Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TẢN MẠN THƠ VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI



Tôi làm một thao tác “lao động giản đơn” chẳng “thơ” chút nào là đếm số bài thơ in trên Văn nghệ Đồng Nai năm 2020. Số 36 có 19 bài và số 40 có 23 bài, cứ cho là bình quân 20 bài/ số. Có 5 số báo, 36 đến 40, coi như đọc 1 năm thơ trên VNĐN.

 Văn nghệ Đồng Nai (VNĐN) là tạp chí sáng tác, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật của tỉnh nhà, hơn 70 trang in một số, là tờ tạp chí có vị thế trong sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Đông. Dù có nhiều nhiệm vụ nhưng cơ bản VNĐN là “sân chơi” sáng tác của văn nghệ sĩ Đồng Nai và bạn đọc, là diễn dàn của hội viên Hội VHNT Đồng Nai và những ai yêu văn nghệ.


giao luu daklua.JPG
Các tác giả hội viên Hội VHNT Đồng Nai giao lưu với người dân xã Đăk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai


Mảng sáng tác thì cố nhiên có văn và thơ, không kể các sáng tác nhạc, nhiếp ảnh, ảnh chụp tác phẩm mỹ thuật, nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Lấy ngẫu nhiên một số tạp chí, như 38 chẳng hạn. Số này in 19 bài thơ, lấy số tròn có yếu tố chênh lệch cho là 20 thì 6 số có 120 bài thơ, con số đáng kể trong sinh hoạt thơ được công bố trên một tờ tạp chí có uy tín về văn học nghệ thuật. Đọc các báo in thơ, tâm lý không công bằng là thường đọc trước những tác giả quen. Để thưởng thức thì là những tác giả yêu thích hoặc quen biết, có chỗ đứng trên “chiếu” thơ Đồng Nai nói riêng vả cả nước nói chung - cả thơ tác giả ở nước ngoài thỉnh thoảng in báo trong nước. Tránh sự không công bằng nên lần này tôi đọc tác giả lạ (với tôi) và gặp Trần Thị Bảo Thư với bài Người làm rẫy ở Xuân Lộc. Cái nghề cày cuốc mà bật tứ thơ này đáng quý:

 Lối vô rẫy đan ngã ba lầy lội

 Những cây sung cây ổi dấu chỉ đường

 Người ở rẫy thuộc nết trời sớm tối

 Trận mưa đầu tính được trận mưa sau

 (…)

 Những gốc sung gốc ổi hóa tên cây

 Những ngã rẽ dấu hoa vông bật đỏ

 Tưởng ở rẫy, chỉ một vài năm khó

 Biết đâu rồi tiếng cuốc hóa quê hương

  (Người làm rẫy ở Xuân Lộc)

Có lẽ Bảo Thư là số ít các tác giả có cảm xúc, thi hứng về một nơi cụ thể ở Đồng Nai, như bài Sông Trầu số 37:

 Lở bồi nào chả đau

 Lở bồi nào mà không khao khát?

 Ơi cơn say của thác

 Hoàng hôn trôi rạc nước Sông Trầu

Trong số các nhà thơ nữ ở Đồng Nai, tác giả Minh Hạ được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019. Chị được kết nạp là nhờ tác phẩm trong quá khứ và vui khi các số tạp chí chị xuất hiện khá đều và trân trọng gương mặt thơ nữ lao động thơ rất đều. VNĐN giới thiệu chùm thơ 3 bài nhân sự kiện đáng nhớ bậc nhất đời thơ của chị. Thành phố tôi yêu,Thơ viết bên Sông Phố và Lời ru. Chị “ nhặt vội” câu thơ nhưng nặng ân tình:

 Câu thơ tôi nhặt vội

 Chiều lặn cuối miền xa

 Có vì sao vời vợi

 Thắp lên bóng quê nhà

 (Thơ viết bên Sông Phố - số 36)

Nghiệp thơ đeo đẳng, Minh Hạ là chủ nhiệm CLB thơ Trấn Biên. Thi tập Qua những miền quê của Minh Hạ xuất bản quý 2/2018 gồm 65 bài thơ tạo nguồn cảm xúc khá đầy đặn về mảnhđất Đồng Nai (chưa kể những miền đất khác Minh Hạ đã qua), có Trị An, Tà Lài, Xuân Lộc, Trảng Bom , Sông Phố, Tân Phú, Đắk Lua, Tân Phú, Cẩm Mỹ , Mã Đà... Chắc là Minh Hạ cảm ơn cuộc đời đã cho chị đến những miền đất ân tình ấy và có thơ tạ ơn đời. Có khi cảm xúc từ một nhân vật cụ thể như bài Già làng nghĩ suy từ vị Già làng Năm Nổi:

 Bao năm đánh giặt diệt Tây

 Bao lần giặc đốt, giặc vây buôn làng

 Miếng ăn đứt bữa chẳng màng

 Đất còn người sống là vàng mười mươi

 (Già làng)

 Một chút riêng tư, cảm xúc thơ tinh tế ở Bài thơ tình tuổi 65:

 Tay bỗng chạm vào thu

 Giật mình bao lúng túng

 Chiều thấp thoáng sương mù

 Gió lạnh se se mỏng

 Chợt hơi ấm tay anh

 Chợt tiếng reo hạnh phúc

Với Nguyễn Thị Phấn trong tập thơ Mùa có 60 bài thơ, Đồng Nai yêu thương thêm với những Viếng mộ Trịnh Hoài Đức, Một chút với Biên Hùng, Gặp ở Lâm San, Gặp lại Trảng Bom, Chụp hình ở Đắc Lua, Chiều mưa Phú Lý, Thư tình em gái Sông Thao, Tình người Chơ Ro, Hòn Chồng, Bình Lộc hôm nay, Hương Tân Triều v.v... Nguyễn Thị Phấn có đã có Dung dị loài hoa (2012), Tự tình (2016) do NXB Hội Nhà văn xuất bản.

Đó là hai trong số rất ít những tập thơ có số bài viết về Đồng Nai, cho Đồng Nai chiếm tỷ lệ lớn như vậy, và dĩ nhiên là dung lượng cảm xúc Đồng Nai đáng kể. Chẳng hạn Trảng Bom trên đường công nghiệp hóa, đô thị hóa nhưng Nguyễn Thị Phấn vẫn nặng lòng nông thôn:

 Bây giờ bát ngát màu xanh

 Đất hoang nay hóa đất lành là đây

 Tương lai đã nắm chặt tay

 Ngày buồn giờ hóa ngày vui đổi đời

 (Gặp lại Trảng Bom)

Một trang mục dành cho các hội viên, thường là những nhà thơ thành danh, có thể kể trang thơ tự chọn của của Trần Ngọc Tuấn. “ Đất” cho trang chỉ in được 4 bài, trong đó có bài “Hỏi” với hơi thơ đượm thiền trong cổ thi:

 Hỏi em - Em đã đi rồi

 Hỏi nhà- Đổi chủ

 Hỏi người – Người quên

 Hỏi đường- Đường mới thay tên

 Hỏi cây – Cây đứng lặng nhìn xa xôi

 Hay tôi đã hóa ai rồi?

“Thương hải biến vi tang điền” (Biển biến thành ruộng dâu) là lẽ thường tình ở đời nhưng đổi thay đến độ nhà thơ tự vấn “ Hay tôi đã hóa ai rồi?” là hao hao “ Giật mình mình bỗng thương mình xót xa “ (Kiều )

Như thường lệ, các số tạp chí giới thiệu sáng tác cùa các nhà thơ thành danh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Đàm Chu Văn, Lê Thanh Xuân, Đỗ Minh Dương…

Nhà thơ Lê Thanh Xuân ngoài 70 kha khá lâu, tuy sức khỏe yếu nhưng anh viết với chiều sâu tứ thơ rất rõ:

 Già nua là chợ hình hài

 Mua buồn, bán chút đa tài rong chơi

 (…)

 Chợ gì còn dưới cõi âm

 Hồn ma đang cố tu tâm thành người

 (Chợ - số 40)

Chợ đi vào ca dao “Trai khôn tìm vợ chợ đông”, Lê Thanh Xuân nghĩ lung hơn: “Cô đơn như bóng chợ chiều/ Khêu đèn mà nhắc mọi điều nhân tâm”

Cũng gặp lại gương mặt thơ nữ Hạnh Vân, từng đạt giải A giải thưởng Trịnh Hoài Đức và có những vần thơ trăn trở, thời sự đáng ghi nhận:

 Có những cánh rừng hôm qua tan hoang

 Có những dòng sông hôm qua nghẹn lại

 Mẹ thiên nhiên kiệt sức vì nhịt nhằng thủy điện

 Vết thương vỡ theo giấc mơ bạt núi san rừng

 (Gió mưa vùi tiếng thở dài - số 40)

VNĐN cũng dành chỗ cho cộng tác viên ngoài tỉnh và số 40 có tác giả Nguyễn Bính Hồng Cầu là con gái nhà thơ Nguyễn Bính, với tự tình hòa riêng - chung:

 Thương vạt áo bà gói sương chiều mưa sớm

 Gói gió giông lũ lụt một đời người

 Thương câu thơ cha mừa dầm giãi nắng

 Gánh nỗi nhớ hai miền châu thổ

 Cháy hết mình ngọn lửa yêu thương

 (Khuyết vòm trời quê nội)

VNĐN còn giới thiệu gương mặt thơ (như Trần Văn Cường), chuyện lao động thơ, hành trình bài thơ hay... là những “ món ăn” cần thiết cho đời sống thơ.

Chưa thể nói hết về chừng 120 bài thơ của các tác giả, chỉ là ghi nhận nhỏ về vườn thơ trên VNĐN. Tất nhiên  đây chỉ là thơ trên VNĐN, còn đời sống thơ còn phong phú hơn nhiều với các tác phẩm được in của nhiều cây  bút thơ Đồng Nai khác nữa.

 Trần Chiêm Thành



Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​