Những ngày tháng tư đánh dấu cột mốc quan trọng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang được chào đón bằng rất nhiều hoạt động khác nhau. Sự ra mắt của bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" đã thật sự mang đến luồng không khí mới cho điện ảnh Việt Nam, và chứng tỏ sự hấp dẫn của dòng phim lịch sử cách mạng.
Độ chín của cảm xúc
Có lẽ chúng ta không cần nói thêm về mức độ thành công của phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối", bởi ngay từ những ngày đầu ra rạp, bộ phim đã chinh phục được đại đa số khán giả, và đạt mức doanh thu kỷ lục. Điều đáng bàn về bộ phim chính là chất điện ảnh của một bộ phim có độ nén rất cao về mặt tư liệu, song lại chạm đến tận cùng cảm xúc của người xem. Thật vậy, biên kịch, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dùng nghệ thuật “lấy điểm tả diện", bộ phim kể về một đội du kích 21 người của một khu địa đạo thuộc xã Bình An Đông, để kể về cuộc chiến tranh khốc liệt ở một khu vực vùng ven Sài Gòn, ở đó, các chiến sĩ chỉ có vũ khí thô sơ, tự chế để chống lại dàn vũ khí hạng nặng được huy động như xe tăng M-48 Patton, xe bọc thép M113 ACAV, máy bay trực thăng UH-1 Iroquois, tàu chiến Swift Boat (PCF), tàu đổ bộ LCM-8…

Hình ảnh trong phim Địa đạo (nguồn ảnh: Internet)
Cái được gọi là sức mạnh tinh thần của các chiến sĩ của đội du kích cũng chính là độ chín trong cảm xúc, trong nhận thức và tư duy của con người trong chiến tranh. Như lời của đội trưởng Bảy Theo khẳng định về sự hy sinh của đồng đội: “tui chỉ muốn cho tụi nhỏ biết tụi nó đang hy sinh vì nhiệm vụ gì!" Những người du kích xuất thân từ nông dân chân chất, họ sẵn sàng đi theo lời kêu gọi của cách mạng mà không màng đến bản thân; cho nên nỗi ray rứt của Bảy Theo cũng được giải đáp bằng câu nói của chú Sáu - người cán bộ cấp cao có mặt trong giây phút quyết định: “Mấy đứa ở đây ai cũng đáng mặt anh hùng hết!" Những khoảnh khắc thoáng qua ấy đã khắc vào tâm can người xem một chủ nghĩa anh hùng cách mạng rất chân thật và sâu sắc.
Để tạo được độ chín cảm xúc cần thiết ấy trong phim, có lẽ cần đến rất nhiều yếu tố khác. Các nhân vật kiệm lời, ít bộc lộ cảm xúc riêng tư (như lúc Bảy Theo đoán biết con gái và đồng đội mình đã hy sinh cùng với chú Sáu, sự kìm nén lên đến tột đỉnh) phải chăng vì bên ngoài mặt đất súng đạn, bom mìn đang gào thét đến kinh thiên động địa? Ở phần đầu phim là hình ảnh một nữ du kích bị giết và bị thả trôi trên sông; song ở cuối bộ phim là hình ảnh bè chuối đặt lính Mỹ đang thoi thóp cùng với một ngún khói để dễ tìm về với đồng bọn. Biên kịch, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã mang được tinh thần thời đại, và cả hồn cốt ông cha vào một bộ phim tâm huyết. Đồng thời các diễn viên đã tạo nên một tập thể đồng nhất về mặt tinh thần, và chuyển tải được thông điệp yêu nước, nhân văn vào bộ phim vốn mang bản chất của chiến tranh là bi tráng, mất mát, đau thương…
Sự đầu tư cần thiết
Để chinh phục được các thế hệ khán giả và tạo được giá trị riêng của tác phẩm, thì trước hết, bộ phim phải đạt đến mức chân thật. Sự chân thật ấy được tái hiện qua thời gian, không gian và con người. Về thời gian, bộ phim tái hiện cuộc chiến không cân sức trong thời gian ngắn ngủi, chỉ vài tháng, và tập trung trong khoảng 24 giờ đồng hồ cuối cùng để bảo vệ hoạt động của trạm truyền tin. Kịch bản đã tạo độ căng thẳng, dồn nén khiến cho người xem luôn phải dõi theo, những diễn biến rất thật, dù nhỏ nhất. Bởi vì, theo lời Bùi Thạc Chuyên tâm sự, theo dõi để tìm câu trả lời vì sao dân tộc Việt Nam có thể chiến thắng được trong những cuộc chiến tranh không cân sức ấy? Và những con người bình dị, mộc mạc ấy sống như thế nào, yêu như thế nào trong hoàn cảnh hết sức không bình thường như thế?
Về mặt không gian, địa đạo Củ Chi đã được tái tạo trên phim trường mang lại cảm giác như thật, gần như là lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Việc phục dựng 250 mét địa đạo phục vụ cho việc quay phim đã được báo chí khai thác khá nhiều, tuy nhiên, thành công của bộ phim còn ở chỗ tạo dựng không gian đối lập nhau. Địa đạo trong lòng đất chật hẹp, tối tăm, hiểm trở bao nhiêu, thì mặt đất lại trải rộng, nóng bỏng bấy nhiêu. Không gian nào cũng khốc liệt, đau thương khi bom đạn và dấu lính Mỹ đặt lên, tuy nhiên, những người du kích bé nhỏ, nhanh nhẹn mới thực sự làm chủ những không gian ấy, làm cho nó nguyên lành, yên bình lại - yếu tố con người. Đó cũng là thông điệp người xem thấy được thông qua hình ảnh cuối của phim (như đã dẫn).
Hình ảnh trong phim Địa đạo (nguồn ảnh: Internet)
Đó là “cái giá" của 11 năm đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ấp ủ tác phẩm, hơn 2 năm làm việc của đoàn làm phim cùng với sự đầu tư chuyên nghiệp hiện đại về phim trường, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, đồ họa, hậu kỳ… Nhưng không thể không nhắc đến những chứng nhân lịch sử, những “nguyên mẫu" tạo nguồn cảm hứng cho các nhân vật của phim ra đời và tỏa sáng trên màn ảnh. Sự đầu tư đúng mức cùng với cách làm việc chỉn chu, kỹ lưỡng đã cho ra đời một tác phẩm được đánh giá là “Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế" (báo Tuổi trẻ ngày 04/4/2025).
Nguồn cảm hứng bất tận
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối phần nào đã đáp ứng được kỳ vọng của khán giả Việt Nam về phim chiến tranh cách mạng. Bộ phim được thực hiện theo phương thức mới, tư duy mới, nhưng chạm đúng vào những giá trị Chân - Thiện - Mỹ của người Việt Nam. Và đây cũng đúng là những câu chuyện, những tâm tình, những hình ảnh, thanh âm mà người Việt Nam hơn 50 năm qua muốn kể cho thế giới nghe về cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước của mình. Kể chuyện chiến tranh để nói lên khát vọng hòa bình và tình yêu cuộc sống. Cho nên, bộ phim có thể sẽ đi xa, sẽ được giới thiệu rộng rãi ở nước ngoài.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là một bộ phim chọn cái nhìn trực diện, tả thực một cách khách quan để người xem tự đánh giá, tự rút ra cho mình bài học về giá trị cuộc sống, về lịch sử. Bộ phim như một lời tri ân dành cho Củ Chi - đất thép thành đồng, và là một bài ca yêu nước bất diệt của những người dân bình thường dành cho quê hương, xứ sở của mình trong giai đoạn chống Mỹ.
Tuy nhiên, suy rộng ra, bộ phim còn cho những người làm nghề thấy được rằng trên đất nước Việt Nam, đâu đâu cũng có những người anh hùng áo vải chân đất, và đâu đâu cũng có những mặt trời chiếu rọi những nơi tăm tối, lầm than từ quá khứ... Nói về dòng phim lịch sử cách mạng, với bề dày lịch sử của đất nước, ở đâu cũng có những câu chuyện có thể trở thành những bộ phim như Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, tuy có những phương thức biểu đạt khác nhau, hình tượng nhân vật khác nhau… nhưng cùng nằm trong dòng chảy của nghệ thuật chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Ở Đồng Nai, riêng căn cứ rừng Sác và Đoàn 10 Đặc công rừng Sác cũng có thể làm nên những tác phẩm điện ảnh, tái hiện chân dung người chiến sĩ đặc công thủy đã làm nên những chiến công bất tử. Hoặc chiến khu Đ lịch sử, nay đang là “lá phổi xanh" của vùng Đông Nam bộ ẩn chứa bao nhiêu kỳ tích của chiến tranh và hòa bình, cũng là niềm tự hào của người dân Đồng Nai bao đời nay… Cần có những kịch bản hay, và sự đầu tư cân xứng với tầm vóc của mảnh đất “địa linh nhân kiệt" để có thể giới thiệu, quảng bá nhiều hơn về con người, văn hóa, lịch sử, cũng như đẩy mạnh sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Đồng Nai.