Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
THANH LƯƠNG CỔ TỰ


TS. Nguyễn Thị Nguyệt 


Thanh Lương cổ tự tọa lạc tại K3/73, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Kế bên Thanh Lương cổ tự là miếu bà Chúa Xứ, cả hai đều nằm đối diện với đền thờ Nguyễn Tri Phương bên bờ sông Đồng Nai. Chùa Thanh Lương là một trong những ngôi chùa cổ kính ở Biên Hòa, trước đây có long vị Đức ông Trần Thượng Xuyên. Theo lời kể của vị sư trụ trì và chư tăng chùa Thanh Lương thì ngôi chùa này có niên đại xây dựng khoảng năm 1684 (cùng thời gian trùng tu Chùa Ông ở cù lao Phố), cách nay trên 330 năm.

Tương truyền chùa Thanh Lương là một trong những ngôi chùa được bà con người Hoa tạo lập rất sớm sau khi vào định cư trên đất Đồng Nai, đặc biệt đây còn là ngôi cổ tự do tướng Trần Thượng Xuyên là một trong số những người Hoa tiên khởi lập nghiệp ở Đồng Nai đứng ra khởi dựng để tịnh tu. Ban đầu chùa có diện tích nhỏ hẹp gần vị trí hiện nay, vật liệu xây dựng chủ yếu bằng tre, gỗ, lá... sau dần dần ngôi chùa được cả người Hoa và người Việt cùng đến thắp nhang niệm Phật và chung tay đóng góp thành ngôi cổ tự khang trang, to lớn. Khoảng cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX thì Thanh Lương cổ tự được dời về vị trí ngày nay và hoàn toàn mang kiến trúc của ngôi chùa Việt hơn là chùa Hoa.


thanh lương cổ tự.png
Thanh Lương cổ tự


Chùa nằm trong khuôn viên rộng chừng 800m2, xung quanh có tường rào xi măng và rào sắt. Trước cổng chùa có hai cây dầu đại thụ cao hơn 10m, cành lá sum xuê, quanh năm tỏa bóng mát. Dưới gốc cây đại thụ có bệ thờ và tượng Phật chuyển pháp luân giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như.

Chùa cổ Thanh Lương trải qua nhiều đời trụ trì và được trùng tu, tôn tạo ngày một kiên cố. Năm 1940, Hòa thượng Thích Thiện Khải về trụ trì chùa, tới năm 1954 chùa dần bị xuống cấp, hư hỏng, dột nát được Phật tử và bá tánh thập phương cúng dường nên Hòa thượng đã cho đại trùng tu ngôi chùa có hình dáng kiến trúc như hiện nay.

Chùa Thanh Lương có kiến trúc gồm ba nếp nhà tạo hình chữ Tam gồm: chánh điện - hậu Tổ, nhà khách và nhà trù. Chánh điện kiến trúc tứ trụ, mái lợp ngói âm dương, chánh điện chùa lợp mái kiểu bánh ít, kiểu mái truyền thống của các ngôi đình chùa Nam Bộ, đỉnh mái gắn biểu tượng Nhật- Nguyệt. Nội thất chánh điện có 8 cột gỗ tròn lớn (đường kính cột rộng 40cm), mặt tiền xây tường thay vách gỗ đã mục nát đỡ lấy các cột gỗ bên trong, nền lát gạch bông. Các vì kèo, đòn tay, xà ngang đều bằng gỗ tốt chắc chắn, nối các cột có các bao lam địa võng bằng gỗ chạm lộng với các đề tài: long, lân, quy, phụng, cúc điểu và dây lá, hoa cúc rất sắc xảo và mỹ thuật. Đặc biệt giữa bao lam điện thờ có khắc “năm 1925”. Như vậy, đây có thể là một trong những mốc thời gian chùa được trùng tu,  tôn tạo lớn. Kiến trúc của chùa mang nhiều nét kiến trúc dân gian truyền thống với bộ chày cối nằm trên cây trính (điểm giao nhau của vì kèo) biểu hiện tính chất âm dương trong kiến trúc. Hai bên chánh điện trang trí khuôn bông hình cánh én, bức bàn trang trí kiểu chắn song hình con tiện có sự hòa quyện giữa kiến trúc tín ngưỡng và kiến trúc nhà ở cổ dân gian tạo cho không gian chùa vừa quen thuộc vừa gần gũi. Hai bên tứ trụ có bộ kèo đấm, quyết mở rộng hành lang nội Đông Tây làm cho diện tích nơi chánh điện được mở rộng.

Trong chùa treo nhiều hoành phi và liễn đối bằng gỗ có tuổi hàng trăm năm được chạm khắc chữ Hán sơn son chữ vàng với các mô típ hoa văn trang trí rất sắc xảo, những hoa văn chìm dây lá và các góc vuông hình kỷ hà. Đặc biệt những bức hoành phi trang trí chạm nổi ba tầng với các đề tài lưỡng long chầu nhật, hoa cúc, chữ Vạn và đường gấp khúc. Nội dung các bức hoành phi trong chùa gồm có: “Thanh Lương Tự”, “Đại hùng bửu điện”, “Tây Phương tịnh cảnh”, “Chính đán công trình”, “Minh quan Thái chuyến”, “Chí tại Xuân thu”, “Phật pháp quang huy”, “Khâm thừa Phật sắc”, “Trùng quan bảo trướng”...

Các câu liễn đối: 

“Vạn pháp trung tứ thất báo Phật hồng tư kỳ lưỡng thuận. Liên hoa phẩm thượng diễn tam thừa chúc hoàng thánh thọ nguyện dân an”.

“Lương hoàn sinh ngọc Giản Phố đề từ niệm đức hồng hiện gian phong. Thanh chỉnh phát hoằng khai thuyền phổ chiếu giám quang trình quang nhạc (lạc)”.

Những bức hoành nơi chánh điện được làm đời trụ trì Yết Ma Trí Long (năm ?), đặc biệt bức hoành phi tên “Thanh Lương Tự” được làm từ đời Gia Long thập ngũ niên (năm 1814).

Điện thờ ngôi Tam bảo được Hòa thượng trụ trì tu tạo bằng xi măng (năm 1969) xây kiểu tam cấp trang trí gạch bông, thờ rất nhiều tượng như: bộ Tam thế Phật, Thích Ca, Văn Thù, Phổ Hiền bồ tát, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Phật đản sinh… Tả hữu thờ: Địa Tạng Vương bồ tát và Quan Thánh Đế Quân. Tiền điện thờ Phật Di lặc, dưới bệ thờ trang trí cảnh chúa sơn lâm nằm nghỉ dưới tán cây xanh. Trong chùa có nhiều cổ vật như đại hồng chung, tiểu hồng chung, chuông, mõ… phục vụ Phật sự. Hai bên tường chánh điện, hậu tổ và nhà khách treo 10 bức tranh vẽ trên thiếc nội dung mô tả về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như: “Phật đản sinh”, “Hoàng hậu Ma - Da mẹ thái tử Tất Đạt Đa nằm mộng”, “Vô rừng xuất gia”, “Bước chân Xuất thế của thái tử Tất Đạt Đa”, “Thái tử cùng Sa – Nặc đi ra khỏi cung vàng điện ngọc”, “Phật chuyển pháp luân đầu tiên giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như”, “Ma vương quấy nhiễu Phật thành đạo”, “Quỷ vương nghe Phật thuyết pháp”, “Thất long che Phật giáo hóa khi trời mưa” và “Phật nhập Niết bàn”. 

Hậu tổ thờ Đạt Ma Tổ sư, ông Giám Trai và 14 long vị Tổ. Đặc biệt, nơi đây còn có long vị và tượng Đức ông Trần Thượng Xuyên, nguyên là Tổng lãnh binh ba châu Cao, Lôi, Liêm dưới triều Minh (Trung Hoa). Năm 1679, ông dẫn đầu đoàn tướng binh di thần nhà Minh Trung Hoa vượt biển đến đất Đại Việt xin thần phục chúa Nguyễn và được chúa Nguyễn Phúc Tần (1648- 1687) chấp thuận cho vào khai khẩn xứ Đông Phố (nay là vùng đất Đồng Nai). Cho đến năm 1996, long vị Đức ông đã được gia tộc họ Trần rước về thờ tại tộc gia tại thành phố Hồ Chí Minh. Dưới chân tượng Đức ông có ghi dòng chữ Việt “Hộ pháp Tam bảo Tôn thần Trần Thượng Xuyên thần tướng quy y ngày 8/1/Canh Thìn (1655-1700) - Gia đình Lâm Trợ, phụng cúng 1883” (tượng bằng gốm làm theo mẫu tượng đồng có từ cuối thế kỷ XIX đã bị mất). Dựa vào thông tin trên long vị tôn thờ ở hậu tổ và nhiều đồ đồng họ Trần phụng cúng cho chùa, có thể suy đoán Đức ông Trần Thượng Xuyên là một trong những vị Tổ khai sơn và từng tu tập ở chùa Thanh Lương thời kỳ khai phá xứ Đồng Nai.

Nhà khách và nhà trù có tường xây, cột bê tông, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch bông. Hai cột tròn lớn ở cuối nhà khách treo hai tấm liễn đối bằng gỗ hình lòng máng ôm lấy các cột tròn. Trên các đầu cột là xà ngang, vì kèo bằng gỗ, treo các tấm hoành phi chữ Hán với nét bút điêu luyện, chạm trổ hoa văn tinh xảo. 

Nhà khách thờ Phật Chuẩn Đề, Đức Long Vương, Bồ tát Quan Thế Âm, Phật Thích Ca, ba thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh và di ảnh của Phật tử đã quá vãng gởi chùa. Ngoài ra, trong chùa còn treo nhiều tranh ảnh, lịch Phật giáo, hình ảnh Hòa thượng trụ trì. Đây còn là nơi nghỉ ngơi của Hòa thượng trụ trì chùa.

Năm 1968, chùa xây cổng và tường rào, trên cổng có chữ “Giáo hội Lục Hòa tăng Việt Nam - Thanh Lương cổ tự - 1968”. Năm 1990, Hòa thượng trụ trì cho tu sửa mặt tiền chùa có kiến trúc kiểu cổ ba gian. Khác với các ngôi chùa trong tỉnh, hành lang, tiền sảnh chùa Thanh Lương không để thoáng mà xây kín tường ở giữa và hai vách bên hông, chỉ để lộ hai cửa bên (cửa sắt kéo bên trong). Mặt tiền gắn hồ lô, lân gốm, búp sen và tượng Phật Đản sinh. Giữa ô văng gắn tượng Nhật –Nguyệt bằng gốm cổ Biên Hòa. Mặt tiền chùa có dòng chữ “THANH LƯƠNG CỔ TỰ - Tân tạo 1990, Canh Ngọ”. Ngày nay, cổng chùa có bảng  “Giáo hội Phật giáo Việt Nam - THANH LƯƠNG CỔ TỰ - Thành phố Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai”.

Năm 1994 được sự trợ duyên của Phật tử và bá tánh cúng dường, Hòa thượng trụ trì cho xây thêm nhà Thiền đường bên phải chánh điện với diện tích khoảng 80m2, tường gạch, mái lợp tôn, cửa kính, nền lót gạch bông. Đây là nơi học tập, sinh hoạt, tiếp khách của chư tăng chùa Thanh Lương.

Ngoài hai cây bồ đề đại thụ, trong sân chùa còn có nhiều cây dầu cổ thụ cao to, nhiều hoa kiểng như mai tứ quý, phát tài, sứ, vạn tuế… Trước chùa có tượng Quan Âm Nam Hải ngự trên tòa sen giữa hồ nước; kế đến là tháp thờ Bồ tát Quan Thế Âm chế ngự long thần, tháp có kiến trúc tứ diện, mái cong đổ bê tông, đỉnh tháp gắn bình hồ lô thanh tịnh. Trước chùa còn có tượng Đương lai hạ sinh Di Lặc tôn thần cao khoảng 2m đứng trên bục lục giác (cao 1,5m).

Chùa Thanh Lương theo hệ phái Phật giáo Lục hòa tăng Bắc tông cổ truyền. Hàng năm, chùa tổ chức vía chính vào bốn ngày rằm lớn của Phật giáo và ngày giỗ Tổ vào ngày 8- 9 tháng 5 âm lịch. 

Chùa Thanh Lương không những đẹp về kiến trúc, trang trí mỹ thuật truyền thống, bộ tượng thờ phong phú và lâu đời, nơi đây còn là một trong những ngôi cổ tự có lịch sử xây dựng vào loại sớm nhất ở Đồng Nai, tương truyền còn là nơi Đức ông Trần Thường Xuyên khai sơn tạo lập quy y. Thanh Lương cổ tự với dấu ấn văn hóa Hoa- Việt cùng với di tích đền thờ Nguyễn Tri Phương và miếu bà Chúa Xứ nằm trong cụm di tích đình, chùa, miếu – một trong những địa điểm tập trung các cơ sở tín ngưỡng dân gian lâu đời của cư dân Biên Hòa- Đồng Nai.

N.T.N



Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​