Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
KHÔI VŨ - NGUYỄN THÁI HẢI VÀ SỰ DẤN THÂN VÌ VĂN CHƯƠNG


Nhà văn Bùi Công Thuấn

 

 Nhà văn Khôi Vũ tên thật là Nguyễn Thái Hải, sinh năm 1950, quê Thái Bình. Ông tốt nghiệp đại học Dược năm 1973, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1990), hội viên Hội VHNT Đồng Nai. Ông là nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, một người hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Đồng Nai…Năng lực sáng tạo và sức viết của ông thật đáng nể. Ông cho biết: “Tính đến tháng 7/2021 này, ông đã in 67 đầu sách. Nếu tính theo số lượt in và bìa sách (khác nhau) thì đã là 83. Dĩ nhiên là còn thua xa cụ Tô Hoài với khoảng 150 đầu sách”[1]. Ông đã hai lần nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và các giải thưởng văn học khác [2]. Tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm đoạt giải A năm 1989-1990 và tiểu thuyết Sông Luộc ở phương Nam đoạt giải Ba cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm (giai đoạn 2016 - 2019). Ông cũng là người dành rất nhiều tâm huyết cho việc ươm mầm người trẻ viết văn ở Đồng Nai.


IMG_20200928_092958.jpg
   Nhà văn Khôi Vũ tại Đại hội cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (tháng 10/2020)



*NHÀ VĂN VÀ CUỘC SỐNG

Việc Khôi Vũ từ bỏ nghề Dược (dễ kiếm được nhiều tiền) để trở thành nhà văn là một  chọn lựa làm ngạc nhiên nhiều người, bởi vì lúc ấy (1975-1995), đất nước đang trong giai đoạn khó khăn, một nhà văn Sài Gòn trước 1975 như Khôi Vũ còn khó khăn hơn nhiều. Khó khăn cả trong việc kiếm sống và trong việc tìm kiếm cách viết. Đã có lúc Khôi Vũ tự đặt vấn đề với chính mình:  “Kể chuyện thì dễ thôi. Khó là kể những gì, kể để làm gì? Có khi nghĩ mãi không ra...”.(Fb Nguyễn Thái Hải 12.06.2017)

Ông đặt ra mục tiêu: “Phải tìm một việc gì đó để làm…, nhưng trước mắt phải viết đề kiếm... nhuận bút mà sống cái đã.

Trong đời người, ai cũng có một thời. Khi “thời” của ông đến, ông gặp nhiều may mắn. Ông kể: “Thật bất ngờ, vào dịp cuối năm 1986, tôi nhận được thông báo từ nhà xuất bản Tác Phẩm Mới rằng “Người có một thời” sẽ được in ở đó vào năm 1987. Thế là chỉ một năm 1987, tôi có đến hai cuốn sách được in ở hai nhà xuất bản, một trong Nam, một ngoài Bắc. Với tôi ngày ấy, quả không còn gì vui hơn! Chưa hết, nhà xuất bản Văn Nghệ ở TP Hồ Chí Minh còn hỏi tôi có cuốn “dài” nào khác thì đưa họ in cho. Trời ạ! Tôi đang định viết một cuốn về “đời thường”. Tổ đãi tôi rồi!”.

 Ông chia sẻ công việc: Tôi thường đi ngủ sớm để thức dậy lúc ba giờ sáng, ngồi viết đến khoảng sáu giờ. Buổi sáng tôi viết từ khoảng chín giờ. Chiều thì bắt đầu từ hai giờ...”(Mộng-truyện vừa).

 Nhưng Khôi Vũ lấy “vốn” ở đâu để viết? Và viết được nhiều tác phẩm? Ông kể:

Thời kỳ ông trở thành REP (Trình dược viên) của CIBA. “dường như thời gian ba năm đã vừa đủ cho tôi tích lũy được một vốn sống về người trí thức đi làm việc cho Công ty nước ngoài ở Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng ngẫu nhiên có được một vốn sống về hoạt động của các khách sạn cả bề ngoài lẫn thực sự bên trong. Sau này, năm 2006, tôi in cuốn truyện vừa “Phía sau một khách sạn” được viết với vốn sống “được tặng thêm”…

Tôi đã chấm dứt thời gian đi tìm vốn sống ở một công ty nước ngoài từ đó. Ít ai biết tôi lại đang âm thầm tìm vốn sống mới tại báo Lao Động Đồng Nai, nơi tôi sẽ có điều kiện tiếp xúc nhiều với giới công nhân và các công ty, xí nghiệp sản xuất trong tỉnh Đồng Nai.

Vốn sống thời gian làm báo Lao Động Đồng Nai bây giờ mới được tôi huy động để viết. Tập truyện ngắn “Bên kia dãy điệp vàng” gồm toàn bộ truyện viết về công nghiệp, công nhân. Tiểu thuyết “Cái bóng” thì viết về chuyện nhân sự trong một nhà máy (Con ếch ngắm trăng-đd).

Cả một cuốn “Dòng sữa cây nước mắt” đầy ắp vốn sống và đời người mà tôi ghi nhận được sau những lần đi viết và ở lại nhiều ngày trong vùng cao su Long Khánh.

 

***

 

Viết “Đất sóng”, tôi dựa vào cuộc đời của gia đình một người bạn sau tháng 4/1975. Anh bạn, tôi không lấy làm nguyên mẫu mà chọn cô em gái của anh để xây dựng nhân vật chính. Một số sự việc trong truyện là có thực và tôi từng tham gia. Không gian là vùng đất gần nhà tôi nên tôi rất thông thuộc. Lần đầu tiên tôi đưa vào truyện những câu ca của người dân tộc đã được “cải biên” lại cho phù hợp nhưng vẫn giữ đúng ý tứ nội dung. (Thủ thuật này, tôi còn sử dụng trong một số sáng tác sau này, trong đó có tiểu thuyết “Lời nguyền hai trăm năm”). Về nhan đề của truyện, tôi đã được “trời cho” từ một chuyến đi thực tế… Lần ấy chúng tôi đạp xe đạp đi tìm tổ hợp trồng sả của một người quen nằm trong khu đất đồi giáp vùng Hố Nai. Là đất đồi nên đường đi khi lên dốc, lúc xuống dốc, đạp xe bở hơi tai. Cái hình ảnh đất nhấp nhô như sóng hiện ra trong tôi cho đến khi viết truyện dự thi năm 1985, nó đã hiện ra như một hình ảnh “đắt” cho cuộc đời đầy sóng gió của nhân vật chính.

Vùng đất sóng đầy ấn tượng trong tôi ấy sau này còn là không gian chính của tiểu thuyết “Những người nuôi lửa” (Giải thưởng văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức tỉnh Đồng Nai lần thứ 2 – Loại A văn xuôi).
           “Ngọn lửa âm thầm” viết về ngành giáo dục với nhân vật chính là một cô giáo dạy học ở một vùng xa. Câu chuyện được ghép với một chuyện tiêu cực về rừng và chuyện làm báo. Đúng là việc tiếp cận với thời sự hàng ngày đã ảnh hưởng đến tôi khi viết cuốn sách này. Thứ nhất, tôi đang làm báo. Thứ nhì, chuyện phá rừng đang là thời sự nóng lúc ấy. Thứ ba, ngành giáo dục là ngành mà báo Lao động Đồng Nai nơi tôi làm việc có mối quan hệ khá thân thiết. Trong nội dung sách, tôi khai thác khá kỹ vốn sống của mình về vùng đất trồng mía và các khu đất đồi của huyện Vĩnh Cửu. Tôi cũng đưa vào những câu chuyện tạm gọi là “cổ tích” giải thích sự hình thành của vùng đất, thông qua những “câu chuyện dưới cờ” của cô giáo nhân vật chính.”

Bây giờ thì người đọc có thể hiểu nhà văn Khôi Vũ bỏ nghề Dược lăn vào cuộc sống là để có “vốn sống”, yếu tố thứ nhất để sáng tác. Ông có 3 “nguồn vốn”. Thứ nhất là “vốn” nghề nghiệp thực tế mà ông đã trải qua. Ông phát hiện ra những vấn đề hiện thực nóng bỏng, ông gặp được các nhân vật cá tính, góc cạnh. Ông khai thác được chi tiết truyện rất lạ. Truyện của ông mở rộng không gian nhiều vùng miền. Ngòi bút của ông có nhiều sáng tạo, trong kiến tạo tác phẩm. Xin đọc: Đất sóng, Quan xe thồ, Lời của Thác, Già lửa, Người bệnh cuối ở Long Giao, Người đập tường đá, Biển, Mưa biển, Tìm ngọc, Say nắng, Hội làm ma,…

Nguồn “vốn” thứ hai của Khôi Vũ là những sinh hoạt “đời thường” xung quanh mình và những thông tin thời sự báo chí. Hàng ngày có rất nhiều tin tức đầy những tình huống truyện được tường thuật trên mọi phương tiện truyền thông. Khôi Vũ đã khám phá ra “vấn đề” có ý nghĩa nhân sinh chứa đựng trong nó, từ đó hư cấu thành truyện ngắn. Tập truyện Người giỏi hơn chưa chắc đã thắng là những chiêm nghiệm của ông trong một chuyến đi Singapore: Chuyện một gái điếm người Việt bị bắt ở Sing và bị trục xuất về Việt Nam (Cào cào tuổi nhớ). Khát vọng trở thành nhà thơ (Nhà thơ), chuyện du lịch Campuchia (Chay ở Chai), giá trị thực của giải thưởng (Nhận giải thưởng), chuyện ngoại tình (Lần thứ ba), chuyện đánh ghen (Ngàn sao), truyện người nông dân bán đất lấy tiền kinh doanh, rồi thua lỗ trở về vá xe đạp (Lỗ mọt)..

Nguồn “vốn” thứ ba mà Khôi Vũ khai thác thành truyện là sinh hoạt đời thường của bản thân ông và gia đình. Ông mã hóa mình như một khách thể, quan sát chính mình như một nhân vật để đặt một vấn đề có ý nghĩa chung. Khôi Vũ thường gọi nhân vật là “ông”, phiếm chỉ (không phải nhân vật xưng tôi). Có thể coi đây như một loại tự truyện: Tri thiên mệnh là sự “giác ngộ” của tác giả lúc 23 tuổi từ lời dạy và cuộc đời của cha. Trong Chữ giả, Khôi Vũ tự phê phán ngòi bút của mình khi nhà văn đối diện với nhân vật trong đời thực. Nghe nhân vật nói thực về họ, ông nhận ra những gì mình đã viết về họ đều là Chữ giả. Truyện Ngày không như mọi ngày, là một ngày làm việc của nhà văn Khôi Vũ. Phù phiếm bên biển là những suy nghĩ về cuộc sống kinh tế về nghề viết khi tác giả cùng gia đình đi tắm biển: viết là phù phiếm. Chỉ xây những lâu đài cát. Sóng biển, sóng đời dữ dội quá. Mộng (Rồng rắn lên mây. 2021), nhân vật Hồ Tấn - Công Tâm chính là ông, kể lại những “hỉ nộ ái ố” ở các trại sáng tác từ trung ương đến địa phương. Nhớ Biên Hòa là tự truyện kể lại cuộc đời ông từ lúc nhỏ đến khi đi Sài Gòn học đại học. Những trái sao xoay (1993) có nhiều kỷ niệm tuổi thơ của tác giả. Dấu ấn đời văn (2020) là tuyển tập kỷ niệm 70 tuổi, 50 năm in sách, 30 năm vào Hội Nhà văn Việt Nam & nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. 

Thế hệ nhà văn Đồng Nai trước đó  như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn đã lăn mình vào chiến trường, một tay cầm súng, một tay cầm viết. Còn Khôi Vũ, nhà văn sau chiến tranh, đã lăn mình vào hiện thực lớn lao của đất nước trong những ngày khó khăn trước và sau “đổi mới”. Nhờ thế ông vượt qua được cái khó của người cầm bút một thời.

 Vượt qua cái khó về “vốn sống”, Khôi Vũ còn cái khó khác. Truyện ngắn Con ngựa ô có thể là một ẩn dụ về những khao khát của nhà văn. Ông hóa thân trong con ngựa ô: “Tôi chỉ có tội là có ước muốn cháy bỏng, ước muốn được gỡ hai miếng da bịt mắt để có thể nhìn mọi phía, để được yêu được ghét nhiều hơn…,”. Truyện Con bồ chao đoạt giải là một ẩn dụ cho một kiểu nhà văn thời bao cấp, những con chim hót trong lồng (?): “Nghệ sĩ lớn hay mô típ trẻ chi chi cũng một chủ thôi!”, vì đã quen thức ăn nước uống trong lồng, thì dù có thoát ra, con bồ chao lại cũng chui đầu vào lồng, ăn no rồi hót.

Khôi Vũ  bằng tài năng, tâm huyết và nhân cách, đã tự gỡ bỏ “hai miếng da bịt mắt”để nhìn thấy được cuộc sống rộng lớn của nhân dân và tầm vóc thời đại của đất nước; đã tự thoát khỏi “cái lồng son” trói buộc ngòi bút bằng cơm áo, lợi danh (chẳng hạn làm nghề Dược, làm trong cơ quan Nhà nước…) để hòa mình với quê hương (tập truyện Đàn ống tre bên kia sông, Vòng luân hồi của nước, thức dậy thôi công chúa Ami…), với mọi người, nói tiếng nói của thời đại mình.

*ĐA DẠNG VÊ BÚT PHÁP VÀ THỂ LOẠI

            Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải viết nhiều thể loại. Bút danh Khôi Vũ viết truyện người lớn, bút danh Nguyễn Thái Hải viết cho thiếu nhi. Ông viết truyện thiếu nhi [3], truyện Tuổi Hoa [4], truyện ngắn, tiểu thuyết [5], ông còn viết truyện lịch sử gồm các tập: Khí phách Biên Hùng. 2019; Non nước Việt 1558-1945 (khởi viết từ 2019, gồm 2 quyển, quyển Thượng và quyển Hạ dày khoảng 700 trang); và những “Ký và biên soạn” viết về đất nước con người Đồng Nai (Nhớ Biên Hòa. 2005, Theo dòng chảy Đồng Nai. 2016, Ai có về Đồng Nai, 2016).

Riêng phần viết cho thiếu nhi được coi là nổi trội. Nguyễn Thái Hải có một tình yêu thương đặc biệt với trẻ. Ông dấn thân trong nhiều hoạt động văn học dành trẻ như: 10 năm làm báo Dưới mái trường (1998-2008), tham gia tổ chức các trại sáng tác văn học thiếu nhi ở Đồng Nai. Hàng năm ông đến các trường vùng xa, vùng sâu để tặng sách cho các học sinh nghèo, ham đọc sách…Nguyễn Thái Hải viết nhiều thể loại cho nhiều lứa tuổi: Đồng thoại cho thiếu nhi, Tuổi Hoa (trước 1975) và Mộng mơ tím (2019) viết cho tuổi học sinh cấp 3. Truyện của ông không chỉ hấp dẫn trẻ mà người lớn đọc cũng rất thú vị [6], bởi vì những trang văn của ông giàu tính văn chương, truyện chứa đựng những nội dung giáo dục rất tinh tế. Theo nhà thơ Trần Hoàng Vy, Khôi Vũ nói: Những sáng tác đầu tiên của tôi là viết cho thiếu nhi. Những sáng tác cuối cùng của tôi cũng dành cho tuổi thơ!”. Tính đến 2020 ông đã in 33 cuốn cho thiếu nhi, trong đó truyện Cha con ông mắt mèo (1993) và tập truyện Hai con diều bay thấp (2014) đã đoạt các giải thưởng văn chương giá trị. Ông có một mảng truyện phiêu lưu trinh thám thiếu nhi (Ba chàng thám tử .1992; Chú bé phiêu lưu. 2002; Ai cướp chiếc Laptop. 2013; Thám tử học trò, 3 tập 2019).


2-bct-khoivu1.jpg
Nhà văn Kh
ôi Vũ - Nguyễn Thái Hải đọc thơ trong đêm nhạc Bùi Công Thuấn (1988)



Truyện ngắn của Khôi Vũ đậm chất thời sự và những gẫm suy thế sự. Ông thường viết ngắn để đăng báo. Có lẽ điều này chi phối đặc điểm thi pháp truyện ngắn Khôi Vũ. Những vấn đề thời sự được Khôi Vũ tái hiện dưới nhãn quan nhân văn, từ đó nâng lên thành những suy gẫm thế sự. Ông đứng về phía người lao động để diễn ngôn. Nhờ thế tác phẩm của ông vượt lên tính thông tin nhất thời của báo chí để trở thành một tác phẩm văn chương, những chuyện của mọi thời.

Đó là những cảnh đời, những thói đời, những quan hệ giữa phức tạp giữa người với người mà ông chứng kiến, và suy gẫm. Từ đây, nhiều truyện của ông có ánh sáng minh triết. Xin đơn cử. Ông viết trong truyện ngắn Tri thiên mệnh: “Năm ấy tôi 23 tuổi may mắn đã ngộ ra nhiều điều từ lời dạy và cuộc đời của cha tôi”.

 Khôi Vũ cười những kẻ háo danh (Nhà thơ). Ông đau đớn chỉ ra rằng chữ của nhà văn thời nay toàn là Chữ giả. Ông ngậm ngùi trước khát vọng của con người bị chà đạp (Hoàng hôn). Người đập tường đá là sự thăng trầm của kiếp người, hình như có nhân có quả. Tìm ngọc là đi tìm cái hạnh phúc đích thực ở đời. Tình yêu chân thực chính là ngọc. Mưa biển là một suy nghiệm triết lý, mình không thể giữ được những gì không thuộc về mình. Biển là sự tra vấn lương tâm: ”Tội lỗi của con người có thể che dấu trước mọi người chung quanh, trừ chính y”; “Biển già đến bạc đầu sóng mà vẫn cứ hồn nhiên, cớ sao con người chỉ lo đối phó với cuộc sống, với đồng loại thay vì sống hồn nhiên hơn, để đến nỗi chỉ có trăm năm một đời người, đầu đã bạc”. Truyện 72 giờ sau là câu chuyện linh hồn một người đã chết, kể truyện đời mình. Anh ta đã sống rất tốt, rất chuẩn mực và cuộc ra đi cũng được tổ chức tốt đẹp. Nhưng sau đó, là lãng quên. Khôi Vũ đặt vấn đề đâu là giá trị của đời người? …

Trả lời cho vấn đề đó, Khôi Vũ hướng về cuộc đời. Thái độ sống của các nhân vật trong tập truyện ngắn Đàn ống tre bên kia sông là một lời khẳng định. Đây là tập truyện ngắn Khôi Vũ viết riêng về con người Đồng Nai. Đàn ống tre bên kia sông là bài ca đầy tin yêu về đất nước này, về cuộc sống này, là tình yêu Khôi Vũ dành cho quê hương Đồng Nai.

Truyện ngắn của Khôi Vũ thường có cấu trúc giản dị. Mở đầu bằng một cảnh ở hiện tại, rồi trở về quá khứ, kể lại lai lịch nhân vật, đầu đuôi câu chuyện. Có thể xen kẽ những cảnh giữa quá khứ và hiện tại, và sau cùng trở về hiện tại giải quyết vấn đề nếu ra ở cảnh mở đầu. Khôi Vũ kết hợp kỹ thuật dựng cảnh với trần thuật. Chọn một hành động hay lời thoại có sức gây ấn tượng với bạn đọc, đồng thời phát triển thêm các tình tiết mới, khiến câu truyện ngày càng trở nên hấp dẫn. Có một giọng văn điềm đạm, đằm thắm, khúc chiết trong suốt các truyện ngắn của Khôi Vũ, giọng văn trong sáng nhân hậu đáng quý. Chất nhân hậu toát ra từ cách Khôi Vũ kết thúc truyện có nhân có nghĩa, có tình có lý, lấy sự trân trọng con người làm chuẩn mực. Khôi Vũ đứng trên lập trường đạo lý của cộng đồng và tư tưởng nhân văn của dân tộc để lý giải vấn đề, thành ra tiếng nói của Khôi Vũ tuy nhẹ nhàng nhưng có sức thuyết phục .

Về tiểu thuyết, Khôi Vũ đã in: Người có một thời (1988), Giữa dòng đời (1989), Lời nguyền hai trăm năm (1989), Dòng sữa cây nước mắt (1990), Mặt trời của riêng ai? (1990), Triệu phú (1992), Ngọn lửa âm thầm (1993), Bay với đôi tay trần (2004), Cái bóng (2005), Những người nuôi lửa (2005), Phía sau một khách sạn (2006), Vỡ dần trong mắt (2009), Ám ảnh đất Bazan (2009). Bến đời mơ thực (2016). Sông Luộc ở phương nam (2020, chưa in). Ông còn những truyện dài đăng hàng ngày trên Facebook như Số đẻ bọc điều (khởi đăng 30/9/2020), bộ truyện Đời (khởi đăng từ 24/5/2021), và truyện Ảo (khởi đăng 28/6/2021)… Tôi cũng thấy có những cuốn sách có lần Khôi Vũ đã giới thiệu song chưa in như Con ếch ngắm trăng, Tóc trắng

Khôi Vũ ghi được dấu ấn tiểu thuyết bằng 2 giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam là  Lời nguyền hai trăm năm (1990) và Sông Luộc ở phương nam (2020).

Lời nguyền hai trăm năm ca ngợi người lao động làm giàu vào cái thời người kinh doanh còn bị gọi là con buôn với tất cả sự đố kỵ. Chủ đề tư tưởng, theo Khôi Vũ, là viết về tính Thiện, về sự hòa hợp hòa giải. Độc đáo nghệ thuật của Lời nguyền hai trăm năm là cấu trúc hai tuyến truyện song song ngược chiều. Đây là điều mới mẻ so với tiểu thuyết đương thời những năm sau 1975. Tài năng sáng tạo, hư cấu, kết nối mạch truyện từ thời Gia Long qua thời chống Pháp đến những ngày trước đổi mới (1986) chứng tỏ Khôi Vũ là một cây bút có khả năng viết tiểu thuyết sử thi, và là một nhà văn tự khẳng định bản lĩnh trong việc phản ánh hiện thực còn nhiều phức tạp sau 1975. Khôi Vũ cho biết, anh viết với sự hào hứng, nhưng cũng “viết với một... nỗi lo… rằng mình ca ngợi người lao động làm giàu liệu có được chấp nhận không?”.

Khôi Vũ có nhiều nỗ lực cách tân nghệ thuật tiểu thuyết. Từ Lời Nguyền hai trăm năm (1990) đến Vỡ dần trong mắt (2009)[7], Bến đời mơ thực (2016)[8] Sông Luộc ở phương Nam (2020) là 30 năm không ngừng tìm tòi cách tân tiểu thuyết của Khôi Vũ. Cho đến nay, kiểu cấu trúc song song ngược chiều trong Lời nguyền hai trăm năm vẫn giữ nguyên giá trị (và có nhiều người đi theo). Vỡ dần trong mắt tiếp tục kiểu cấu trúc hai tuyến truyện song song nhưng có thêm nhiều yếu tố ảo giác. Bến đời mơ thực có nhiều giấc mơ và nhiều giải thích văn hóa. Và Đến Sông Luộc ở phương Nam Khôi Vũ lại viết tiểu thuyết lịch sử-văn hóa về quê hương. Sự kết hợp việc phục dựng lịch sử, khám phá văn hóa với những vấn đề thời sự (những sự việc của đời sống đương đại) là con đường sáng tạo đem đến cho Khôi Vũ nhiều thành công.

Dù vậy, con đường này cũng gây khó cho Khôi Vũ. Bởi khi thời sự qua đi, tác phẩm sẽ trở nên “nhạt” và lạc hậu. Xin thử đọc những chuyện “hỉ nộ ái ố” ở những trại sáng tác trong truyện Mộng (Rồng rắn lên mây. Fb 25/4/2021) và chuyện cán bộ biến chất, hủ hóa trong truyện Ảo (Có có không không. Fb 28/6/2021), những chuyện như thế tính thời sự của những vấn đề đã qua, tính hấp dẫn của truyện đã “nhạt” hẳn.

Cũng vậy, khi viết về lịch sử và văn hóa, ngòi bút tiểu thuyết thường bị trói buộc với chính sử. Điều này buộc Khôi Vũ phải chọn lựa cách viết. Ông nói rõ trước khi vào truyện: Tôn trọng chính sử (Lược bớt một số sự kiện quá chi tiết). Ghi nhận những giai thoại, truyền thuyết như một cách viết sử của dân gian. Chú trọng đến tiểu sử các nhân vật lịch sử chính. Có phần ngoại truyện về địa danh, văn hóa, sự kiện... Viết theo hình thức kể chuyện” (Fb ngày 26/12/2020). Chọn cách viết này, ngòi bút Khôi Vũ rất an toàn, chừng mực, song sự sáng tạo và việc đặt vấn đề thời sự bị giới hạn. Truyện trở nên “khô khan”, vì tính giáo dục lấn át tính truyện.

 

*NHÀ VĂN VỚI  THỊ TRƯỜNG

Nguyễn Thái Hải khởi đầu bằng những tác phẩm Tuổi Hoa viết cho thị trường trước 1975. Sau 1975, Khôi Vũ tiếp tục hướng về thị trường. Năm 2010, nhà xuất bản Văn nghệ in Phù phiếm bên biển, gồm 14 truyện ngắn của Khôi Vũ do báo Tuổi Trẻ chọn đăng trong khoảng 25 năm (1984-2009). Khôi Vũ viết nhiều, song một điều làm ngạc nhiên nhiều người cầm bút là năm nào Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải cũng in được sách. Có cuốn tái bản nhiều lần. Cha con ông mắt mèo in 1993, tái bản 1996, 1998, 2013. Lời nguyền hai trăm năm in 1989, tái bản 1996, 2004, 2020. Điều này giúp xác lập ngòi bút Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải có một lượng công chúng thị trường đủ để nhà xuất bản in tác phẩm của ông. Cho đến thời điểm này, có rất ít nhà văn nhà văn trong Hội Nhà văn Việt Nam “sống được” trong dòng chảy văn chương thị trường.

            Việc chọn lựa viết cho công chúng thị trường đã chi phối nhiều mặt cách viết của Khôi Vũ. Ông chọn lựa những câu chuyện, những nhân vật, những vấn đề thời sự đang “hot” để chấp bút. Vì là thời sự, tính “kịp thời” đòi buộc ông viết ngắn và viết nhanh để nhập cuộc, hơn thế viết cho công chúng, ông chọn cách viết giản dị, chú trọng tình huống truyện, nắm bắt nhanh (truyện chớp) một hiện tượng thời sự nào đó, đáp ứng cách đọc giải trí, chỉ bám vào cốt truyện. Điều này cản trở việc  ông xây dựng những tác phẩm có chiều sâu tư tưởng. Có rất ít tác phẩm khác của ông đạt được những phẩm chất nghệ thuật và tư tưởng như Lời nguyền hai trăm năm. Các tiểu thuyết khác như Vỡ dần trong mắt, Bến đời mơ thực là những thể nghiệm cách viết mới của ông, song cũng không thành công do tính thời sự - thị trường lấn át tính tư tưởng, nghệ thuật. Cuốn Phía sau một khách sạn (2007), được nhà xuất bản đổi nhan đề, mặc dù ông không vừa lòng nhưng chỉ sau một tháng phát hành đã được in nối bản. Ông phải công nhận một sự thật: “Đôi khi thị trường cũng có lý của nó...”(Fb ngày 10/11/2020). Bây giờ (2021) hàng ngày ông vẫn đăng truyện feuilleton trên Facebook, như kiểu truyện đăng nhật báo ở Sài Gòn trước 1975. Đó là các truyện: Số đẻ bọc điều, Mộng, Ảo, Non nước Việt.

            Hướng về thị trường, biết cách khai thác thị trường, đáp ứng yêu cầu tinh thần của bạn đọc và nhiều kinh nghiệm PR tác phẩm, song Khôi Vũ không chạy theo thị hiếu bản năng của công chúng bình dân. Ông có ý thức trách nhiệm sâu sắc về ngòi bút. Tác phẩm của ông góp phần xây dựng văn hóa, đời sống tinh thần của cộng đồng. Cảm hứng chính trong tác phẩm của ông là phê phán những mặt trái xã hội (Chuyện ở dãy phố năm căn, Giữa dòng đời, Mộng, Ảo…), cổ vũ cái đúng, cái tốt, giữ gìn những giá trị truyền thống, khẳng định vẻ đẹp nhân văn (Đàn ống tre bên kia sông, Triệu phú, Ngọn lửa âm thầm…).

Là một nhà văn Đồng Nai, ông có nhiều nỗ lực viết về đất nước và con người quê hương. Ông cho biết: Dòng sữa cây nước mắt (1990) “lấy bối cảnh là vùng cao su của tỉnh Đồng Nai, thời gian xảy ra câu chuyện là những năm của thập niên 80, thế kỷ XX”. Triệu phú (1992), “Không gian của truyện là vùng đất Long Khánh với những trang trại cây ăn trái”. Ngọn lửa âm thầm (1993) là “tiểu thuyết viết về cuộc đời một cô giáo dạy học ở một vùng ngoại ô xa của thành phố Biên Hòa”. Ám ảnh đất Bazan (2009) “Nội dung về thời hậu chiến và các hồi ức thời chiến tranh ở mặt trận Long Khánh”. Một ngày hè ở biển (2012) “Gồm 10 câu chuyện của những đứa trẻ sống trong một Tổ tình thương cấp Phường ở Đồng Nai”. Đàn ống tre bên kia sông (2015) “gồm toàn những truyện có nội dung xảy ra trên đất Đồng Nai”. Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ (Truyện dài thiếu nhi 4 tập, 2018) “Truyện viết về sinh hoạt của một nhóm thiếu niên trên các vùng đất Đồng Nai”. Ông còn có các tập ký, biên soạn về lịch sử đất nước, danh nhân Đồng Nai như: Theo dòng chảy Đồng Nai (Tập Ký, 2016), Khí phách Biên Hùng (truyện lịch sử, 2019), Non nước Việt (1010-1945. Truyện lịch sử), công bố trên Fb 2021.

Góp phần xây dựng văn chương Đồng Nai, nhà văn Lý Văn Sâm đưa nhiều truyền thuyết, huyền thoại, cảnh sắc thiên nhiên Đồng Nai vào tác phẩm, tạo nên những trang văn tài hoa rất mực; nhà văn Hoàng Văn Bổn ghi lại hiện thực cách mạng và kháng chiến ở Đồng Nai thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời trước “đổi mới” (1986) bằng nhiều bộ sử thi đồ sộ. Khôi Vũ là nhà văn thế hệ mới, ông tiếp tục khám phá cái đẹp của đất nước, con người Đồng Nai trong lịch sử văn hóa của thời kỳ sau “đổi mới” bằng nhiều nỗ lực cách tân tiểu thuyết. Ông cũng là nhà văn nhiệt tình hoạt động văn chương vì thế hệ trẻ.

Nếu Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn là kiểu nhà văn - chiến sĩ thì khi đất nước bước vào kỷ nguyên kinh tế thị trường, Khôi Vũ là nhà văn thị trường (nhà văn có một lượng công chúng thị trường ái mộ như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy). Tôi nghĩ những thế hệ đi sau ông có thể học tập…

Dù vậy, tính chất của văn chương thị trường cũng cản trở việc ông xây dựng những tác phẩm có tầm vóc lớn về tư tưởng và nghệ thuật. Đó có thể là điều đáng tiếc trong sự nghiệp văn chương của ông. Mặc dù ông có gửi gắm những suy ngẫm thế sự trong mỗi truyện, song chất giải trí vẫn là thiên hướng chính trong truyện của ông (ông tránh đụng chạm những vấn đề “nhạy cảm” của hiện thực. Chuyện ở dãy phố năm căn -1978- là một kinh nghiệm). 

Ở một góc nhìn khác, hiện nay, thế hệ cầm bút trẻ ở Đồng Nai, tôi chưa thấy tác giả nào có được tầm vóc như Khôi Vũ - Nguyễn Thái Hải. Tầm vóc ở tâm huyết với văn chương, ở bút lực mạnh mẽ, khả năng sáng tạo phong phú và cách viết hấp dẫn. Đặc biệt là ông tìm được một lối đi nghệ thuật riêng cho mình để khẳng định cốt cách một nhà văn chuyên nghiệp (khác hẳn với nhà văn phong trào).

Trong phạm vi cả nước, Nguyễn Thái Hải cũng là một trong số ít nhà văn viết cho thiếu nhi có nhiều thành tựu như vậy. Và những giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam mà Khôi Vũ đạt được thực sự ghi được dấu ấn đời văn của ông. Ở tuổi “cổ lai hy” như ông, đó chính là hạnh phúc.

Tháng 7/ 2021

B.C.T


 

______________________________

[1] FB Nguyễn Thái Hải: Câu chuyện Chúa nhật 4/7/2021: “viết nhiều và viết ít

[2]. Các giải thưởng khác của Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải:

       Năm 1993, giải thưởng “Vì tương lai đất nước” của Tp Hồ Chí Minh với truyện Cha con ông mắt mèo.

       Giải nhì Cuộc vận động sáng tác "Tình bạn tuổi thơ" của Quỹ Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch 2006, với truyện ngắn Hai con diều bay thấp

       Giải thưởng Trịnh Hoài Đức (Đồng Nai) lần II (2005) và lần III (2010) với tiểu thuyết Những người nuôi lửa và tập truyện Phù phiếm bên biển

[3] Xin đọc: “Nguyễn Thái Hải - Khôi Vũ, cây viết có duyên với truyện thiếu nhi” - Trần Hoàng Vy

       http://www.bongtram.com/2014/07/nguyen-thai-hai-khoi-vu-cay-viet-co.html

[4] Xin đọc: Truyện Tuổi Hoa của Nguyễn Thái Hải-Bùi Công Thuấn

      https://buicongthuan.wordpress.com/2019/01/15/truyen-tuoi-hoa-cua-nguyen-thai-hai-khoi-vu/

[5]Xin đọc: Tiểu thuyết Khôi Vũ-Bùi Công Thuấn

     /Shared Documents/2701_tieu-thuyet-khoi-vu

[6] Xin đọc Những thú vị trong khu vườn hạnh phúc-Bùi Công Thuấn

     http://vanvn.net/news/36/4578-nhung-thu-vi-trong-khu-vuon-hanh-phuc.html. Ngày 09/4/2014)

[7] Đọc bài  viết về tiểu thuyết Vỡ dần trong mắt của Khôi Vũ in trong: “Văn chương Việt Nam, những gì còn với mai sau”. Bùi Công Thuấn. Nxb HNV. 2016

[8] Đọc bài viết về Bến đời mơ thực của Khôi Vũ in trong Nhà văn Đồng Nai của Bùi Công Thuấn. Nxb HNV 2018

_____________ 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​