điều trị cho các BN nặng của BV. Ngoài chăm sóc cho các bệnh nhân mệt lả mà không hề có người nhà giúp đỡ, họ còn phải chạy ngược chạy xuôi, đẩy từng cái bình oxy nặng hơn trọng lượng cơ thể họ. Trên vài tháng nay, ở trên tuyến đầu cùng nhiều bác sĩ, y tá khác họ chưa hề có một ngày nghỉ, không hề được gặp con và người thân. Trong điều kiện làm việc khắc nghiệt đó, hình ảnh khẩu trang hằn vết trên mặt, bàn tay ủ lâu trong găng tay đến nhăn nhúm, mồ hôi túa đến mức da bợt bạt hay sinh ghẻ lở khắp người cũng là điều dễ hiểu. Càng dễ hiểu là chuyện bị lây bệnh. Cho đến nay đã có 2300 nhân viên y tế TP HCM bị phơi nhiễm. Có vài bác sĩ nặng quá không qua khỏi. May mắn là lực lượng này đã được tiêm vaccin ít nhất là 1 mũi nên 50% trong số họ bị mức độ nhẹ nên vẫn cách li có thể làm việc từ xa. Dù biết cận kề nguy hiểm, phải luôn cẩn thận đề phòng nhưng họ vẫn cố gắng hết sức để canh từng nhịp thở của bệnh nhân, níu giữ từng sinh mạng sống. 

Để giúp sức với các hộ lí, y tá trong việc chăm sóc bệnh nhân nặng, đã có không ít BN tình nguyện ở lại phục vụ trong BV sau khi khỏi bệnh nếu còn đủ sức. Tiêu biểu trong số đó là Hà Ngọc Trường 29 tuổi là bệnh nhân đặc biệt của BV dã chiến Củ Chi. Cả nhà Trường, bố mẹ em trai em dâu đều dương tính với Covid và điều trị ở những BV khác nhau. Ngày trở nặng, ho khó thở mất vị giác, Trường cũng được đưa vào diện chăm sóc tích cực khu ICU. Sau 10 ngày điều trị, anh đã dần khỏi bệnh. Chứng kiến và thấu hiểu được những vất vả khó khăn của đội ngũ y bác sĩ tại đây, anh đã tình nguyện ở lại BV. Khi nguyện vọng được chấp nhận, lúc này sức khỏe chưa hồi phục, anh chỉ làm những việc đơn giản như thay bình nước lọc, khỏe hơn anh dọn phòng bệnh, thay drap giường, khỏe hơn nữa anh làm tất cả mọi việc hộ lí làm: dọn vệ sinh, thay tã cho bệnh nhân nặng, tắm gội lau người cho họ, thay bình oxy… Các bệnh nhân đã nói với anh rằng con cái họ chưa chắc đã chăm sóc họ chu đáo thế. Khi nhận tin mẹ không qua khỏi, dù đau thương nhưng anh không để bi thương quật ngã mà gượng dậy làm việc, cùng đội ngũ y tế BV giành giật sự sống cho những bệnh nhân khác. Sự cống hiến tình nguyện của anh chắc chắn là biểu hiện cao đẹp của nghĩa nhân mà sau này bao người sẽ ghi nhớ.


 ***

 Quankhu2.jpg
​Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu và các đại biểu trò chuyện với các y, bác sĩ quân y được điều động vào Nam chống dịch (ảnh: trang tin điện tử Quân khu 2)



Để nỗ lực giải bài toán giảm số ca tử vong tại TP HCM và các tỉnh có nhiều ca nhiễm, số BV dã chiến và BV hồi sức cấp cứu được thiết lập với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Một tổng đài 115 dã chiến điều phối cấp cứu bệnh nhân Covid được thành lập tại công viên phần mềm Quang Trung chỉ trong vài ngày, 4 trạm cấp cứu vệ tinh khu vực được thành lập tại các quận huyện. Từ 14 đường truyền, tổng đài 115 được nâng cấp thành 40, để cố gắng không bỏ sót những cuộc gọi cấp cứu của người dân. Đồng thời Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia cũng cho ra đời 3 nền tảng hỗ trợ phòng chống dịch gồm: Nền tảng khai báo y tế và quét mã QR Code đã được áp dụng hỗ trợ phòng chống dịch trong cả nước. Nền tảng hỗ trợ xét nghiệm, nền tảng tiêm chủng đã có những tỉnh áp dụng rộng rãi và thành công trong hỗ trợ chống dịch như tỉnh Phú Yên. Cũng phải kể công lớn của mạng trực tuyến của Bộ Y tế trong việc truyền đi kịp thời những chỉ đạo và sự liên hệ giữa các tổ chức. Việc lập các group trong mạng Zalo ở các đơn vị dân cư rất tác dụng trong việc truyền thông tin, chỉ thị đến tận người dân, để việc liên lạc trong được dễ dàng trong thời kì giãn cách. Đây là thành tích rất đáng ghi nhận của các chiến sĩ ngành CNTT trong cuộc chiến chống dịch.

 

***

 

Từ 23 xe cấp cứu Trung tâm cấp cứu 115 TP HCM được bổ sung thêm 100 xe với đủ ê kíp cấp cứu, hoán cải 226 xe của giao thông vận tải thành xe vận chuyển người bệnh có trang bị bình oxy để phân bổ về 22 địa phương tùy theo nhu cầu. Đây cũng là cố gắng linh hoạt của ngành giao thông vận tải. Tuy vậy vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu khi dịch lan rộng. Bởi vậy nên rất nhiều cá nhân có điều kiện đã góp phần giải quyết thiếu hụt.  Một ví dụ là anh Đặng Minh Trí sinh năm 1997 tại Quảng Bình. Anh một mình một xe chạy từ Đồng Hới ra phục vụ chở bệnh nhân và bệnh phẩm xét nghiệm cùng vật tư y tế trong tâm dịch bắc Giang. Sau khi dịch lui tại Bắc Giang, anh cách li 14 ngày xong tiếp tục xung phong vào TP.HCM. Lần này bố anh không đồng ý cho anh đi một mình mà ông đi cùng con. Vậy là 2 bố con một xe cứu thương vào hỗ trợ y bác sĩ ở bệnh viện dã chiến, ban ngày chở F0, F1 đi chữa trị và cách li, chiều tối và ban đêm đi phát cơm từ thiện. Mỗi ngày 2 bố con anh chạy từ 7 đến 9 chuyến xe. Rồi bố anh cũng mượn thêm được một chiếc nữa để cả 2 bố con cùng chạy. Anh nói đơn giản: “Vào tâm dịch mình cũng lo lắm, nhưng giống như những gì đã làm ở Bắc Giang. Mình hy vọng góp sức giúp TP HCM vượt qua đại dịch.”  

Cũng là chuyện xe cứu thương, người ta không thể nào quên chuyện ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND Q1, TP HCM) đã mua chiếc xe cứu thương từ 8/ 2000. Chiếc xe đã cùng ông chạy 7000km làm việc thiện nguyện như chở bệnh nhân ung thư và người nhà từ BV ung bướu về quê Tây Nguyên, chở 22 bệnh nhân  xuất viện về nhà tỉnh xa, chở hài cốt liệt sĩ qua các vùng miền, chở 100 chuyến hàng từ thiện, chở người tai nạn đi cấp cứu… Cuối tháng 7 ông ngỏ lời bán chiếc xe lấy tiền mua máy thở và dụng cụ y tế cho BV dã chiến. Sau đó có mạnh thường quân đã đáp ứng ngay và mua xe ông với giá 3 tỷ để ông thực hiện lời hứa. 

Nhưng biết tâm nguyện ông vẫn muốn tiếp tục với công việc cũ, nghệ sĩ Việt Hương đã mua tặng ông chiếc xe cứu thương hiện đại 3 tỷ để ông lại có mặt trong tâm dịch chở người đi bệnh viện cấp cứu , chở bệnh nhân đã khỏi về nhà. Ngoài ra nghệ sĩ Việt Hương còn tặng thêm cho đội mai táng không đồng một chiếc xe phục vụ việc mai táng người đã mất. Nghe cô nghệ sĩ này nói khi bàn giao xe cho ông Đoàn Ngọc Hải thấy tinh thần của cô thật đáng ngưỡng mộ: Xe em đã ghi cà vẹt luôn tên anh. Xe tốt, anh cứ chạy dăm bảy năm nữa. Coi như anh làm thay em cho công việc thiện nguyện. Vậy là em vô cùng thỏa mãn…”

Không chỉ TP.HCM, rất nhiều địa phương đã có những tình nguyện viên xe cứu thương như vậy. Ở Thái Bình có cô gái 9x Lê Thị Nhung trong nhóm “Những chuyến xe yêu thương” với chiếc Madza màu trắng đã chạy tổng cộng sáu, bảy ngàn km đưa đón bệnh nhân miễn phí tới cả những tỉnh miền núi phía Bắc trong đợt dịch lần 1 và lần 2. Kiên Giang có em Đỗ Đăng Khoa sinh viên Đại học Kiên Giang có sẵn bằng lái nên khi tham gia đội tình nguyện đã vào đội lái xe cứu thương đưa đón FO, F1 đến BV và khu cách li. Suốt cả tháng nay Khoa ước tính mình đã đưa đón khoảng 200 ca FO và dăm sáu trăm F1. Đội của Khoa có 3 tài xế và 2 xe cứu thương sẵn sàng phục vụ việc đón đưa cả ngày và đêm không kể giờ giấc. Bởi vậy chuyện ăn uống rất thất thường. Có những khi phải đi cho kịp kể cả đang đói lả. Có những ngày phải đi hàng chục chuyến để đón hết các trường hợp đi BV điều trị. Dù biết là nguy hiểm lây nhiễm và bao vất vả khó khăn nhưng em vẫn quyết tâm bao giờ hết dịch mới trở về.

Ở Bình Phước có anh Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1971. Công ty anh có 10 chiếc xe cứu thương được điều phối về TP HCM 2 chiếc, còn lại chia đều cho Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai. Đồng hành với anh có vợ và anh em thân thiết. Những ngày cao điểm anh chở tới dăm sáu chục F0 là chuyện bình thường. Anh vừa là tài xế vừa trực nhận các cuộc gọi để điều phối cho 2 chiếc xe chạy miễn phí. Mọi chi phí xăng xe cầu đường đều do Công ty anh tự lo. Anh không nhận bất cứ sự đóng góp của cá nhân hay tập thể nào. Anh nói: “Tâm nguyện của tôi là chia sẻ với bà con trong lúc khó khăn. Tôi làm tất cả điều này là trên tinh thần tình thương bác ái, muốn đóng góp phần nào cho công cuộc chống dịch” Thường xuyên chở những ca bệnh nặng, tiếp xúc với F0 liên tục nhưng anh không hề sợ hãi. Những trường hợp người lớn tuổi không có gia đình hoặc người thân đã đi cách li, anh phải cõng họ từ nhà ra băng ca. Phương châm của anh là không bỏ mặc bệnh nhân, cố gắng hỗ trợ họ dù đêm hay ngày. Anh tin chỉ cần đồng lòng thì chúng ta sẽ chiến thắng!

 

***


Túi gạo 0 đồng. Nguyễn Trung Phước.JPG
Túi gạo 0 đồng (ảnh Nguyễn Trung Phước)

 

Trong bối cảnh toàn thế giới có đại dịch, thuốc và vật tư y tế đều khan hiếm, không thể không nói đến nỗ lực của các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu để chế tạo ra bộ kit xét nghiệm, nghiên cứu sản xuất vaccin và cả thuốc điều trị Covid- 19.

Về bộ kít xét nghiệm, tại Học viện Quân y và Công ty công nghệ Việt Á các nhà khoa học đã tối ưu hóa được quy trình sản xuất, nâng hiệu suất công suất gấp 4 lần nên cũng hạ giá thành chỉ bằng ¼ giá thành thế giới. Trên cơ sở đó chúng ta đã tiến hành sản xuất hàng loạt cả 2 loại kít xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR để không phải nhập khẩu và đủ cho nhu cầu khi dịch lan rộng ra nhiều địa phương trong nước.

Về sản xuất vaccin có 4 đơn vị xin cấp phép nghiên cứu và đều đang tiến hành trong đó vaccin Nanocovax của Công ty nanogen đã qua giai đoạn lâm sàng thử nghiệm giai đoạn 2 và 3a rất tốt, đạt chỉ số tạo kháng thể trên 90% và đang thử nghiệm giai đoạn 3b với số lượng 12 ngàn tình nguyện viên tại 4 địa phương Hà Nội, Hải Hưng, Long An và Tiền Giang. Dự kiến vào cuối tháng 8 kết thúc, sẽ xin được cấp phép sử dụng để đủ nhu cầu chích trong nước và xuất khẩu. Như vậy triển vọng chúng ta là một trong số ít nước sản xuất được vaccin Covid của Thế giới. 

Về thuốc điều trị Covid hiện tại thuốc Favipiravir đã được nghiên cứu thành công và được sản xuất ở Mỹ. Các nhà khoa học của ta đã hoàn thiện và cải tiến quy trình rút ngắn tổng hợp từ 7 bước còn chỉ 3 bước, tiết kiệm được nhiều vật tư và hóa chất. Với việc làm chủ được công nghệ sản xuất, các đơn vị thực hiện đang xin cấp phép sản xuất để tiến tới tự chủ được, không phải nhập thuốc điều trị Covid.

Để có những thành tích rất đáng kể trên không thể không nói đến công sức và những cống hiến của các nhà khoa học trong lĩnh vực y sinh học của Việt nam. Không ai thống kê được họ đã miệt mài và trăn trở bao nhiêu, mất ăn mất ngủ thế nào để có được những kì tích mà liệt kê ra chỉ vài dòng ngắn ngủi như thế.

 

***

 

Tất nhiên cho đến giờ này vaccin, vũ khí quan trọng nhất để chiến thắng Covid, ngoài số lượng viện trợ trên 8,6 triệu liều của thế giới theo chương trình COVAC thì chúng ta vẫn phải nhập. Để có số tiền khá lớn này cho Quỹ vaccin, theo chương trình huy động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã có sự hưởng ứng rất tích cực từ các mạnh thường quân. Doanh nhân Phạm Nhật Vượng ủng hộ 4 triệu liều, và nhiều tập đoàn công ty và cá nhân đều tích cực đóng góp. Cho đến nay Quỹ vaccin đã huy động được trên 8 ngàn tỷ đồng, cùng với tiền chi từ ngân sách, dự kiến sẽ tiêm đủ 2 mũi cho 75 triệu dân nhằm dẹp yên nạn Covid để cuộc sống trở lại bình thường. Chúng ta hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và công nhận sự hết mình của các đơn vị và cá nhân với Quỹ vaccin cũng là những biểu hiện cao đẹp của tính nhân văn, là biểu hiện anh hùng trong trận tuyến chống dịch. 

 

***

 

Để thực hiện việc chống lây lan, thực hiện giãn cách nghiêm ngặt cũng là một biện pháp cấp bách của chính phủ đề ra. Giãn cách thì nhiều ngành nghề tê liệt, người lao động mất việc làm, mất thu nhập. Kèm theo đó là tình trạng giảm thiểu giao thương nên các thành phố lớn đông người sẽ khan hiếm lương thực thực phẩm. Ở thời điểm khó khăn này vai trò của nhiều nhà hảo tâm đã xuất hiện.

Rất nhiều người nổi tiếng đã thể hiện tốt vai trò là người của công chúng. nghệ sĩ Xuân Bắc và Tự Long góp công sức ngay từ đầu dịch ở Hà Nội. Ở phía Nam đông hơn. MC Quyền Linh đã góp trên 2 tỷ vào quỹ mua vật tư y tế rồi sau đó còn áo nâu dép lê lăn lộn tham gia các chương trình thiện nguyện không kể khó khăn gian khổ trong tâm dịch cho đến giờ. Hoa hậu H’ Hen Nie, ca sĩ Phương Thanh, nghệ sĩ Việt hương, MC Quyền Linh, MC Đại Nghĩa, hoa hậu Tiểu Vy, diễn viên Hồ Bích Trâm, á hậu Phương Anh, và nhiều người khác đã xuất tiền mua vật tư y tế tặng BV, mua hàng trăm tấn gạo và hàng hóa, thực phẩm, lăn lộn và không quản ngại gian khổ để chia sẻ với đồng bào nghèo, với những khu vực gặp khó khăn khi phong tỏa, khi thành phố giãn cách. 

Có những chủ quán cơm Sài Gòn khi BV bắt đầu đông bệnh nhân đã tình nguyện nấu đồ ăn hàng ngày cung cấp hàng trăm suất cơm miễn phí cho y bác sĩ và nhân viên bệnh viện. Anh Cường Béo sinh năm 1975 (TP HCM) duy trì 2 quán cơm chay từ thiện giúp hàng nghìn bà con nghèo mấy năm qua, khi dịch bùng phát đã cùng bạn bè mở quán cơm từ thiện giúp tuyến đầu chống dịch và cứu trợ cho bà con nghèo. Sau 2 tháng lăn lộn trong tâm dịch anh đã nhiễm Covid và giã từ chúng ta. Cái chết của anh, người cả đời cống hiến cho việc làm từ thiện đã để lại nỗi đau đớn không nguôi cho những người ở lại. Rất nhiều người đã đề nghị anh được công nhận liệt sĩ bởi tấm gương của anh đã truyền đi cảm hứng sống tích cực, thấm đẫm sự đùm bọc và yêu thương, hy sinh cả đời sống vật chất gia đình vì cộng đồng.

Cũng nhiều bếp ăn tình nguyện của các nhà hảo tâm đã nấu cơm tình nguyện mỗi ngày từ hàng chục đến hàng trăm suất giúp các chốt kiểm dịch, các điểm cách li và bà con nghèo cơ nhỡ như nhóm Phụ nữ thế hệ mới, nhóm TOT… ở Bình Thuận, bếp ăn tình nguyện của Hội Phụ nữ huyện CưMga , anh Phan Hùng Sơn với bếp ăn cho khu cách li, võ sư Tạ Anh Dũng khuyết tật với bếp cơm “Tấm lòng chung” tại TP HCM và rất nhiều địa phương khác.

Nhà thơ Trần Mai Hường ở vùng ven TP HCM và bạn bè cộng sự, nhà báo Đặng Kim Oanh với nhóm TOT ở Phan Thiết, với sự chung tay của nhiều tấm lòng vàng đã giúp đỡ dân nghèo bằng hàng trăm phần quà giúp họ đỡ đói lòng lúc ngặt nghèo. Để có được sự chia sẻ đó không những các chị đủ uy tín, đủ niềm tin cho những nhà hảo tâm tin cậy mà các chị cũng phải bươn chải và không quản vất vả để liên hệ, để lăn lộn mua về được gạo và thực phẩm, có lúc đóng gói quà cả đêm không ngủ, nhiều khi thiếu xe phải tự mình chuyên chở chẳng sá gì bản thân đang mang bệnh, sức yếu và hiểm nguy.

Anh Hoàng Tuấn Anh, cha đẻ của ATM gạo ở TP HCM, rất thành công vì tính nhân văn của nó trong lần phát dịch đầu tiên, và sáng kiến của anh cũng được lan tỏa rất nhiều địa phương. Khi biết người cha ra ngoài trong đêm thực hiện giãn cách xã hội để đổi bình oxy cứu con, anh đã thực hiện ngay ý tưởng mang oxy đến tận người bệnh. Thiếu oxy vài phút người bệnh đã có thể qua đời trong khi họ có thể duy trì sự sống cho đến lúc được nhận vào BV điều trị. Việc này có sự kết nối và thực hiện của Tổ chức Đoàn thanh niên ở Phường, Quận để sự sống không bị đứt gãy nhằm giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong. ATM- oxy với thông điệp “trao oxy-nối dài sự sống bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 8/2021.

 

***

 

Không thể không nhắc đến việc hàng ngàn chiếc xe máy của bà con lao động nghèo đã tự phát di tản tránh dịch từ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng nai về quê ở Miền Trung và Tây Nguyên. Hình ảnh những gia đình nhỏ cùng đồ đạc giản đơn chất đầy xe trên con đường gian lao ngàn dặm đã làm lay động con tim biết bao người. Và may mắn là họ đã không đến nỗi cô đơn khi trên đường đã kịp xuất hiện rất nhiều bàn tay chìa ra nâng đỡ. Các điểm tình nguyện tặng xăng, tặng cơm ăn nước uống, sữa cho cháu nhỏ, biệt đội tình nguyện sửa xe miễn phí xuyên đêm… có rất nhiều trong từng chặng, ở Phan Thiết, ở Quảng bình, ở Gia Lai…Người ta sẽ còn nhắc mãi trường hợp gia đình anh Xồng Bá Xô với đứa con mới đẻ 9 ngày tuổi và vợ đẻ mổ trên chiếc xe cà tàng về đến khu vực trạm trung chuyển hầm Hải Vân. Và cái kết có hậu khi sau đó cả nhà anh được giúp đỡ vé tàu về Vinh rồi ô tô chở về tận nhà kèm ít tiền trong túi cho vững dạ. Chiếc xe tàng được thay bằng 20 triệu đồng về mua xe mới. Nhóm cán bộ công nhân trạm trung chuyển và hành động nhân ái đêm cuối tháng 7 này cũng làm xúc động con tim bao người. Có thể coi họ là anh hùng bởi lòng nhân ái. 

Sự lan tỏa làm việc nghĩa được tiếp tục khi có nhiều người hảo tâm đem phong bì tiền ra phát tặng. Đó là chị Trần Huệ bán cá ở Phan Thiết dù chưa thể gọi là giàu khi 16 năm nay chỉ mặc áo thừa của con mà chưa mua một tấm áo mới, dưới chân vẫn chỉ đôi dép tổ ong nhưng vẫn cầm tập tiền 500 ngàn tặng cho những người dân chạy về quê trong mấy ngày đầu tháng 8. Anh Nguyễn Duy Cương, bí thư Đoàn Phường Bến Thủy thông qua Đoàn Phường để phát phong bì 500 ngàn cho mỗi chiếc xe về quê. Sau đó chị Ngân Vũ ở Khối 9 Bến Thủy gửi góp phần 30 triệu để làm việc nghĩa này. Chắc rằng chúng ta sẽ nhớ mãi hình ảnh chiếc xe của chị Đinh Thu Hiền chờ cho đến 23h đêm với 2 chiếc hộp giấy trên mui, một hộp đựng những hộp xôi giúp đỡ đói lòng, một hộp là dòng chữ đầy tình yêu thương “Mỗi người đi xe máy về quê vui lòng nhận một phong bì 500 ngàn”. Sau đó nhóm Kiến trúc sư trẻ Nghệ An và Đoàn thiện nguyện Tâm An phát những phần quà 200 ngàn tại bàn khai báo y tế khi họ về địa phương.

Còn rất nhiều những tấm lòng ở mọi ngành mọi giới, cả người còn nghèo và người giàu.  Anh Hoàng Tuấn Vũ, chàng shiper 28 tuổi làm quần quật từ sáng tới tối nhưng trích nửa lương mỗi ngày mua cơm cho bà con nghèo Cần Thơ. Anh Lê Xinh Dan mất xe máy khi giao hàng ở Hóc Môn thì anh Nguyễn Thanh Tòng nhà gần đó khi nghe hoàn cảnh khó khăn của anh đã tặng luôn chiếc SH anh đang sử dụng. Công an Quận Từ Liêm cũng góp tiền mua xe máy cho chị lao công nghèo bị bọn kẻ cướp lấy mất xe khi đang làm việc. Đại gia Trần Công Cảnh ở Quảng Ngãi chi 400 triệu tiền thuê 2 chuyến máy bay chở người dân Quảng Nam, Đà Nẵng về quê. Đại gia Tuấn Lộc quê Nam Đàn, Nghệ An hỗ trợ thuê 6 chuyến máy bay, Đại gia Trần Văn Toàn ở TP HCM quê Hà Tĩnh thuê 5 chuyến chở bà con đồng hương mình về quê lánh dịch…

 

***

 

TP HCM và các tỉnh phía Nam đang vào đợt căng thẳng nhất của đại dịch. Từ 1/7 đến 21/8 đã có hơn 14,6 ngàn cán bộ và nhân viên y tế chi viện cho miền nam chống dịch. Họ là cán bộ các phòng ban vụ viện của Bộ Y tế, của quân y, bác sĩ đầu ngành các BV lớn của 35 tỉnh phía Bắc, sinh viên các trường y để thành lập các BV dã chiến, tăng cường nhân viên cho các BV quận, huyện tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Ngoài ra còn 6 ngàn chiến sĩ cảnh sát thuộc Quân khu 7 cùng hàng ngũ dân quân và cán bộ cơ sở đã thành lập các tổ đi chợ hộ hỗ trợ từng nhà dân vùng dịch. Hy vọng trận chiến cuối cùng, với sự đồng lòng của toàn dân, chúng ta sẽ chóng dập được dịch, hạn chế tổn thất thương vong cho nhân dân.

Dịch dù khốc liệt đến mấy, với sự đồng lòng và quyết tâm của toàn xã hội, chúng ta nhất định sẽ đẩy lùi. Chỉ tình người, tinh thần tận hiến và sự hy sinh của những con người ưu tú thì còn mãi. Những tấm gương anh hùng dũng cảm, nhân nghĩa của họ thật đáng được tôn vinh.

H.A.

 

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​