Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
SÂN BAY LONG THÀNH VÀ CÂU CHUYỆN XÃ SUỐI TRẦU


 

Ghi chép của Trâm Oanh

 (Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 45)

 


Những năm hai mươi của thế kỷ XXI này, ở Đồng Nai, có lẽ việc xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành là một trong những sự kiện được nhiều người nhắc nhớ nhất. Trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; tại các hội nghị, diễn đàn; trên mặt báo chí, văn đàn; giữa những câu chuyện… đều thấy sự hiện diện của sân bay cùng những tác động, ảnh hưởng và lợi ích từ công trình trọng điểm cấp quốc gia này.

Cuối năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Dự án có diện tích 5.000 ha, ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 4.900 hộ với gần 16.000 nhân khẩu. Chính vì tầm ảnh hưởng vô cùng rộng lớn như vậy nên quan điểm chỉ đạo và thực hiện xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương luôn là: Việc thu hồi đất phải bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng chịu ảnh hưởng của Dự án; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; chú trọng công tác đầu tư xây dựng các khu tái định cư; hỗ trợ cho người lao động nông nghiệp sau khi bị thu hồi đất chuyển sang làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp. 


xa-suoi-trau-long-thanh.jpg
Hình ảnh xã Suối Trầu đi vào ký ức bao người dân Đồng Nai (nguồn ảnh: internet)


Để kịp tiến độ triển khai dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và ổn định đời sống của 16.000 nhân khẩu, từ năm 2018, Đồng Nai đã tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính 6 xã: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn thuộc huyện Long Thành. Đây là những khu vực có sự ảnh hưởng đến dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và có đủ điều kiện sắp xếp. Trong đó, xã Suối Trầu là xã giải tỏa hoàn toàn để nhường 1.358 ha đất xây dựng sân bay và nhập 126 ha về xã Bàu Cạn. Và thật vui mừng, chủ trương này nhận được sự đồng tình, ủng hộ và nhất trí cao, thể hiện sự đồng hành, vì lợi ích quốc gia của nhân dân các địa phương.

Tháng 9 năm 2018, chia tay Suối Trầu, Đồng Nai từ 171 đơn vị, giảm còn 170 đơn vị hành chính cấp xã.

Bởi vậy, tôi muốn nói về Suối Trầu, về nghĩa cử của 6.000 người dân nơi này đã nhường đất để xây dựng sân bay, góp phần cho một tương lai hùng cường đất nước. 

Suối Trầu không phải là một khu vực dân cư lâu đời nhưng cũng không phải là một vùng đất mới. Bởi sau năm 1975, nơi đây mới đón nhận di dân từ nơi khác đến xây dựng kinh tế; năm 1976, Suối Trầu được công nhận là một xã thuộc huyện Long Thành. Thời điểm đó, Suối Trầu còn là vùng đất hoang sơ, rừng thiêng nước độc, được bao quanh bởi những nông trường cao su bạt ngàn. Đáng sợ nhất vẫn là bom đạn còn sót lại từ thời chiến tranh vẫn nằm rải rác khắp nơi. Con đường đi vào chỉ là lối mòn nhỏ, cây cối um tùm, phải len lỏi trong rừng. Một thời khó khăn, đói kém rồi cũng qua, Suối Trầu đi lên cùng với sự phát triển của xã hội. Khi đất đã trở thành "đất lành", người dân khắp nơi kéo về đây làm ăn, đời sống người dân dần khấm khá thêm.

Sân bay Long Thành đã nằm trong quy hoạch phát triển và lập dự án đầu tư từ năm 1997. Hơn một thập kỷ sau, quyết định phê duyệt quy hoạch dự án sân bay Long Thành được phê duyệt với mục tiêu là cảng hàng không trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á và hơn 20 năm sau, công trình mới khởi công giai đoạn một. Đây là dự án nằm trong top 16 sân bay được mong chờ nhất thế giới, là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là dự án hạ tầng có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Mục tiêu xây dựng sân bay Long Thành theo chuẩn hàng không dân dụng quốc tế, hướng đến trở thành trung tâm trung chuyển hàng không của quốc tế và khu vực.

Những thông tin trên cho thấy trong hành trình hơn 40 năm hình thành và phát triển thì có đến hơn 20 năm, Suối Trầu được quy hoạch làm sân bay. Sự tác động, ảnh hưởng đến đời sống, đến việc đầu tư, phát triển của cộng đồng dân cư là một thực tế. Nhưng suốt thời gian đó, không chỉ người dân xã Suối Trầu mà người dân thuộc 5 xã lân cận vẫn an tâm, vừa sản xuất xây dựng đời sống, vừa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về xây dựng, đất đai trong vùng quy hoạch. Bởi ai cũng hiểu, đến một ngày đất nước cần, người dân sẽ sẵn sàng nhường đất xây dựng sân bay, góp phần cho sự hùng cường của đất nước.

Nhớ năm 2018, khi Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính đã lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Theo đó, toàn bộ ba ấp 1, 2 và 3 của xã Suối Trầu sẽ được nhập vào xã Bình Sơn. Có lo lắng về phản ứng của người dân. Có những ưu tư về sự tác động đến tâm tư, tình cảm của những người đã gắn bó lâu năm với đất. Và thật vui mừng vì bà con nhân dân đã ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi, cùng đồng hành vì lợi ích quốc gia, để việc thực hiện dự án được thuận lợi, đúng kế hoạch. 

Nhường mảnh đất đã từng gắn bó cho sân bay để ra đi không nhiều băn khoăn, lo lắng, người dân Suối Trầu chỉ đề nghị một điều: Xin giữ lại tên gọi Suối Trầu. Xã đã không còn, Suối Trầu trở thành tên ấp; ấp Suối Trầu 1, Suối Trầu 2 và Suối Trầu 3. Giữ lại để mà nhớ, mà nhắc nhau về một thuở phá mìn, khai hoang vỡ đất; nhớ thuở ban đêm nhà nhà phải đốt đống lửa trước nhà để xua đuổi thú dữ; nhớ con suối mùa mưa nước chảy đỏ đục như nước bã trầu... Và hơn hết, để nhớ không chỉ có bà con Suối Trầu mà còn những người dân 5 xã Bình Sơn, Cẩm Đường, Long An, Long Phước, Bàu Cạn đã sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng cho sự phát triển chung của đất nước.

Xã hội đang phát triển mạnh mẽ về phía trước. Từng ngày, từng tháng qua, không chỉ Suối Trầu, Long Thành mà trên khắp đất nước này vẫn có những người dân, những cộng đồng dân cư vẫn tiếp tục hy sinh lợi ích riêng, từ bỏ mảnh đất đã bao năm gắn bó để nhường đất cho dựng xây và phát triển. Những đô thị xa hoa và đẳng cấp; những khu thương mại sầm uất; những phố xá náo nhiệt, nơi con người vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi và hưởng thụ, biết mấy ai có nhớ nơi đó một thời đã từng là làng mạc, ruộng đồng. Nhưng với người Đồng Nai thủy chung và nghĩa tình, tôi tin người Đồng Nai sẽ luôn ghi nhớ. Để mai này, khi những chuyến bay cất cánh lao lên khỏi đường băng, vẫn sẽ nhớ rằng, phía dưới trời rộng bao la đã từng có một địa danh với tên gọi mộc mạc, thân thương: Suối Trầu.

T.O.


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​