Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
EM LÀ NGƯỜI GIÁO VIÊN


Viết ngắn của Ngô Nữ Thùy Linh


Tháng mười đã qua, tháng mười một khe khẽ về qua từng cơn gió lạnh. Sáng nay Miên chạy xe qua cánh đồng làng, tới trường. Đã lâu lắm rồi, cô mới lại có cảm giác khoan khoái khi đi dưới cánh đồng xanh ngát ngô và khoai. Cảm giác được ra khỏi nhà thật thoải mái. Cơn gió lạnh đầu đông mơn man da thịt. Hai năm ra trường, đúng vào hai năm đất nước chống chọi với bệnh dịch. Một giáo viên như Miên cũng đã phải bắt nhịp với cuộc sống, làm quen công tác dạy online vào những giờ họp không phải ở trường. Mọi thứ ban đầu, đảo lộn và xoay như chong chóng. Nhất là năm nay Miên chủ nhiệm các em lớp một. Những đứa trẻ ngây thơ, chỉ mới buông ghế trường mẫu giáo và bắt đầu làm quen với những con chữ. Trường làng nghèo nàn, một số em không có điện thoại để học. Một số em thì ngơ ngác, mắt tròn xoe khi bắt đầu bài học đầu tiên. Đến việc gọi điểm danh cũng khó. Sau mỗi buổi dạy, Miên cảm giác đuối sức. Nhưng còn một số em chưa có dụng cụ học tập, xong buổi dạy Miên lại cùng các em đoàn viên thanh niên của xã đi vận động mạnh thường quân, giúp đỡ cho các em. Rong ruổi suốt những ngày nắng, cuối cùng cũng có được mười lăm chiếc điện thoại, cho mười lăm em có hoàn cảnh khó khăn nhất. Nhìn những bàn tay nhỏ xinh, đen đúa, nhận lấy chiếc điện thoại, nâng niu, lòng Miên cảm thấy lâng lâng, kì lạ. Việc còn lại là phải làm sao truyền cho các em năng lượng tích cực trong học tập. Giúp các em tiếp thu kiến thức để khi bước vào học thực tế, các em đã có một nền tảng vững chắc. Những đêm miệt mài nghiên cứu giáo án, phương pháp giảng dạy bắt đầu như thế. Miên gầy rộc như một que củi khô. Ở Thành phố, người yêu điện về qua Zalo há hốc mồm:

- Em làm sao thế, tự nhiên gầy rộc và xạm đen vậy, mắt thâm quầng nữa kìa?

Miên cười hiền hậu:

- Em thức nghiên cứu giáo án thôi anh. Đã chọn nghề trồng người mà, mình phải nghiêm túc và chỉn chu chứ.

Ở đầu dây bên kia, giọng nói, ánh mắt anh xa xót. Thương cho cô gái nhỏ bé, hiền lành. Anh yêu mến Miên cũng bởi ở cô luôn toát lên một vẻ đẹp hiền dịu. Có lẽ cô chọn nghề giáo viên là hoàn toàn đúng. Bởi quen nhau từ lúc còn là sinh viên, anh luôn thấy Miên đau đáu về một nền giáo dục hiện đại, tư duy cởi mở nhưng cũng mang nhiều nét truyền thống của thế hệ giáo viên thời trước. Không còn những buổi lên lớp, thầy cô lăm le cái thước và sẵn sàng phệt vào bàn tay em nào đó nếu viết cẩu thả và lười học. Không còn những buổi tới trường các em quần áo lấm lem bùn đất. Nhưng sẽ có những đổi mới. Thời đại 4.0, phương pháp dạy online chính là mở đầu cho một xu hướng mới về công tác giáo dục. Anh thấy Miên đã đề cập đến vấn đề này từ khi còn là sinh viên năm thứ ba Đại học Sư phạm. Cô có cái nhìn xa về những cách thức học tập hiện nay. Ngay cả khi chưa có dịch, khi đó anh đã nghe cô thao thao bất tuyệt về một hướng đi mới cho giáo dục. Khi đó, anh bĩu môi:

- Ôi dào, em lo xa quá, tới đó không hẳn nó đã như vậy đâu. Mà theo đuổi công nghệ trong giáo dục quả là vất vả rất nhiều cho những giáo viên lớn tuổi.

Miên dịu dàng:

- Em biết, nhưng em dự cảm như thế…

Và bây giờ thì mọi dự cảm của Miên gần như đúng hoàn toàn. Người yêu Miên khá ngạc nhiên về điều đó. Lâu lâu anh lại chọc:

- Không chừng em ở lại vùng quê, nghiên cứu công tác giảng dạy ha?

Miên đùa:

- Em ở lại, anh ở với ai?

***

Bây giờ thì Miên đã gắn bó với nơi này, quen trường, quen lớp, thầy cô và lũ học trò nhỏ thân yêu. Hằng ngày ngoài việc đến trường giảng dạy, cô thu xếp vào trong khu dân cư, nơi có nhiều em nhỏ cha mẹ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ruộng rẫy. Cô tìm hiểu từng hoàn cảnh của các em để có phương pháp hỗ trợ nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn việc làm của Miên bằng ánh mắt cảm thông, sẻ chia và trìu mến. Gặp những phụ huynh khó chịu, họ chỉ muốn con mình một buổi tới trường, còn một buổi phụ giúp cha mẹ. Khi thấy bóng dáng Miên thấp thoáng nơi đầu rẫy xoài, người ta đã kêu mấy đứa nhỏ chạy tút vào sâu bên trong. Để một mình cô lang thang trong đám xoài. Hay như có những giáo viên trong trường, làm việc lâu năm, họ bảo nơi chốn này, việc học bây giờ đến thế là may mắn lắm rồi. Thời các cô, các thầy mới về, trèo đèo, lội suối, chẳng mấy đứa nó thèm đi học. Bây giờ hiện đại hơn, lại còn có trang bị internet, điện thoại để học online, thì mình cũng đỡ vất vả hơn, việc gì phải lao tâm khổ tứ vào những chốn rẫy ruộng đìu hiu, tụi nó có ba mẹ tụi nó lo. Miên hơi xa xót bởi những lời bàn ra đó. Dù sao cô cũng lớn lên, được học hành tử tế trong môi trường sư phạm. Cô nghĩ mọi thứ rồi sẽ va chạm nhiều hơn, nhưng không phải ngay bây giờ, ngay lúc dịch dã mới được ổn định.

Những ngày vất vả, Miên may mắn gặp Kiên, một đồng nghiệp ra trường cách cô ba năm. Kiên về ngôi trường này khi không có khả năng trụ vững ở thành phố. Về nơi đây anh cũng có mẹ già và một em đang theo học Đại học. Về quê anh có thời gian chăm sóc mẹ, lại cũng có rẫy điều, nên lâu lâu anh vào rẫy, chăm sóc đám điều, thu hoạch một năm cũng có mấy chục triệu. Dân vùng đồng bằng, vừa đi dạy, vừa đi làm rẫy là chuyện bình thường. Anh thấy Miên lúng túng khi mới bắt tay vào việc dạy học, nhìn thấy trong mắt cô hoài bão về một tương lai giáo dục tươi sáng. Chính vì vậy, anh đã chủ động gặp gỡ Miên, trao đổi công việc, chỉ cho cô những con đường đi vào rẫy nhanh nhất mà không bị lạc, cách túm đầu một đứa nhóc lười học là như thế nào. Dần dà, Miên cảm phục Kiên, coi Kiên như một người anh trai thân thiết. Lâu lâu Kiên lại đùa:

- Miên nhỏ nhắn xinh xắn, đã có người yêu chưa?

Miên thật thà:

- Em có rồi anh, người yêu em là kĩ sư xây dựng, anh ấy làm ở thành phố.

- Để Miên một mình về đây, ảnh không sợ mất Miên sao?

- Dạ mất sao được ạ, em về miền quê này, tìm kiếm vốn kiến thức cho công tác giảng dạy lâu dài sau này. Rồi em sẽ lại trở về thành phố, cùng anh ấy gây dựng sự nghiệp anh ạ.

Kiên không đáp lại. Anh dõi ánh mắt xa xăm nhìn về phía con sông rộng trước mặt. Ở đó, cũng có một số học sinh của trường anh. Buổi sáng chúng phải chèo thuyền lên bờ đi học. Tới tầm trưa, sẽ có một người trong làng bè lên đón chúng, rồi chia ra từng nhà. Nhớ tới thời anh đi vận động tụi nhỏ đi học, cũng bao vất vả gian nan. Giờ có thêm Miên và một số đồng nghiệp trẻ, nhiệt huyết, anh nghĩ công cuộc của mình sẽ không dang dở. Nhưng khi nghe Miên nói về việc sẽ rời đi, lòng anh buồn da diết. Có cái gì đó cứ gờn gợn trong tâm trí anh. Muốn giữ một giáo viên thực sự tâm huyết như Miên quả là khó.


***

Nay 20/11, Miên bận chiếc áo dài màu tím hoa cà, hát bài “Người giáo viên nhân dân”. Dáng người cô mảnh mai, giọng lảnh lót như chim sơn ca. Kiên đứng ở dưới, thầm ao ước. Giá như cô ấy mãi ở ngôi trường này, yêu thương lũ học trò nhỏ cùng anh. Một đứa học sinh kéo theo mấy bạn cùng lớp chạy lên, chúng ôm chầm lấy cô giáo. Thằng nhỏ nhét vào tay cô một chiếc bút bằng gỗ, nhỏ xinh. Nó thì thầm:

- Là ba con làm đấy, con tặng cô!

Ở dưới khán đài, tiếng học trò, tiếng thầy cô vỗ tay râm ran. Miên ôm mấy đứa nhỏ vào lòng, nước mặt cô chực trào…


N.N.T.L


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​