Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NGHỀ LÀM GỐM LU TÂN VẠN


TS. Nguyễn Thị Nguyệt


Nghề làm gốm lu xuất phát từ những thợ gốm người Hoa ở Biên Hòa lập nên. Thế kỷ XVIII, sau khi cù lao Phố bị tàn phá (1776), một số thợ gốm người Hoa chạy về lập lò ở Phú Lâm (Chợ Lớn) sản xuất gốm Cây Mai sau này1. Một số khác ở lại chuyển qua bên kia sông lập nên làng gốm Tân Vạn hiện nay. Nửa cuối thế kỷ XIX (1875), nhiều lò gốm gia dụng ở Tân Vạn đã bắt đầu hình thành. Theo tư liệu của dòng họ Trương tại Tân Vạn thì lò gốm lu đầu tiên do ông tổ Trương Tú Nhơn, người Hẹ (quê quận Tử Bố, huyện Đông Uyển, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) khởi công xây cất khoảng năm 1878 với tên gọi là lò Tú Hiệp Thái, sau đổi là Quảng Thuận Long rồi Quảng Phát Long hay Lò Cũ. 

Cuối thế kỷ XIX, những người Hoa bang Phước Kiến và bang Hẹ sinh sống bằng nghề buôn bán và làm lu, hũ đã tạo dựng thêm các lò gốm ở Tân Vạn. Những lò lu đầu tiên được lập trên đất Tân Vạn gồm: hai lò mang tên Lâm Trường Phong, lò Quảng Hưng Long và lò Quảng Thuận Nguyên. Hiện nay, ở làng gốm Tân Vạn vẫn còn vài lò làm gốm gia dụng của người Hoa như: cơ sở Trương Kiến Minh, cơ sở gốm lu Hiệp Phát... nguyên là lò của bà Năm Lủng, một trong những lò cũ của người Hoa trước kia.

Những lò gốm cũ của người Hoa chuyên làm đồ gia dụng với những loại sản phẩm như: lu, hũ, chậu, ghè, mái vú, ảng lớn… bằng gốm sành. Đa số là đồ lớn. Nguyên liệu chủ yếu là đất sét đỏ pha cát, nung ở nhiệt độ cao tạo cho xương sành dày, chắc và cứng. Thợ làm lu sành hiện nay đa số vẫn là người Hoa, một số đã lớn tuổi, tuy nhiên họ vẫn có thể tạo hình những sản phẩm gốm lu một cách chuyên nghiệp. Sản phẩm cùng loại được các thợ gốm người Hoa tạo ra rất đều đặn và đẹp mắt. 

nghề làm gốm lu-1.png
Thợ gốm tạo hình sản phẩm bằng tay (ảnh NT)

nghề làm gốm lu-2.png

Thợ gốm hoàn chỉnh sản phẩm gốm lu (ảnh NT)

Đất sét dùng để nắn lu sành được lấy từ bờ sông Đồng Nai. Sau đó đổ vào hố đất sâu, cho nước, lọc những tạp chất rồi quậy cho đủ độ dẻo, kết dính. Khi nắn sản phẩm, người ta trộn ít cát vàng nhuyễn hạt để tạo sự chắc cứng cho xương gốm.

Gốm lu là loại gốm gia dụng truyền thống lâu đời của người Đồng Nai nói chung và người Hoa nói riêng. Quá trình tạo ra thành phẩm gốm lu còn mang tính thủ công cổ truyền, từ khâu lấy đất (đất sét ở bờ sông Đồng Nai), tạo nguyên liệu, tạo hình và nung sản phẩm. Đặc biệt khâu tạo hình gốm lu của người Hoa chủ yếu bằng phương pháp dải cuộn (bắt trạch), một trong những kỹ thuật làm gốm cổ truyền Việt Nam. 

Sau khi nhồi đất sét cho dẻo, người thợ bắt đầu nắn lu. Trước tiên thợ gốm cắt lấy một tảng đất vừa phải đặt lên bàn gỗ, nhồi nặn một hồi, cuối cùng se thành tròn dài như một con trạch, rồi nhanh như cắt lấy ra và đặt lên cánh tay phải đem ra tấm ván đặt sẵn làm đế để nắn tạo hình sản phẩm. 

Một chiếc lu lớn (đường kính khoảng 80cm, chiều cao tương ứng đường kính), thợ gốm phải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên đặt một tấm ván vuông nhỏ lên bục cao khoảng 30-40 cm, rắc một ít cát để đất không dính vào ván. Sau đó lấy đất sét dẻo nhào với cát vàng hột lớn trải mỏng thành hình tròn của đáy lu, nén cho phẳng và chặt. Kế đó lấy con đất đã se tròn, dài như con trạch, một đầu đặt vuông góc với cạnh đáy lu, phần còn lại đặt lên cánh tay phải đỡ lấy và lên dần theo cách dải cuộn. Nghĩa là miết đất sát với đáy lu đi theo vòng tròn chung quanh bục ván gỗ cho đến khi giáp mạch từng phần. Sau đó, dùng hai tay nắn dính và lên thân lu dần dần, mỗi đoạn cao khoảng 15 cm, đợi cho đất đủ ráo người thợ lên tiếp cho tới viền miệng. Công đoạn làm lu theo từng phần, mỗi lần nắn xong đợi qua một ngày cho ráo đất để hôm sau lên tiếp. Từ đáy lên 1/3 lu, từ 1/3 lên 2/3 sau đó vỗ mịn, từ 2/3 lên tới miệng, làm miệng vỗ láng rồi đem phơi. Mỗi lu phải làm mất hai ngày nhưng được người thợ làm đồng thời khoảng 20 cái một lượt.

Sau khâu tạo dáng, người thợ dùng các dụng cụ chuốt phẳng hai mặt trong và ngoài thân lu cho mất các vết nối. Trước tiên dùng sạc bành là một dụng cụ bằng gỗ thông hình bầu dục, kích thước 4 cm x 10 cm. Dụng cụ mỏng nhẹ dùng để cào phẳng các vết nối theo phương pháp dải cuộn theo vòng tròn. Động tác thực hiện cũng rất nhanh chóng. Kế đó, thợ gốm dùng các bàn vỗ, bàn đập, bàn xoa (người Hoa gọi là khấu bành, khấu tài và sắc sùi) đập cho xương gốm phẳng mịn, chắc. Tùy từng phần của thân lu, hoặc chậu tương ứng với sự cong nhiều hoặc ít mà người ta dụng cụ nào cho phù hợp. Khấu tài và khấu bành dùng để đặp phẳng xương gốm ở những phần tương đối thẳng và có độ cong ít. Người ta dùng khấu tài và khấu bành là một cặp bàn vỗ bằng gỗ có hình dạng chữ nhật (một lớn, một nhỏ) hai góc vạt chéo tạo thành hình lục giác ở phần đầu, cán dài và dẹp. Khấu tài và khấu bành dùng để đập phần gần miệng gốm có độ phẳng. 

Ở phần giữa thần có độ cong, người ta dùng bàn vỗ (người Hoa gọi là sắc sùi) là hai dụng cụ bằng gỗ lồng mứt có cấu tạo phần vỗ có dạng hình nón cụt và cán tròn để cầm. Một cặp bàn vỗ gồm hai cái: một có mặt lồi và một có mặt lõm, tương ứng với thân sản phẩm của lu, chậu có mặt cong... Khi sử dụng, thợ gốm đặt bàn vỗ có mặt lồi áp vào bên trong thân lu, bàn vỗ có mặt lõm bên ngoài rồi đi vòng chung quanh chiếc lu đang tạo hình. Mục đích của việc dùng bàn vỗ đập vào để cho xương gốm chắc mịn làm nối kết các đoạn lên từng phần. 

Những dụng cụ bằng gỗ, mỗi lần sử dụng xong, người thợ đều phải ngâm chúng trong lu nước để chúng không bị khô nứt và có thể sử dụng được lâu dài. Những dụng cụ này làm bằng gỗ lồng mức nên thường chịu được trong nước lâu ngày và ít bị mục. Mỗi người thợ gốm đều có những bộ dụng cụ của riêng mình, tùy theo cách sử dụng với tháo tác phù hợp của mình, không ai dùng chung với ai.

Một dụng cụ dùng để xoa bề mặt xương gốm là sắc sùi bằng gốm sành dày và nặng. Hình dạng bàn xoa giống cây nấm, bề mặt lồi cong, tay nắm tròn ngắn. Thợ gốm Hoa dùng xoa đều bề mặt bên trong sản phẩm lu gốm tạo sự liên kết của bề mặt gốm.

Điều đặc biệt là sắc sùi, dụng cụ dùng để xoa gốm lu của người Hoa hiện nay ở Tân Vạn hoàn toàn đồng dạng và đồng chất với "bàn xoa gốm", một trong những loại hình hiện vật khảo cổ học phát hiện tại các di chỉ Cái Vạn, Suối Linh, Đại An… thời kỳ Tiền sử ở Đồng Nai (niên đại trên 2000 năm cách ngày nay). Như vậy, có thể suy đoán trong kỹ thuật làm gốm lu của người Hoa ở Tân Vạn có sự kế thừa kỹ thuật cũng như dụng cụ làm gốm cổ truyền của người Đồng Nai cổ cách nay hàng ngàn năm.

Vì là đồ gia dụng nên trên gốm sành rất ít có trang trí, nếu có chỉ là gắn thêm tai, hoặc núm nhỏ ở quanh miệng gốm, hay trang trí những đường hoa văn sóng nước hoặc những đường chỉ chìm chạy xung quanh miệng hoặc vai của chậu hoặc lu. Hoặc viền miệng được ấn lõm tạo kiểu viền miệng uốn tai bèo của chậu sành, hũ, ảng...

Gốm lu không chấm men mà được xối một loại hỗn hợp nước tro và bùn (công thức 7 bùn + 4 tro + nước đủ độ lỏng) từ miệng lu xuống nửa thân lu chảy xuôi xuống đáy. Khi nung chín, da lu có lớp men màu nâu đen giữ cho lu bền, chắc chắn và không thấm nước.

Sau khi xối men, lu được đưa vào lò nung tại những lò đốt củi kiểu lò ống hay lò rồng, hình dạng lò rất dài và rộng. Lò nung ở Lò gốm cũ Hiệp Phát dài tới 100m, được xem là lò đốt củi dài nhất ở làng gốm Tân Vạn hiện nay. Lu lớn đem vào lò nung vừa là bao chụp nung đặt thêm những sản phẩm gốm mỹ nghệ nhỏ hơn ở bên trong để nung gốm. Vì lu sành có độ cứng cao hơn nên có thể chịu đựng được nhiệt độ nung trực tiếp trong lò từ 700 - 1.250°C mà không sợ bị cháy, nứt, bể sản phẩm. Khi lấy sản phẩm ra lò, vừa có sản phẩm gốm lu, vừa có sản phẩm gốm mỹ nghệ mà không tốn bao nung của gốm mỹ nghệ. Đây là một kiểu nung sản phẩm kép ở làng gốm Tân Vạn từ trước đến nay. 

Xương gốm lu rất cứng và chắc, độ nung của gốm lu thường cao (dạng gốm sành); vì vậy lu được dùng đựng nước hoặc ủ cá làm nước mắm. Những chậu sành được dùng để trồng cây kiểng rất bền, di chuyển ít bị nứt hoặc bể. Sản phẩm ra lò theo các chuyến đò đi các nơi tiêu thụ, nhất là Bình Thuận và miền Tây Nam Bộ. Những chiếc mái vú để phía trước hoặc sau mái hiên nhà hứng nước mưa ở miền Tây Nam bộ chính là sản phẩm của những thợ gốm làm bằng tay của người Hoa ở Tân Vạn-Biên Hòa. Những năm gần đây, ngoài sản phẩm lu sành truyền thống, hiện nay các lò lu Tân Vạn còn sản xuất các loại lu, chậu bằng đất sét vàng tươi mịn xuất khẩu qua các nước Châu Á như: Singapore, Ấn Độ, Thái Lan…

Có thể nói, nghề làm gốm lu ở Tân Vạn hình thành và tồn tại hơn một thế kỷ qua. Nhiều thế hệ nghệ nhân làm gốm bằng tay của người Hoa đã không còn, tuy nhiên vẫn còn những nghệ nhân yêu nghề và bám nghề. Công việc là niềm đam mê, tạo thêm nguồn thu nhập để họ có thể bảo tồn và truyền nghề cho thế hệ trẻ hôm nay. 

​                N.T.N   


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​