Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
BỐ GIÀ - Phim Việt tạo dấu ấn từ những điều bình dị




Bài viết của Thùy Linh Vũ

 (Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 45)



Dự án phim điện ảnh “Bố già” được công bố lần đầu tiên vào ngày 17 tháng 9 năm 2020, chuyển thể từ phim chiếu mạng cùng tên - nhưng được xây dựng khác hoàn toàn với bản gốc.

Cùng với các diễn viên từ bản phim chiếu mạng quay trở lại phiên bản điện ảnh, bao gồm Trấn Thành, Lê Giang, Quốc Khánh, Tuấn Trần và NSND Ngọc Giàu, phim còn có thêm nhiều diễn viên mới góp mặt như Lan Phương, Hoàng Mèo, La Thành và bé Ngân Chi. Ngoài việc là vai chính và đồng đạo diễn, Trấn Thành còn đảm nhận vai trò biên kịch (viết 90% lời thoại trong phim) và nhà sản xuất. Phim có tổng kinh phí gần 1 triệu USD (gần 23 tỷ đồng), được ghi hình trong vòng hai tháng. Bối cảnh chính của phim đặt tại một con hẻm nhỏ xóm lao động nằm dưới chân cầu Nguyễn Văn Cừ (Quận 1, TP. HCM). Tại đây, ê-kíp làm phim đã cho dựng những ngôi nhà cùng nội thất bên trong, đồng thời bít miệng cống, bơm nước ngập đường để tái hiện lại cảnh thành phố ngập nước sau mưa. Riêng cảnh mở đầu của phim dài khoảng 2 phút được quay theo công nghệ một cú máy liên tục (one-shot) với chi phí hơn 1 tỷ đồng, tốn hơn 100 giờ quay với hơn 100 diễn viên quần chúng tham gia.

“Bố già” ban đầu dự kiến ra rạp vào ngày mùng một Tết Tân Sửu (12/2/2021), nhưng sau đó bị hoãn do sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19. Tác phẩm bắt đầu công chiếu sớm từ ngày 05 tháng 3 năm 2021 trước khi ra rạp chính thức vào ngày 12 tháng 3. Và cho đến thời điểm cuối tháng 3/2021, đây vẫn là phim “bom tấn” oanh tạc tất cả các suất chiếu tại các cụm rạp trong nước.

Bố già.jpg
Poster phim Bố già


Giới chuyên môn nhận định "Bố già dù thành công vẫn chưa phải là một bộ phim xuất sắc", nhưng không thể phủ định tình yêu của khán giả bởi những cảm xúc tích cực mà bộ phim mang lại. Ngay bản thân Trấn Thành cũng thừa nhận thành công của phim một phần là nhờ may mắn. Nam nghệ sỹ cho rằng: “Bố già chưa hoàn hảo" và "thời lượng của phim hơi dài", một mặt anh lại "quá ôm đồm" và "quá cầu toàn", dẫn đến những cảnh phim bị cho là "chưa trọn vẹn, thiếu cảm xúc".

Trên Zing News, phim được chấm điểm 7/10. Khán giả đánh giá cao việc vận dụng chất liệu đời thường, đặc biệt là phong cách slice of life (lát cắt cuộc sống, đời thường mô tả những trải nghiệm trần tục) trong việc xây dựng kịch bản. Dù còn vài điểm lấn cấn, tác phẩm vẫn cho thấy tố chất của cả những người đứng trước và phía sau máy quay. “Bố già” đã chọn câu chuyện xung đột thế hệ rất phổ biến với mọi gia đình làm người xem dễ đồng cảm cũng như có bối cảnh dễ tạo thiện cảm, nhưng lại chưa mạnh về ngôn ngữ điện ảnh và vẫn còn thừa thãi các cảnh quay one-shot (một cú máy liên tục). Một điểm tích cực nữa được trang VnExpress nhắc đến là sự tiến bộ về mặt diễn xuất của Tuấn Trần; mặt khác, nhiều người xem chỉ ra rằng kịch bản của phim đôi lúc còn dài dòng, cũng như phần âm nhạc bị lạm dụng nhất là ở các phân đoạn đòi hỏi sự chiêm nghiệm của khán giả.

Thực tế cho thấy, dù “Bố già” được đánh giá là chưa ở mức xuất sắc tuyệt đối, phim vẫn lập nhiều kỷ lục phòng vé và hiện đạt doanh thu hơn 400 tỷ đồng (theo công bố của nhà phát hành), và là phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Vậy điều gì đã làm nên thành công rực rỡ cho “Bố già”? Dưới đây là một vài nhận định đến từ đông đảo khán giả đã từng xem phim:

Thứ nhất: Kịch bản chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa

Tuy là một tác phẩm thuộc thể loại hài hước, “Bố già” đem đến những giây phút đầy cảm động của tình cha con, tình cảm gia đình qua những khó khăn mà Ba Sang cùng người con trai phải vượt qua để hiểu nhau hơn. Bộ phim đề cao tình cảm gia đình, giữa cha - con, anh - em, họ hàng… dù có khúc mắc thế nào, sau tất cả, vẫn là sự bảo bọc, yêu thương giữa các thành viên.

Bộ phim như một tấm gương phản chiếu chính xã hội tấp nập ngày nay, khi cuộc sống cùng những chênh lệch tuổi tác dần cướp đi tiếng nói chung giữa các thành viên trong gia đình. Ở nơi đó, họ vẫn luôn quan tâm nhau, yêu thương nhau, nhưng không cách nào mà thấu hiểu được nhau.

Tác phẩm thành công khi mang đến câu chuyện có bối cảnh thân thuộc, đậm chất đời sống với lối kể tự nhiên, gần gũi. Kịch bản phim hướng tới cuộc sống người lao động ở TP. HCM, nơi xóm nghèo quanh năm nước ngập. Tình huống phim dễ tạo được sự đồng cảm, khiến nhiều khán giả có thể thấy được bản thân mình qua các nhân vật. Ở đó, một ông bố hàng ngày vẫn tiết kiệm một chai dầu gội với con, nhưng sẵn lòng bán nhà để giúp con trả nợ. Một người con thương cha vẫn không thể hiểu được cách ông đối xử quá tốt với người ngoài. Đạo diễn chọn cách phản ánh góc nhìn cuộc sống từ hai phía: người cha già tên Ba Sang và Quắn - con trai của ông.

Thứ hai: Dàn diễn viên “đỉnh của đỉnh"

Trấn Thành là cái tên quá đỗi quen thuộc đối với khán giả Việt Nam, đặc biệt với sự tự nhiên cùng lối diễn xuất chất phác. Bên cạnh đó phải kể đến nam thần mới nổi của màn ảnh Việt, diễn viên Tuấn Trần. Anh đã thể hiện rất thành công vai Quắn, con trai của Ba Sang, một người có sở thích làm Vlogger Youtube, một thanh niên thế hệ mới, trẻ trung với lối sống phóng khoáng, khá bụi bặm, bất cần nhưng yêu thương cha vô hạn.

Bên cạnh cách “diễn như không diễn” của nghệ sĩ Trấn Thành khi vào vai Ba Sang, bộ phim còn có sự góp mặt của các diễn viên gạo cội của nền điện ảnh Việt, có thể kể đến như NSND Ngọc Giàu, nghệ sĩ Lê Giang, Lan Phương... Có lẽ chính vì thế mà bộ phim mới trở nên thật sự gần gũi và thân quen với người Việt Nam, từ đó góp phần khắc ghi sâu sắc thông điệp mà đạo diễn muốn truyền tải. Diễn xuất đồng đều của dàn nhân vật góp phần không nhỏ với sức hút của phim. Ngoài hai vai chính - Ba Sang (Trấn Thành) và Quắn (Tuấn Trần), các vai còn lại đều ít nhiều tạo điểm nhấn. Ngọc Giàu đóng Hai Giàu - người chị cả trọng vật chất nhưng vẫn đặt gia đình lên hàng đầu. Lê Giang tiết chế lối diễn cường điệu để vào vai Cẩm Lệ - hàng xóm thương thầm Ba Sang - với nhiều nét hài duyên. Quý - em út Ba Sang (La Thành đóng), một vai phản diện ít đất diễn, cũng gây ấn tượng về sự chuyển biến tâm lý nhân vật. Từng vai là mảnh ghép tạo nên bức tranh tổng hòa đa màu sắc, đa diện.

Thứ ba: Thước phim đẹp, âm thanh tốt có đầu tư

“Bố già” có một sự đầu tư vô cùng tỉ mỉ về kịch bản, trang phục, hình ảnh và bối cảnh. Tất cả đều được sắp xếp có chủ đích để từ đó xây dựng được tính cách và cuộc đời của nhân vật một cách rõ nét nhất. Bên cạnh những thước phim được đầu tư tỉ mỉ từ kịch bản, trang phục, hình ảnh và bối cảnh. Tất cả đều được sắp xếp có chủ đích để từ đó xây dựng được tính cách và cuộc đời nhân vật một cách rõ nét nhất. Bên cạnh những thước phim ngắn, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng còn sử dụng những thước phim dài để khắc họa rõ nét môi trường chân thực của phim, về cả yếu tố con người và không khí trong phim.

Đặc biệt, cách bố trí và sử dụng âm nhạc trong phim cũng góp phần thúc đẩy cảm xúc của khán giả. Âm nhạc trong “Bố già” được dùng để khắc họa tính cách và lối sống của các nhân vật. Ở phân cảnh mở đầu, phim dùng ca khúc "Sài Gòn đẹp lắm" của Y Vân để dẫn dắt vào câu chuyện. Đối với nhân vật Cẩm Lệ, phim sử dụng bài "Màu hồng chủ nhật" do nhạc sĩ Hồng Vân sáng tác và "Điệp khúc thanh bình", đều do Connie Kim trình bày. Ngược lại, giai điệu "Bigcityboi" của Binz xuất hiện để phù hợp với lối sống của nhân vật Quắn. VnExpress đánh giá việc đặt các bản nhạc này gắn liền với hai tuyến nhân vật khác nhau là một cách để làm nổi bật sự khác biệt thế hệ trong phim.

Bài hát "Cha già rồi đúng không" của nhạc sĩ Phạm Hồng Phước được chọn làm nhạc phim, do ca sĩ Ali Hoàng Dương trình bày. Trấn Thành đã viết lại một số đoạn trong bài để phù hợp với tinh thần của bộ phim và cũng nhằm mục đích "truyền tải những hồi ức đẹp nhất của gia đình để ai xem phim cũng thấy thấp thoáng bố mẹ mình trong đó". Ca khúc nhạc phim thứ hai được sử dụng trong phim là "Sao cha không" do Phan Mạnh Quỳnh sáng tác và thể hiện.  Ca khúc có nội dung bám sát phim, khi người con liên tục hỏi vì sao cha không chia sẻ những nỗi buồn, tâm tư với mình. Trong bài hát, người con thương cha nhưng trách: "Tại sao cha không thảnh thơi nhàn hạ/ Nhận về muộn phiền không nói được ra...". Khoảnh khắc nhạc phẩm vang lên khi phim hé lộ bi kịch của ông Sang (Trấn Thành) được nhiều người xem nhận xét "đắt giá". Khi giọng ca sỹ Phan Mạnh Quỳnh cất lên trong rạp, nhiều khán giả đã rơi nước mắt. Cuối phim, khi ông Sang (Trấn Thành) gặp khúc mắc với con cái, ca khúc “Cha già rồi đúng không” vang lên cùng hình ảnh ông Sang cô đơn, khiến nhiều người xem bồi hồi.

Thứ tư: Mang đậm chất “đời", chi tiết gần gũi với đời sống bình thường

Trong phim, các nghệ sĩ không ngại ngần trong việc sử dụng các từ ngữ có phần hơi “cục súc”. Tuy nhiên những từ ngữ này lại chính là công cụ để người xem có thể đắm mình cùng sự chân thực tác phẩm này.

Phần lớn khán giả đều cho rằng “Bố già” đã thể hiện được trọn vẹn tinh thần của thể loại phim tình cảm gia đình khi vừa khai thác câu chuyện về "tổ ấm nhỏ" của bố con Ba Sang, vừa là bức tranh toàn cảnh về những gia đình nhiều thế hệ của người Việt. Đồng thời, các tình huống trong phim tạo được cảm giác kết nối và sự đồng cảm với những ai đã hoặc đang gặp phải những mâu thuẫn trong gia đình hoặc đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Sự đan xen, lồng ghép các yếu tố bi - hài được nhận xét là vô cùng khéo léo, góp phần không nhỏ giúp “Bố già” chạm đến từng "ngóc ngách" trong trái tim.

Không chỉ nội dung phim giàu cảm xúc, bối cảnh chính của “Bố già” cũng nhận được nhiều lời khen ngợi khi đã mang đến những thước phim gần gũi và chân thật nhất về cuộc sống tấp nập của những người dân lao động bên trong những con hẻm nhỏ của Sài Gòn – TP.HCM.

Thứ năm: Những câu thoại “đắt giá" lắng đọng trong tâm trí khán giả

Trong phim, đạo diễn Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đã vô cùng khéo léo trong việc xây dựng bối cảnh và sử dụng lời thoại để đánh vào cảm xúc khán giả. Một trong số những chi tiết điển hình là khi nhân vật Quắn (Tuấn Trần) chỉ tay và nói “Ba muốn làm gì ba làm!”, người xem như thực sự chết lặng với sự rạn nứt của tình cha con. Không chỉ với lời thoại từ tuyến nhân vật chính, câu nói: “Ba nó mà nó còn đuổi, mình là cái nghĩa địa gì” của nhân vật Hai Giàu (NSND Ngọc Giàu) làm hiện lên rõ nét sự bế tắc cùng đường trong những nỗ lực xây dựng tiếng nói chung của các thành viên trong gia đình.

Nhờ lời thoại giàu cảm xúc, phim tạo khả năng lan truyền trên mạng xã hội, tăng hiệu ứng truyền miệng từ khán giả. Trên nhiều fanpage điện ảnh, người xem trích lại các câu thoại ấn tượng trong phim: "Tại sao ba cứ hy sinh cho người khác mà không quan tâm người ta có cần hay không?" (nhân vật Quắn), "Câu xin lỗi cha mẹ rất khó nói, nhưng nói ra rồi thì dễ thương lắm" (nhân vật bà Cẩm Lệ)... Đạo diễn Charlie Nguyễn ấn tượng với câu hỏi Quắn dành cho khán giả: "Lần cuối mọi người chụp hình với ba của mình là lúc nào?", cho rằng đây là câu thoại đắt giá nhất phim.

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, “Bố già” phiên bản điện ảnh là một bộ phim an toàn và đủ sức làm hài lòng mọi khán giả khi đến rạp xem nhờ vào câu chuyện quen thuộc nhưng kết hợp được yếu tố hài và bi lại thành một tổng thể hợp nhất, bổ trợ và liên kết chặt chẽ với nhau. Phim không quá xuất sắc nhưng đã và sẽ xác lập nên những kỷ lục mới cho điện ảnh Việt Nam.

T.L.V


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​