Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NGÔN NGỮ - “THỨ PHƯƠNG TIỆN GẦN NHƯ DUY NHẤT VÀ BẮT BUỘC” TRONG NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN KHẮC PHÊ




                                                       Th.S Nguyễn Văn Nhật Thành

 

Đồng hành cùng cuộc chuyển mình lớn lao của đất nước, văn học Việt Nam sau 1975 chứng kiến cuộc vật lộn âm thầm nhưng quyết liệt của bao văn nghệ sĩ trên hành trình tìm kiếm “sinh lộ” mới cho văn chương Việt. Có người cho đây là cuộc nhận đường – “một cuộc nhận đường có lẽ còn phức tạp hơn cuộc nhận đường lần thứ nhất và lần thứ hai đã diễn ra trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và những năm sau hòa bình ở Miền Bắc” bởi ở đó, người cầm bút không chỉ đối mặt với “ngồn ngộn” những chất liệu nghệ thuật mới đang ùa vào trang văn, phá vỡ hệ hình thi pháp cũ mà còn vượt thoát khỏi chính mình để tìm kiếm những nẻo đường mới cho văn chương. Vì vậy, mỗi nhà văn không ngừng tìm kiếm, khai phá và sáng tạo. Họ không chỉ nhạy cảm với cái mới mà đôi khi phải chấp nhận cả sự cô đơn trên hành trình nghệ thuật của chính mình mà Nguyễn Khắc Phê có thể xem là một trong những trường hợp tiêu biểu. Tuy không phải là người “mở đường tinh anh” như Nguyễn Minh Châu cũng không phải là tài năng được nhìn nhận một cách đồng thuận trong các đánh giá phê bình, nhưng “luồng gió mới” mà Nguyễn Khắc Phê mang đến cho dòng chảy văn học là đáng trân trọng, làm nên một “thương hiệu” cho Huế nói riêng và văn học cả nước nói chung.

Người viết tiểu thuyết là người luôn hình dung trong tâm tưởng, những chi tiết sống động, rồi sau đó là tìm ngôn từ để diễn đạt. Nhà văn là nhà nghệ thuật ngôn từ. Nhưng nghệ thuật ngôn từ của nhà tiểu thuyết không phải là sự trau chuốt vần điệu, mà làm sao cho ngôn ngữ nghệ thuật gần với ngôn ngữ thật của đời sống, nhưng lại chính là ngôn ngữ nghệ thuật chứ không phải ngôn ngữ đời sống. Xem ngôn ngữ như là một trong những yếu tố đầu tiên quy định cung cách ứng xử của người cầm bút, mặc dù Nguyễn Khắc Phê chưa được xem là một trong những nhà cách tân về ngôn ngữ của văn học Việt Nam sau 1975 tuy nhiên con đường mà ông đã đi qua chỉ mới là những thử nghiệm nhưng nó đã xác lập được một dấu ấn cá nhân, một cái tôi bản thể đầy độc đáo. Với Nguyễn Khắc Phê viết văn không đơn thuần là trò làm xiếc bằng ngôn từ mà là cách ứng xử khoa học và đầy tâm huyết của một nhà văn. Nên trong vấn đề này không phải không có những ý kiến trái chiều cho những đổi mới của Nguyễn Khắc Phê. Song bất chấp sự hiểu nhầm - bi kịch của những nhà đổi mới, cách tân - những trang văn của Nguyễn Khắc Phê vẫn là những văn bản đa thanh kì diệu, mở ra bát ngát những liên tưởng từ những ngôn ngữ lạ lẫm, đầy cá tính sáng tạo.


Chân dung nhà văn Nguyễn Khắc Phê.jpg
Chân dung nhà văn Nguyễn Khắc Phê


1. Ngôn ngữ đời thường trần trụi

Thu hẹp khoảng cách giữa truyện kể và những “chuyện” của hiện thực, ngôn ngữ văn chương sau 1975 trở nên gần gũi với ngôn ngữ đời sống hơn bao giờ hết. Có sự xuất hiện của những khẩu ngữ,ngôn ngữ vỉa hè. Có kiểu phát ngôn trần trụi, không gọt giũa của thứ ngôn ngữ “chợ búa”. Những tiếng lóng, những câu chửi thề được sử dụng khá thường xuyên….để phê phán một mảng xã hội bề bộn mọi chuẩn mực đạo đức bị đảo lộn, nhiều cây bút đã không ngại sử dụng thứ ngôn ngữ trần thuật “thiếu văn hóa”, ngôn ngữ “phố phường” thời hiện đại. Nguyễn Khắc Phê cũng không ngoại lệ, thậm chí nhà văn còn mạnh tay hơn so với nhiều cây bút khác trong việc sử dụng ngôn ngữ đời thường “trần trụi” trong lời kể. Điều ấy lặp đi lặp lại tạo thành một thứ ngôn ngữ nhất quán trong sáng tác của Nguyễn Khắc Phê.

Điều đầu tiên dễ nhận thấy trong văn Nguyễn Khắc Phê là sự dung nạp những khẩu ngữ có thể gặp ở bất kỳ đâu trong cuộc sống thường nhật như cái kiểu chửi thề thô tục: “Tàu với bè như con c…!”[9, tr. 7], “Đ.mẹ! Biết tàu bè như cái đếch thế này thì bố nhảy xe cho rồi”[9, tr. 11], “Tôi muốn lên, muốn xuống mặc tôi, việc đếch gì đến ông!” [9, tr. 12], “Ông đếch có quyền gì ở đây”[9, tr. 12], “Đ.mẹ! Chúng nó nẻ tính tiền từng bao một chứ đâu…”[9, tr. 12], “Bỏ mẹ! Động rồi ! [8, tr. 93], “Cây gỗ đâu? Dây đâu? Mau lên! Tối mẹ nó rồi !” [7, tr. 26], “Đù mẹ! Đừng có tưởng bở!”[7, tr. 26], “Ông ngu bỏ mẹ” [7, tr. 65], “Đ…mẹ! Không có bằng chứng, đếch sợ” [7, tr. 205], “Không khéo chạy mẹ nó mất rồi” [7, tr. 223], “Ông ngu bỏ mẹ!” [7, tr. 65], “Lơ mơ chúng nó khai ra lung tung thì bỏ mẹ!” [7, tr. 177],…

Ngôn ngữ như vậy tạo cảm giác nhà văn có thể tóm ngay những chi tiết bất kỳ đâu, ngoài đường phố, vỉa hè, không qua gọt giũa đưa thẳng vào văn chương. Ngôn ngữ như một dong chảy tự nhiên không qua chưa được sắp xếp. Đọc văn của Nguyễn Khắc Phê, người ta có cảm giác ngôn ngữ đang ở trong trạng thái nguyên thủy, không pha trộn màu mè. Có những câu văn cụt ngủn, lửng lơ như lời nói hằng ngày chưa được dàn xếp theo quy luật của văn chương: “Chị thầm hỏi, nhưng không đưa trí tưởng tượng đuổi theo họ mà lại cố tìm bắt hình ảnh của chính mình. Bao nhiêu năm đã qua.” [8, tr. 6], “Đèn đỏ là tín hiệu “stốp” dừng lại. Điềm gở chăng? [8, tr. 12], “A…!Anh ở đây rồi à? Ai tin mà lẹ thế? Tôi vừa…” [7, tr. 62]. Nhưng nhiều hơn cả là những câu văn dài, rườm rà nhiều hư từ, giới từ, văn nói và văn viết không thể tách bạch: “Nhà một tầng không hết vẫn muốn xây lầu; xa lông gõ vừa mua đã muốn đổi hàng tiện trắc, cẩm lai; lâu đài giữa thành phố phải thuê người quét bụi các phòng để trống, vẫn muốn xây thêm biệt thự ngoại ô; đã có vợ, còn muốn bao “bồ nhí”; thậm chí đến cỗ “hậu sự” đưa con người trở về với cát bụi cũng thi nhau đóng thật dày, gỗ thật tốt” [7, tr. 24]. Hay:  “Người đang ở nhà tranh thì làm nhà ngói, người đã có nhà ngói thì xây lầu, nhân viên loại bét như tay thủ kho cũng bỏ xe đạp lên được chiếc cúp” [8, tr. 135].

Trong những trường hợp này, ngôn ngữ của Nguyễn Khắc Phê mang tính chất nguyên sơ, tự nhiên, một thứ ngôn ngữ nguyên chất, trần trụi với ngôn ngữ hằng ngày sinh động đầy biến hóa. Ngôn ngữ như vậy không đơn thuần là những kí hiệu mà là một chất liệu làm hiện hình trực tiếp một trạng thái đời sống. Nó không phải qua trung gian phiên dịch các kí hiệu của tư duy mà tác động ngay vào cảm giác của người đọc, cho ta những cảm giác trực tiếp về đời sống. Có thể là cảm giác pha tạp ngổn ngang, có thể là cảm giác tẻ nhạt, công thức đến vô nghĩa nhưng quan trọng hơn nó luôn tạo ra một cảm giác chân thực về cuộc đời.

Mặt khác, ngôn ngữ đời thường trần trụi trong văn của Nguyễn Khắc Phê còn thể hiện đậm nét ở cách ông sử dụng những từ ngữ thông tục. Đọc Nguyễn Khắc Phê, ta sẽ không bắt gặp một, hai từ chêm xen thông tục trên tổng thể là lượt, gọt giũa giống ngôn ngữ cổ điển của Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến mà Nguyễn Khắc Phê có vẻ gần gũi hơn với Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ, song táo bạo hơn bằng cách tung ra một dòng thác những ngôn từ bỗ bã về bất kỳ đối tượng nào được đề cập tới.

Cũng như những con người bình thường khác, mỗi nhà văn thường neo đậu hồn mình với một địa danh, một quê hương mình gắn bó. Thể hiện hình bóng quê hương trên trang viết là một trong những cách đền đáp nghĩa tình đối với mảnh đất mà họ yêu thương. Và việc lấy phương ngữ nơi mảnh đất mình gắn bó làm ngôn ngữ biểu đạt trong tác phẩm cũng là một hướng đi nhiều nhà văn lựa chọn. Đọc văn Hồ Biểu Chánh, ta nhận ra chất Nam bộ trong hệ thống từ địa phương được sử dụng dày đặc trong tác phẩm. Giọng văn Tô Hoài cho biết ông là nhà văn của mảnh đất kinh kỳ Tràng An ngàn năm văn vật, gần với ngôn ngữ chuẩn về ngữ âm nhưng có thể nhận ra cái riêng với vốn từ vựng ngữ nghĩa của một vùng phương ngữ. Trong thực tế, nhà văn của phương ngữ Bắc chất phương ngữ ít lộ rõ, bởi nó gần với ngôn ngữ chuẩn. Tác giả Nguyễn Khắc Phê là người con gắn bó với vùng Trung Trung bộ, lời ăn tiếng nói của con người nơi đây đã đi vào tác phẩm của ông và thực sự đem lại giá trị thẩm mĩ. Lớp từ địa phương được xem là một đặc điểm thể hiện phong cách ngôn ngữ của tác giả như: đại từ chỉ định và nghi vấn (ni, ri, chi răng), đại từ xưng hô (tui, tau, mi), danh từ chỉ người (mạ, mấy cô, o, mệ (bà), ông mệ), tính từ (dở òm, dị òm, dài dài, thanh thoả, dữ hí, dữ), quán ngữ (hết chịu nổi, thiệt là bà chằn, mắc mớ chi, nói bà xàm)...Trong các loại trên thì đại từ chỉ định, nghi vấn, đại từ xưng hô số lượng từ ít nhưng được sử dụng với tần số cao, còn các từ loại khác tần số sử dụng không cao nhưng đem đến cho người đọc cảm giác thú vị từ vốn từ địa phương mới lạ, với những sắc thái nghĩa phong phú. Chính những yếu tố ngôn ngữ này đã góp phần tạo nên lời văn sinh động, giàu sắc thái biểu cảm, hiện thực được phản ánh lên trang viết với sự tinh nguyên, tươi rói vốn có của cuộc sống.

Tác giả dùng từ địa phương với dụng ý nghệ thuật, xây dựng hình tượng nhân vật gắn với một địa phương, gợi những tình cảm của người đọc về một vùng đất đậm đà bản sắc văn hoá. Ngoài ra, sự xuất hiện nó còn giúp cho khoảng cách ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ đời sống dường như được rút ngắn, đường ranh giới không còn rõ ràng, tính hiện thực của tác phẩm được nâng lên. Nguyễn Khắc Phê dùng từ ngữ địa phương một cách hợp lí, đi vào lòng người, thuyết phục độc giả bởi chất liệu cuộc sống chân thực. Màu sắc hiện thực từ địa phương mang lại không kém phần tươi tắn và gây hiệu quả về cảm xúc nghệ thuật.

Tất cả đều trần trụi, ngồn ngộn đi vào trong tác phẩm của Nguyễn Khắc Phê một cách tự nhiên, thoải mái như lời ăn tiếng nói của con người trong cuộc đời thực. Không thể phủ nhận việc sử dụng đến mức lạm phát những ngôn ngữ bỗ bã cũng hạn chế tính thẩm mỹ của tác phẩm, khiến đôi khi bạn đọc thấy “sốc”, khó chấp nhận nhưng thực ra nó hàm chứa trong đó cách ứng xử riêng của Nguyễn Khắc Phê với ngôn ngữ truyền thống và quan trong nó liên quan đến cách tiếp cận đời sống riêng của ông.

2. Ngôn ngữ trào phúng đầy tính giễu nhại

Đây là một đặc điểm quan trọng làm nên chất Nguyễn Khắc Phê - một chất văn trí tuệ sắc sảo luôn phát hiện ra tính vấn đề của mọi sự vật, hiện tượng và bất cứ lúc nào cũng có thể tạo nên tiếng cười, khi hài hước lúc hóm hỉnh và chủ yếu sâu cay nhằm lột trần, bóc mẽ mọi đối tượng, làm nó hiện nguyên hình, đúng bản chất vốn có của nó.

Tính trào phúng, giễu nhại của ngôn từ Nguyễn Khắc Phê trước hết được tạo dựng bởi những tổ hợp ngôn ngữ độc đáo. Mỗi nhà văn ưa thích sử dụng một từ loại, một kiểu ngôn từ riêng. Có thể là những tính từ gợi cảm xúc nhẹ nhàng, man mác như trong văn Thạch Lam, có thể là những động từ mạnh tạo nên nhịp điệu dồn dập của tấn trò trong văn Nguyễn Công Hoan. Còn Nguyễn Khắc Phê lại tự tạo ra những tổ hợp ngôn ngữ độc đáo mới đọc lên rất kì dị, cảm giác như cộm lên giữa câu văn, làm cho mạch văn của ông không chảy trôi một cách yên bình mà như có gì vướng lại giữa dòng, buộc người đọc phải dừng lại xem xét, suy ngẫm như: “Chỉ biết cam chịu theo số phận…Chị buông nhẹ tiếng thở dài và khẽ lắc đầu như muốn rũ bỏ những ám ảnh nặng nề của thời quá khứ…” [8, tr. 6],“Mỗi mùa lá bàng nhuốm đỏ rơi và cả khi cành xèo nụ mới, chị biết tuổi mình dần qua chầm chậm, êm ả mà vô cùng nghiệt ngã, vì nó vĩnh viễn không bao giờ trở lại…” [8, tr. 7], “Nếu không muốn nói là ánh mắt cam chịu, của một kẻ đang chờ bố thí…” [8, tr. 9], “Đôi bàn tay răn reo. Những vụn than quăn queo tơi tả” [8,tr. 17], “…Bỗng thấy vai kịch của mình là hạng bét” [8, tr. 28], “Có tấm lưng ông phải trả tiền; đó là khi ông đi công tác đến những vùng đất lạ” [8, tr. 40].

Còn rất nhiều những kiểu tổ hợp ngôn ngữ kiểu như vậy chẳng hạn: “là kẻ giác ngộ”, “là hành động thuần túy”, “là siêu thoát”, “là tình thương không đối tượng”, “ánh mắt cam chịu”, “cô đơn mà không cô độc”, “sơn nữ thời hậu chiến”, “buổi sáng trầm trọng”, “sa mạc lầm than”,…Cách tổ hợp ngôn ngữ này thường được tạo ra bằng cách kết hợp bất ngờ giữa cái trừu tượng và cái cụ thể, vì vậy, chúng có tính gợi hình cao, cảm giác chạm nổi đối tượng trên mặt giấy. Bởi vậy, Nguyễn Khắc Phê tuy ít tả con người, sự vật song chỉ cần một hoặc một vài tổ hợp ngôn ngữ đã làm cho đối tượng như đang hiện ra trước mắt người đọc, cảm giác như sờ vào chúng, chúng cựa quậy và sống động. Các tổ hợp ngôn ngữ này trở thành những “từ ngữ chiến lược” gửi gắm dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Chúng tạo ấn tượng đột ngột về đối tượng, có tác dụng phóng đại, làm đối tượng hiện lên với vẻ phi lí trái tự nhiên tầm thường, phô bày cái bản chất đáng cười của nó. Vì vậy, những tổ hợp ngôn ngữ này thể hiện cái nhìn đầy tính giễu nhại về đối tượng, giúp Nguyễn Khắc Phê lột trần bóc mẻ mọi đối tượng bằng sự sắc sảo đầy tinh quái của mình. Chúng tạo nên tiếng cười sâu cay, đôi lúc tàn nhẫn, có thể “chôn vùi đối tượng”. Song đó là cái nhìn vào tận đáy sự vật, khám phá cuộc sống từ trong bản chất.

Bên cạnh việc tạo nên những tổ hợp ngôn ngữ độc đáo, Nguyễn Khắc Phê còn sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, những cách so sánh kì lạ góp phần tạo nên cái nhìn giễu nhại về đối tượng. Chẳng hạn như kiểu:“Căn cứ vào cuộc hội ý "bộ tam bộ tứ" gì đó [...] Các đống cành và mấy khúc thân đều được gắn "biển số" để bắt thăm” [8, tr. 243],“Cõi lòng chị - vùng đất như hoang vắng với mầm cây lạ vừa sa xuống đang phập phồng đón đợi…một ánh chớp, cơn mưa rào hay là cả trận cuồng phong chị cũng không biết nữa…” [8, tr. 7], “Anh càng thất vọng sâu sắc khi nhận ra khuôn mặt những kẻ bao lần rao giảng đạo đức liêm chính và tinh thần trách nhiệm cho anh, cả khuôn mặt thằng bạn giúp việc cho anh nữa, cũng có mặt trái dơ bẩn của chiếc mề gà” [8, tr. 131], “Cõi lòng cô như đám đất sét ngày nắng hạn, mầm hạnh phúc gieo vào chưa kịp trổ hoa kết quả đã lay chực héo khô” [7, tr. 13].

Hay khi so sánh về tình yêu cũng đầy tính giễu nhại: “Lúc này, cái thân hình vững chãi của anh đã thành một bến bờ cho con thuyền cô ghé lại - con thuyền mang tình yêu và lòng tin nơi con người suốt mấy ngày qua chao đảo vật vờ đã tìm tới bến đỗ bình yên” [8, tr. 145]. Khi so sánh về cây bàng: “Cây bàng chỉ còn một cành sót lại với những chùm lá non tơi tả như cánh tay của người sắp chết đuối cố vươn lên cầu cứu người qua đường” [8, tr. 242]. Những so sánh ẩn dụ này thường mở ra hai chiều về sự vật hiện tượng, một chiều tả thực, một chiều liên tưởng. Mà chiều liên tưởng mới quan trọng. Những hình ảnh tuy là những liên tưởng tạt ngang, nghe qua thoạt rất vô lý, có vẻ không ăn khớp nhưng lại là một cách Nguyễn Khắc Phê luận về đối tượng hoặc có khi chỉ nhằm tới giễu nhại một đối tượng khác. Vì vậy, ngôn ngữ Nguyễn Khắc Phê luôn có sự dồn nén, cô đúc đầy tính đa nghĩa.

Tính trào phúng, giễu nhại đôi khi còn được Nguyễn Khắc Phê thể hiện thông qua những kiểu câu văn có mệnh đề phụ. Đây là kiểu câu văn quen thuộc đặc trưng. Nhà văn với cái cách chú trọng bình diện ngữ nghĩa hơn là cú pháp đã dồn sức nặng vào mệnh đề phụ hàm chứa thông tin biểu cảm hoặc cách đánh giá mà chủ yếu là giễu nhại:“Cái đầu lơ thơ những sợi tóc bạc của ông có thể ví như một nhà máy vẫn nhập nguyên liệu nhưng không cho ra sản phẩm nào, kho tàng đầy căng, nén chặt đến nỗi không còn chịu đựng nổi nữa” [8, tr. 148], “Những ngọn lửa xanh vô tư lớn lên từng ngày, tưởng như dưới lòng đất, có ai đó thường xuyên thổi chuyền qua thân cây xù xì tới tận mút các lớp cành nhánh mảnh mai xòe tròn xung quanh chất nhựa xanh kỳ diệu” [8, tr. 241], “Nhựa cây - nước mắt rừng, tứa ra thấm đẫm các sườn núi mà người chặt cây cười nói râm ran vui vẻ như đi hội” [7, tr. 24], “Nhưng để tránh bọn lâm tặc phát hiện, anh không phơi mình trên các lối mòn, cứ kiên nhẫn rẽ cây lá lần đi, cho dù đôi tay và mặt mũi bị gai cào rách tướm máu” [7, tr. 25].

Trong những kiểu câu này, mệnh đề phụ lại làm nên sức nặng ngữ nghĩa của câu. Nói là cách Nguyễn Khắc Phê bình luận, giễu cợt, mỉa mai những hiện tượng trong đời sống một cách trào phúng tạo nên những tiếng cười châm biếm đầy day dứt, xót xa.

Đọc văn của Nguyễn Khắc Phê không thể chỉ đọc thoáng, đọc lướt mà phải đọc bằng sự suy ngẫm nghiêm túc, không thể chỉ đọc trên bề nổi câu chữ mà phải đọc ở nghĩa hàm ẩn, không thể chỉ nhìn vào đối tượng đang được đề cập mà phải liên tưởng đến những vấn đề khác của cuộc sống. Ngôn ngữ của ông vì vậy ngắn gọn mà tầng tầng lớp lớp những suy nghĩ liên tưởng “người đọc càng nghiền ngẫm càng thú vị và thú vị càng cao thì cái chua cay càng lớn”. Nguyễn Khắc Phê với kiểu ngôn từ trào phúng, giễu nhại không chỉ tạo nên một cuộc cách tân về ngôn ngữ, mở ra những khoảng rộng cho ngôn ngữ trong việc phản ánh thế giới mà còn lưu lại dấu ấn của một cây bút luôn nhìn đời bằng con mắt giễu cợt chua cay nhưng thấm sâu niềm mong mỏi thiết tha. 

3. Ngôn ngữ giàu nhịp điệu

Nhịp điệu hiểu được một cách đơn giản nhất là “sự lặp lại một cách tuần hoàn các âm mạnh và nhẹ sắp xếp theo một hình thức nhất định” (Từ điển Tiếng Việt). Tiếng Việt là ngôn từ giàu nhịp điệu bởi một số đặc trưng như là một ngôn ngữ âm tiết tính, có thanh điệu,…. nên rất dễ tạo nhịp. Dù vậy, thông thường nhịp điệu được khai thác triệt để hơn trong thơ ca, với mục đích diễn tả nhịp điệu của cảm xúc thể hiện nhạc tính. Trong văn xuôi cùng với những nhà văn đã khai mở như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng,…Nguyễn Khắc Phê đã đưa nhịp điệu trở thành một phương thức biểu hiện chính trong một số tác phẩm, tạo nên dấu ấn riêng trong sáng tác của ông.

Trước hết, nhịp điệu liên quan đến việc kiến tạo câu văn mang dấu ấn Nguyễn Khắc Phê. Đó là kiểu câu văn không phân cách bằng dấu, có xu hướng kéo dài nhịp điệu, giống dạng thức thơ văn xuôi: “Cây bàng ấy, đã bao năm rồi,  là chiếc đồng hồ sống đo thời gian, là người bạn tâm tình của chị. Từng tháng, từng mùa cây bàng thay sắc, mỗi năm thêm một tán cây xèo nở….Cây bàng, mỗi năm một mùa xuân đâm chồi nảy lộc, những mầm lá non xòe nở như những ngọn lửa xanh; còn chị, mỗi mùa lá bàng nhuốm đỏ rơi và cả khi đầu cành xòe nụ mới, chị tự biết tuổi xuân mình dần qua - chầm chậm ê ả mà vô cùng nghiệt ngã, vì nó vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Đêm nay, những cành cây mảnh mai lại nhú những chùm lá non báo hiệu một mùa xuân nữa lại đến…”[8, tr. 7].

Nhịp điệu trong trường hợp này hoặc hỗ trợ cho một liên tưởng phóng túng hoặc tạo nên một ngôn ngữ miên man theo dòng ý thức. Cũng có khi Nguyễn Khắc Phê thường chồng chất trong câu văn của mình những vế đăng đối về ngữ pháp để tạo nên nhịp điệu. Có khi là những ký ức về tuổi thơ: “Trò chơi thật là trẻ con, nhớ lại đến tức cười mà lại như nuối tiếc…” [8, tr. 26], “Cái thân hình đã hết thời xuân sắc của bà sao có thể sinh thành một thằng cu bụ bẫm, kháu khỉnh như thế” [7, tr. 42], “Khi quyết định đó đã chín, chín giông bão, chín lặng lẽ anh dành cho vợ một thái độ thông cảm bao dung, gần như dịu dàng” [9, tr. 325], “Đã đành, ghen tị, so bì không phải là cao thượng, nhưng con người ta đâu có thể sống chỉ nhờ vào bầu không khí trong sạch trên các tầng cao; vả lại không so bì biết đâu là lẽ công bằng” [7, tr. 109]. Hay là một sự tự nhủ mà lòng đau đớn và ân hận khôn cùng mỗi khi nhớ lại về quá khứ của một con người: “Vết thương thành sẹo không còn nhức nhối, nhưng dù sao mang cái sẹo trong lòng cả nghĩa đen và nghĩa bóng - chị cũng cảm thấy một sự khiếm khuyết chán nản; chẳng còn vẻ tự hào, kiêu hãnh của tuổi thanh xuân trinh trắng, cũng không còn gì háo hức chờ đợi nữa” [8, tr. 103].

Có khi lại là nhịp điệu suy tư lặng lẽ, nghiền ngẫm của một con người: “Cũng có lúc ông muốn quên đi, cho tâm linh yên ổn, nhưng đời sống con người ta không dễ cắt rời ra từng khúc đoạn, không dễ điều khiển bản thân mình; nhất là trong những giấc mơ, ông cảm thấy mình như bị vụt lên một nơi cao xa lắm, vượt ra khỏi cách nhìn thông thường, chuyện quá khứ mười năm trước và cuộc sống ngày hôm nay dường như nhập làm một” [8, tr. 71].

Với nhịp điệu của ngôn từ, người đọc cũng dường như cuốn theo nhịp điệu và cũng cuốn theo mạch suy tư, cảm xúc của nhà văn. Tuy nhiên, cách tạo nhịp thông thường và phổ biến nhất trong văn của Nguyễn Khắc Phê là việc sử dụng phép lặp ngôn từ. Ông đã triệt để khai thác phép lặp trên mọi bình diện. Có thể là lặp lặp từ: “Chúng tôi mong ông thành thật…Chúng tôi tôn trọng ông là người hiểu biết. Mong ông suy nghĩ kỹ vì danh dự của mình và tương lai của cháu...Hôm nay không xong thì ngày mai…” [8, tr. 21], “Bố đã bảo anh, đừng có dây vào chuyện phức tạp ấy. Bố lại “phức tạp” !Thôi được, cứ cho là phức tạp đi, nhưng con giúp bố gỡ cái “phức tạp” đó rõ ràng, bố ủng hộ chứ” [8, tr. 162] tạo nên một nhịp điệu riêng của cảm xúc gần giống như một lời than thầm vang lên giữa dòng trần thuật khách quan về một nhịp đời lặng lẽ, nhàm tẻ, vô vị đậm tô một thế giới đóng kín.

Hay đó là cách lặp lời người trần thuật theo tác giả trong tiểu thuyết: “Cuộc đời đâu phải là một bài toán đơn giản, tại sao lại cứ buộc phải trả lời “đúng” hay “sai”? Không A thì ắt phải B, mà không thể là C…” [9] như để mở ra từ tiểu thuyết ý nghĩa sống còn: vấn đề phải, trái không quan trọng vấn đề là chỗ đứng và cách nhìn. Hay đó là một thái độ sống, hay một truy vấn đề về giá trị đời sống không dễ trả lời theo kiểu quyết định luận đúng sai. Nút thắt tâm lý quan trọng nhất của chữ trong tiểu thuyết, tái lặp lại như những lựa chọn không dễ dàng, trong trí óc của các đứa con vong thân lại vang lên lời của mẹ: “Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu?” [10]. Hay đó câu nói của Thánh Kinh vang lên trong trí óc Tâm mỗi khi gặp biến cố, lầm lỗi, đau khổ khác thường ở đời. Sự lặp lại đó tạo thành vết tâm lý “thắt” lại từ đầu đến cuối tiểu thuyết: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng !” [9].

Có thể lặp lại những câu gần như nguyên vẹn ở đầu hoặc cuối mỗi đoạn trong tác phẩm tạo nên một nhịp điệu riêng cho toàn bài: “Vậy là đêm ấy, chỉ cần một cái chậc lưỡi của cô là sẽ thành một con người. Vậy là đêm ấy, chỉ trong giây lát, cô đã bỏ rơi một “cục vàng” để chịu phận trắng tay cho đến hôm nay. Vậy là đêm ấy, ôi sự đời ai biết thế nào là khôn hay dại” [7, tr. 54], Con hổ thọt à?...Thằng Đức…Hừ!Biết thế…Ý nghĩ trong đầu y cũng đang loay hoay tìm lối trước năm phương bảy hướng như thế. Hừ!Biết thế…Con mẹ ấy đang “khát” mà!...Hừ!Biết thế tao liều tấn công từ lâu rồi!Dở quá ! Đáng ra phải từ hồi trong kho kia…Hừ!Biết thế” [7, tr. 117], “Không! Không đời nào!...Không đời nào bà quỳ lụy cầu xin một kẻ như thế nữa; không đời nào bà cho thằng Thông biết nó có một người bố như thế; và bà cũng thầm hiểu: không đời nào lão lại công nhận có mối quan hệ máu thịt với mẹ con bà” [7, tr. 152].

Đó là sự kiện diễn ra trong cuộc đời của một con người, sự lặp lại của câu văn không phá vỡ mà chỉ càng làm tô đậm một nhịp điệu điều đặn, tẻ nhạt. Nó như một điệp khúc càng làm nổi bật một giá trị về một con người. Đặc biệt hơn việc tạo ra nhịp điệu cho ngôn từ không chỉ để tạo ra âm hưởng cho văn mà còn cách Nguyễn Khắc Phê thể hiện cuộc sống và con người theo cách riêng của ông. Những cách lặp đó một mặt nhằm dụng ý phủ định mạnh mẽ đi đến phá hủy đối tượng một cách không thương tiếc, một mặt tạo nên một nhịp điệu cảm xúc lan tỏa một chất thơ đằng sau những chữ ngỡ tưởng như sắc dao.

Trong Thập giá giữa rừng sâu, ta thấy Nguyễn Khắc Phê đã sử dụng những phép lặp cố ý về ngôn ngữ “không”, “chẳng”, “quá”,…lại bày tỏ thái độ châm biếm sâu cay của tác giả, khai tử cho một cách viết công thức nhàm tẻ về một sự vật hiện tượng: “Nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc được giải thoát đã nắm chắc trong tay; nó bất ngờ quá, lớn lao quá, nó choáng ngợp lấn át tất cả..”,“….Ngọt quá! Mát quá! Thơm quá! Đức có cảm giác chưa bao giờ được ăn thứ quả nào ngon như thế! Chỉ tiếc là ít quá, chóng hết quá” [7, tr. 250]. Bên cạnh đó, ta thấy trong văn của Nguyễn Khắc Phê còn thấy đưa vào những câu ca dao, tục ngữ, thanh ngữ, vè, lời bài hát,… mang đặc trưng của vùng miền mà quan trọng hơn là thể hiện được tình yêu thương đối với cuộc sống và con người như: “Gieo gió gặt bão”, “Có thực mới vực được đạo”, “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”, “Con chạch mà đẻ ngọn đa - Con mèo tam thể đi tha cái cày”, “Cháy nhà ra mặt chuột”, “Lòng trâu cũng như dạ bò”, “Tức nước vỡ bờ”, “Nói gần nói xa chẳng qua nói thật” [7], “đồng sàng dị mộng”, “trứng đòi khôn hơn vịt” [8],  “Trăng lên đỉnh núi Mu Rùa - Cho anh đụ chịu, đến mùa trả khoai”, “Được mùa cau, đau mùa lúa” [9],…Hay bài hát Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao:“Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sông”, hay Nguyễn Khắc Phê mượn thơ Tố Hữu, Phùng Quán, Trần Đăng Khoa,…đưa vào trong tác phẩm làm cho tác phẩm trở nên trang trọng và cuốn hút người đọc hơn.

Tóm lại, với việc kiến tạo câu văn, sử dụng những phép lặp cố ý về ngôn từ, Nguyễn Khắc Phê đã tạo nên một ngôn ngữ giàu nhịp điệu. Ngôn ngữ ấy không chỉ tạo nên một mĩ cảm trong cách cảm nhận mà còn bổ trợ cho việc thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm. Do đó, đọc văn của ông, ta không thể bỏ qua những chi tiết nhỏ, bởi đôi khi những chi tiết ấy lại hàm chứa những lớp nghĩa vô cùng sâu xa.

Việc đưa vào tác phẩm những ngôn ngữ đời sống chưa qua gọt giũa chính là cách Nguyễn Khắc Phê từ chối sự thuần khiết của ngôn ngữ tiếng Việt đồng thời giễu nhại tính chất hoa mĩ của ngôn ngữ văn chương từ xưa đến nay. Đặc biệt, bằng ngôn ngữ đầy cá tính ông đã thể hiện một cách tiếp cận đời sống từ gốc nhìn cận cảnh - một cái nhìn sát thực không tô vẽ, đắp điếm, không ảo tưởng. Bởi vậy, ông tạo dựng lên một thế giới như nó vốn có với đầy rẫy những điều phàm tục, những pha tạp ngổn ngang. Đọc tác phẩm của ông, không thể không thừa nhận ngôn ngữ đã góp phần quan trọng dựng lên những thảm trạng về đời sống thực tại, thảm trạng về văn hóa văn minh. Chọn lựa miêu tả một hiện thực bị lộn trái với tất cả sự đa đoan phức tạp của con người, cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Khắc Phê là hợp lý và thể hiện dụng ý của nhà văn, và Nguyễn Khắc Phê xem ngôn ngữ là “thứ phương tiện gần như duy nhất và bắt buộc”.

 

                            

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1]  Nguyễn Thị Bình (2003), “Một vài nhận xét về quan niệm hiện thực trong văn xuôi nước ta từ sau 1975”, Tạp chí Văn học, số 4, tr.21-25.

[2] Trần Thị Mai Nhân (2007), “Quan niệm về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam giai đoạn 1986 - 2000”, http://vienvanhoc.org.vn, ngày 05/08/2011.

[3] Nhiều tác giả (2011), Biết đâu địa ngục thiên đường - Bàn và luận, NXB Hội nhà văn, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.

[4] Nguyễn Khắc Phê (2010), “Từ tiểu thuyết bộ ba đến tính chất tự truyện của Biết đâu địa ngục thiên đường”, http://tapchisonghuong.com.vn, ngày 28/01/2011.

[5] Nguyễn Khắc Phê (2005), “Đã đến lúc cần một cách nhìn toàn diện, tôn trọng sự thật”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 5, tr.22-24.

[6] Nguyễn Khắc Phê (2006), Hiện thực và sáng tạo tác phẩm văn nghệ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

[7] Nguyễn Khắc Phê (2002), Thập giá giữa rừng sâu, NXB Trẻ, Tp.HCM.

[8] Nguyễn Khắc Phê (2008), Những ngọn lửa xanh, NXB Phụ nữ, Tp.HCM.

[9] Nguyễn Khắc Phê (2010), Biết đâu địa ngục thiên đường, NXB Phụ nữ, Tp.HCM

[10] Phạm Phú Phong (1997), Thi pháp và thi pháp truyện ngắn, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

[11] Phùng Văn Tửu (2002), Tiểu thuyết Pháp hiện đại, những tìm tòi đổi mới, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

[12] Nguyễn Văn Nhật Thành (2011), Đặc điểm nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Khắc Phê, Luận văn Thạc sĩ KHXH-NV, Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.

[13] Phùng Gia Thế, “Lý giải về sự khó đọc của tiểu thuyết hiện nay”, http://phongdiep.net.

[14] Hữu Thỉnh (2010), “Với các cuộc thi tiểu thuyết, tư duy phát triển văn học trở nên có đường nét hơn”, http://vanvn.net, ngày 21/12/2010.

 [15] Lê Xuân Việt (2010), “Văn xuôi Bình Trị Thiên những năm gần đây”, http://tapchisonghuong.com.vn, ngày 05/07/2010.




Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​