Thứ tư, ngày 9/7/2025
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 2030)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TRỊ AN LẶNG NGHE NƯỚC REO...

​ 

Tôi đến hồ Trị An (Đồng Nai) bao lần rồi không nhớ nữa! Nhưng tôi biết rõ hồ Trị An mang vẻ đẹp quyến rũ từ khi hiện hữu đến giờ. Đến rồi lại muốn đến nữa, đến hoài không thôi.

Thật chẳng ngoa khi những lữ khách mê xê dịch đặt chân đến đây đều ví hồ Trị An như nàng tiên kiêu sa, ẩn mình trong khu rừng Mã Đà huyền bí. Mênh mông sóng nước trước bạt ngàn rừng xanh. Con đường đê bao quanh uốn lượn như bức tranh thuỷ mặc lộng lẫy mà quyến rũ. Đứng trên bờ kè lộng gió, phóng tầm mắt ra xa, những hòn đảo nhô lên trên mặt hồ phẳng lặng, nàng đang suy tư điều gì? Hay đang hoài niệm về quá khứ hào hùng, nơi mà nàng đứng đã và đang trở thành huyền thoại, là linh hồn của vùng đất Biên Hòa xưa - Đồng Nai nay?

Tôi đứng ngay vị trí thủy điện Trị An, phóng tầm mắt rộng ra, chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp nơi này. Chiều buông. Từng sợi vàng ánh nắng chiều rơi xuống mặt hồ trong xanh phẳng lặng, mặt hồ như một chiếc gương soi. Tôi có cảm giác đến nắng còn đắm chìm trong lòng hồ, tiếc nuối chẳng chịu tắt. Đến đây dường như không còn phiền lo, xô bồ của phố xá, không có những trận ném đá náo nhiệt trên thế giới ảo mạng xã hội... Đến đây chỉ có sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người.

Chúng tôi cắm trại ở ven hồ.

Đêm!

Tĩnh lặng.

Trăng sóng sánh, vỡ lấp lánh trên mặt nước. Nằm nghe gió rì rào từ rừng Mã Đà huyền bí kể chuyện xa xưa. Nghe tiếng thác nước ở xa vọng lại róc rách, lúc gần lúc xa, như tiếng hờn trách của người đàn bà đang nỉ non bao nỗi lòng chất chứa. Trong tôi lại nổi trôi muôn vàn mộng mị.

Sáng sớm hôm sau, khi sương mù bao phủ khắp mặt hồ mênh mang chẳng thể nhìn rõ mặt người, chỉ nghe thanh âm lao xao nói cười của ngư dân trên làng bè. Họ ở đó, bao đời nay lênh đênh trên sóng nước. Trong số họ có những Việt kiều bất đắc dĩ, bị cuộc sống vất vả nơi biển Hồ ở xứ người bào mòn sinh lực và gánh nặng mưu sinh ghì sát mặt đất, họ hồi hương về miền quê cha đất tổ. Cuộc đời họ gắn với sóng nước lênh đênh, trên những con thuyền tròng trành qua bao mùa mưa nắng. Từng có thời gian dài họ sống trong cảnh khốn khó, không điện, không nhà cho đến khi chính quyền chủ trương hỗ trợ lên bờ. Giai đoạn ấy, nhiều gia đình đồng thuận lên định cư trên đất liền vì tương lai tươi sáng hơn của những đứa nhỏ. Họ mong muốn con mình được học hành và sống cuộc đời mới tốt đẹp hơn. Nhưng có những hộ gia đình không thể rời bỏ sông nước nên quyết tâm ở lại vì họ vốn gắn với hai chữ “Đời cá". Dưới sự hỗ trợ chính quyền, họ đã có những ngôi nhà mới, những chiếc bè hiện đại hơn, có năng lượng mặt trời để thắp sáng và thùng phi chứa nước sạch.

Trước mắt tôi là những chú cá lăng đang vùng vẫy trong tay ngư dân. Hôm nay là một ngày bội thu với đàn cá lăng to tròn, chắc lẳn, vẩy đen căng bóng. Chúng tôi xúm vào “đòi" mua. Các cư dân làng chài vô cùng dễ tính, họ mỉm cười trong ánh bình minh, cho tôi thoải mái tự tay bắt những con cá mình thích. Sau đó, họ cân lên tính tiền, còn khuyến mại một mẻ tép moi về rang lên xúc bánh tráng. Hóa ra không phải con người ta sống khốn khó sẽ đánh mất sự phóng khoáng, mà ngược lại, sự hào phóng ấy luôn sẵn có trong những con người luôn thuận theo tự nhiên.

Trong một đợt tham gia khảo sát về hướng du lịch phát triển lòng hồ Trị An do UBND huyện Thống Nhất tổ chức, trên chiếc xuồng máy hiện đại, tôi đã có những trải nghiệm thú vị trên mặt hồ. Chúng tôi dạo quanh lòng hồ từ khu vực Núi Cúi huyện Thống Nhất ngược lên mạn bến Nôm - xã Phú Cường - huyện Định Quán, xuôi về lòng hồ ở thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu. Trong chuyến đi ấy, chúng tôi được nghe chị Thu Hoài - hướng dẫn viên kể những câu chuyện gắn với lòng hồ Trị An. Tôi ấn tượng và nhớ nhất chính là câu chuyện huyền thoại về thác Trị An gắn với tình yêu đôi lứa của cô gái miền sơn cước và chàng trai miền hạ nguồn sông Đồng Nai. Thác Trị An ở bậc thềm thứ chín ấy đã từng là thắng cảnh của đất Biên Hòa xưa. Nhưng khi thủy điện ra đời nơi ấy đã trở thành suối cạn trơ đáy. Nghe chị Thu Hoài kể lại, hòn đá vọng phu mang theo linh hồn của người đàn bà đã hi sinh tất thảy vì tình yêu vẫn còn đấy.

Tính tôi vốn tò mò nên cuối tuần được nghỉ, tôi lại xách ba lô lên và đi, quay lại hồ Trị An để tìm chút dấu tích xưa, xem nơi này có còn hòn đá vọng phu như chị hướng dẫn viên nói không? Vừa đặt chân đến, tôi đã bị cuốn hút bởi cảnh lao động nhộn nhịp trên cánh đồng tràm giống trải dọc lòng hồ. Trên cánh đồng tràm xanh non mơ màng bao quanh hồ, những gương mặt phụ nữ ẩn hiện dưới vành nón lá. Tới gần, tôi thấy họ đang lom khom, thoăn thoắt cắt từng cành tràm giữa ánh nắng gay gắt của phương Nam. Men theo lối nhỏ, tôi tiếp cận họ để làm quen: “Các cô cắt tràm này chắc công cao lắm nhỉ?". Một người phụ nữ ngước lên nhìn tôi, khuôn mặt phúc hậu dưới vành nón lá, làn da sạm nắng nhưng ánh mắt sáng ngời. Cô nhiệt tình trả lời: “Ngày nào đi từ tờ mờ sáng đến tối sẫm không rõ mặt người thì được khoảng 400 ngàn, còn ngày nào mà đi muộn, nắng gắt về sớm thì chỉ được 180 ngàn thôi con".

Lại gần chiếc làn bằng cói đựng từng bó tràm được sắp đều tăm tắp, tôi cầm lên một bó, mân mê chán chê rồi đưa lên mũi hít hà hương thơm của nhựa tràm. Một chị trẻ tuổi nói: “Một bó như vậy được trả 4.000 đồng, cắt nhiều được nhiều tiền, cắt ít được ít. Như chị mới tập làm chỉ tầm 100 đến 150 ngàn là cao rồi em". Tôi ngạc nhiên vì ngày công khá rẻ. Cắt tràm không quá nặng nhọc, nhưng việc các cô, các chị đứng mấy tiếng đồng hồ dưới nắng gắt khiến tôi nể phục sự chăm chỉ của họ. Khi đã gần gũi hơn với cô Huệ, tôi được biết thêm rằng cô sống gần bến phà Hiếu Liêm, làm công nhân ở công ty giày Việt Vinh. Cuối tuần, cô tranh thủ cắt tràm để tăng thêm thu nhập. Ông chồng suốt ngày say xỉn, con trai đầu đậu đại học Luật ở thành phố, con gái thứ hai học cấp ba Trị An. Cô còng lưng làm lụng vẫn chưa đủ tiền học cho con, nhưng dù khổ thế nào, cô vẫn quyết nuôi hai đứa nhỏ học hành nên người. “Chẳng mong sau này chúng nó báo đáp, chỉ cần chúng ấm thân là cha mẹ yên lòng rồi". Lời của cô khiến tôi lặng người, nhớ về những ngày tháng cha mẹ vất vả nuôi anh em tôi ăn học. Những đồng tiền quê bao giờ cũng dày hơn vì mồ hôi và nước mắt của người lao động. Chúng gói gọn ước mơ dang dở của cha mẹ, mong con rũ bùn vươn lên, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mải mê nói chuyện, tôi giật mình khi ráng chiều đỏ au hắt lên mặt hồ phẳng lặng, chợt nhớ lý do mình tới đây liền hỏi ngay các cô về thác Trị An. Theo chỉ dẫn, tôi quay lại chỗ bờ kè. Thủy điện Trị An đang xả lũ ở tám cửa đập. Dòng nước tung bọt trắng xóa, lao mình vun vút, bất chấp dưới chân là những tảng đá vững chãi đang nhô ra cản đường. Âm ầm như thác đổ. Âm vang của hiện tại và quá khứ đan xen thành khúc ca bi tráng và hào hùng. Tôi giật mình nhớ lại lý do mình đến đây. Tôi hỏi thăm cô Huệ về thác Trị An. Các cô chỉ cho tôi biết cách để đến thác Trị An - nơi đã bị lãng quên nhiều năm. Rồi tôi quay lại chỗ bờ kè. Thủy điện Trị An đang xả lũ ở tám cửa đập. Dòng nước tung bọt trắng xóa, lao mình bất chấp phía dưới là những tảng đá vững chãi nhấp nhô cản đường. Đúng. Ầm ầm như thác đổ! Âm vang của hiện tại và quá khứ đan xen khúc ca hào hùng và bi tráng. Từ địa điểm đó, tôi men theo con suối cạn. Không thể di chuyển bằng xe máy, chỉ có thể lội bộ để bước chân hằn in trên đất đỏ bazan. Đi chừng khoảng 2 km về phía hạ lưu, cuối dòng thác giờ chỉ còn trơ đáy. Bãi đá lô nhô đen sì, hoang hoải như khu khai thác đá bỏ hoang. Tôi bỗng thốt lên trong tiếc nuối. Thác nước hùng vĩ, âm vang một thời chỉ còn trong kí ức vắng vẻ, tịch liêu.

Tôi cố tìm dấu vết tảng đá “Hòn vọng phu" trong câu chuyện cổ tích thực hư mà chị hướng dẫn viên kể trong câu chuyện của mình, chợt thấy lòng nao nao. Trời đã tối, ánh đèn lung linh thắp sáng các nẻo đường. Thác Trị An âm vang một thời nay nhưỡng chỗ mặt nước mênh mông, lấp lánh muôn vàn vảy bạc. Từ đây, dòng điện sẽ sáng lên, tiếp nối qua muôn làng quê trù mật, những phố xá sầm uất của miền Đông Nam Bộ. Bỗng trong tôi vọng lên giai điệu “Trị An âm vang mùa xuân" của nhạc sĩ Tôn Thất Lập: “… Về lại chiến khu/ ghé qua Thường Lang hãy qua Lạc An/ Một trời nước non, Tân Uyên chờ ai sương bay Mã Đà/ Dòng điện sáng lên cháy trong lòng ta xóa bao nhọc nhằn/ Lặng nghe nước reo âm vang mùa xuân ước mơ rực sáng/ Dòng điện thắp lên, sáng cho tình em, sáng cho ngày mai".

N.T.T

Nguồn: Văn nghệ Đồng Nai số 86 (Tháng 4 năm 2025)


NGUYỄN THẮM

Lịch làm việc

    Loading images...
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​


EMC Đã kết nối EMC