Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
RƯỢU VUI


 Tùy bút của HÀ NGUYÊN HUYẾN

 (Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 44)

 



Quê tôi là vùng bán sơn địa thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Nơi đây vì đặc trưng mang tính tiểu vùng nên lúa không phải là cây trồng chính trong canh tác. Ở những nơi cao như đồi gò hoa màu rất phong phú. Chẳng biết có phải vì thế nên mới có câu ca dao:

Tiếng ai như tiếng xứ Đoài

Ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều.

Không biết có từ đời nào nhưng quả là khoai sắn đã để lại tiếng tăm cho vùng đất qua những câu đồng dao: “Nước giếng Giang, khoai sọ Lồ Cang, khoai lang Đồng Bường” (những địa danh thuộc xã Đường Lâm). Bên cạnh khoai sắn, các loại đỗ (đậu) cũng rất phong phú, có thể kể ra như đỗ đen, đỗ xanh, đỗ nành… Kỷ niệm mỗi khi mùa đỗ về vẫn còn in đậm tuổi thơ tôi.

Năm ấy tôi gần mười tuổi, mẹ tôi bảo: Đỗ chín nhiều lắm, chiều nay con ra Áng Độ trẩy giúp mẹ. Áng Độ là một quả đồi đất thoai thoải, sang tháng ba âm lịch, làng tôi xuống đồng trồng đỗ xanh. Cả một quả đồi mênh mông không có một loài cây nào ngoài đỗ xanh. Đỗ xanh là cây ngắn ngày, sang tháng tư đỗ đã mướt mát cả một vùng đồi. Chỉ qua vài lượt chợ (phiên chợ) là đỗ đã ra hương (hoa). Ngoảnh đi, ngoảnh lại là đóng quả. Tôi đã nhiều lần ngẩn ngơ trước những chùm đỗ non, nhìn chúng như những nhánh cỏ ba chẽ giữa mơ màng một màu vàng nhạt của hoa đỗ…

Sang tháng năm đỗ chín… Chiều ấy, đỗ chín rộ. Những chùm đỗ như chùm gai bồ kết… ấy là năm được mùa. Tôi mải mốt trẩy cho đến lúc trời ngả sang chiều lúc nào không biết. Tôi đã khóc… Cũng may trời sập tối thì mẹ đi đón. Mẹ tôi bảo: Giống cây này là vậy, trẩy hết trước mặt thì đỗ lại chín ngay sau lưng mình, con làm sao trẩy hết được…! Mẹ con tôi lẫn vào dòng người kĩu kịt gánh đỗ về làng.

Tôi nhớ những chiều tháng năm nắng như đổ lửa nhưng trong làng vang lên tiếng “lang chang” đập đỗ. Rồi, những thúng đỗ xanh như mây theo người buôn đi khắp mọi nơi trong vùng. Đỗ xanh làng tôi là một sản vật nổi tiếng!

***

Năm 1968, hợp tác xã (HTX) đưa cây lạc thay thế cây đỗ xanh, cây lạc cho năng xuất cao hơn. Tôi hỏi mẹ: Sao bây giờ mới thấy làng mình trồng lạc. Mẹ tôi kể: Khoảng những năm bốn mươi, bốn nhăm của thế kỷ XX, ông nội tôi là người đầu tiên mang giống lạc về làng. Lúc đầu ông tôi trồng trong vườn nhà, mấy năm sau mới đem ra đồng. Thấy giống cây cho năng suất cao, cả làng trồng theo. Cũng năm ấy, năm đầu tiên cây lạc được trồng quảng canh trên quả đồi Áng Độ…

Sau khi lạc đội đất nảy mầm thì cũng là lúc quạ ở đâu kéo về, lúc đầu một vài con, sau đó đen trời rợp đất… Từng đàn quạ sà xuống quả đồi trồng lạc, chúng lấy mỏ nhổ những mầm lạc vừa nhú lên khỏi mặt đất… rồi bỏ đấy. Nhiều gia đình tiếc công, tiếc của làm “bù nhìn” (người giả), rồi lập chòi canh cũng không làm sao xua đuổi được… Trồng đi trồng lại vài lần, mãi rồi cũng chán! Lũ quạ đã tàn phá cánh đồng.

Sau sự việc ấy có người giải thích: Quạ thấy mầm lạc đội đất nhú lên, chúng tưởng là… “con gì” (giống này hay ăn giun, dế) nên mới dùng mỏ rút lên, chỉ là một cái giá trắng ngần mập mạp! Lại có người bảo: Quạ kéo về là điềm rất xấu, không ai ngờ mấy năm sau xảy ra nạn đói 1945, người tha phương cầu thực chết đói đầy đường!

Ông tôi vẫn trồng lạc trong vườn, mỗi vụ thu hoạch chẳng đáng là bao, chủ yếu là để cho ông uống rượu mỗi chiều. Lạc sau khi thu hoạch được phơi khô rồi cất vào chum, vại. Khi ăn đem bóc bỏ vỏ, lựa bỏ những hạt lép để rang không bị cháy. Rang lạc là một “nghệ thuật”. Rang già lửa, lạc thơm nhưng không còn độ ngậy. Rang non, lại mất mùi thơm. Người rang lạc không được nóng vội, rang nhỏ lửa sao cho mẻ lạc rang chỉ một màu, nếu có đốm đen (cháy) là mất điểm rồi… Mẹ tôi rang lạc rất khéo, sau khi rang cất vào chai lọ. Mẹ tôi bảo: Mỗi chiều uống rượu, ông tôi chỉ lấy ra mươi hột đựng vừa trong lòng một cái đĩa sứ nhỏ.

Thưở ấy, người Pháp độc quyền kinh doanh rượu. Người Việt Nam ai nấu rượu là phạm pháp. Trong làng nhiều gia đình có việc, nhà Đoan (người thu thuế) còn sục vào để khám xét xem có “rượu ngang” (tự nấu) không. Thù oán nhau, chôn bã rượu vào vườn, vào ruộng… rồi báo Đoan, nhiều người lâm vào tù tội cũng chỉ vì thế… Mọi người gọi rượu do người Pháp kinh doanh là “rượu ty” (Công ty nấu rượu Đông Pháp). Rượu ty là một thứ rượu cồn, những người sành rượu khi không có thứ nào khác mới uống. Ông tôi vẫn nấu rượu tại nhà để dùng dần. Cơm rượu được làm từ gạo nếp cái, men rượu là mấy chục vị thuốc Bắc. Tùy theo sự “gia giảm” các vị mà làm nên đặc trưng rượu cho từng nhà, từng vùng… Bởi vậy mới có những đặc sản làm nên tên tuổi vùng đất như: Rượu Vân (Việt Yên, Bắc Giang), rượu Trương Xá (Hưng Yên), rượu Bàu Đá (Bình Định), rượu Thanh Mai (Thanh Oai, Hà Tây cũ)… Ở huyện Ba Vì, Đông Lâu, Yên Khoái là nơi cho thứ rượu nức tiếng một vùng. 

***

Họ Hà nhà tôi là một họ lớn, trong rất nhiều nét đẹp làm nên truyền thống thì “văn hóa rượu” cũng để lại tiếng thơm. Cho đến tận bây giờ họ Hà vẫn được cái tiếng “hay rượu” nhất làng. Đàn ông trong họ ai cũng uống rượu. Uống với bạn, bạn say mềm mà mình vẫn như không. Dân làng bảo: Họ nhà tôi có ngôi mộ để vào thế đất hình cái… “be (nậm) thủng”. Be đã thủng rồi thì đổ bao nhiêu rượu cho vừa! Thiết nghĩ, trong bối cảnh của những năm tháng ấy, đời sống nông thôn rất gian nan và nhiều tệ nạn. Có rượu uống đã là khó, uống rượu rồi vẫn giữ được mình không mang tiếng “bê tha” còn khó hơn!

Mỗi lần đi viếng mộ, tôi tần ngần ngắm thửa ruộng (có ngôi mộ tổ) đúng là giống cái be rượu thật! Chẳng biết có phải vì thế mà ông tôi được tiếng hay rượu! Mẹ tôi bảo: Bước chân về làm dâu đã thấy ông tôi uống rượu rồi. Mỗi ngày một bữa, không câu nệ vào thức nhắm. Bữa rượu của ông chỉ là một hai bìa đậu phụ nhuộm nghệ vàng ươm, rồi mang nướng trên than hoa cháy cạnh. Để đổi bữa, có khi là một hai quả trứng gà, trứng vịt nhà nuôi được. Từ ngày có lạc rang thì lạc là thức nhắm mà ông tôi thích nhất!

Vào những ngày mát mẻ, ông tôi đặt cái chõng tre dưới gốc mít phía đầu hồi nhà. Trong lòng cái khay “lá đề” là một nậm rượu, một đĩa lạc rang, mấy cọng rau thơm, vài ba quả ớt và một nhúm muối trắng. Vào lúc mùa vụ, ông tôi uống rượu trước khi cả nhà ngồi vào mâm một lát. Những năm sau đã có tuổi, việc đồng áng do con cháu lo liệu, có hôm ông ngồi từ lúc xế chiều cho đến khi tắt mặt giời mới xong bữa rượu. Vậy nhưng hôm nào vui lắm mới hết cái nậm (khoảng ¼ lít).

Những lúc như thế ông tôi cao hứng: Tửu lạc vong bần (rượu vui để quên nghèo, quên đi mọi khó khăn…)! Mẹ tôi hỏi: Thế nghĩa là thế nào hả thầy. Ông tôi bảo: Mẹ “nhiêu” (tiếng để chỉ những người phụ nữ còn ít tuổi khi chồng chưa có danh phận gì như mợ tú, mợ cử hay sau này là chị ký, bà tham…) rang lạc khéo lắm. Uống rượu với lạc để quên cái nghèo, cái khó. Ông tôi đã đổi chữ “Lạc” là “vui” trong chữ Nho sang chữ “lạc” (củ lạc, hột lạc) cho gần gũi với đời sống một làng quê! Cứ thế, sau mỗi bữa rượu là những câu chuyện, những bài học về luân thường đạo lý nhưng không bao giờ quên nhắc nhở con, cháu mỗi khi uống rượu phải giữ mình để tránh được tiếng xấu: “cờ bạc, rượu chè”. Ông tôi như cái trụ tinh thần trong gia đình cho các thế hệ sau này. 

***

Tôi không ngờ trong những năm HTX nông nghiệp, làng tôi lại có phong trào “năm lờ” (lạc, lang – khoai lang, lá – thuốc lá, lúa, lợn) rầm rộ thế. Trong “năm lờ” ấy thì “lạc” đứng đầu. Lạc hầu như có mặt ở mọi xứ đồng. Lạc không những được trồng chính vụ (tháng năm) mà còn thêm vụ lạc thu (tháng tám). Vụ lạc thu chính là lúc chúng tôi được nghỉ hè, những ngày này không có gì thú hơn là lang thang trên những quả đồi. Trong muôn vàn cái nghịch của tuổi học trò, tôi thích nhất lên đồi… “ăn trộm” lạc của HTX. 

Tiếng là “ăn trộm” nhưng mỗi đứa chỉ nhổ một vài khóm. Lạc thu trồng trên đồi lúc này đã ít mưa nên khô lắm, dây lạc đã rạc để “xuống” củ nên lạc đã già và rất chắc. Cầm khóm lạc trên tay, rũ bỏ đất đã mơ hồ nghe thấy tiếng “lọc xọc” của nhân lạc bên trong vỏ. Cả bọn kéo nhau ra nơi vắng vẻ… bóc vỏ, hạt lạc bên trong đã héo. Chẳng biết ngày ấy do cái thiếu đói muôn thưở, hay còn một lý do gì mà kỷ niệm vẫn nhớ đến tận bây giờ! Lạc thu ăn sống ngon hơn cả những gương sen hạt còn “bánh tẻ” (không còn non nhưng chưa già)… cũng lấy trộm dưới đầm… 

Chẳng biết mọi người thế nào, với tôi những lúc như thế lại bùi ngùi nhớ ông. Ông tôi là người đầu tiên đem cây lạc về đất này nhưng không thành. Song, hình ảnh ông tôi với những bữa rượu thì trong gia đình tôi không ai quên. Ông tôi mất đã lâu rồi, những thế hệ tiếp theo “đông đàn, dài lũ” nay đều đã phương trưởng cả. Do điều kiện nên nhiều người lập thân xứ người… Dẫu cho có định cư ở đâu đi nữa thì bài học về rượu vẫn được “nằm lòng” trong mỗi cá nhân.

Ngày nay, các loại đồ uống trong đó có rượu vô cùng phong phú và bày bán khắp mọi nơi. Kinh tế thị trường tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao. Song, việc uống rượu đôi khi bị lạm dụng quá mức nên “ma men” đã làm cho nhiều người xấu đi… Hậu quả của việc uống rượu không kiểm soát đã dẫn đến những hậu quả khôn lường. Phải chăng, đã đến lúc nhớ lại câu nói của người xưa: Uống rượu để vui, để tinh thần hưng phấn, vượt lên trên mọi khó khăn trong đời sống này!

H.N.H


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​