Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
THĂNG TRẦM NGHỀ VIẾT KỊCH



                                                          Hồi ức của Hoàng Tiến Điểm


Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tuổi thơ tôi gắn liền với những lời ru, câu ca dao, đồng dao, tục ngữ; những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn và chuyện cười dân gian… Số "vốn" đó là hạt mầm để tôi nay trở thành biên kịch sân khấu. Nhiều kịch bản của tôi đã được Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) dàn dựng, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phát sóng. Các tác phẩm tôi biên kịch đều là kịch bản hài, tung tẩy trong chuyên mục Hài Xuân, Thư giãn cuối tuần, Hỏi xoáy, đáp xoay… với bút danh Hoàng Tiến Điểm. Để rồi, tháng 3 năm 2021 tôi chính thức được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. 

"Khởi điểm - Thành công - Thăng trầm" là những dấu ấn với "nghiệp" cầm bút của tôi; tạo nên những suy ngẫm, bài học, kinh nghiệm và tiếng cười cho nhân gian. Khi "trà dư tửu hậu" với người tâm giao, tôi mới chia sẻ về chu trình dấu ấn cuộc đời tôi đều nằm trong những năm đầu thập kỷ. 


hoangtiendiem-13.09.2021.JPG
      Nhà biên kịch Hoàng Tiến Điểm tại lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam năm 2020 tại Hội VHNT Đồng Nai



Bắt đầu từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Cô bạn học khác lớp, cùng khóa trường cấp 3 Cẩm Giàng (nay là trường THPT Cẩm Giàng, Hải Dương) có cái tên cực đẹp: Trần Thùy Linh, đến thăm tôi, khoe rằng đã được Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) kết nạp, hoạt động trong Ban Văn học; rồi cho tôi xem những bài thơ được đánh bằng máy đánh chữ mổ cò cổ lỗ sĩ. Tôi có chút ghen tỵ, vì bạn được sinh ra và lớn lên ở ga Cẩm Giàng (tên địa danh gốc là Cẩm Giang), chính quê nhà văn Thạch Lam, cùng nhóm Tự Lực Văn Đoàn; nên mới có "gốc" để xứng danh giới văn nghệ sĩ. Mỗi lần đi nộp bài hay đi họp ở Hội, bạn thường ghé thăm vợ chồng tôi. (Khoe mấy bài thơ mới đăng là chính). Đận nào cũng rủ rà rủ rỉ giục tôi viết, bảo thích viết cái gì thì cứ viết. 

- Cậu học giỏi văn gần nhất trường, cô giáo dạy văn luôn lấy bài tập làm văn của cậu như một bài văn mẫu cho những lớp cô dạy. Bạn bảo. 

Nhắc lại chuyện này tôi "cay" lắm. Đường đường môn văn của tôi đều đạt trên tám phẩy (thời đó môn văn mà được 6,5 là dạng khá rồi), thế mà thi tốt nghiệp tôi chỉ được 5 điểm. Bạn tiếc cho tôi, học giỏi mà không học cao lên. Nhưng mới xóa bỏ bao cấp, kinh tế khó khăn; nào ai dám chắc có điều kiện để học tiếp, học xong tìm việc làm mới nan giải làm sao! Cũng năm cuối cấp 3 ấy, quy định mới thí sinh có nguyện vọng học trường nào thì dự thi tại trường đó; mà các trường đại học, cao đẳng đều nằm ở Hà Nội; dân tỉnh lẻ như chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn về phương tiện giao thông, đường xá. Sau này có điều kiện giao lưu đồng môn, qua kiểm đếm có đến hơn 90% bạn cùng lứa chúng tôi không thi và không đỗ năm đầu. Một số bạn đi bộ đội, phần đa là về quê làm nông nghiệp, hàng xáo, buôn thúng bán mẹt; rồi năm trước, năm sau xây dựng gia đình, yên bề gia thất, trong đó có tôi. Ngay như cô bạn nhà thơ đây, rời ghế nhà trường là đi buôn bán, chợ búa khu ga tàu, khi có chồng mới vào học ngành sư phạm.

Năm 1992, tôi làm ở đài truyền thanh xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương. Cứ vào 16h30 thứ năm hàng tuần ca trực của tôi, Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng chương trình "Tìm hiểu Nghệ thuật Sân khấu", nghe mãi rồi yêu chương trình này. Biết các đoàn kịch, Trung tâm văn hóa tỉnh, thành trong cả nước, đang khan hiếm kịch bản hay để dàn dựng, biểu diễn lưu động, và nhớ lời cô bạn nhà thơ, tôi chọn viết kịch bản. 

Vào thời điểm ấy, tôi đã kịp đọc nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, các tác phẩm văn học, chân dung các nhà văn nhà thơ tên tuổi. Trong mơ vẫn mong họ tên mình được in trên một ấn phẩm sách báo nào đó. “Mọi sự so sánh đều khập khiễng”, họ hàng lo lắng vì sợ tôi “ngộ chữ” đến nơi rồi. Một trong những anh trai tôi muốn tôi chí thú làm ăn, đã tìm mọi cách ngăn chặn tôi, lén hủy những trang viết, thậm chí đổ đi chai dầu dự phòng để tôi không có ánh sáng mà viết, đọc sách. (Bạn đọc hãy hiểu, thời điểm đó mỗi gia đình chỉ được thắp một bóng điện từ chập tối đến 9 giờ tối).

Viết được kịch bản nào là tôi đạp xe mang lên tỉnh nộp. Mùa mưa dầm thì đường trơn trượt, vồ ếch suốt; thi thoảng lại phải lấy cành cây gạt đất bám vào gác-đờ-bu, phanh. Mùa vụ, thì vượt qua những đoạn đường làng rơm rạ bà con phơi dầy đến lưng bánh xe, chốc chốc lại phải dừng xe gỡ rơm quấn vào xích líp, gác-đờ-xen. Mùa đông, gió bấc rít gào từng cơn như người sắp chết thở hắt ra, phải lựa chiều gió mà đạp xe, nhiều lần suýt bị tạt xuống mương… Mà đâu phải lần nào lên tỉnh cũng gặp được người tiếp nhận. Tôi không nhớ, lên tỉnh đã nộp cho Hội VHNT hay Trung tâm Văn hóa tỉnh. Nhưng “gáo nước lạnh” đầu tiên rất phũ phàng, khi người tiếp nhận hỏi tôi về học vấn và buông lời: “Học đại học Tổng hợp văn Hà Nội như tao mà chưa dám viết kịch bản. Ngữ phổ thông trung học thì đừng có mơ…”. Tôi ra về lòng hụt hẫng. Bác bảo vệ thấy tôi buồn rười rượi, bèn hỏi. Tôi kể. Bác khuyên tôi bằng một câu danh ngôn: “Tóc bạc không phải dấu hiệu của tuổi già”, nghĩa là không phải ai học cao cũng sáng tác được tác phẩm. Câu nói này đã đi theo cuộc đời tôi.

Tác phẩm đầu tay của tôi biểu diễn trong sân kho Hợp tác xã, được an ninh thôn và Hợp tác xã phụ giúp âm thanh, ánh sáng, trật tự. Khán giả đông như xem đoàn kịch chuyên nghiệp, vì nhất là không mất tiền vé, hai là bà con tò mò muốn xem con cháu họ là diễn viên sẽ như thế nào? Ngoài chương trình ca nhạc, kiểu hát cho nhau nghe, còn có tiểu phẩm “Phú ông kén rể”. Nội dung của tiểu phẩm: Lão phú ông có nhiều ruộng, nhưng nạn dịch chuột cắn phá. Lão tuyển chồng cho con gái Thị Mầu, xem ai có biện pháp diệt chuột hiệu quả nhất thì được làm rể. Hàng loạt kinh nghiệm diệt chuột được đưa ra. Khán giả cổ vũ và tự ủng hộ tiền cho đội văn nghệ rất nhiều. (Sau một thời gian tiểu phẩm này được giải nhất tỉnh Hải Dương trong Hội thi “Nhà nông đua tài”). 

Tiếp đến, đầu thập kỷ 2000, từ hàng loạt những tác phẩm viết về nông thôn được giải cao của tỉnh, tôi được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Hải Dương năm 2001. Và cũng năm đó, Đảng ủy xã Cẩm Vũ có nghị quyết khuyến khích đảng viên trẻ đi học chuyên sâu, bằng cách hỗ trợ học phí và tiền mua tài liệu. Đó là động lực để tôi thi đỗ vào trường đại học Văn hóa Hà Nội, phân hiệu tỉnh Hải Dương. Ngày khai giảng, với vẻ tự tin diễn thuyết và dẫn chương trình văn nghệ của tôi, phải nói là độc đáo; ông giám đốc Nhà khách Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương - Vũ Mạnh Quang, đã có động thái tuyển dụng tôi về làm chuyên viên, mặc dù biết tôi mới học đại học năm nhất. Họ hàng nhà tôi không ai tin được khi nhiều người đã tốt nghiệp đại học, thuộc diện “con ông cháu cha” mà vẫn thất nghiệp. Tôi tự tin từ một nông dân để trở thành viên chức một cách như “lột xác”. Vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa theo học xong khóa đại học, vừa có thêm nhiều tác phẩm sân khấu ấn tượng phục vụ cho công tác tuyên truyền của tỉnh. Sau tốt nghiệp đại học, tôi cũng được một số đơn vị sự nghiệp trong tỉnh gợi ý muốn tôi về làm việc; nhưng vì có duyên với Nhà khách nên tôi vẫn ở lại, như là “trả công” cho việc ăn học của mình. Tôi bị một tai nạn nhỏ, hơn hai năm phải đi bằng nạng. Và sau chuyến vào Nam, thấy sức khỏe tốt hơn, tôi đã quyết định chuyển gia đình vào Đồng Nai sinh sống. 

Từ năm 2010, kinh doanh dịch vụ là công việc chính của tôi. Người thân trong này, không ai muốn tôi tiếp tục theo ngành văn hóa văn nghệ. Nhưng vẫn duyên với nghiệp viết kịch, tôi vẫn âm thầm sáng tác. Mỗi khi cầm bút, thì câu nói của NSND, đạo diễn Doãn Hoàng Giang khi nói chuyện với văn nghệ sĩ Hải Dương cứ văng vẳng: “Các bạn hãy tìm cách cho lửa vào tác phẩm, nếu không được thì hãy cho tác phẩm vào lửa”. Tôi đã cho ra đời gần 20 tiểu phẩ​m Hài Xuân, Thư giãn cuối tuần… phát sóng Đài Truyền hình Việt Nam và một số đài tỉnh. (Bạn đọc có thể vào YouTube xem một số tiểu phẩm hài do tôi biên kịch: Miếng thịt tổng kết, Cái thớt gia bảo, Của thiên trả địa, Thực khách cuối cùng, Thực phẩm thiên nhiên, Cái kính, Xây mộ Tổ 1; 2; 3…)

Đặc biệt, năm 2020 tôi đã được Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, NSND - Đạo diễn Giang Mạnh Hà, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, phụ trách phía Nam, nhận tôi vào làm chuyên viên văn phòng Hội. Vậy là gần mười năm bươn chải kinh doanh ở Miền Nam, tôi đã được về chính thực là mình, một văn nghệ sĩ với nhiều thăng trầm và nhiều thử thách đang ở phía trước.   

H.T.Đ



Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​