CẢM NHẬN TỪ MỘT TRẠI SÁNG TÁC
Cập nhật 30/06/2017 15:15

 

Thái Hà

(Nguồn: VNĐN số 19 - tháng 5 & 6 năm 2017)

 

Trại sáng tác VHNT về đề tài “Thiếu nhi và Dân tộc Thiểu số Đồng Nai – 2017” khai mạc ngày 2/5/2017 tại hội trường Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai, gồm hơn 60 hội viên đến từ các ban Văn học, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Sân khấu. Trại được tổ chức thành hai đoàn, đi vào hai đợt: Đoàn 1 từ 3/5/2017- 5/5/2017. Đoàn 2 từ 8/5/2017-10/5/ 2017.  

6 giờ 40 phút ngày 3/5/2017, tôi theo đoàn 1 gồm 23 văn nghệ sĩ khởi hành bằng ô tô về thị xã Long Khánh.

Anh Đặng Thanh Hiếu - Trưởng phòng và chị Lương Thị Như Nga - Phó phòng Dân tộc thị xã Long Khánh đã chờ sẵn để đón tiếp chúng tôi. Đích thân anh Hiếu làm hướng dẫn viên đưa đoàn xuống cơ sở. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Trường tiểu học Kim Đồng, một trường đạt chuẩn Quốc gia từ năm 2000. Hiệu trưởng trường là cô giáo Lê Thị Phương Thủy tươi cười ra đón đoàn, cô cho biết, nhà trường rất vui vì được tin văn nghệ sĩ ghé thăm. Giáo viên chủ nhiệm đang chuẩn bị cho các cháu đồng diễn thể dục để chào mừng các cô chú văn nghệ sĩ.

Trong khi chờ đợi, chúng tôi dạo một vòng tham quan trường. Không gian rộng rãi, thoáng mát, ngôi trường còn mang lại cảm giác dễ chịu bởi chỗ nào cũng tràn ngập hoa lá, cây xanh. Các nhiếp ảnh gia vội vã mang máy ảnh chạy lên lầu, chọn góc tốt để chuẩn bị tác nghiệp.

Màn trình diễn múa hát của 1031 học sinh tiểu học nhà trường đón chào văn nghệ sĩ quả là ấn tượng. Vẫn là những bài hát quen thuộc về mái trường, về Bác Hồ kính yêu nhưng nhìn các cháu khỏe khắn, hồn nhiên trong những bộ đồng phục tươi màu tôi không khỏi bồi hồi. Những ký ức xưa về một thời thiếu thốn của tuổi thơ trong chiến tranh ùa về. Bây giờ đất nước yên bình, các cháu hạnh phúc, sung sướng gấp mười lần thời thơ ấu của tôi ngày xưa. Cô Lê Thị Phương Thủy cho biết, hiện tại trường có 60 cán bộ giáo viên, công nhân viên. Từ năm 200 ngôi trường “Xanh, sạch, đẹp” này đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, được Trung ương và địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì những thành tích xuất sắc trong công việc “trồng người”.

Rời trường tiểu học Kim Đồng, tôi mang theo những ấn tượng tốt đẹp về một môi trường giáo dục tiên tiến, nơi tất cả trẻ em đều được chăm sóc tốt. Lúc này đã 9 giờ 25. Thanh Hiếu cho biết, anh sẽ đưa đoàn đến một ngôi trường ngược lại với trường Kim Đồng, nghĩa là còn rất khó khăn, thiếu thốn. Quả đúng như vậy. Mới tới cổng trường, chúng tôi đã thấy một phụ nữ mảnh mai mặc trang phục của dân tộc Tày gồm áo dài màu lam, đội khăn lam ra đón. Đó là cô hiệu trưởng tiểu học Nguyễn Du - xã Bảo Quang - Lục Thị Hồng Lan.

Ngồi trò chuyện với cô Lan, chúng tôi được biết, cô Lan là người dân tộc Tày, mới từ Lào Cai vào Long Khánh nhận công tác từ năm 1995. Trường có số học sinh thật khiêm tốn, chỉ 275 em, trong đó 34 em là người dân tộc Chơ ro. Giờ ra chơi, các em ùa ra sân, đứng vòng quanh múa hát. Một điều khiến tôi chú ý là tầm vóc các em đều thấp nhỏ, gầy, khác với các bé ở trường Kim Đồng, dù cùng là học sinh tiểu học. Rõ là điều kiện sinh hoạt, nuôi dưỡng của con em nông dân thua xa trẻ em thành phố. Cô Lan cho biết, hầu như các em không biết khái niệm học thêm là gì, nhà trường chỉ phụ đạo cho những bé học lực yếu. Nhưng ngôi trường nghèo này vẫn đạt được nhiều thành tích ấn tượng.

Chúng tôi ra sân, nơi đội cồng chiêng của bà con Chơro đang biểu diễn. Vẫn những dáng người lom khom quen thuộc. Nắng hơi gắt, các vũ công dân tộc ai nấy ướt đẫm mồ hôi nhưng người nào cũng tươi vui, có người nắm tay thành viên trong đoàn bịn rịn mãi không rời. Tiếng cồng chiêng vang lên trên sân trường nghe sao mà bâng khuâng...

Đầu giờ chiều, chúng tôi tới thăm già làng Thổ Đực ở xã Bàu Trâm. Già làng rất mừng vì gặp lại những người quen cũ như chị Hoàng Ngọc Điệp, anh Phan Đình Dũng… Riêng tôi, đây là lần thứ ba được tiếp xúc với già làng. Ở tuổi áp 80, già làng Thổ Đực giờ chỉ da bọc xương, nhưng giọng nói còn khỏe, đôi mắt sáng, vẫn đau đáu nỗi lo công việc chung. Ông bảo, chỉ mong sao người dân được yên vui, hạnh phúc, trong đó có đồng bào Chơ ro. Đường vào Bàu Trâm hơn hai năm trước lởm chởm đá tổ ong, giờ đã đổ bê tông láng mịn, xung quanh vườn tược xanh mơn mởn… Sự thay đổi theo chiều hướng đi lên của xã nghèo khiến tôi vừa ngỡ ngàng, vừa thấy ấm lòng.

Ấp Tân Thủy, xã Bàu Sen cách quốc lộ 1 bốn ki-lô-mét về hướng Tây có rất đông đồng bào người Hoa sinh sống. Điểm nhận biết cộng đồng người Hoa là trước cửa nhà nào cũng dán những tờ giấy lì xì hay câu đối màu đỏ. Ông Sú Tắc Phí - Trưởng ban Công tác Mặt trận xã giải thích, những “tờ giấy lì xì” đó được dán vào đầu năm mới và cứ để như vậy, năm sau lại thay mới, với ý nghĩa cầu mong sự may mắn, an bình. Ấp Tân Thủy có tới 95% người Hoa. Ông Cam Cầu, 63 tuổi cho biết người Hoa từ Quảng Ninh vào Nam, sinh sống nhiều nơi, làm phu đồn điền cao su cho thực dân Pháp, sau mới về Bàu Sen. Đất đai Bàu Sen là đá phong hóa chỉ thích hợp với cà phê và tiêu. Người Hoa vốn lam làm, biết căn cơ nên nhà nào cũng khá giả. Bàu Sen đã được công nhận là “Xã nông thôn mới”. Chi bộ Đảng Âp Tân Thủy có mười đảng viên trong đó đảng viên người Hoa là sáu, do anh Nguyễn Văn Hoàng làm Bí thư Chi bộ. Anh Hoàng cho biết, người Hoa sống hòa thuận, chấp hành chính sách của nhà nước rất tốt. Nhưng theo ông Cam Cầu thì số con em người Hoa ở đây theo học các trường Đại học, Cao đẳng còn hạn chế. Phần lớn các cháu thích làm công nhân. Ông Cam Cầu hiện có một con đang là giảng viên trường Đại học Công nghệ Đồng Nai.

Ở ấp Tân Thủy có một người khuyết tật nổi tiếng. Đó là anh Vòng Hùng Nằng, sinh năm 1979, bị câm điếc từ nhỏ. Lớn lên Hùng Nằng cũng cưới vợ, nhưng cứ được một thời gian là vợ bỏ đi. Hai lần cưới hai người vợ không xong, Vòng Hùng Nằng rất buồn nhưng được cán bộ mặt trận và bà con họ mạc động viên, anh đã vượt lên trên nỗi buồn, cần cù làm ăn và trở thành một nông dân sản xuất giỏi. Anh đang sở hữu những khu vườn trồng tiêu xanh tốt, rộng hàng hécta. Ngày nào Nằng cũng tự tay trộn bê tông làm đường, nay con đường bê tông dẫn lên nhà anh dài khoảng 300 mét đã gần xong. Không chỉ lo cho mình, Nằng còn say mê công tác xã hội, hay giúp đỡ các hộ nghèo gặp khó khăn, đóng góp xây dựng phong trào.

Về Định Quán, chúng tôi tới thăm bà con người Mạ ở khu phố Hiệp Nghĩa, nghe kể chuyện về già làng K’De - người con ưu tú của đồng bào Mạ. Hiệp Nghĩa có hơn 200 hộ người Mạ sinh sống bằng nghề nông, tuy đã mai một ít nhiều nhưng bà con vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hầu hết người Mạ theo đạo Tin Lành, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Số con em học cao đẳng, đại học đếm chưa hết đầu ngón tay. Ka Thu, nữ sinh viên khoa điều dưỡng đang học năm cuối trường Cao đẳng Y Đồng Nai bộc bạch: “Em ráng học để thoát nghèo nhưng không biết có nổi không”. Mẹ Ka Thu là bà Ka Soi, mới 50 tuổi nhưng trông như trên 60, bà vừa dệt thổ cẩm vừa chuyện trò với khách, nét mặt trầm tư…

Ka Mai, sinh năm 1977 đã học hết lớp 12, đang có con nhỏ sáu tháng tuổi, nheo nhóc, chồng đi làm ăn xa biền biệt. Bà Ka Đét - mẹ Ka Mai cười buồn: “Con Ka Mai có chồng cũng như không”. Bà Ka Mía, người còn da bọc xương vừa bước từ ruộng lên, lưng đeo sọt ốc bươu. Bà bảo, đi từ tinh mơ bắt được chừng này, ốc chỉ có giá hai ngàn một ký! Tôi cảm thông, trả tiền 25 ký ốc rồi biếu bà luôn số ốc đó. Chia tay bà, lòng dạ tôi cứ ngậm ngùi…

Định Quán có ngôi chùa Thái Hòa của người Khmer rất đẹp. Ông Kim Hường, người gắn bó với ngôi chùa này từ lâu cho biết: Chùa xây dựng từ năm 1963, theo hệ phái Nam Tông. Trước kia chùa ở dưới chân núi, sau giải phóng 1975 mới dời lên cao. Một năm ở đây tổ chức ba lễ lớn: Lễ Chol Chnăm Tmây (mừng năm mới); Lễ Đôn Ta (Báo hiếu); Lễ cúng Trăng. Hằng năm chùa tổ chức các khóa tu tập cho con em để nâng cao kỹ năng sống. Anh Kim Hường khoe, nhà chùa vừa được Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai tặng bộ nhạc cụ ngũ âm nhân dịp tết Chôl Chnăm Thmây, hồi tháng Tư năm 2017. Nhạc sĩ Trần Viết Bính đang hào hứng “thử trình độ”, làm vang lên những âm thanh trong trẻo…

Buổi chiều, chúng tôi qua phà 107 vào ấp 6 xã Thanh Sơn, nơi có đồng bào dân tộc Dao. Xã Thanh Sơn trước đây nổi tiếng… nghèo, hiện có 366 hộ, cách trung tâm thị trấn hơn 20 ki-lô-mét. Ông Nguyễn Văn Hoàng (cựu chiến binh, người gốc Nam Định), Bí thư Chi bộ ấp 6, kiêm trưởng thôn cho biết: Chi bộ có 11 đảng viên, trong đó người Dao 6, người kinh 5. Nơi đây có nhiều dòng họ: Lý, Tằng, Đặng, Chu, Trương, Phùn, Phan… Vì vậy, công tác tư tưởng chính trị phải hết sức mềm dẻo, khôn khéo và phải gương mẫu thì nói đồng bào mới nghe. Con em xã Thanh Sơn bây giờ đi học đã thuận lợi hơn trước nhiều vì Trường tiểu học cơ sở - Trung học phổ thông Tây Sơn mới xây dựng cách đây ba năm. Nhìn chung kinh tế nơi đây còn phát triển chậm, xã mới đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

15 giờ, chúng tôi hẹn tới nhà vợ chồng chị Hoàng Huyên, gốc Ngân Sơn, Bắc Kạn. Ở đây có một đội văn nghệ rất mạnh, người nào cũng biết hát then và chơi đàn tính. Cuộc giao lưu văn hóa văn nghệ giữa văn nghệ sĩ Đồng Nai và người Tày ấp 8, xã Thanh Sơn diễn ra trong rộn rã tiếng cười. Ban Nhiếp ảnh mời các anh chị ra cánh đồng trải dài một màu xanh non của mạ mới gieo để chụp hình. Riêng nhạc sĩ Đoàn Quang Trung mải ghi âm hát ru của người Tày đến nỗi “quên luôn lối về”, phải nhờ người chở honda đuổi theo xe của đoàn!

Nhà văn hóa ấp 7 nằm giữa cánh đồng, cách trung tâm thị trấn Định Quán 18 ki-lô-mét. Ở đây có đủ các dân tộc Tày, Nùng, Khơ me, Kinh cùng sinh sống. Văn nghệ sĩ lại được nghe bài hát then “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” của đội văn nghệ. Già làng Hoàng Minh Rưng, Bí thư Chi bộ ấp 7 La Văn Băng cũng mặc trang phục của người Tày. Phụ nữ còn đeo nhiều vòng bạc duyên dáng. Người Tày ở đây cũng như ở Thanh Sơn - Định Quán hầu hết từ Bắc Kạn vào sau những năm 1975, 1980. Họ biết đoàn kết, bảo ban nhau làm ăn, chung tay xây dựng nông thôn mới và đặc biệt duy trì, phát huy làn điệu then. Chúng tôi hết sức cảm động khi mặt trời đã lên cao mà các diễn viên vẫn say sưa múa sạp cho khách quý thưởng thức. Tiếng đàn tính, tiếng hát then rộn ràng làm quên đi cái nắng ban trưa rát bỏng khuổi khau phja rặp mùa xuân ún đây mà. Nằntàng xe pây thâng bản mấu… (Rừng núi quê ta, đẹp mùa Xuân nắng chan hòa.Thẳng đường xe bon qua bản mới…)…

Chia tay - lại phải chia tay rồi. Văn nghệ sĩ lại mang theo mình lời ca tiếng hát của nơi núi rừng Việt Bắc…

Cầu treo Tà Lài đã bị gãy, đang chờ xây dựng lại. Văn nghệ sĩ phải qua phà để về ấp 4, xã Tà Lài. Đây là điểm cuối cùng mà đoàn văn nghệ sĩ gặp gỡ đồng bào Châu Mạ, trao đổi tác nghiệp. Đón đoàn là già làng Ka Đơn (76 tuổi), nghệ nhân Ka Bào (87 tuổi), vợ chồng Ka Rỉn và Ka Hoài cùng nhiều bà con người người Mạ. Nhạc sĩ Trần Viết Bính vui mừng gặp lại “cố nhân” Ka Bào - người cả đời truyền lại cho con cháu nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Buổi trưa chúng tôi ăn cơm lam, uống rượu cần, nghe Ka Rỉn hát “Lên đồi cỏ tranh”. Giọng hát của người phụ nữ trung tuổi vẫn trong trẻo, tràn đầy cảm xúc khiến chúng tôi xúc động…

Ba ngày đi thực tế sáng tác thật ngắn ngủi, có buồn, có vui. Đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương đã có những khởi sắc đáng phấn khởi, nhưng vẫn còn nhiều gia đình nghèo khổ. Để thu hẹp khoảng cách giữa người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số chắc chắn cả nhà nước và nhân dân còn nhiều việc phải làm. Tôi nghĩ đến đối tượng mà xã hội cần quan tâm hàng đầu không ai khác, đó chính là các cháu thiếu nhi người dân tộc thiểu số.

 Ngày 12/5/2017

T.H