Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Chào mừng Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VII (nhiệm kỳ 2025 - 20230
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CHỮ “XUÂN” TRONG TRUYỆN KIỀU

Trần Chiêm Thành

(Nguồn: VNĐN số 35 – tháng 01 & 02 năm 2020)

 

 

Chuyện bên lề: Đăng ký với Văn Nghệ Đồng Nai viết bài báo Tết về chủ đề Xuân, đại để là ý chung chung "ngày Xuân đọc Truyện Kiều", bỗng bùng lên chuyện nên hay không nên đặt tên đường Alexandre De Rhodes, là người có công về chữ Quốc ngữ. Đây là câu chuyện dài, quá dài; và có nhiều tranh luận, chưa ngã ngũ. Và nhân đó lại nhớ câu của Phạm Quỳnh: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn. Câu này nghe, bình đã lâu, trong cuốn Thượng Chi văn tập (Thượng Chi là tên hiệu Phạm Quỳnh), có bài Truyện Kiều khá dài từ trang 385 đến 417, mới rõ rằng ông Thượng thư làm báo, viết văn Phạm Quỳnh cố bênh vực cho được luận điểm Truyện Kiều còn...

Cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm, nếu không có chữ Quốc ngữ, không biết là ngày nay được bao nhiêu người đọc thông suốt Truyện Kiều bằng chữ Nôm? Ngay là chữ Quốc ngữ nhưng để có cơ sở nắm bắt truyện Kiều, học giả Đào Duy Anh có cả cuốn Từ điển truyện Kiều đến 548 trang nhưng như vậy cũng chưa đủ, có người tâm huyết như ông Bùi Thiết soạn cuốn Từ điển tử cổ truyện Kiều.

Để hiểu được tiếng trong Truyện Kiều quả là không dễ. Xin nhấn mạnh là tiếng, tức là từ, chưa nói đến chữ, là tự. Tiếng là cấp thấp hơn chút so với chữ và chữ Xuân trong truyện Kiều, Nguyễn Tiên Điền dùng đến 41 lần trong 3.254 câu Kiều, không nhiều nhất nhưng đáng kể. Và thưa ngay, tự dạng Xuân cả Hán và Nôm chỉ là một, chỉ thêm chữ Xuân là cây xoan, chữ xuân (mùa/ Xuân), thêm chữ mộc bên trái, nhưng nghĩa thì rất nhiều trên nghĩa cơ bản, tự dạng không đổi, và nghĩa được dùng nhiều nhất như chính tác giả Từ điển Hán Việt Đào tiên sinh giảng nghĩa là mùa Xuân, cảnh vật xanh tươi trở lại sau mùa Đông như câu đầu tiên trong Kiều xuất hiện chữ Xuân là câu 25:Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hơn kém xanh; tiếp theo câu 46: Gần xa nô nức yến anh/ Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Chơi Xuân, chơi Tết, chơi Noel... tưởng như từ hiện đại, hóa ra cụ Nguyễn đã xài cách nay những 3 thế kỷ. Nghĩa cơ bản này được Nguyễn Du dùng 22 lần. Xin lấy vài câu ngẫu nhiên tốp đầu truyện, giữa và cuối truyện:

 Câu 162: Bóng hồng nhác thấy nẻo xa/ Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai; câu 1796: Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân; câu 3240: Phong lưu phú quý ai bì/ Vườn xuân một cửa để bia muôn đời.

Chữ xuân nghĩa bóng chỉ thời gian tuổi trẻ hay sắc đẹp dùng 16 lần như câu 36: Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê; câu 66: Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương; câu 3142: Canh khuya bức gấm rủ thao/ Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân.

Nghĩa bóng khác chỉ tình yêu. Câu 424: Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng; 1240: Mặc người mua Sở mây Tần/ Những mình nào biết có xuân là gì!; câu 2288: Vinh hoa bõ lúc phong trần/ Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày.

Nghĩa cơ bản và hai nghĩa bóng dễ hiểu, đọc có thể hiểu ngay, nhất là khitheo dõi kỹ cốt truyện, bối cảnh trong truyện, diễn tiến tâm lý nhân vật... Nhưng đến những nghĩa khác, nhất là điển tích hoặc liên quan điển tích, dù tự dạng không đổi, "tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư", tự dạng chữ Xuân trong chữ Hán gồm chữ tam, chữ nhân và chữ nhật, 3 người cùng đi trong trời đất, ắt có người là thầy mình; nhưng trong Kiều còn Xuân đình, Xuân sơn, Xuân tình, Xuân thu, Xuân xanh, ba Xuân, buồng Xuân, chén Xuân, lòng Xuân, lượng Xuân, phòng Xuân, Xuân lan thu cúc, "Xuân có gầy ba bốn phần".

 Như đã điểm xuyết ở trên, còn một chữ Xuân có chữ Xuân và chữ mộc bên trái, là chữ xuân chỉ cây xoan, tức cây xuân. Hàng nội thất (tủ sách, tủ chén, tủ rượu... ) ở Tân Mai, Biên Hòa làm bằng gỗ xoan rất nhiều, người bán gọi là xoan đào, tức danh mộc tốt trong vườn nhà, mối mọt bó tay, còn gọi là cây xuân trong chữ Tàu, theo sách Trang Tử gỗ này đời thượng cổ sống rất lâu, mùa xuân của nó đến tám ngàn năm. Vì vậy "Cỗi xuân tuổi hạc càng cao" câu 673, là chỉ cha già; Xuân đường, nhà có trồng cây xuân, ý nói cha mẹ già, "Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang" (câu 534), Rạng ra gởi đến xuân đường/ Thúc ông cũng vội giục chàng ninh gia. Lại còn xuân huyên, huyên cỗi xuân già là chỉ cha mẹ đều già. Câu 759: Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng... Cũng có cây huyên, chỉ cha mẹ.

Chắc do tuổi kha khá nên tôi lại ưng chữ xuân có điển tích, như câu "Tiễn đưa một chén quan hà/ Xuân Đình thoắt đã dạo ra Cao Đình". Người ta nói rằng từ một câu chuyện tầm thường trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, với tài năng dùng tiếng nước mình, viết bằng chữ Nôm để ghi âm thể hiện thể thơ dân tộc, Nguyễn Du đã tạo thành tuyệt tác Đoạn trường tân thanh mà không hiểu vì lẽ gì nay chỉ gọi là Truyện Kiều khác với tựa sách ban đầu do chính Nguyễn Tiên Điền đề danh. (Thật ra trong công trình luận án tiến sĩ Đại học Havard năm 1981 của Charles Benoit, tên Việt là Lê Văn Nam, có tựa là Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều - Từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam, Charles Benoi khẳng định rằng ngoài Thanh Tâm Tài Nhân, còn nhiều tác giả, tác phẩm khác, trong đó có Dư Hoài và khả năng Nguyễn Du có đọc. Kỹ nữ Vương Thúy Kiều, Hồ Tôn Hiến, Từ Hải là những nhân vật có thật, được đề cập đến nhiều). Xuân Đình là nơi (ý nói đến) vui vẻ. Thư của Giản Văn Đế thời nhà Lương bên Tàu hồi đáp Trương Tán có câu Xuân Đình lạc cảnh, nghĩa là cảnh vui Xuân Đình, từ tích này khi nói đến Xuân Đình tức là nơi vui vẻ, nhưng "thoắt lại đổi ra Cao Đình" - Cao Đình là nơi chia ly, chia tay, tan đàn xẻ nghé... Cao Đình là một trái núi ở tỉnh Chiết (Triết) Giang bên Tàu, nơi diễn ra cảnh chia ly, trong thơ cổ của Tàu có câu Cao Đình tương biệt xứ.

Dù thế nào thì Xuân là vui, cứ mãi Xuân Đình, đừng có Cao Đình làm chi, người con gái cứ "làn thu thủy, nét xuân sơn" cho đời mãi vui.

 Còn Truyện Kiều là còn bàn, còn tranh luận thậm chí kịch liệt, như mới đây ông An Chi (Huệ Thiên) bác một câu Kiều nhiều người khen hay: "Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng", ông chứng minh không có "ngó ý" ở đây, nghe thì nghe vậy thôi, vẫn ưng ngó ý. Dẫu lìa - Còn vương, hay vậy sao bác!

T.C.T

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​