Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐÃ THẤY NHỮNG ĐỐM LỬA LÓE SÁNG TRONG THƠ 1-2-3


Tác giả: Khang Quốc Ngọc (tên thật Nguyễn Ngọc Tân)

Sinh 12 – 5 – 1976 tại Hà Nam

Từng là giáo viên Ngữ văn tại trường THPT Sông Đốc & THPT Trần Văn Thời – Cà Mau.

Giải thưởng: Giải ba thơ ĐBSCL - năm 2012, giải nhất cuộc thi thơ lục bát báo Áo trắng - năm 2019, giải 3 thơ Đồng Nai 45 năm hội nhập và phát triển - năm 2020...

Hiện sống và viết tại thành phố Hồ Chí Minh.


HINH TAN 1.jpg
Nhà thơ, nhà phê bình văn học Khang Quốc Ngọc

Có thể nói, thơ 1-2-3 trên vanhocsaigon, vanvn.vn lúc này thật sự đã bước qua giai đoạn ồn ào ban đầu theo số lượng mà đang lặng lẽ bước từng bước đi dần vào chiều sâu của thi ca. Ở đấy, thấy có một vài tia sáng từ những chùm thơ 1-2-3 của nhiều tác giả đã bắt đầu lấp lánh, nó chưa đến độ hào quang chói gắt nhưng cũng đủ cho người ta một sự lặng lẽ ghi nhận gật đầu. Thành công bước đầu ấy đang rất cần cho phong trào sáng tác thơ 1-2-3, nó vừa hà hơi tiếp sức cho sự chạy bộ tự thân tỏa năng lượng tích cực ghì níu vừa như một yếu tố kích thích cho sự lan tỏa hơn nữa những cảm xúc sáng tạo chạy đua. Điều này, hiện tại rất đáng trân trọng!

Sau đây, chúng tôi xin mời quý vị cùng chúng tôi thưởng thức một vài những đốm lửa ấy!

Cái nhìn thiện tâm nhân quả tỏa sáng trong thơ 1-2-3 Tâm Như. Đây là một làn gió mát thiện lương nhân từ. Ý thơ chắc gọn, lời thơ tự nhiên, luận bàn mà như không hề luận bàn. Bài thơ là lời đề cao hành động từ tâm của con người, nó như là một hành trình từ tâm đi từ nhân đến quả. Bài thơ sử dụng nhiều động từ “rải”, “chảy”, “hóa thành”, “tỏa mát” như nhấn mạnh hành trình từ tâm là hành trình xâu chuỗi và kết nối hành động, như ngụ ý khẳng định cần lắm những hành động! Cái nhân yêu thương sẽ ra cái quả ngọt ngào. Đó là ước mơ và đó cũng là tất yếu. Cho nên, bài thơ như một lời bộc bạch tự nhủ, nhưng lại lấp lánh sắc màu hướng ngoại lan tỏa tích cực bởi lời nói tâm tình chia sẻ. Ý nghĩa cuộc sống thiện lành là “rải nụ cười, rải hạt xanh” vượt lên trên mọi nhu cầu điều kiện, tất cả sẽ có thế giới tự nhiên sắp đặt. Ấy là niềm tin thủ thỉ nhẹ nhàng mà sâu xa ý vị.

 

Rải nụ cười như rải những từ tâm

 

Giọt yêu thương chảy về biển rộng

Rải hạt xanh cho mầm mới sinh sôi

 

Rải nụ cười gieo nhân quả ngọt

Mai mốt vô thường hóa thành cát bụi

Hoa lá xanh tươi tỏa mát một góc trời

(Tâm Như – Bạc Liêu)

 

 Lấy mùa thu để miêu tả sự yên bình của cuộc sống phải chăng đây là nét mới lạ trong thơ Từ Dạ Linh? Cái gam màu chất chứa niềm “kiêu hãnh” được gợi ra từ màu truyền thống của mùa thu lá vàng, nhưng qua sự cảm nhận của nhà thơ, thì màu vàng ấy không còn là tiếng nói báo hiệu cho sự tàn úa mà là một sắc màu đầy nội lực cho sự sống “cỏ cây cũng khoác áo hoàng bào”. Ta vẫn thấy một mùa thu đầy thi vị nhưng là thi vị được đặt trong một cảm thức mới khỏe khoắn và đầy năng lượng tích cực. Bởi thế, ý thơ phát triển đến một sự thực bung tỏa cho những ước mơ vượt thoát trỗi dậy lớn lao chăng? Ở đó, nhân vật trữ tình dường như đang bừng tỉnh mà vượt qua “cơn ngái ngủ”, “đời chật hẹp” để hướng tới một ngày mai “rộng đường bay rộn rã cánh chim bằng. Mùa hạ cánh, nắng thu vàng, lấp lánh điệu bình yên”. Do vậy, người đọc có cảm nhận, mùa thu được tác giả sử dụng phía trên như một dấu hiệu báo trước cho một cuộc vượt thoát độc đáo của nhân vật trữ tình. Đó không chỉ là khát khao mà đó còn như một dự liệu, phác họa tươi tắn đầy những tự tin cho tương lai “lấp lánh điệu bình yên” qua ý thơ mềm, lời thơ mượt:

 

Mùa thu dệt nét tơ trời bình yên

 

Chỉ có mùa thu đầy kiêu hãnh

Đến cỏ cây cũng khoác áo hoàng bào

 

Cơn ngái ngủ bỏ quên đời chật hẹp

Rộng đường bay rộn rã cánh chim bằng

Mùa hạ cánh, nắng thu vàng, lấp lánh điệu bình yên!

(Từ Dạ Linh – Kon Tum)

 

Hai câu hỏi tu từ chốt ở hai đoạn thơ, điều đó đồng nghĩa với việc 30% câu từ bài thơ xoắn lại thành câu hỏi. Câu thơ mở đầu “những lời thì thầm bên nhang khói” dường như ẩn chứa điều gì đó là lạ? Thoạt mới nghe tưởng rằng nhân vật trữ tình của bài thơ đang thầm thì nguyện cầu gì đó chăng? Người ta thầm thì bên nhang khói nếu không cầu nguyện thì làm gì? Hóa ra không phải. Sự thì thầm kia là sự thì thầm hướng vào cái bản ngã bên trong con người mình. Lời thơ như lời tâm kinh khai mở bản vị con người. Cái nhìn bề ngoài của người chưa ngộ đạo chỉ thấy sự giả tạo bủa vây. Cái nhìn ngộ đạo còn thấy sâu sắc hơn sự giả dối bên ngoài. Đôi khi vì lí do này lí do kia mà người tu đã mượn cớ phương tiện hóa mà đành mượn thuyền chở trăng hay mượn thân chịu chửi để rèn cho được sự kiên định? “Tháng bảy âm hồn” mới có sự “độ siêu linh”, thế thì phía trên “khi mình nghèo khó” đích thị không phải là sự nghèo khó tiền tài. Xâu chuỗi ý thơ cả ba phân đoạn người ta đã thấy một điều mà tác giả muốn gửi gắm: tự tâm tu lành đem ánh sáng thiện tâm mà soi rọi vào năm uẩn để bừng giác giấc ngộ đó là sự thì thầm ước ao tự thân tu tâm. Lời thơ tự sự, kết nối cả một chút luận giải mang màu sắc biện giải đã một lần nữa khắc họa kiểu nói thơ rất Trần Huy Minh Phương:

 

Những lời thì thầm bên nhang khói

 

đa phần là giả - bạn mình nói vậy

ai có thể thương hết thảy mọi loài khi mình nghèo khó

 

tháng bảy âm hồn nhiều sao độ hết siêu linh

thôi, hãy độ và siêu cho chằng chịt năm uẩn này ra ánh sáng

tu đâu kể một ngày đôi ba tháng – sao không thể từ tâm

(Trần Huy Minh Phương)


191161074_2989042831424065_4303341349197411692_n.jpg
Ảnh nghệ thuật Vũ Thiên Vũ

 

Bài thơ “Muốn rõ mình phải rốt ráo tự soi” tác giả Nguyễn Ngọc Hưng như đang đặt ra cho độc giả một vấn đề thường ngày bao bọc lấy con người mà vì tâm lí thích khen hơn nghe chê đã khiến con người đánh rơi chức năng “tự soi” trong bản thể con người mình. Giọng thơ chiêm nghiệm và chân tình. Sự chia sẻ bởi bài thơ như được chưng cất từ sự trải nghiệm. Ý thơ đằm đằm sâu lắng. Ở đó, không chỉ có sự tự răn mà còn có cả sự giãi bày. Một bài học nhân sinh được xàng xẩy không quá dụng công nhưng giàu ý nghĩa giáo dục. Không “tự soi” để được “rõ mình” thì mong cầu gì rõ người? Thực ra, một khi đã “tự soi” rồi thì lo gì không “luôn tiếp thụ khi người ta trung thực chửi hay chê đúng”, tâm sẽ sáng không bị dắt đi thổi thành bong bóng bởi “thiên hạ vị tình ca ẩu tụng sai”! Minh triết sẽ hé lộ khi ánh sáng “tự soi” luôn được duy trì mọi lúc mọi nơi. Sâu sắc thấm thía và cũng thật hiện sinh!

 

Muốn rõ mình phải rốt ráo tự soi

 

Luôn tiếp thụ khi người ta trung thực chửi hay chê đúng

Chẳng đón mừng lúc thiên hạ vị tình ca ẩu tụng sai

 

Tự biết mình chỗ trắng chỗ đen nơi ngắn nơi dài

Năm bảy vô năng xen lẫn một vài hữu dụng

Có hơn ai mà vênh váo huênh hoang “chân đức” với “thực tài”?

(Nguyễn Ngọc Hưng – Quảng Ngãi)

 

Vũ Tuyết Nhung đã rất khéo léo trong việc sử dụng kiểu kĩ thuật “truyện lồng truyện” ở trong văn tự sự để xây dựng khá thành công hình tượng “khái niệm người tốt” trong bài thơ “Có nhiều cách nghĩ khác nhau về khái niệm người tốt”. Người tốt là những con người luôn tìm mọi cách cứu người, sẵn sàng xả thân cứu giúp, mục đích của họ là làm sao cho “nạn nhân đuối nước kia được đưa vào bờ”, được “sơ cứu” nhanh chừng nào tốt chừng ấy. Mọi người bị hút vào công việc “sơ cứu” nạn nhân. Chỉ có một nhân vật trữ tình “tôi” là có phát hiện ra một người khác “hoảng loạn đứng ngoài” cũng đang rất cần sự hỗ trợ cứu giúp. Cái nhìn nhân văn và sự nhạy cảm đã giúp nhân vật trữ tình “tôi” hiện ra cực kì nhân hậu. Cử chỉ “ôm cậu bé vào lòng” và khuyên nhủ “rồi anh cậu sẽ tỉnh lại” nghe ấm lòng làm sao! Trong kinh Phật gọi là kiểu “vô úy thí”, nghĩa là làm cho người khác không sợ sệt, vững tin hơn. Hành vi “cậu bé lau nước mắt mỉm cười” cho thấy cậu bé đã bớt sợ. Sự an ủi kia đã có kết quả. Kết quả nở hoa thêm một lần nữa: “lòng tôi cũng rất vui”. Quả thật lòng tốt cho đi là nhận lại. Bài thơ gọn, chặt, lời thơ tự sự mà sâu sắc như một bài học giàu triết lí nhân sinh. Rồi còn như ngầm gửi đến độc giả rằng hãy tôn trọng sự tự do và đa dạng của cuộc sống!

 

Có nhiều cách nghĩ khác nhau về khái niệm người tốt

 

Sáng hôm nay một nạn nhân đuối nước được đưa vào bờ

Lập tức có người sơ cứu, mọi người xúm quanh bàn tán

 

Không ai để ý đến em trai nạn nhân hoảng loạn đứng ngoài

Tôi ôm cậu bé vào lòng: Rồi anh cậu sẽ nhanh tỉnh lại

Cậu bé lau nước mắt mỉm cười và lòng tôi cũng rất vui

(Vũ tuyết Nhung – Thanh Hóa)

 

Thơ Trần Thanh Dũng vẫn kiểu “lửng lơ con cá vàng” nhưng lại ẩn chứa sự đau đớn phía sau con chữ, cái giọng thơ bỡn cợt của anh, ta lại được bắt gặp ở trong bài thơ này. Mở đầu bài thơ đã là một câu hỏi tu từ “Chân lí có mọc ra vòi bạch tuộc”. Anh cứ thủng thẳng đưa ra những mệnh đề “giả thuyết đôi khi không cần chứng minh/ học thiệt và học giả có khi là giả thiệt”, và câu thơ cũng như là một ý nghĩ dự đoán vậy “hình như thế giới luôn phóng đại dưới mắt kính hiển vi” để rồi phía sau lại là những câu hỏi tiếp nối “những câu hỏi có làm giàu thêm tri thức/ sự nghèo đói cần gì mọc vòi?”. Trước đó là sự tủm tỉm chơi chữ thật thú vị “học thiệt và học giả có khi là giả thiệt” khiến chúng ta đọc lên không thể không giật mình và nhói lòng. Dư âm đọng lại ở bài thơ anh nơi độc giả là một câu hỏi dài đến bất tận. Chữ ít mà ý nhiều, anh đã đưa sự hàm súc của tứ tuyệt vào trong thơ 1-2-3, tạo cho bài thơ nhiều dư ba suy lắng.

 

Chân lý có mọc ra vòi bạch tuộc

 

giả thuyết đôi khi không cần chứng minh

học thiệt và học giả có khi là giả thiệt

 

những câu hỏi có làm giàu thêm tri thức

hình như thế giới luôn phóng đại dưới mắt kính hiển vi

sự nghèo đói cần gì mọc vòi?

(Trần Thanh Dũng)

 

Cái nhìn thấu cảm nhân sinh bằng con mắt của một người lính nên có sự trung thực dũng cảm. Bài thơ “Có binh pháp nào cho tướng quân, binh sĩ” của Huỳnh Thanh Liêm mượn cách suy nghĩ của quân đội xưa nay, với nhiều từ ngữ hình ảnh mang màu sắc quân ngũ: binh pháp, tướng quân, binh sĩ, chiến đấu, vòng vây, người lính, hy sinh, thiêng liêng, quân thù, bi tráng để tập trung diễn giải vấn đề nhân sinh, nhân quần. Không có sự trung thực, chỉ “lặng im rồi quanh co nước sông công lính” mà không có sự rạch ròi thì cuối cùng cũng chỉ đi đến một hậu quả khôn lường “không sống mái với quân thù nên bi tráng hóa bi thương”. Câu thơ cuối như một đúc kết chiêm nghiệm khó tránh ở đời, nó đau đáu như một tiếng thở dài, nhưng lại dứt khoát như một vết chém quyết đoán. Tôi đồ rằng tác giả Huỳnh Thanh Liêm đã là một người lính dạn dày và can trường. Không thế sẽ không thể có một câu thơ tự nhiên hay bất ngờ đến thảng thốt như vậy!

 

Có binh pháp nào cho tướng quân, binh sĩ

 

Chiến đấu trong vòng vây nhân quả, thực thi trả giá?

Phải trung thực câu trả lời, trung thực diễn văn lí giải

 

Không thể lặng im rồi quanh co “nước sông công lính”

Người lính trung thành, hy sinh nào cũng thiêng liêng điều gửi lại

Không sống mái với quân thù nên bi tráng hóa bi thương

(Huỳnh Thanh Liêm)

 

“Hội tụ những thân phận không cần quá khứ” là một câu thơ mở đầu bài thơ như cho thấy người viết đã cảm được cái chất giang rộng vòng tay nhân ái và chấp chứa bao dung của Sài Gòn. Một sự chở che và dung nạp không hề có chút mùi vị của sự phân biệt cao thấp, sang hèn; là nơi đất lành chim đậu hội tụ trăm miền “dung thân bao con người xa xứ”, từ “kẻ cao sang trí thức đến bà mẹ gánh nhặt ve chai”. Đấy là sự quan sát, sự chiêm nghiệm đúc rút theo chuỗi những sự việc và con người theo thời gian. Những câu thơ mở ra tả thực mà như ẩn chứa sự trân trọng và lòng cám ơn. Điều gì đã giúp Sài Gòn hoa lệ có được sự bao dung độ lượng lớn lao ấy? Ba câu thơ phía sau như là chìa khóa trả lời đã mở toang thắc mắc trên: “Bình đẳng” tự do và lối sống đậm “tình người” đã tạo ra sức mạnh tinh thần dung chứa lớn lao ấy cho Sài Gòn. Lời thơ mang màu sắc kiếm tìm và khai mở, để rồi sau cùng đọng lại ánh sáng tràn đầy năng lượng tích cực cho “ngày mai” “lấp lánh”. Lời thơ tự nhiên, trong sáng pha chất tự luận làm cho bài thơ thấm chất ngợi ca mà không hề lộ liễu, nó như một sự cảm nhận chân thành tự thân vậy.

 

Hội tụ những thân phận không cần quá khứ

 

Sài Gòn dung thân bao con người xa xứ

Kẻ cao sang trí thức đến bà mẹ nghèo gánh nhặt ve chai

 

Bình đẳng xin việc làm hay chạm ly bia tụ bạn

Ấm áp tình người bữa ăn xã hội mở rộng vòng tay

Lầm lũi mỗi phận người cũng lấp lánh một ngày mai

(Hoàng Hải Phương)


Tôi đồ rằng sự từng trải qua bao thăng trầm cuộc đời đã làm nên bản lĩnh một người đàn bà – hóa thân trong nhân vật trữ tình – “người đàn bà đem phơi từng vết cắt”. Phơi là hiển lộ, là công khai ra bàn dân thiên hạ để mong cầu điều gì? Tại sao “lầm lỡ đời mình” bây giờ đem ra “phơi từng vết cắt” mà không ém nhẹm đi cho an lành có hơn không? Bản lĩnh là ở chỗ ấy, bởi đó là sự dấn thân dám đối mặt với sự thật mà không phải ai cũng có thể làm được. Sự so sánh phía dưới như một lần nữa khắc họa cho rõ nét điều phía trên tỏ bày. Rằng “cũng đành thế, còn hơn lặng lẽ hát/ Khúc ca buồn, chẳng thèm ai ghé qua/ Người đàn bà tìm vui khoe riêng tư, cười khẽ”. Kết thúc là hình ảnh thể hiện hành vi “cười khẽ” khá độc đáo. Tất cả rồi sẽ qua đi nhưng cái gì còn lại mới là điều quan trọng. Chi tiết “cười khẽ” phản ảnh rất đúng, rất hay cái tâm thế nhẹ nhàng khi đã giải tỏa được năng lượng ẩn ức nó gấp ngàn lần một cuộc đời ẩm ê khi phải chọn con đường“lặng lẽ hát”. Bởi xét cho cùng thì việc chọn “lặng lẽ hát” là tìm quên trong sự nhớ, cố đẩy mình lên một cao độ khác với thực tiễn u ám kia nhưng rồi cô đơn lại hoàn cô đơn “khúc ca buồn, chẳng thèm ai ghé qua”. Thế thì hà cớ gì không mạnh dạn một lần nhìn thẳng, một lần dấn bước, có thể sẽ giũ bỏ được sự nặng nề mà tìm được chính mình? Ý thơ tuy có phần luận bàn căng thẳng nhưng lời thơ vẫn ngập tràn nữ tính, nó lấp ló một sự quyết liệt nhưng lại đằm dịu, phảng phất sự chịu đựng và vùng thoát khi phải đối mặt với cuộc đời “lầm lỡ”. Bài thơ vừa như giãi bày vừa như là tiếng nói tâm tình chia sẻ nên giọng thơ chân tình tha thiết, có chút điềm đạm lắng suy mà dứt khoát:

 

Người đàn bà đem phơi từng vết cắt

 

Của lầm lỡ đời mình làm trò vui thiên hạ

Ai đó ghé chơi rồi nói chuyện làm quà

 

Cũng đành thế, còn hơn lặng lẽ hát

Khúc ca buồn, chẳng thèm ai ghé qua

Người đàn bà tìm vui khoe riêng tư, cười khẽ

(Hồ Xuân Đà)

 

Sự lãng mạn thấm đẫm chất vị tình yêu lứa đôi đã được tác giả Phạm Thị Kim Khánh đò đưa bằng câu chữ khá duyên dáng. Lấy cái hấp dẫn của nề nếp cũ mà tung rắc cái mới đầy mê dụ “hôm lơ ngơ lạc phố cứ theo hương bông trang đi mãi/ Nương quen xưa dẫn dụ mê say ta bỗng vào vườn mới”. Bên ngoài thì lắc lư ngả nghiêng cảm xúc “nương quen xưa dẫn dụ mê say” nhưng bên trong thì lại vô cùng lí trí bởi ngay sau khi “mê say ta bỗng vào vườn mới” thì có liền ngay “ta bối rối gặp lại sắc hương thuở bên đồi nơi phố thị”. Sự bối rối ấy nhắn nhủ với độc giả một điều rằng cũ mới nương duyên, cũ mới chuyển hóa xoay vòng “tình cờ thôi hay cơn cớ mãi từ ngàn xưa/ Ta thơm giấc Sài Gòn, từ ấy, một mùa xưa”. Triết lí cũ mới tương giao chuyển hóa xoay vòng ẩn hiện. Cho nên có thể nói, tác giả đã rất khéo léo khi mượn chuyện nay mà nói đến chuyện xưa. Ở đó có lấp lánh ánh sáng của duyên kì ngộ, cũng có cái chân tình xưa cũ cho dù chỉ là chấp chới mơ hồ. Cái mới có từ cái cũ, và cái cũ làm nền móng cho cái mới thăng hoa. Tiếp bước kế thừa. Hòa quyện xoắn quýt. Tứ thơ ào ra trên cái đà nhún nhảy của con chữ. Một loạt từ ngữ tượng thanh tượng hình đi kèm nhau tạo nên một bài thơ 1-2-3 độc đáo và thú vị qua một giọng thơ đằm ngọt:

 

Ta có Sài Gòn vừa chín với thu nay

 

Hôm lơ ngơ lạc phố cứ theo hương bông trang* đi mãi

Nương quen xưa dẫn dụ mê say ta bỗng vào vườn mới

 

Ta bối rối gặp lại sắc hương thuở bên đồi nơi phố thị

Tình cờ thôi hay cơn cớ mãi từ ngàn xưa

Ta thơm giấc Sài Gòn, từ ấy, một mùa mưa

(Phạm Thị Kim Khánh – Thanh Hóa)

 

Chỉ một lát cắt của sự thăm viếng thôi mà Trần Thùy Linh đã như dựng lên và gợi ra được dư âm của cả một thời kì đau thương bi hùng. Câu chuyện thăm viếng người đã ngã xuống nơi Thành cổ (Quảng Trị chăng?) được kể lại với những câu bỏ lửng nhưng lại đầy xao xác “địa chỉ mới nhà mình/ Anh hãy về thăm mẹ và em!”. Lời thơ khép lại nhưng tâm hồn thì mở ra. Bất chấp thời tiết mưa gió “mưa lạnh tê”, bất chấp thời gian trôi qua vùn vụt “ngón tay thô ráp”, “sợi tóc bạc thưa”, nhân vật trữ tình “người đàn bà” vẫn tìm đến với Thành cổ, bởi nơi ấy có người thân của mình đã ngã xuống, thì đó đích thị là sự bất chấp mọi đổi thay của thời gian và hoàn cảnh, người đàn bà vẫn một mực đợi chờ và khát khao nhắn nhủ “anh hãy về thăm mẹ và em!”. Do vậy, có thể khẳng định sự thủy chung vẹn nghĩa đã được khắc họa qua thái độ “mắt thăm thẳm những điều không thể nói” phía trên. Nghe có sự hô ứng nhịp nhàng, xoắn quyện, câu trên là đợi chờ chung thủy thì câu dưới là khát khao gặp mặt. Do đó, thông điệp bài thơ nổi lên khá rõ, ấy là tiếng nói ngợi ca sự vẹn tròn của lòng thủy chung sẽ vượt lên tất cả, cho dù hiện tại có gì đó đổi thay như “địa chỉ mới nhà mình…” thì hình ảnh của người đã ngã xuống kia, “anh” vẫn vẹn nguyên trong lòng “em”! Thêm nữa, hai từ “mẹ” và “em” được tác giả cố tình xếp đặt đi liền nhau trong cùng một dòng thơ đã như ngầm đem đến cho độc giả một thông tin vô cùng quý giá, “mẹ” của “anh” ngày trước bây giờ đang vẫn ở bên cạnh “em” đây chăng? Một sự trân quý trước sau không hề thay đổi đáng để cho người đời sau phải suy ngẫm. Giọng thơ ấm. Lời thơ tha thiết.

 

Mưa lạnh tê những ngón tay thô ráp

 

Người đàn bà vuốt những sợi tóc bạc thưa

Mắt thăm thẳm những điều không thể nói

 

Chị lần dở quyển lưu bút Thành cổ

Nắn nót: “Địa chỉ mới nhà mình…

Anh hãy về thăm mẹ và em!”

(Trần Thùy Linh)

 

202582542_2995416850786663_8018669710650174451_n.jpg 
Ảnh nghệ thuật Vũ Thiên Vũ
 
 
 
 
Hào khí Đại Việt được tác giả Nguyễn Thị Thanh bày tỏ trong bài thơ “Huyền thoại xứ Thanh vẫn âm vang” như là một sự khẳng định sức sống bất tận của của Tổ quốc trong huyền sử. Sự bất tận ấy được kết nối qua việc dựng nước “Ông Đùng quảy núi cày sông thành núi Nưa sông Mã” đến việc giữ nước “Chàng Độc Cước xẻ thân giúp dân đánh quỷ hung tàn”. Văn hóa thăng hoa trong sự nối kết của lịch sử “Tiếng trống đồng Đông Sơn buổi vua hùng dựng nước” đã thổi vút lên tỏa ra muôn ngàn hình ảnh đẹp “Ngàn cánh hạc bay lên nối dòng thời gian kim cổ” để đúc kết một chân lí gắn kết vững bền “Sáp nhập hay phân chia chẳng thay đổi tên miền”. Tính thuyết phục rất lớn khi tác giả đã xâu chuỗi gần như đầy đủ các yếu tố tạo dựng nên tổ quốc từ huyền thoại đến lịch sử, rồi cộng hưởng thêm vẻ đẹp văn hóa trống đồng, nên sức sống của Tổ quốc đẹp hơn, lung linh hơn. Ý thơ chắc, lời thơ mạnh, tứ xoắn lại bay lên như hình tượng tổ quốc rồng bay thuở nào! Tác giả đã chắt lọc lịch sử văn hóa mà viết, thấy có sự tự hào lóng lánh trong từng câu chữ, nên bài thơ thế sự mà vẫn mềm mượt ngọt ngào. Phải chăng tác giả muốn khẳng định một sự tự tin ăm ắp trong bài, rằng Tổ quốc là vẹn nguyên, gắn kết và vĩ đại!?

 

Huyền thoại xứ Thanh vẫn âm vang

 

Ông Đùng quảy núi cày sông thành núi Nưa sông Mã

Chàng Độc Cước xẻ thân giúp dân đánh quỷ hung tàn

 

Tiếng trống đồng Đông Sơn buổi vua hùng dựng nước

Ngàn cánh hạc bay lên nối dòng thời gian kim cổ

Sáp nhập hay phân chia chẳng thay đổi tên miền

(Nguyễn Thị Thanh)

 

Lại thấy một Nguyễn Đinh Văn Hiếu lấp lánh chất văn hóa Nam Bộ khi anh sử dụng chi tiết trong vở cải lương “Cuộc đời cô Lựu” của soạn giả Trần Hữu Trang để làm chất liệu xây dựng nên bài thơ “Em nói với anh về cô Lựu”. Nếu không đằm mình trong không khí thưởng ngoạn cải lương một thời như cơm ăn nước uống thì khó có cái nhìn, cách cảm về cuộc đời sâu lắng đẫm mùi ca cổ đến vậy. Tác giả đã rất khéo khi mượn nhân vật trữ tình “em” để ngầm ca ngợi về tình mẫu tử thiêng liêng cao quý. Sự phản ứng ban đầu của nhân vật “em” đã được liệt kê ra khá chi tiết và đầy đủ “Nhu nhược, chịu thương, nhẫn nhịn, đớn hèn”, rồi chê trách “Không biết quyên sinh giữ tròn khí tiết”là tiếng nói của con người ngoài cuộc, là lời trách mang chút bóng dáng bộc trực của con người Nam Bộ, bằng giọng điệu tương đối khách quan và có phần lạnh lùng. Nhưng “Đến lúc mang thai, em thường vuốt ve cái bụng/ Nói âm thầm một mình đủ thứ trên đời cho bào thai nghe” thì bất ngờ tiếng nói ấy là tiếng nói của người trong cuộc, vì lúc ấy, cái bào thai xuất hiện, điều đó đồng nghĩa với việc nhân vật “em” tự nhiên được đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận, để hiểu, nên đã có sự thay đổi trong thái độ đánh giá về “cô Lựu”, “Anh mở Đời cô Lựu, em ngượng ngùng: thương cô Lựu quá anh!”. Thực ra chi tiết “anh mở Đời cô Lựu” là cái cớ để em bày tỏ thái độ ngượng ngùng khi đã trót đánh giá và trách sai “cô Lựu” như đã thốt ra trước đó. “Thương cô Lựu quá anh!” là tiếng nói từ tận trong sâu thẳm tâm hồn nhân vật bật ra. Phải chăng bài thơ muốn chuyển đến cho độc giả một thông điệp, khoan hãy nhận xét đánh giá ai đó khi chúng ta chỉ là người ngoài cuộc!? Lời thơ nhẹ nhàng giản dị, giọng thơ tự nhiên, chân chất. Bài thơ tự sự gọn mà vang ngân dư ba hệt điệu Phụng Hoàng mượt dịu nhưng vẫn cồm cộm tình đời, tình người.

 

Em nói với anh về cô Lựu

 

Nhu nhược, chịu thương, nhẫn nhịn, đớn hèn

Không biết quyên sinh giữ tròn khí tiết

 

Đến lúc mang thai, em thường vuốt ve cái bụng

Nói âm thầm một mình đủ thứ trên đời cho bào thai nghe

Anh mở Đời cô Lựu, em ngượng ngùng: thương cô Lựu quá anh!

(Nguyễn Đinh Văn Hiếu – Trà Vinh)

 

Hai địa danh “Tản Viên” và “Tiên Sa” xuất hiện để làm điểm tựa nhún nhảy cho chất lãng mạn loang ra “non xanh cúc quỳ đơm xanh vạt áo”, “gương hồ quyến luyến sương mai”. Một buổi sớm mai huyễn hoặc lung linh làm cho “hương núi còn say” hay người say hương núi? Chỉ biết cái thực “non xanh, cúc quỳ” đang hòa vào cái ảo “đơm xanh vạt áo” làm cho đoạn thơ vốn đã mang nặng tâm trạng “quyến luyến” giờ mơ hồ hơn trong khung cảnh thần tiên dịu vợi. Đoạn thơ phía dưới không thể không có bóng hình con người xuất hiện. Để thưởng ngoạn và để say nồng sau phút “ngẩn ngơ giữa đất trời trinh bạch”. Nhân vật em như thật như mơ “dịu dàng lụa nắng”. Sắc diện ấy sẽ không đủ để làm cho “ta” ngất ngây nếu thiếu đi hương vị ở câu dưới “hương chè lam thơm ngọt nét môi cười”. Một bài thơ ngắn dù chỉ có sáu dòng thôi nhưng lại thấy một bức tranh lãng mạn kì ảo được vẽ nên, ở đó có đầy đủ không gian (núi, non xanh, gương hồ), thời gian (sương mai), sắc màu (xanh, lụa nắng, chè lam) và con người với vẻ đẹp dịu dàng đằm thắm. Rõ ràng, cái không gian, thời gian kia đã làm nền tôn vinh cho vẻ đẹp con người. Những sắc thái tâm trạng thay đổi theo cái nhìn của nhân vật, từ chỗ “say” với cảnh, kế đến “quyến luyến” rồi thì “ngẩn ngơ” là phải chăng tác giả có ý muốn nhấn mạnh rằng, một khi thiên nhiên và con người hòa hợp, lúc ấy con người vẫn là đẹp nhất? Nếu để ý thêm một chút nữa, tác giả Hà Phi Phượng còn sử dụng cả nghệ thuật điện ảnh để hỗ trợ thêm trong việc xây dựng vẻ đẹp cho bức tranh ở đây, vì không gian thu hẹp dần theo điểm nhìn của sự quan sát, từ xa “Tản Viên non xanh”, “Tiên Sa gương hồ” đến gần là “em dịu dàng” như vạt “lụa nắng” ngoài kia. Giọng thơ ngọt. Lời thơ đằm. Người và cảnh hòa quyện bay bổng, lãng mạn.

 

Hương núi còn say

 

Tản Viên non xanh cúc quỳ đơm vạt áo

Tiên Sa gương hồ quyến luyến sương mai.

 

Ta ngẩn ngơ giữa đất trời trinh bạch

Em dịu dàng lụa nắng

Hương chè lam thơm ngọt nét môi cười.

(Hà Phi Phượng – Thái Bình)

 

Bức tranh về ngoại buồn đến thắt ruột. Bài thơ 1-2-3 của Lê Kỳ Nam buộc người ta phải lắng lòng mình lại. Có lúc nào đó ta lơ đễnh, hoặc vì công việc cuốn đi mà ta quên ngoại? Không có cơn triều cường thì nhà ngoại vẫn đó, cái cô quạnh nơi ấy chưa được nhân lên đến vậy, nên có thể làm cho con cháu không nhớ đến ngoại chăng? Chiều nay, triều cường. Lời thơ run run, tâm trạng nhân vật trữ tình như khụy xuống. Hình ảnh “Ngoại lom khom tát hoài ra ngạch cửa/ Từng ca nước run run vì mưa lạnh, lũ tràn” bùng lên cắt cứa lòng người. Ngoại đang lạnh run vì mưa hay lạnh run vì sự “cô quạnh”? Thơ gợi tả mà xồng xộc tuôn ra bao nhiêu nỗi niềm. “Triều cường” là nước lớn, nước dâng, mà “ngoại lom khom” cố tát từng “ca nước”, hình ảnh đối lập đến nghẹn ngào. Nhưng ngoại vẫn kiên nhẫn tát nước, ngoại kiên nhẫn với con với cháu cả đời này rồi. “Không ai về” dĩ nhiên là chỉ mình ngoại như vẫn thế. Ngoại âm thầm, không một lời oán trách, thở than. Và cũng không thấy lời mong ngóng ở đây vì phải chăng ngoại đã mong quá nhiều rồi? Câu thơ cuối kích cho ấm bài thơ lên hay làm cho bài thơ xót xa thêm “Chỉ có đốm nhang buồn ngoại thắp đỏ mênh mông”? “Đốm nhang” biết buồn hay “đốm nhang” làm cho không gian kia thinh lặng buồn bã cô quạnh hơn? Lại một sự tương phản được cài đặt ở câu cuối giữa “đốm nhang đỏ” và “mênh mông” trong không gian im lặng. Những câu thơ khắc khoải, càng làm cho tình người thêm xạc xào. Lời thơ tỏa ra hun hút. Ý thơ phảng phất sự trách hờn nhưng lại mênh mông quặn thắt.

 

Trong nỗi cô quạnh giữa triều cường

 

Ngoại lom khom tát hoài ra ngạch cửa

Từng ca nước run run vì mưa lạnh, lũ tràn

 

Nội thành có xa gì đâu chỉ gần mươi cây số

Không ai về cho ngoại ấm lưng cong

Chỉ có đốm nhang buồn ngoại thắp đỏ mênh mông

(Lê Kỳ Nam – Cần Thơ)

 

Nữ sỹ Bùi Kim Anh có một bức tranh mùa thu hòa quyện với bức tranh lòng khá độc đáo. Cái nhìn Hà Nội với những nhát cọ họa hồn thu rất tinh tế “Thu tự nhiên với tất cả/ mặc riêng Hà Nội lối xưa”. Ở đó có phảng phất phong vị mùa thu xưa của Hà Nội. “Lối xưa”, “nơi ta chập chững bước đông”. Câu thơ vẽ nên bước chân nhi nhiên an lặng “mùa thản nhiên sang không cần gõ cửa”. Thu Hà Nội lặng, tình Hà Nội yên. “Nơi ta thu ngự trị quá lâu” là lời xác nhận hiển nhiên như đôi bạn. Cho nên lại thấy có phơ phất của sự đón nhận và cũng phơ phất của sự chuyển giao. Đều là tĩnh tại. Lời thơ đằm. Ý thơ sâu như mặc khải sự hòa hợp an yên.

 

Mà ta có trốn tránh nhau đâu

 

Thu tự nhiên với tất cả

mặc riêng Hà Nội lối xưa

 

Nơi ta thu ngự trị quá lâu

nơi ta chập chững bước đông

mùa thản nhiên sang không cần gõ cửa

 (Bùi Kim Anh – Hà Nội)

Hình ảnh “Con đường nằm đau nâng bước kẻ lại qua” làm giá đỡ để triển khai ý thơ phía dưới. Nó như một hình ảnh biểu tượng cho sự hy sinh cao quý. Sự chịu đựng “nằm đau” để “nâng bước” người đi là cách nói thể hiện trách nhiệm, chở che đã được cài đặt ở chế độ sẵn sàng. Cặp từ tương phản “còng lưng >< đứng thẳng”, “bán sức khỏe >< mua tri thức” như là đòn bẩy góp thêm tiếng nói ngợi ca sự hi sinh cao cả của đấng sinh thành. Vẻ đẹp ấy lấp lánh ở mảng gia đình. Mở rộng ra mảng xã hội thì hình ảnh biểu tượng “con đường nằm đau” là việc làm của những “chiến sĩ biên phòng”, những “bác sỹ xung phong” và đều có chung một điểm rất quý đó là sự hết mình vì mọi người. Sự linh hoạt trong cách tả cũng là nhằm khẳng định sự hy sinh thầm lặng, có trách nhiệm, có tinh thần tự giác xung phong để “nâng bước kẻ lại qua” như ở ý thơ đã nêu phía trên mà thôi. Rõ ràng, ý thơ nâng dần phạm vi và biên độ ảnh hưởng. Sự diễn dịch có chủ đích để rồi ý thơ đóng lại và cũng như mở ra ở câu cuối. Câu cuối mang dáng dấp một kiểu kết đóng khẳng định sự thiện lương “có những con người sống là để cho đi”. Bài thơ tựa một khúc ca ngân nga là để khẳng định hành động tạo ra phẩm chất cao quý ở con người. Sự ghi nhận mang tính khách quan vì sự ghi nhận ấy được nhìn từ góc độ người thụ hưởng (là con đối với cha, mẹ; là người dân đối với anh lính biên phòng, bác sỹ xung phong). Bởi thế cho nên, giọng thơ mang vẻ đẹp của sự tri ân để mong cầu tri ngộ rất đáng trân trọng! Ý thơ không mới nhưng giọng thơ thì chân tình, nhẹ nhàng mà tha thiết:

 

Con đường nằm đau nâng bước kẻ lại qua

 

Mẹ quang gánh còng lưng cho đời ta đứng thẳng

Cha bán sức khỏe mình, mua về ta tri thức

 

Chiến sĩ biên phòng canh toàn dân yên giấc

Bác sĩ xung phong ra tuyến đầu chống dịch

Có những con người sống là để cho đi

(Nguyễn Minh Ngọc Hà – Bình Dương)

 

Sự khắc khoải mong ngóng của nhân vật trữ tình “em” đã được tác giả Nguyệt Lê diễn tả rất cảm động và tinh tế trong bài thơ “Người nói, người chẳng mua hoa dại”. Những câu thơ như những tiếng thở dài phập phồng ắp đầy chia sẻ. Song, hình như vẫn nghe có sự thổn thức ở đâu đó chơi vơi thôi mà bám riết lấy bài thơ. Thành thử, lời thơ vừa như sẻ chia lại vừa như than thở. Mở đầu là lời xác nhận “người nói người chẳng mua hoa dại” để vào bài như một phản đề ẩn chứa mâu thuẫn “cớ chi em còn tên gọi hoa mua”? Vẫn biết khó lòng hy vọng trong tương lai nhưng em vẫn “tím khắc khoải giữa đồi non xa vắng” như khắc họa lại sự đợi chờ trong hun hút mù xa. Câu thơ bật lên nỗi niềm của sự vô vọng, nhưng lại vẫn gieo vào lòng người những xa xôi đợi chờ đẫm đầy thương mến. Sự thủy chung mong chờ được khắc họa rõ nét “Suốt một thời khoe sắc hương thầm lặng/ Đợi bướm ong, bạc phếch với thời gian”. Đến đây, lại tưởng ý thơ tả hoa mua thôi nhưng kì thật, tả hoa mua chỉ là cái cớ cho ý thơ xoáy vào tả người, là bởi dấu hiệu nhân cách hóa rất rõ “khoe sắc hương thầm lặng”, “đợi bướm ong”. Lại nữa, phía trên đang nói về hoa mua, thì đột ngột xuất hiện con người ở câu kết “có cô gái xa quê nhớ nỗi nhớ mây ngàn” lại càng làm cho ý thơ xoắn quyện hơn nữa giữa con người và thiên nhiên. Thì ra, tác giả nói về hoa mua là để diễn tả một tâm tình thầm kín đẫm đặc tương tư. “Nhớ mây ngàn” của “cô gái xa quê” là nhớ đến cái không gian xa mù vời vợi kia, ở đó có cả một khoảng thời gian của xa xăm kí ức, nên không thể không thốt nên một lời xác nhận như ở đầu bài thơ phía trên “người nói, người chẳng mua hoa dại”! Lời thơ chấp chới sự tự than và phơ phất cái xót xa. Tác giả kết hợp những biện pháp tu từ kiểu chơi chữ đồng âm (mua hoa dại, hoa mua), với câu hỏi tu từ (có chi em còn tên gọi hoa mua) diễn tả rất gợi sự khắc khoải đợi chờ và mong ngóng hy vọng. Sự đợi chờ ngóng trông ấy đặt trong một không gian mênh mông “giữa đồi non xa vắng”, và trong một đằng đẵng thời gian “suốt đời” thì lại càng tội nghiệp hơn bởi cái day dứt vô vọng lập tức trồi lên. Thành ra ý thơ không khỏi ngậm ngùi. Nhịp thơ chậm. Giọng thơ day dứt. Lời kết mở, mênh mang:

 

Người nói, người chẳng mua hoa dại

 

Cớ chi em còn tên gọi hoa mua?

Tím khắc khoải giữa đồi non xa vắng

 

Suốt một đời khoe sắc hương thầm lặng

Đợi bướm ong, bạc phếch với thời gian

Có cô gái xa quê nhớ nỗi nhớ mây ngàn…

(Nguyệt Lê – Nghệ An)

 

Câu chuyện được tác giả thuật lại trong bài thơ xúc động vì giọng kể mang độ chân thật cao. Chính độ chân thật ấy đã làm lay động lòng người. Hoàn cảnh buộc con người ta phải xử trí như trong bài thơ là một hoàn cảnh đau thương gần như tột cùng. Bài thơ là sự giang rộng vòng tay yêu thương để che chở cho đứa em cùng cha khác mẹ trong đại dịch virus cúm vừa rồi. Đỉnh điểm của nỗi đau là ở đây. Ba câu thơ đầu đều xuất hiện chữ “mất”. Lời thơ mang màu sắc tự thuật nên càng như tăng thêm sức nặng ghê gớm của sự mất mát. Do vậy, sự mất mát càng như chồng chất lên. Nỗi đau tăng dần cho đến khi “mẹ kế tôi vướng F0 vừa mất hôm qua” bởi phía sau sự mất mát đó là còn có đứa em “chưa tròn bốn tuổi”. Sự thật ấy người lớn có thể nuốt nỗi đau vào lòng mà chịu đựng cho qua ngày nhưng với một đứa trẻ “chưa tròn bốn tuổi” thì sự thật kia buộc nhân vật trữ tình “tôi” phải ngậm ngùi, cắt cứa “tôi đành dối: Mẹ đi công chuyện chưa về”. Có lẽ, nhân vật trữ tình “tôi” sợ “em” còn quá nhỏ chưa thể đương đầu với sự thật kia chăng? Sợ sự thật đau đớn kia sẽ để lại trong lòng “em” một lỗ hổng không thể nào bù đắp chăng? Một tình thế xảy ra buộc con người ta phải dối lòng. Dối em nhưng sao nhân vật trữ tình lại phải khóc? Nỗi đau đã nén căng trong lòng. Chi tiết “tôi đã khóc giúp em” là một chi tiết đậm đặc sự thật và giàu giá trị nhân văn. Một sự đặt mình vào vị trí của người khác để chia sẻ, ấy là vẻ đẹp bao dung tỏa sáng. Cho nên, giọt nước mắt của sự cưu mang bỗng trở thành giai điệu ấm lòng. Câu cuối được tách ra độc lập thành hai câu thơ, rõ ràng tâm trạng của nhân vật trữ tình “tôi” ở đây đã có sự phân thân. Phần đầu là gợi tả, phần sau là cảm thán. Lời cảm thán nghẹn ứ mà day dứt, đớn đau. Ý thơ sốc. Giọng thơ nghẹn.

 

Mẹ tôi mất sớm, cha tôi đi bước nữa

 

Năm trước cha tôi mất vì tai nạn

Mẹ kế tôi vướng F0 vừa mất hôm qua

 

Tôi đành dối: Mẹ đi công chuyện chưa về

Tội nghiệp em tôi chưa tròn bốn tuổi

Tôi đã khóc giúp em. Tôi còn dối đến bao giờ!

(Huỳnh Thanh Liêm – Khánh Hòa)

 

Một bài thơ lạ, giọng thơ có vẻ như đùa bỡn mà thấm thía về hành trình cuộc đời trên con đường trải nghiệm qua thời gian của tác giả Đỗ Thu Hằng. Câu hỏi tu từ đặt ngay vị trí câu mở đầu – cũng là tựa bài – “Những ngày mai còn buồn?” như cố tình trêu ngươi độc giả. Ở hay, buồn vui trong cuộc đời có gì lạ mà phải cắc cớ hỏi như vậy? Rồi lại thêm một cách tả bước đi và sức mạnh khả dĩ của thời gian rất lạ “bánh xe ngỗ nghịch của thời gian/ âm thầm nghiền nát sự ngây thơ”. Nếu “vô hình” là thực tướng nghiêng về cái không nhìn thấy thì “vô tình” là độ nghiêng về cảm xúc tình cảm có thể cảm nhận được. Cái có cái không xen kẽ. Ta đang chơi vơi thì đột nhiên câu hỏi tu từ thứ hai xuất hiện “có điều gì làm ta ngạc nhiên không nhỉ?” đi liền kề với câu nhân cách hóa ấn tượng “khi nỗi buồn cũng lén lưu manh”. Để cho “nỗi buồn” mang một đặc tính “lưu manh” của con người thì kể xưa nay trong thơ cũng thuộc hàng hiếm. Ba câu thơ bên trên xòe ý kiểu hô thì ba câu thơ dưới ứng với lời giải trình núp trong tấm áo khoác tu từ nghi vấn. Cái nhìn bước đi của cuộc đời tuy lạ nhưng cũng là phong thái thản nhiên ở một tâm trế từng trải. Tất cả sẽ không đi chệch quỹ đạo của thời gian sàng lọc. Chỉ có tâm lí con người là có thể quẫy đạp lên một tí cho có rồi cũng sẽ bị bánh xe của thời gian “nghiền nát” cả thôi. Chữ “lưu manh” buông ra ở cuối bài gieo đúng vị trí nên nó cựa quậy, có sức sống tung bật ngay. “Nỗi buồn” là sự kéo theo điều chi đó đã đến phía trước, “lén lưu manh” là nó âm thầm giấu giếm để quẫy đạp. Giọng thơ nhấn nhá. Lời thơ chắc. Một kiểu diễn đạt lạ tai, thú vị “Khi nỗi buồn cũng lén lưu manh”:

 

Những ngày mai còn buồn?

 

Bánh xe ngỗ nghịch thời gian

Âm thầm nghiền nát sự ngây thơ

 

Vô hình và vô tình

Có điều gì làm ta ngạc nhiên không nhỉ?

Khi nỗi buồn cũng lén lưu manh.

(Đỗ Thu Hằng – Hà Nội)

 

Con người được đặt trong mối tương quan với thiên nhiên vũ trụ nên câu chữ bài thơ giàu chất suy nghiệm và lí giải thực ra là muốn lí giải mối quan hệ giữa thế giới khách quan và thế giới chủ quan chăng? Ngay câu thơ đầu hình ảnh vũ trụ mênh mang đã hiện ra vô cùng đẹp “Mùa sao sáng lung linh muôn nẻo thiên hà”. Đó là vẻ đẹp nguyên sơ vốn dĩ xưa nay mặc định thế hoàn toàn đối ngược với hiện thực được con người tạo ra “lộng lẫy thềm nhung thật giả tinh hoa cõi người chật chội”. Chi tiết “người tự cũ, tự xa” áp vào câu cuối nghe dư âm ám gợi như xác quyết một điều gì đó mang âm hưởng buồn. Ý thơ tự nhiên lỏng ra vời vợi. Một sợi dây kết chuỗi lại vô vàn những điều “cong vênh” mà con người tạo ra lại chỉ làm tăng cảm giác “cõi người chật chội” khi “lộng lẫy thềm nhung” được tạo ra bởi những “thật giả tinh hoa” mang đặc tính người! Con người nếu chỉ biết “não dày lên toan tính” rồi mà “cong vênh” thật giả thì lại càng bị đẩy vào sự cô đơn cho dù có thể phảng phất chút dư vị của lòng kiêu hãnh, rồi thì sao thoát khỏi kiểu ngập ngụa sống trong “hân hoan dối trá”? Vâng, chỉ con người mới có thể làm cho con người buồn “khi biết người tự cũ, tự xa” mà thôi. Một cách nhìn đời giàu chất hiện sinh qua những chi tiết chắt lọc hiện thực. Giọng thơ xa xót suy tư. Ý thơ khơi lên những cái nhói buốt cũng là để hy vọng con người sống sao cho có ích hơn chăng?

 

Mùa sao sáng lung linh muôn nẻo thiên hà

 

Lộng lẫy thềm nhung thật giả tinh hoa cõi người chật chội

Mặt đất lặng lẽ mùa trong diệu kỳ sinh – diệt, diệt sinh

 

Khi nếp não dày lên toan tính, con người kiêu hãnh cô đơn

Thiện – ác cong vênh, thần thánh chết trong hân hoan dối trá

Tôi đã buồn chiều lặng khi biết người tự cũ, tự xa.

(Tạ Hùng Việt – Khánh Hòa)

 

Một sự cảm nhận trong trẻo cuộc sống lao động mượt mà pha chút “chiều hôm” quái nắng trong bài thơ “Một chút gió vờn qua khu vườn vắng” của Lê Thanh Hùng đem đến cho độc giả những cảm giác thú vị. Lấy hình ảnh khu “vườn vắng” đang lặng im thì bỗng nhiên xuất hiện “một chút gió vờn qua” phải chăng thi sỹ muốn ám chỉ điều gì đó khi phía dưới là cả một khung cảnh ắp đầy âm thanh và hình ảnh “tiếng chim rơi lúc lỉu trong chiều/ em hái vội chùm dâu vàng chín mọng”? Sự chuyển đổi cảm giác từ âm thanh (tiếng chim) sang nhìn thấy (rơi lúc lỉu) trong không gian “vườn vắng” “chiều” nghe lạ tai và ấn tượng. Nó vừa vui, vừa lặng, vừa xôn xao cảm thức bừng giác vừa mơn man sống động ngày thường. Câu thơ “em hái vội chùm dâu vàng chín mọng” như khẳng định lại một lần nữa cảm nhận phía trên nên nó sống động hơn bởi màu sắc lóe lên “chùm dâu vàng chín mọng”. Kiểu hội họa rải màu để cài đặt tâm hồn rất ư lãng mạn đã được thi sỹ dụng ngôn khá độc đáo. Nó có thể làm cho kí ức sống dậy chỉ bằng vài nét phết phẩy. Thế là cuộc sống ào ra với sự mỡ màng tươi sáng “quang gánh đong đầy cả quãng đường xa”. Đẹp quá, cái đẹp khỏe khoắn hút hồn kia làm “anh đứng một mình bên đường lóng ngóng”. Cho nên, không thể không “nắng quái chiều hôm, bẫng quyện mượt mà!”. Hình ảnh “nắng quái chiều hôm” phải chăng là một lát cắt lấy từ trong câu ca dao “vợ thương chồng đương đông buổi chợ/ chồng thương vợ nắng quái chiều hôm”? Do đó, chữ “bẫng” (hẫng) gieo liền ngay phía sau là có ý đồ. Từ đó, ý thơ như được tác giả cố kéo giãn cho hết cỡ “nắng quái chiều hôm, bẫng quyện mượt mà”. Rõ ràng ở đây có khoảng cách “anh đứng một mình bên đường lóng ngóng”, khoảng cách đó nhấn mạnh sự đảm đang tháo vát của nhân vật trữ tình “em”. Thế thì, “em” ở đây có thể là vợ, có thể là một ai đó làm cái cớ cho thi nhân tỏ bày. Vẻ đẹp khỏe khoắn của lao động, của sự đảm đang tháo vát đã vụt sáng mà ấm dần lên át cả sự tàn úa ảm đạm buổi chiều. Để rồi nó hút lấy hồn “anh”  “quyện mượt mà” cả thảy. Có thể nói, vẻ đẹp lao động khỏe khoắn ấy là trung tâm phát sáng của bài thơ. “Tiếng chim rơi lúc lỉu” là hình ảnh hóa đầy ấn tượng, làm cho “khu vườn vắng” bỗng trở nên sống động hơn, cộng hưởng vẻ đẹp thoăn thoắt của đôi tay “em” “em hái vội chùm dâu vàng chín mọng”. Giọng thơ trìu mến. Lời thơ lay động bởi sự chân tình.

 

Một chút gió vờn qua khu vườn vắng

 

Tiếng chim rơi lúc lỉu trong chiều

Em hái vội chùm dâu vàng chín mọng

 

Quang gánh đong đầy cả quãng đường xa

Anh đứng một mình bên đường lóng ngóng

Nắng quái chiều hôm, bẫng quyện mượt mà.

(Lê Thanh Hùng – Bình Thuận)

 

_______________________________

*Chú thích:  Bông trang tượng trưng cho tình yêu của người Mường.


K.Q.N (Nguồn: vanhocsaigon)

(Còn tiếp)

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​