Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2024 - MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN, MỪNG ĐẤT NƯỚC
50 NĂM GIẢI PHÓNG QUẢNG TRỊ


Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam vào ngày 01/5/1972. Ngày 01/5/2022, Quảng Trị kỷ niệm 50 năm giải phóng.

Tôi, nguyên là lính sư đoàn 304 tham gia chiến trường Quảng Trị 1972 giữa lúc hai bên chiến tuyến đang vào giai đoạn giằng co nhau ác liệt. Phải 47 năm sau, hôm nay tôi mới có dịp trở lại chiến trường xưa. Nhà báo Trần Đăng Mậu (Hội nhà báo Quảng Trị) cùng cựu chiến binh Bùi Thạc Long (Tp. Đông Hà) đã trở thành người đồng đội mới của tôi, kiêm hướng dẫn viên du lịch.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là  Di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị. Tôi không thể kìm nổi nước mắt khi nhớ về một chiến trường khốc liệt với biết bao xương máu của đồng đội đã đổ xuống trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. Nhà báo Trần Đăng Mậu như hiểu được nỗi lòng của tôi, anh nói: Sự hy sinh anh dũng của bộ đội ta ngày ấy đã góp một phần quyết định vào thắng lợi trên bàn hội nghị Paris, tạo thời cơ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tổ quốc, dân tộc đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ!  Vâng, tôi là người trong cuộc đã chứng kiến hàng ngàn chiến sĩ đã chiến đấu và hi sinh trên mảnh đất này. Trong lòng đất nơi đây còn biết bao tuổi thanh xuân một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” hi sinh mà vẫn chưa tìm thấy hài cốt? Thành cổ Quảng Trị một thời máu lửa mãi mãi là bài học bi hùng cho các thế hệ mai sau xác định thái độ sống và chiến đấu vì một đất nước Việt Nam yêu tự do, độc lập.


50 năm giải phóng quảng trị - 2.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh lần 2 cho quân và dân tỉnh Quảng Trị (Ảnh: THÀNH ĐẠT, theo baomoi.com)


Nhà báo Trần Đăng Mậu hướng mắt lên Đài tưởng niệm, nói trong nghẹn ngào: Đài tượng niệm là một biểu tượng nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ giải phóng quân trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. Có thể nói, đây là một nghĩa trang tập thể, nhưng lại không một nấm mồ… Rồi nhà báo giải thích cho tôi nghe việc thiết kế Đài tượng niệm phải theo quan điểm triết lí âm dương. Chân Đài tưởng niệm đắp theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái… Lư hương đặt giữa hai phần âm - dương để khách viếng thăm thắp hương tưởng nhớ, tri ân những người lính Cụ Hồ đã hi sinh anh dũng. Có 81 bức phù điêu tượng trưng cho 81 tờ lịch ghi từ ngày 28/6/1972 (ngày đầu trận chiến) đến ngày 16/9/1972.  Nhà báo Trần Đăng Mậu hỏi tôi: Anh nhớ ngày nào nhất? Tôi bảo: Nhớ ngày 16 tháng 9 nhận lệnh cấp trên chuẩn bị rút quân khỏi Thành cổ…  Vị nhà báo bỗng nín lặng trong phút giây...  

Chúng tôi tiếp tục viếng thăm nhà bảo tàng Thành cổ trưng bày các bức ảnh và hiện vật về cuộc chiến 81 ngày đêm. Một cảm xúc bất ngờ choán trong tâm trí tôi là bức ảnh Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính. Tôi như gặp lại nụ cười của chính mình, của đồng đội trong gian khổ ác liệt vẫn bừng sáng niềm lạc quan cách mạng, dẫu biết rằng giữa cái sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc. Rồi như có một lực vô hình níu chân tôi ở lại để tiếp tục nghe nhà báo Trần Đăng Mậu và cựu chiến binh Bùi Thạc Long kể về những người con đã hi sinh cùng những kỉ vật của họ. Tất cả đã hóa thành bài ca bất tử.

Về Quảng Trị sao lại quên dòng sông Thạch Hãn? Vâng, sông Thạch Hãn đã đi vào lịch sử kiêu hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, lẽ nào ta lại có thể quên. Chúng tôi đến Bến Thả Hoa bên bờ Nam sông Thạch Hãn vào giữa trưa nắng đổ. Tháng 11 này, nước sông xanh trong, không còn đục đỏ như mùa hè đỏ lửa năm xưa. Biết bao bộ đội ta đã hi sinh khi qua sông này để bổ sung người và vũ khí cho mặt trận Thành Cổ vào giữa mùa nước lũ. Nhà báo Trần Đăng Mậu lại ngậm ngùi đọc lên trang sử: Trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, mỗi chiến sĩ giải phóng phải gánh chịu đến cả 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Lượng bon đạn kẻ thù sử dụng ở chiến trường Quảng Trị tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà đế quốc Mỹ đã  ném xuống Nhật Bản năm 1945. Thật là khủng khiếp... Còn tôi có cảm giác dòng sông như đang dùng dằng không chảy để nghe tiếng âm hồn cất lên từ đáy sông. Bỗng câu thơ của chiến sĩ giải phóng Lê Bá Dương chạy về trong tôi tha thiết: Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm. 


50 năm giải phóng quảng trị - 1.jpg
Một tiết mục trong lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng giải phóng Quảng Trị (1972 - 2022) diễn ra tối 29/4/2022 (ảnh THÀNH ĐẠT, theo baomoi.com)


Hôm nay trở về với đất mẹ Quảng Trị, sao lòng tôi bâng khuâng đến thế. Hình ảnh khói lửa, bom đạn năm xưa đã lùi vào dĩ vãng, nhưng nó cứ sôi lên thôi thúc để tôi thốt lên rằng: Đất mẹ anh hùng của con ơi! Đứng đây, Bến Thả Hoa nhìn sang bờ Bắc sông Thạch Hãn, tôi hình dung những chiến sĩ giải phóng quân năm xưa mặc cho sóng lũ, bom đạn, đêm tối mịt mù vẫn quyết vượt sông đi vào Thành Cổ để chiến đấu chống quân thù. Cựu chiến binh Bùi Thạc Long như thuộc lòng một quá khứ: Thành Cổ nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1 chừng hai cây số về phía Đông, cách bờ sông Thạch Hãn nửa cây số. Biết bao bộ đội ta ở tuổi thanh xuân đã gửi xác dưới lòng sông này… Nói tới đây, người cựu chiến binh như nghẹn đắng trong cổ. Nhà báo Trần Đăng Mậu cho biết, vào những ngày lễ lớn, đặc biệt 27 tháng 7 hàng năm, nơi Bến Thả Hoa chính quyền địa phương đã tổ chức lễ thả hoa, thả đèn trên sông Thạch Hãn để tri ân, cầu cho linh hồn các anh hùng liệt sĩ siêu thoát. Đứng bên bến bờ sông Thạch Hãn, ta sẽ nhìn thấy cây cầu Thành cổ khánh thành vào ngày 27 tháng 7 năm 2017. Ngày ngày biết bao dòng người, xe cộ qua lại cầu để nối hai bờ Nam – Bắc sông Thạch Hãn trong thời kỳ phát triển kinh tế đất nước. Có ai trong số chúng ta, khi qua cầu Thành cổ lại không biết lí do, tại sao cầu mang tên Thành cổ? Tôi tin, ai cũng biết. Bởi câu chuyện chiến trường 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị đã ăn sâu vào từng nơ ron, khối óc của mỗi người dân Quảng Trị nói riêng và người Việt Nam yêu nước nói chung. Di tích, Đài tượng niệm Thành cổ Quang Trị là nơi hấp dẫn đặc biệt thu hút khách du lịch trong nước và thế giới; là nơi cựu chiến binh và đồng bào về để thắp lên những nén tâm hương tưởng nhớ những người con trung kiên bất khuất đã không tiếc máu xương để bảo vệ mảnh đất này. Thị xã Quảng Trị nơi có Thành cổ, hôm nay đã thay da đổi thịt. Trong Lễ kỷ niệm 210 năm lị sở Quảng Trị và 30 năm lập lại thị thị xã Quảng Trị (16/91989 – 16/9/2019), thị xã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Nhà báo Trần Đăng Mậu cho biết: Thị xã Quảng Trị đang có sự phát triển vượt bậc trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, chế biến nông sản, gia công cơ khí… với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao…

Quảng Trị mảnh đất “đầu sóng ngọn gió” trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù ngoại bang đã đi vào trang sử vàng dân tộc Việt Nam như một chân lí sáng ngời. Nỗi đau thương, mất mát, gian khổ khó khăn, ác liệt mà Quảng Trị gánh chịu đã góp phần quan trọng đem lại hòa bình cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Biết bao địa danh trên mảnh đất này đã hóa thành những tác phẩm văn học nghệ thuật mang tầm thời đại.

Tôi yêu Quảng Trị như yêu trái tim mình. Quảng Trị cũng đang ngự trị trong trái tim những người con một thời “máu lửa” giành giật từng tấc đất với kẻ thù xâm lược; ngự trị trong tim những người yêu nước. Xin thắp nén tâm hương tưởng nhớ những người đã nằm lại nơi đây để cho lá cờ Tổ quốc tung bay…

Đào Sỹ Quang 

(nguyên lính sư đoàn 304, mặt trận Quảng Trị 1972)


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​