
Lãnh đạo xã trước cổng UBND xã - Ảnh: HT
“… Cái xã mà cuộc sống của dân
như một tấm áo quá mục, cứ vá víu được chỗ này thì chỗ khác lại toạc ra… Nếu ta
cứ luẩn quẩn vì mấy chục nóc nhà thì bộ mặt của xã ta cứ nằm lì như cũ...”.
Đoạn văn trên của nhà văn Kiều Vượng
(Giải thưởng Nhà nước về VHNT) trong truyện ngắn “Về một miền quê” cứ ám ảnh
tôi mỗi khi đi về các vùng quê nghèo tìm hiểu thực tiễn để viết bài về đề tài
nông nghiệp và nông thôn.
Thời còn làm báo, có lần đi công
tác về huyện Định Quán, tôi đã ghé qua thăm xã Phú Cường, một xã nghèo nằm sát
quốc lộ 20. Cái tên Phú Cường, có nghĩa là giàu mạnh. Nhưng hồi đó, tình cảnh
xã Phú Cường cũng na ná như đoạn văn của nhà văn Kiều Vượng, được dẫn ở trên. Nếu
miêu tả “tấm áo” của Phú Cường, một trong hai xã nghèo nhất huyện thời đó, thì
đúng là “cứ vá víu được chỗ này thì chỗ khác lại toạc ra”.
Trước năm 1987, Phú Cường là một
xã có diện tích đất nông nghiệp khá lớn với hơn 5.600 ha, bao gồm đất ruộng, đất
rẫy và đất đồi. Nhưng khi thủy điện Trị An ngăn đập tích nước thì phần lớn diện
tích đất ruộng của Phú Cường bị lòng hồ Trị An nuốt chửng, cả xã chỉ còn lại
960 ha, mất đi gần 5/6 diện tích. Thế là từ một xã “mập” trở nên xã “gầy”. Làm
nông nghiệp mà mất đất thì dân hết chỗ bám trụ, tình thế bức bách, buộc hàng
trăm gia đình nông dân, trong đó có nhiều gia đình Việt kiều hồi hương từ
Campuchia hoặc dìu nhau trở lại chốn cũ, hoặc di cư đến những vùng đất khác,
làm mướn mưu sinh. Dân số toàn xã vì thế đã giảm từ gần 30.000 người xuống còn
hơn 13.000 người. Hầu hết bà con ở đây đều lâm vào tình cảnh “3 thiếu”: thiếu đất,
thiếu việc làm và thiếu ăn. Theo thống kê của UBND xã, thời điểm đó Phú Cường
có đến 40% số hộ thuộc diện nghèo, cuộc sống của đa số người dân nơi đây lâm
vào thế bất ổn “toàn diện”...
Nếu nói “gương mặt” con người là
tấm gương phản chiếu tâm hồn và cuộc sống của họ, thì “bộ mặt” nông thôn xã Phú
Cường thời đó cũng phản chiếu sự nghèo nàn, èo uột và lạc hậu của một xã rất
nghèo. Hầu hết nhà ở dân cư là nhà tranh tre, vách đất, mái tôn rỉ sét, ọp ẹp,
cả xã không có nổi một ngôi nhà nào được gọi là bề thế, khang trang; ngay cả trụ
sở làm việc, nhà văn hóa, trường học, trạm xá, hệ thống điện thắp sáng... tất cả
đều mang tính chất tạm bợ. Đường liên thôn liên ấp thì 100% là đường đất đỏ
bazan, mùa nắng thì bụi mù, phải mặc áo mưa che bụi; mùa mưa thì bùn lầy, bết
dính, bám chặt vào bánh xe, giày dép, việc di chuyển đi lại trong thôn xã thật
khó khăn, phiền hà... Sản phẩm nông nghiệp của địa phương chủ yếu là khoai mì,
một số loại đậu, mía, chuối, hạt điều, thịt heo, thịt gà, hải sản khai thác từ
lòng hồ thủy điện Trị An... Nhưng số lượng không nhiều, chất lượng lại thấp,
bán không được giá, nên cuộc sống sinh hoạt của nhiều gia đình thiếu trước hụt
sau, phải chạy vạy lo bữa ăn hàng ngày còn chưa xong, nói chi đến việc xây nhà,
mua sắm phương tiện, hay cải thiện đời sống văn hóa. Chính vì vậy, ước mơ học
hành của nhiều con em trong xã ngày ấy cũng trở nên xa vời.
Những tư liệu thông tin và hiện
trạng xã Phú Cường mà tôi vừa khái quát và dẫn ra ở trên đã được tôi ghi chép
và lưu lại trong số tay tư liệu phóng viên của mình từ cuối năm 2005. Gần 13
năm sau, vào một ngày cuối tháng 7/2018, tôi mới có dịp trở lại xã Phú Cường để tìm hiểu,
sưu tầm tư liệu cho một bài ký về xây dựng nông thôn mới ở đây. Người đón và
đưa tôi lên Phú Cường là anh Lê Tấn Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Phú
Cường, một doanh nghiệp chuyên may mặc xuất khẩu, với hơn 3.500 công nhân, tọa
lạc tại cụm Công nghiệp Phú Cường, do Công ty CP Đồng Tiến thực hiện dự án và
làm chủ đầu tư.
Buổi sáng, trời nắng đẹp, xe bon
bon trên quốc lộ 20, qua các xã Gia Tân, Gia Kiệm, Túc Trưng, Phú Túc. Gần đến
Phú Cường, tài xế cho xe giảm tốc độ. Trước mắt tôi hiện lên một “thành phố” mới,
nhiều nhà cao tầng san sát theo chiều dài hai bên tuyến quốc lộ 20 đã mở rộng,
rải nhựa phẳng lì. Hiểu rõ mục đích chuyến đi của tôi, nên Tổng giám đốc Lê Tấn
Tài cho xe chạy vòng qua một số con đường liên ấp liên thôn trong xã. Dường như
tất cả các con đường trong xã đã được bê tông hóa đến từng ngõ ấp, từng nhà
dân. Trụ sở làm việc của xã bề thế, khang trang. Cổng chào, băng rôn, cờ hoa rực
rỡ làm nổi bật hàng chữ lớn, màu đỏ tươi:
“Xã Phú Cường đạt chuẩn nông thôn
mới”
Sau khi rảo một vòng quanh xã, “nhìn
xem phong cảnh nay đà khác xưa”, được tận mắt chứng kiến sự đổi thay hiện hữu
của Phú Cường, chúng tôi đến trụ sở làm việc của xã. Tại đây, Bí thư Đảng ủy Trịnh
Văn Trường và Chủ tịch UBND xã Trần Văn Triều đã có mặt, hồ hởi đón tiếp và
cung cấp cho chúng tôi những sự việc, số liệu và hình ảnh về quá trình tập thể
cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đoàn kết vượt khó, vươn lên xây dựng Phú
Cường từ một xã nghèo, trở thành xã giàu, đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm
2015.
Không cần mở sổ tay, hay lục xem
báo cáo, bằng trí nhớ và tự tin, Chủ tịch UBND xã Phú Cường đã thông tin cho
chúng tôi khá đầy đủ về tình hình của xã. Đến nay toàn xã có 8 ấp, hiện có
3.849 hộ với 17.628 nhân khẩu, tăng hơn gần 4.000 nhân khẩu so với năm 1990. Tổng
số lao động đang làm việc trên địa bàn xã hiện có 9.600 người, bao gồm cả lực
lượng lao động từ các xã khác đến làm việc tại Cụm công nghiệp Phú Cường. Lực
lượng lao động trực tiếp làm nông nghiệp chỉ còn hơn 2.000 người, đã giảm nhiều
so với trước năm 2014; do có nhiều người chuyển sang sản xuất công nghiệp và dịch
vụ. Riêng Cụm công nghiệp Phú Cường đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định
cho hơn 1.000 lao động trẻ, khỏe của địa phương. Lực lượng này, mỗi năm tạo nguồn
thu nhập bình quân trên 200 tỷ đồng, một con số không nhỏ, góp phần quan trọng
vào việc xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống và phát triển kinh tế của nhiều hộ
gia đình và cả địa phương. Trên địa bàn hiện có 15 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ,
trong đó có 3 doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn tại Cụm công nghiệp, hơn 10
doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất các ngành nghề chế biến nông sản, gỗ, sản
xuất vật liệu xây dựng... Cụm công nghiệp hoạt động với hơn 5.000 công nhân, đã
phát sinh hàng trăm hộ phát triển các dịch vụ liên quan như: nhà trọ, sửa chữa
xe gắn máy, sửa chữa điện thoại di động, dịch vụ ăn uống, làm đẹp và một số dịch
vụ khác. Có thể nói: sự phát triển kinh tế - xã hội của Phú Cường bắt đầu khởi
sắc tăng trưởng nhanh từ khi Cụm công nghiệp Phú Cường đi vào hoạt động. Chỉ
sau 4 năm cụm công nghiệp Phú Cường hoạt động (2014 - 2017), chỉ số phát triển
kinh tế của Phú Cường đã tăng lên gấp 4-5 lần. Trước năm 2014, bình quân thu nhập
đầu người từ 12 - 15 triệu đồng/người/năm/. Từ năm 2015 đã tăng dần và năm 2017
đạt mức bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm.
Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã
chiếm đến 60%, thì nay chỉ còn 0,1%.
Giải thích về việc xã Phú Cường
thực hiện xóa đói giảm nghèo nhanh, hiệu quả và bền vững, Chủ tịch xã đã phân tích
hiệu quả của lao động công nghiệp, khi ông so sánh: “Một công nhân đi làm trong
nhà máy với mức thu nhập bình quân mỗi tháng từ 6 -7 triệu đồng, số tiền này có
thể mua được hơn 1,3 tấn lúa, đủ gạo ăn cả năm cho 2 nhân khẩu. Trong khi đó,
những người làm nông nghiệp, do diện tích canh tác của hầu hết bà con trong xã
còn lại rất ít, một người làm ruộng, làm rẫy phải lao động vất vả cực nhọc hơn,
nhưng chỉ thu nhập bình quân mỗi tháng được khoảng 500 ngàn đồng. Như vậy, người
công nhân thu nhập một tháng bằng thu nhập cả năm trời của người nông dân. Mà
môi trường và thời gian, thu nhập lao động của người công nhân trong nhà máy lại
chủ động hơn, không phải chịu nắng mưa, bụi bặm, nhiều rủi ro như người nông
dân”.
Sự phát triển tương đối toàn diện
trên nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội đã giúp địa phương đạt các tiêu chí chuẩn
nông thôn mới năm 2015. Trong đó, riêng tiêu chí về trường học và giáo dục đã
có bước tiến bộ vượt bậc: Toàn xã hiện có 4 trường học: 1 trường Mầm non, 2 trường
Tiểu học và 1 trường Trung học Cơ sở với hơn 2.290 học sinh. Tỷ lệ học sinh đến
trường đạt 98 - 99,05%. Đặc biệt trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi đã đạt chuẩn
Quốc gia, theo QĐ số 449/QG - UBND ngày 5 tháng 2 năm 2018 của UBND tỉnh Đồng
Nai. (Trước đây toàn xã chỉ có 2 trường với vài trăm học sinh)...
Sau buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy
và Chủ tịch UBND xã trực tiếp đưa chúng tôi về thăm ấp Bến Nôm 1 là một trong
những ấp nghèo nhất xã, đã đi đầu vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống mới và
sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Hoàng Văn Huynh, người có thâm niên 30 năm làm
trưởng ấp Bến Nôm 1, bằng chất giọng lơ lớ miền Trung pha chất Nam bộ đã hồ hởi
nói như khoe với khách:
- Chị biết không, toàn bộ khu dân
cư này trước đây nhà cửa sơ sài, vách đất, cột tre, thiếu ăn, thiếu mặc… nay tất
cả đều có nhà cửa khang trang, đời sống của bà con khá đầy đủ, không chỉ cái
ăn, cái mặc mà con cái đều được học hành tới nơi tới chốn, nhiều người trong ấp
rất nhiệt tình tham gia phong trào văn nghệ, thể thao… làm cho không khí thôn ấp
luôn vui nhộn, không còn im lặng, tẻ nhạt, buồn bã như trước kia...
Đã gần vào tuổi 80, nhưng nhìn
ông Trưởng ấp còn khá phong độ, mạnh khỏe, trẻ trung. Ông khoe: “Đến năm 2018
này tôi vừa tròn 30 năm, được bà con tín nhiệm bầu làm ấp trưởng”. Có lẽ do gắn
bó, tận tình với công việc, sâu sát đến từng gia đình và người dân, nên ông
Huynh nắm rất chắc và nhớ rất kỹ lịch sử hình thành và phát triển của cả ấp
cũng như từng gia đình nơi đây. Ấp Bến Nôm 1 có hơn 200 hộ dân, vậy mà ông kể
cho tôi nghe rành rọt hoàn cảnh gia đình của từng chủ hộ và từng người trong
gia đình họ. Nào là nhà ông Nguyễn Văn Chiến là người tàn tật, trước năm 2014,
đời sống gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ khi Cụm công nghiệp Phú
Cường về đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp tại địa phương, cả 3 người con
của ông Chiến, trước đây đi làm thuê, đánh bắt cá trên sông trên hồ, đã xin vào
làm công nhân cho Công ty CP Đồng Phú Cường. Từ đó, nguồn thu nhập từ nghề thợ
may mặc xuất khẩu của các con đã giúp kinh tế gia đình ổn định dần. Đến nay với
5 nhân khẩu, bình quân mỗi tháng gia đình ông Chiến có mức thu nhập gần 20 triệu
đồng. Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, thuộc diện nghèo nhất nhì trong xã,
may mắn được xét tặng nhà tình thương mới có nhà ở, nhưng từ năm 2015, chị có 2
người con đi làm công nhân, đời sống gia đình đã trở thành khá giả.
Để góp phần “minh họa” làm sinh động
thêm câu chuyện của ông ấp trưởng ấp Bến Nôm 1, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Triều
đã nêu thêm trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Không ngụ tại ấp Bến Nôm 2. Trước
năm 2014, cả nhà làm nghề đánh bắt cá trên lòng hồ, gia đình này có 6 nhân khẩu,
gồm ông bà và 4 người con, do quá nghèo, nên được ví von là ông “Bốn không”, ngầm
ý nói: “Không nhà cửa”, “không của cải”, “không việc làm ổn định” và điều bức
xúc nhất là con cái “không được học hành”. Nhưng từ khi Phú Cường có Cụm công
nghiệp, các con ông Không được nhận vào đào tạo và làm công nhân may mặc, nên
cuộc sống gia đình dần được cải thiện, đến nay ông “Bốn không” đã trở thành gia
đình “Bốn có” là: “có việc làm và thu nhập khá, có nhà cửa đàng hoàng, có tài sản
và đặc biệt có văn hóa” vì các con ông đã được đến trường học hành kể cả các
trường phổ thông hay các lớp bổ túc văn hóa ngoài giờ tại địa phương.
Tiếp lời ông Chủ tịch, ông Huynh ấp
trưởng còn kể ra một loạt các gia đình nghèo trong ấp như hộ các ông bà: Diệp
Văn Mạnh, Trần Thị Tài, Võ Văn Pháp, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Văn Sào, Võ Thị Muộn…
nhưng từ năm 2015, khi họ có con em đi làm công nhân tại Cụm công nghiệp Phú Cường,
thì chỉ sau một vài năm tích góp, các gia đình này đã xây được nhà mới kiên cố,
khang trang, lại còn mua sắm được những phương tiện đắt tiền như xe máy, tủ lạnh,
ti vi... Các con đi làm, mỗi đứa đều sắm điện thoại cầm tay để liên lạc và cập
nhật tin tức hàng ngày. Nhắc đến xe máy, điện thoại, Trưởng ấp Bến Nôm 1 lại
càng hào hứng: Bây giờ tụi nhỏ đi làm công nhân trong Cụm công nghiệp, hàng
tháng có thu nhập khá, đứa nào cũng sắm xe máy, điện thoại mà không phải loại
thường nghe, toàn là xe tay ga và điện thoại “quẹt”... chả bù lại cho thời trước,
cả xã ai có nhu cầu mua sắm cái xe đạp cũng rất khó.
Những câu chuyện người thật, việc
thật của ông Trưởng ấp Bến Nôm 1 càng nghe càng vui. Tôi đề nghị được đi thăm một
vài điểm trong ấp. Đã là cuối chiều, từng cơn gió thổi mạnh, bầu trời có nhiều
đám mây lững lờ trôi, chắc sắp có cơn mưa. Vậy mà quang cảnh khu ấp giữa “thành
phố” mới này vẫn diễn ra trong không khí vui vẻ, nhộn nhịp. Dưới các bóng cây
bên đường, từng nhóm trẻ nhỏ mặt mày hớn hở chơi nhảy cò cò, nhảy dây… rộn rã
tiếng nói cười. Ngay trung tâm ấp là sân chơi bóng chuyền, tiếng hò reo của “vận
động viên” và cổ động viên tạo nên một bầu không khí làng quê thật thanh bình,
nhưng cũng thật sôi động, hứng khởi. Con đường dẫn đến trung tâm ấp, được trồng
nhiều hoa tươi, cây cảnh trông thật mát mắt. Trong chốc lát, khi đèn điện bật
sáng, cả thôn ấp bừng lên vẻ đẹp lung linh, nhiều sắc màu của những căn nhà được
trang trí theo phong tục tập quán, sở thích của các dân tộc người Hoa, Khơ Me
hay người Châu Ro, người Mường... đang sinh sống tại đây...
Trước khi rời Phú Cường, tôi
tranh thủ vài phút “phỏng vấn” Bí thư Đảng ủy xã, ông Trịnh Văn Trường, và rất
tâm đắc với nhận định của Bí thư khi ông cho rằng: Trong rất nhiều yếu tố như,
được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp
trên, yếu tố cán bộ và tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực khắc phục khó khăn
của đảng bộ và nhân dân của địa phương… thì một yếu tố quan trọng mang tính đột
phá, hỗ trợ tích cực nhất để Phú Cường tiến nhanh đến đích nông thôn mới như
bây giờ đó là sự tác động trực tiếp của một số doanh nghiệp sản xuất các ngành
nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đứng chân trên địa bàn. Trong đó, phải kể
đến các doanh nghiệp chuyên may mặc xuất khẩu đặt tại Cụm công nghiệp Phú Cường.
Ông Bí thư xã còn quả quyết rằng: “Ông cha ta xưa nói: “Phi thương, bất phú”,
nhưng thực tế ở Phú Cường thì có thể nói là: “Phi công bất phú”. Vì cả xã Phú
Cường, sau khi hồ Trị An ngập nước, chỉ còn gần 1.000 ha đất canh tác, hầu hết
là đất đồi, đất rẫy, khô hạn, bạc màu. Do vậy, rất khó để xã có thể nhanh chóng
thoát nghèo. Nhưng khi có sản xuất công nghiệp phát triển, kèm theo nhiều loại
hình dịch vụ liên quan mở rộng thì mấu chốt quan trọng nhất tại địa phương là
đã giải quyết rất tốt vấn đề lao động có việc làm và thu nhập cao. Hầu hết nhân
khẩu ở độ tuổi lao động đều có việc làm, hạn chế tới mức thấp nhất tệ nạn xã hội,
tình hình an ninh, an toàn trên địa bàn, tạo nên hình ảnh một xã Phú Cường sầm
uất, bình yên. Điều này cũng sát đúng với tinh thần nội dung được đề cập trong
Nghị quyết 26 của BCH TW Đảng khóa 10 là: “làm cho kinh tế nông thôn chuyển dịch
theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; các hình thức tổ chức sản xuất
tiếp tục đổi mới...”.
Và, khi tôi đề cập đến nhiệm vụ sắp
tới của Đảng bộ và nhân dân xã Phú Cường, Bí thư Đảng ủy đã nêu ra những điều
còn trăn trở: “Căn cứ theo 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao theo quyết
định số 4309/QĐ-UBND ngày 29/11/2017 của UBND tỉnh Đồng Nai, thì Phú Cường còn
phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa. Vì theo sự rà soát đánh giá cụ thể mới nhất,
hiện tại xã mới đạt toàn diện 9/19 tiêu chí. Còn 10 tiêu chí khác chưa đạt toàn
diện. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng Phú Cường sẽ quyết tâm phấn đấu thực
hiện và chắc chắn sẽ thành công. Đồng chí Bí thư nhấn mạnh: thời gian trước
đây, khó khăn chồng chất như núi, mà Phú Cường vẫn vượt lên. Bây giờ, Phú Cường
đã tạo được thế và lực mới. Toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã đoàn kết, đồng
lòng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên đã và đang xuất hiện nhiều
nhân tố mới... Chính những điều này sẽ giúp Phú Cường tiếp tục thăng hoa trên
con đường tiến lên giàu mạnh, xây dựng cuộc sống mới xứng đáng với cái tên của
vùng đất Phú Cường...
Trên đường về, xe chúng tôi chạy
nhanh hơn. Mưa quất rào rào ngoài cửa kính. Một cảm giác mát mẻ, phấn chấn.
Hình ảnh Phú Cường - một nông thôn mới với đội ngũ cán bộ là những con người
giàu tâm huyết, luôn tích cực, năng động “đưa công nghiệp về nông thôn” cứ mãi đan xen trong suy nghĩ của tôi.
Bút ký của Lê Hương Thơm